Bạn gọi điện í a í ới, sáng thứ năm mời anh đi ăn mì tàu ở Gò Vấp, vui đáo để. Vây, ăn mì tàu thì có gì thú vị mà phải hẹn hò cả hội để chỉ là ăn mì. Mà cũng không phải là quán nổi tiếng gì, bình thường thôi. Ở Bình Thạnh có mấy quán mì nổi tiếng mà ai cũng biết. Ví dụ như mì Minh Sanh, mì Cây Khế, Cây Nhãn, Đạt Phong, Hồng Phước... khách đến ăn nườm nượp, xe đổ chen chật kín đường. Hà cớ gì mà phải lội lên tận Gò Vấp, ăn mì tàu ở một tiệm bình thường ? Chắc có lẽ là do giá cả, giá mềm !
Trước năm 1975, ở góc ngã tư các khu thương mại đều có mấy quán cà phê, quán mì của người Hoa.. Và ở chợ nào trong Saigon cũng có các xe hủ tiếu, mì của người Hoa. Họ sống bình dị cùng cộng đồng người Việt đến mức tự nhiên như hơi thở của thành phố vậy. Thiếu người Hoa có vẻ như không khí mua bán của Saigon, Gia định, Chợ lớn sẽ mất đi sinh khí của một thành phố thương mại. Hồi tôi còn nhỏ, trên đường Lê Quang Định vẫn tồn tại nhiều cửa hiệu, hàng quán mà mỗi lần sai tôi đi mua đồ, các cụ hay dặn : ra tiệm các chú 2 căn, tiệm các chú đầu chợ... Cũng chẳng hiểu vì sao lại gọi là các chú ?
Trở lại chuyện mì tàu. Hồi nhỏ, hễ rủ nhau đi ăn mì thì tự nhiên là ra các xe mì, tiệm mì... tàu
Hủ tíu cũng là người tàu. Đâu có ai phân biệt gì. Lớn lên một chút mới thấy có hủ tíu Sa đéc mà chỉ có 1, 2 tiệm coi như là đặc sản...
Sau năm 1975 người Hoa vắng bóng, mấy tiệm các chú bị tịch biên, nhiều người đi kinh tế mới. Đó là giai đoạn khó khăn, lương thực chính là bo bo và bột mì. Bản thân tôi cũng phải học cách làm bánh mì và làm sợi mì để nuốt trôi cái món quỷ đó. Bột mì nhồi cho đã, bỏ vào nồi, rắc men, ủ 1 đêm sáng ra nướng. Bột mì nhào nặn, lấy cái chai cán mỏng ra từng miếng rồi lấy dao cắt thành sợi làm món mì nước bằng cách thả vào nồi nước đun sôi. Lúc đó mới thấy thèm được ăn một tô hủ tíu hay mì tàu. Và có lẽ từ đó mới xuất hiện cái từ... mì tàu
Vậy mì tàu có gì khác mì ta ? Trước hết là sợi mì. Tôi không rõ họ bỏ phụ gia gì nhưng chắc chắn là có trứng Sợi mì tàu cắt nhuyển, sợi nhỏ hay sợi bản to...tùy vào máy cán sợi. Sau này người ta có xu hướng ăn sợi nhỏ, sợi bản to chìm vào quên lãng. Phở cũng vậy, phở bắc khi mới du nhập vào Saigon, sợi phở cũng có bản to, sau đó xuất hiện phở sợi nhỏ và bây giờ không ai ăn phở bản to trừ món phở xào và... phở Hà Nội
Nước lèo nấu mì cũng khác. Dĩ nhiên là nấu bằng xương heo và... bột ngọt. Còn thứ gì nữa tôi không biết nhưng ko có xương bò. Thịt heo trong tô mì tàu thường là thái sợi rồi gan, cật hoặc thịt xá xíu ( thịt heo thái mỏng, ướp ngũ vị hương, lớp da có nhuộm màu đỏ, giống thịt mà ta hay ăn với bánh mì ) và thứ gì đó là tùy nơi. Ăn phở là phải có ngò gai chớ ăn mì tàu là một cọng xà lách. Đặc biệt của mì tàu là Giá hẹ.Ăn phở thì có tương đỏ, tương đen xềnh xệch nhưng ăn mì tàu là phải có tàu vị yểu và dấm tiều màu hơi đỏ, chua chua, vài lát ớt xắt...
Mì tàu của Saigon có đặc trưng riêng của nó và theo anh Luận đó là món mì của người Tiều ( Triều Châu).Có một lần tôi ở Đài Loan và đi ăn món mì Udon ở lề đường. Nó khác xa và ăn dở ẹc thua món mì tàu phổ biến ở Saigon... Mì Nhật và Hàn cũng ko bằng dù mấy đưa nhỏ giờ thích ăn mì tương đen kiểu hàn quốc.
Đầu hẻm nhà tôi là tiệm mì Hồng Phước nổi tiếng, hàng ngày rất đông thực khách. Quán không chỉ bán món mì một vắt, 2 vắt mà còn bán bánh mì xíu mại, hủ tiếu bò kho... Còn ở Ngả tư Bình Hòa là quán mì cây khế nổi tiếng với món mì thập cẩm. Đa kao thì có mì vịt tiềm... Ặc nhắc tới là muốn chảy nước miếng. Dù sở trường có khác nhưng họ vẫn có một nét chung là mì... tàu
TRẦN PHONG VŨ
Mời Xem :
THỬ NGHIỆM CHATGPT - Trần Phong Vủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét