28 thg 5, 2023

Tự Truyện Của GS Đỗ Đình Chiểu : HÌNH BÓNG QUÊ HƯƠNG - Chương II (Gia Đình Họ Đỗ )

Mời Xem :

Tự Truyện Của GS.Đỗ Đình Chiểu :PHẦN MỘT TUỔI THƠ GIAN KHÓ ( Chương 1 )

Chương II

GIA ĐÌNH HỌ ĐỖ

Dân xóm Giếng rất trọng gia đình họ Đỗ - cụ Đỗ Giáp và cụ bà Phùng Thị Ty.

Gia đình có hai con trai là Đỗ Chân và Đỗ Trọng Cảnh.

Sinh trưởng trong gia đình truyền thống Nho học, nên nếp sống và sự học của hai anh em luôn là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc.

Anh cả Đỗ Chân gánh giữ trọng trách là Hộ lại chuyên lo về giấy tờ hành chính, giấy khai sinh,… cho dân trong xã. Vì vậy, những nhà có đám hiếu hỷ thường mời ông đứng ra làm chủ trì; đặc biệt ông thường làm lễ tơ hồng cho các đám cưới. Hàng ngày ông ra nhà công bàn bạc công việc với đám công cánh công phủ.

Hai anh em Đỗ Chân và Đỗ Trọng Cảnh thân và thương yêu nhau vô cùng. Có gì cũng chia sẻ với nhau.

Người anh Đỗ Chân dáng người nhỏ bé, hơi thấp. Ông Đỗ Chân tính tình cương trực, thẳng thắn, thông minh, có chí lớn và tầm nhìn xa. Còn người em nom khỏe mạnh cao ráo hơn. Và rất nghe lời anh. Ra ngoài có chuyện gì chưa giải quyết được là ông Cảnh yên tâm về nhà sẽ có anh cho lời khuyên xác đáng. Ông Chân như là chỗ dựa cho ông từ việc nhỏ đến việc lớn.

Vậy nhưng những năm về sau, sống xa gia đình, không ai biết người em đã đi theo cách mạng từ khi nào. Về sau này ông Đỗ Chân cũng không kịp biết những hy sinh cống hiến của người em trai mà ông vô cùng yêu thương, khi họ đã mỗi người một phương trời cách biệt.

Mặc dù có hai người con trai thông minh, giỏi giang nhưng một lần cụ Ty lên đầu đê thấy có người bỏ con bên vệ đê. Là phụ nữ, với tấm lòng nhân hậu, cụ giở cái bọc đó, nâng đứa bé lên. Nghe tiếng trẻ khóc ọ ẹ, trong lòng xót thương, cụ quyết định bế về nuôi. Cụ ông biết chuyện, cũng rất đồng lòng với cụ bà, dù gia đình không khá giả, đời sống lúc đó còn vô vàn khó khăn. Hai cụ vốn luôn lấy tấm lòng từ bi mà đối đãi nhân thế, huống gì trong tình thế này, ai thương đứa bé đây.

Và thế là từ đó gia đình có thêm thành viên mới, đặt tên là Ba.

Đạo lý gia tiên thấm nhuần trong mỗi nếp sống và việc làm của một gia đình truyền thống Nho học. Vì vậy, với chân hộ lại, ông Đỗ Chân đã giúp cho nhiều gia đình trong vùng những việc liên quan giấy tờ thủ tục một cách chu toàn và hợp lí, hợp tình hợp nghĩa. Ông được nhiều người yêu quý. Các cô gái trong vùng cũng rất trọng người thanh niên này. Mà cũng chẳng dám mơ ước, sợ rằng viển vông.

Hòa Xá có nghề chăn tằm dệt lụa buôn bán nái. Nghề truyền thống từ thời Thành Hoàng làng chăm dân định lệ.

Dường như trên đất Việt, cứ nơi nào có nghề chăn tằm dệt lụa, là con gái nơi đó nết na, chịu thương chịu khó, và phải nói là mềm mại, duyên dáng, ý tứ. Các cụ dạy bảo: nuôi tằm thì không được nói to như cái chợ vỡ; ăn nói dịu dàng thời tằm mới trở nên nuột nà, đủ giấc, nhả ra thứ tơ óng vàng, mềm mại mà dẻo dai.

Không chăn tằm mà chỉ dệt vải, thì các cô gái cũng nết na y như đám “nuôi tằm ăn cơm đứng”. Bởi suốt ngày ngồi bên khung cửi, lách cách thoi đưa, tay chân mắt và cả thân hình tập trung cùng trí não để dệt nên những tấm vải tấm lụa mịn màng đều thớ. Nói chuyện hay cười to bỗ bã đâu có hợp với nghề dệt thủ công. Nói cười ở những chốn này cũng không được, vì tiếng thoi dệt đã át hết mọi thứ âm thanh. Hơn nữa khi dệt phải tập trung vào tay đưa đường đi của cửi và thoi. Phải giữ cho chuẩn cánh ray chân quang để quay tơ cho đều.

Mà những tấm vải tấm lụa dường như cũng có linh hồn. Chúng chỉ nuột nà khi được người dệt toàn tâm toàn ý tái tạo.

 Xóm Chùa có cô gái tên Nghiêm Thị Chịnh, là con cả trong một gia đình theo nghề truyền thống của quê hương: Dệt vải, buôn bán nái (thường gọi nái bà). Bàn tay khéo léo của cô biết chọn lựa những sợi tơ đẹp, tốt để dệt vải.

Nhà có tới tám chị em. Dưới cô Chịnh là cậu Hai Lược, cậu Ba Bò, cậu Tư Thịnh…

Là con cả trong gia đình, nên ngay từ nhỏ cô Chịnh đã theo cha mẹ buôn bán vải, bán nái dệt cửi, đi khắp các nơi để mua bán như chợ huyện, các đầu mối buôn bán. Hàng ngày ra chợ buôn nái cũng phải đi bộ năm cây từ nhà đến chợ.

Có buổi chợ sớm, chỉ có hai chị em đi. Gió bão nổi lên, bụi bốc mù mịt tối tăm mặt mày, không nhìn rõ đường đi. Hai chị em cứ thế lần theo bước chân quen thuộc trên mặt đường, mặc cho lốc đang xoáy rất mạnh. Người đi hầu như không ai nom thấy gì, vì khi ấy trời còn tối mờ, bão lại đổ về đột ngột. Mưa to trút xuống. Bỗng đâu một người đi ngược hướng đâm sầm vào khiến cô ngã lăn sang bên. Người đâm cũng không hề biết. Cậu Hai Lược đỡ chị dậy, thấy máu nhoe nhoét trên tay. Cậu đành đỡ chị ngồi phệt bên đường, rồi lần xuống vệ đường kiếm lá nhai rịt vết thương cho chị.

Bao vất vả rồi cũng phải khắc phục. Khung cửi của nhà luôn lách cách tiếng thoi đưa, như tiếng reo quen thuộc mỗi ngày để dệt ra những tấm lụa tấm vải mịn màng thơm nức mùi tằm.

Cô Chịnh dáng người dẻo dai, có duyên ngầm khiến nhiều trai làng để ý. Cô cáng đáng mọi việc thành thạo. Đảm đang giúp cha mẹ chăm sóc các em, lo toan mọi việc rất chu toàn. Trong xóm ngoài làng ai ai cũng khen thầm cô con gái cả nhà họ Nghiêm ấy. Nom dáng người và nết làm nết ăn của cô, người già có con mắt nhìn thầm khen cô con gái được người, được nết, con nhà có phúc hậu, cái dáng chắc lẳn kia ắt sẽ sinh con đàn cháu đống.

Ông Đỗ Chân đang tuổi thanh niên đã phải gánh vác nhiều việc làng việc họ, nên khá chuẩn thước, lại bận rộn. Nào đã kịp nghĩ gì đến tình yêu. Ông vốn nắm rõ các gia đình trong vùng, cũng có biết về bà Chịnh. Nhưng do thời đó, vốn chọn vợ chọn chồng là do cha mẹ sắp đặt là chính, bản tính ông lại nghiêm ngặt, nên ông thuận ý cha mẹ.

Thế là cụ Đỗ Giáp và cụ bà Phùng Thị Ty bàn bạc thống nhất sang nhà họ Nghiêm để đặt vấn đề xin dâu cho anh con trai cả là ông Đỗ Chân.

Đúng như mong muốn của bố mẹ chồng, nàng dâu quả là người đảm đang khéo léo. Bà Chịnh về làm dâu nhà họ Đỗ rất được lòng gia đình nhà chồng. Một tay lo toan việc nhà việc đồng áng, làm quần quật mà da vẫn hồng phấn, dáng người thoăn thoắt, lại dễ ăn dễ ngủ.

Bà về nhà chồng thì sắm hai khung cửi. Bà vẫn giữ nếp hàng tuần đi chợ huyện buôn bán nái, vẫn đảm đang giữ nếp dệt vải. Những đứa con lần lượt ra đời kháu khỉnh thông minh, thừa hưởng trí thông minh mạnh mẽ của cha và sự dẻo dai bền bỉ của mẹ. Sau này bà dạy cho các con gái dệt vải. Còn bà vẫn đi chợ buôn bán như thủa còn ở nhà mẹ đẻ.

Bà Chịnh sinh được tám người con, nuôi được bảy người con, sau này đều có cuộc sống ổn định và học hành tới nơi tới chốn, dù nhà rất nghèo do đông con và cũng do thời cuộc.

Người con út sau này đỗ đạt thành danh, là niềm tự hào của cả dòng họ.

Đó chính là Giáo sư Đỗ Đình Chiểu (tên ngày nhỏ là Triệu). Người con ấy sinh ra tại xóm Giếng, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay là xóm Giếng, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Hôm đó, những người có mặt lúc bà Chịnh hạ sinh cậu con trai út vẫn còn nhớ. Một ngày mùa thu khá mát mẻ. Được gọi là ngày đẹp trời.

Đó là ngày 15 tháng 10 năm 1939.

Khi đó người mẹ đã bốn mươi ba tuổi.

Chính bà ngoại đã đón và cắt rốn cho cậu bằng nứa tại nhà.

Sau những cơn quằn quại đau đớn của mẹ, bà ngoại khẽ reo:

“Một cậu bé. Cháu bà trộm vía xấu trai quá”.

(Ở các vùng nông thôn Việt Nam, ở đâu cũng không dám khen con khen cháu lấy một câu. Thường các cụ hay nói ngược, để “các ngài” không bắt đi).

Bà ngoại cậu mặt đã dịu đỡ nỗi lo âu, đặt đứa bé mới sinh lên ngực người mẹ khi nó cố gắng giải thoát khỏi cổ họng tiếng khóc chào đời trong thế giới mới. Đứa trẻ tiếp tục khóc sau một hồi ngủ gật, khi được tắm trong cái chậu đồng cổ còn được giữ qua nhiều đời. Cậu bé được đặt lên cái chõng thay đồ và vẫn tiếp tục khóc, sau đó được đặt vào vòng tay của bố.

"Con trai của tôi!".

Bố nâng cậu lên không trung; cậu bé vẫn không thôi khóc. Nhưng liền ngay sau đó là một điều kỳ diệu: cậu bé đã ngừng khóc trên đôi tay ẵm vụng về của bố, dù bố đã từng ẵm mấy anh chị của cậu.

 Cậu được đặt tên là Đỗ Đình Triệu.

Gia đình có truyền thống Nho học. Ông Đỗ Chân thừa hưởng trí dưỡng từ truyền thống gia đình, là Hộ lại chuyên lo về giấy tờ hành chính. Nên đặt tên con cái trong nhà là có ý cả. Cái tên Đỗ Đình Triệu có nghĩa là cột, là xà chống đỡ, thể hiện sự mạnh mẽ vững chắc, là sự hy vọng của bố mẹ mong con là người có tài năng, mọi người có thể trông cậy hy vọng vào.

Chữ Đình, có nghĩa là cây trúc nhỏ, cành cây nhỏ đỗ đạt. Là cây trúc nhỏ trước gió. Chữ Triệu là bắt đầu, khởi đầu; Hy vọng con sẽ tạo nên sự khởi đầu mới mẻ, tốt lành cho gia đình, mong muốn con sau này có cuộc sống giàu sang, phú quý, phát tài, phát lộc.

Quả thật sự ra đời của cậu Đỗ Đình Triệu giống như một sự truyền cảm hứng cho những người thân. Cậu nổi bật nhất trong gia đình.

Từ khi có thêm con, gia đình vui hẳn, bố thích lắm, thường hay trêu đùa với cậu con trai bé nhỏ.

Ngay từ nhỏ cậu bé Triệu đã bụ bẫm thông minh và tham ăn. Ăn no bụng phệ, nên cả nhà rất hay trêu. Bố rất thích sai cậu thổi lửa châm đóm. Nhìn cái bụng phệ đáng yêu vất vả lắm mới châm được lửa cho bố hút thuốc lào, bố càng thử thách cậu. Về sau này lớn lên, cậu mới hiểu rằng, ngay từ khi cậu rất nhỏ, bố đã có ý, việc càng khó khăn thì bố càng sai làm. Không hề nương tay với những lười nhác, không chịu lao động. Chỉ có lao động mới làm nên được nhân cách. Nên ông đã rất nghiêm khắc với đàn con. Ông hoạch định, đưa đường chỉ lối cho các con. Khi còn sống người cha mẫu mực đó là chỗ dựa vững chắc cho gia đình và vợ con.

Chính nhờ sự rèn cặp nghiêm khắc nhưng vô cùng yêu thương con cái của cha, sự dịu dàng quan tâm của mẹ mà hình thành nên tính kiên trì, chịu khó, nhẫn nại đến độ cao nhất của cậu sau này.

Một lần, khi còn nhỏ, cậu quyết định chinh phục, hay đúng hơn là khám phá dòng chảy của con sông Đáy uốn lượn phía bên ngoài đê. Sự khám phá này không phải là chạy theo dòng sông. Và làm sao mà chạy theo được sông nhỉ. Cậu chỉ ngồi bên bờ đê, nhìn ra sông. Ngồi im lặng, hai tay chống cằm. Và nghĩ ngợi. Trí óc non nớt của một cậu bé sống ở nơi làng quê nhỏ được thời khắc lặng yên và thơ mộng ấy đưa vào một không gian thanh sạch và huyền diệu.

Về sau này, bôn ba tứ xứ, hình ảnh thanh sạch của dòng sông, mùi hương bảng lảng của phù sa, cây cỏ lúp xúp ven chân đê, dòng chảy uốn quanh quanh đi qua bao làng quê ấy, luôn ngự trị, và như một lưu giữ tuệ minh nhất, để bước chân người đàn ông trưởng thành sau này luôn vững vàng trước mọi sóng gió cuộc đời.

 Hình bóng Cha

Như trên tôi đã kể, họ Đỗ - Đậu Việt Nam có truyền thống hiếu học và đỗ đạt, là dòng họ xếp thứ Sáu về khoa bảng.

Thân phụ của tôi, cụ Đỗ Chân, vốn làng xã vẫn gọi là cụ Hộ lại Bùi.

(Nói về cái danh Hộ lại Bùi, không phải cha tôi liên quan gì đến họ Bùi. Mà do theo lệ làng, sau khi có gia đình, có con trai trưởng, thì làng xã thường gọi tên vị Hộ lại lo giấy tờ hành chính theo năm sinh con trai trưởng thay cho tên húy. Anh Cả tôi sinh năm Mùi. Nên làng xã thường gọi bố tôi là cụ Hộ lại Bùi - là Mùi gọi chệch đi)

Bố tôi là một nhà Nho theo truyền thống gia đình, lại là người cương trực, nghiêm khắc từ trong dòng máu, nên ngay cả trong những lời ăn tiếng nói của bố cũng đã vạch sẵn cho anh chị em chúng tôi, rằng gia cảnh tuy đạm bạc, nhưng bố mẹ luôn quyết tâm cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bố tôi luôn tâm niệm: "Thà để lại cho con cái một bụng chữ còn hơn để của cải”.

Bố tôi là tấm gương hiếu học cho tất cả anh chị em chúng tôi.

Bố tôi rất được lòng các họ mạc gia đình bà con trong xã. Tôi chứng kiến bố đã nỗ lực giúp mọi người bất kể giờ giấc. Bà con nghề nông thì cũng chẳng có giờ giấc nào là giờ hành chính. Cứ khi cần là họ gọi. Nhà đám gọi. Nhà việc cỗ bàn gọi. Nhà cần giấy tờ cấp chứng, gọi. Bố tôi nhẫn nại và nhẹ nhàng cư xử lắm.

Cái dáng người nhỏ tầm tầm chiều cao của bố có vẻ lại là lợi thế cho sự nhanh nhẹn, giải quyết việc gì cũng gọn gàng, không chậm trễ dây dưa. Bố tôi không chỉ là chỗ dựa cho gia đình, dòng tộc; thậm chí bố còn là chỗ dựa cho nhiều nhà neo khổ trong làng xã. Người ta hay nhờ cậy bố cho lời khuyên trước mỗi sự việc khó xử, cần đến việc giải quyết giấy tờ xác minh, khai báo, kê khai, rồi giấy chứng thân, giấy chứng sinh… Nhiều lắm. Khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu hết những việc bố làm cho bà con, những buổi bố đứng làm lễ tơ hồng hay lễ tịnh siêu gì đó cùng các thầy chùa…

Có lần tôi được theo bố đi làm lễ tế tơ hồng cho con nhà ông Lý Truy. Đó là một đám cưới đời sống mới đầu tiên của làng. Bố mặc áo dài the màu đen, đội khăn xếp, nom rất đẹp và oai. Hai vợ chồng cô dâu ra giữa xóm làm lễ tơ hồng, trước khi rước dâu. Chủ tế khấn những câu tựa như những vần thơ cổ, mà nay tôi không còn có thể nhớ lại được. Sau lễ, nhà đám hỉ biếu bố tôi quà lễ. Lũ trẻ chúng tôi được quà thì vô cùng sung sướng. Cười tít khi được thưởng thức những nắm xôi mảnh thịt và hoa quả thơm ngon.

Tôi được sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học, được làm con của bố mẹ, là ơn duyên Trời Đất ban tặng.

Lúc còn nhỏ tôi được bố cho theo học tại trường Nguyễn Huệ - trường Sêu trong hai năm 1948-1950.

Bao nhiêu kí ức những buổi cắp sách đến trường ngày ấy lưu giữ là bấy nhiêu tình yêu thương khi nhớ về người cha. Những sáng sớm mưa giông, những trưa hè nắng tãi… Những búi tre làng vặn mình răng rắc, soi bóng xa xa là dòng sông.

“Con phải nỗ lực, chịu khó. Con hãy coi những buổi đến trường là ngày hội; những câu chữ đọng trong đầu con là những hạt châu hạt ngọc, là gia tài lớn của cuộc đời con…”

Tiếng dặn dò của bố luôn văng vẳng, đọng trên những nhành cây, trên thân đa sừng sững, trên búi tre rì rào, chảy xuôi theo dòng sông Đáy, trong veo và lảnh lót tiếng chim soi tăm cá…

Sau này tôi mới thấy hết giá trị của những thanh âm đó.

Tôi nghĩ, những gì mà bố để lại cho chúng tôi, kể cả những lời thủ thỉ dặn dò đó, mới chính là gia tài vô giá mà bố vun vén cho anh chị em chúng tôi.

Chiến tranh là điều không mong muốn của loài người. Vậy mà nó vẫn cứ xảy đến. Với đất nước Việt Nam bé nhỏ, chiến tranh đã làm cho cuộc sống người dân cơ cực.

Đến niên học 1949-1950, đang học nửa chừng thì ngày 1 tháng 6 năm 1950, một cái tang lớn trùm lên toàn bộ gia đình: Bố tôi trúng đạn đại bác của thực dân Pháp, ra đi, không kịp trăng trối gì, để lại mẹ tôi và đàn con nhỏ bơ vơ.

Chuyện xảy ra khi đó, tôi sẽ lại kể tiếp sau.

Huân chương dành cho Mẹ

Mẹ tôi là cụ Nghiêm Thị Chịnh, sinh năm 1896, trong gia đình theo nghề truyền thống của quê hương: dệt vải, buôn bán nái, thường gọi nái bà, là những sợi tơ đẹp, chất lượng tốt để dệt vải.

Là con cả trong gia đình, ngay từ nhỏ mẹ đã theo ông bà buôn bán vải, bán nái dệt cửi,… nên mọi việc mẹ xử lí rất thành thạo. Thế là ông bà nội tôi vô cùng toại nguyện khi chọn được con dâu trưởng xứng đáng. Hàng xóm cứ nhắc đến dâu trưởng của nhà cụ Đỗ Giáp là lại tấm tắc khen cụ bà (lạ vậy), rằng cụ bà có con mắt tinh đời, chọn được dâu hợp với mẹ chồng, dâu hiếm có, một người con gái được người, được nết, gương mặt thì thoạt nhìn cũng thấy phúc hậu, con nhà có giáo dục, hy vọng nhất là mắn đẻ, mà may thay cứ đẻ sòn sòn thật.

Đúng như kỳ vọng của bố mẹ chồng.

Mẹ tôi sinh được tám người con, Trời cho nuôi được bảy người, đều ăn học phấn đấu thành tài, thành người có ích cho xã hội, mặc dù bố tôi không may mất sớm, mẹ góa con côi suốt bao năm tháng các con ăn học, cần được chăm nom.

Lấy chồng rồi bận kiếm tiền nuôi đàn con thơ nhưng mẹ tôi không quên chữ hiếu với bố mẹ đẻ và gia đình ruột thịt. Biết mẹ đi lấy chồng sẽ là sự vất vả dồn lên vai bố mẹ và các em còn thơ dại. Nên hàng kỳ đi chợ về mẹ tôi thường tạt qua nhà ông bà ngoại giúp bố mẹ bảo ban chăm sóc các em.

Việc này bố tôi cũng biết.

Và ông luôn động viên: mẹ mày muốn làm gì thì cứ làm, làm con phải giữ chữ hiếu, nhưng cũng phải khéo léo cư xử với bên nhà chồng, kẻo bố mẹ chồng hiểu sai.

Biết được điều ấy, ông bà nội tôi lại gật gù hài lòng. Tuy nhiên bà nội vẫn phải nhắc nhở:

“Con chăm lo cho bên nhà là bố mẹ ủng hộ. Nhưng cũng phải biết giáo dục các em con bên đấy đỡ đần công việc. Giờ chúng cũng đã lớn rồi, tuổi đấy thì con năm xưa đã bươn chải…”

Mẹ tôi những muốn ôm lấy mẹ chồng, cảm động mà đáp lời:

“Con xin theo lời mẹ dạy. Các em con còn nhỏ dại, vì đứa em kế con được phép chăm lo học hành. Những đứa sau con trai chưa biết việc. Con sẽ bảo ban dần các em. Con xin cảm ơn bố mẹ đã không trách tội…”

Bà nội tôi thủng thẳng:

“Bố nhà chị, sao lại trách tội. Chúng tôi già rồi, cứ lo xa vậy…”

Sau này, mẹ tôi thường buông câu:

“Mấy đứa con dâu sau này của mẹ, liệu gương bà nội mà học. Bà là người đàn bà phúc hậu, nhân nghĩa”

Nhắc đến bà nội, mẹ và chúng tôi đều nghẹn lời. Bọn thực dân ác lắm. Năm đó tây tràn vào khắp nơi. Ngày 6/2/1947 (theo lịch âm), chúng nó bắn “chơi”, đạn lạc làm bà nội tôi chết ngay tại chỗ. Bà là người đầu tiên bị bắn chết ở làng, khi đó còn rất ít người biết đến sự thảm khốc của chiến tranh. Cứ nghĩ chiến tranh ở tận đâu.

Trước cái chết tang thương của bà nội tôi, mọi người ngỡ ngàng và bắt đầu thấy cuộc sống bị đe dọa trước tội ác do chiến tranh khốc liệt gây nên trên quê hương.

Lại kể về mẹ tôi.

Có lần cậu Tư bị sốt thương hàn. Mẹ tôi vẫn qua lại chăm sóc cậu. Chị Đào tôi lo cho mẹ, sợ mẹ lây nhiễm.

Chị cằn nhằn: U đi chăm cậu, u chết chúng con phải làm sao?

Mẹ tôi thản nhiên trả lời: Thì biết làm thế nào, nó là em mình.

Như thế đấy, mẹ tôi là một người con, người vợ, người chị, người mẹ tuyệt vời.

Nhưng suốt bao nhiêu năm tháng tôi đã để mẹ sống mà lo lắng cho người con trai út đang lênh đênh phương trời xa.

Sau ngày miền Nam giải phóng, cậu con trai út Đỗ Đình Chiểu vất vả ngược xuôi vừa dạy học, vừa nghiên cứu hồ sơ để có thể bảo lãnh mẹ, anh và em sang Pháp đoàn tụ. Sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng, gian nan và cả lo âu, đôi khi cảm giác thất vọng xâm chiếm, tôi đã làm được điều mong ước.

Tôi đã đạt được kỳ tích.

Tôi đã vui mừng bồng người mẹ chín mươi tuổi lên máy bay để đến một phương trời xa, nơi mẹ chưa thể hình dung con trai mẹ đã sống và học tập, đỗ đạt và đạt được những thành tựu bên trời tây như thế nào.

Đến châu Âu khi ấy mẹ đã chín mươi tuổi. Với ba lần phẫu thuật, mẹ đã thọ một trăm lẻ ba tuổi. Chính mẹ đã làm nên kỳ tích vi diệu nhất cho đàn con được nương vào mẹ biết bao năm tháng nhọc nhằn.

Một bác sĩ tại Pháp đã vô cùng kính nể và khẳng định, ngoài khoa học tiên tiến, bà cụ ấy đã chiến thắng những căn bệnh nhờ sự chăm sóc và năng lượng tích cực cao nhất từ tình cảm của các con dành cho cụ. Nhưng chúng tôi hết thảy đều nghĩ rằng, mẹ chính là nghị lực sống, chúng tôi chưa có được kỳ tích như thế, mà kỳ tích của chúng tôi là được có mẹ, được làm con của mẹ.

Khi mẹ tròn một trăm tuổi, tại tòa thị sảnh nơi gia đình sinh sống tại tỉnh Evry, Paris, Ban quản lí đã tổ chức mừng thọ tại hội trường, toàn bộ bàn thờ khảm trai, đỉnh đồng,… đều là đồ của Việt Nam kê bày tại đó.

Cũng ngày đó mẹ tôi được tặng huân chương: “Người phụ nữ có công sinh thành ra con đóng góp cho xã hội” (*). Ngay tại buổi lễ các con đã đồng loạt lễ sống mẹ. Đây cũng một phong tục ngàn đời rất nhân bản, hiếu nghĩa, rất đẹp của người Việt. Đại biểu và khách mời vô cùng cảm động, ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Họ đều là những người đã chăm lo giúp đỡ và chỉ bảo cho tôi. Đó là những bậc trí thức cao cấp của Pháp như Fe’lix Bertaut, Belorgey, Piere de Gilles,… và có cả ông Hoàng Xuân Hãn, Việt kiều thầy tôi,…

Mẹ tôi thật xứng đáng được nhận huân chương do Mairie (*) trao tặng. Mẹ thật giản dị. Nhưng mẹ là “Người phụ nữ có công sinh thành ra con đóng góp cho xã hội”

(*): La mairie d’evry offre madam Do chan thi Chinh la me’daille à l’occasion de ses cent ans

Elle a e’leve Do dinh Chieu pour participer à constructon de la France

(Hình 2 tấm Huân chương t

 
 

Với gia đình chúng tôi, mẹ thật vĩ đại và khiêm nhường. Mẹ đã đạt mốc MỘT TRĂM NĂM có mặt trên cõi đời, một trăm năm sống có ích cho xã hội và gia đình.

Và hơn thế nữa, mẹ tôi còn đạt mốc cao hơn: MỘT TRĂM LẺ BA năm.

Chúng con tạ ơn mẹ.

Người chú liệt sĩ

Người chú ruột Đỗ Trọng Cảnh của tôi là liệt sĩ chống Pháp năm 1953.

Bố tôi và chú hợp nhau lắm. Thấy kể, ngày nhỏ đi đâu cũng cặp đôi. Cái gì cũng chung nhau. Không ai bắt nạt nổi chú, vì chú luôn có anh bên cạnh. Người anh tuy nhỏ người nhưng có cái uy khiến lũ trẻ khác sợ.

Như bố tôi, ông bà nội tôi cũng có tìm cho chú một cô người làng. Nhưng không hiểu sao mà chú không thuận. Chú nhất quyết không chịu cưới cô ấy, và quyết định vào Nam tìm đến phương trời mới.

Chú Cảnh tôi thương các cháu như con đẻ.

Chú vào Nam lập nghiệp được một thời gian, thì quay ra thăm bố mẹ, rồi quyết định mang theo anh tôi, tức con cả của anh trai chú đi vào Nam cùng, mong cháu trai sớm nên người thành đạt.

Sau này, chú sang Campuchia sinh sống.

Sau một thời gian, chú về lại Sài Gòn, lập gia đình, rồi đi kháng chiến theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Chú tôi hy sinh trong tình huống nào chúng tôi còn nhỏ dại quá, không được biết rõ. Tôi chỉ nhớ, do được nghe kể lại, chú tôi bị bọn Việt gian giết ở khu vực Vàm Cỏ Đông. Chú còn kịp dặn lại chúng một câu: Báo cho vợ con tôi biết.

Nhiều năm sau đó trôi qua, do chưa có đủ cơ sở, chú tôi chưa được công nhận liệt sĩ.

Về sau, may nhờ có một cấp chỉ huy trên chú là ông tên Đài làm chứng, chú tôi mới được công nhận là liệt sĩ của cách mạng.

Người anh Cả mẫu mực

Người anh cả của tôi là Đỗ Mạnh Pha, sinh năm 1920.

Anh tôi vào Nam từ năm 1936 theo chú Cảnh. Lúc anh lên tàu vào Nam, tôi còn chưa sinh. Nghe kể con tàu đi rất chậm, mà may có tàu để đi. Chứ ngày đó đâu có xe cộ như bây giờ. Anh ít nói, thường trầm ngâm suy tính những việc cần làm.

Anh có nét mặt giống mẹ tôi. Người ta hay bảo con trai giống mẹ khó ba đời. Nhưng tôi muốn cải lại là con trai giống mẹ chịu khó ba đời. Quả vậy, anh tôi là một người con có hiếu, người anh mẫu mực, không ngại khó ngại khổ. Anh tự thân đã luôn nhắc nhở mình, phải biết lấy sự chăm để bù cho sự thiếu hụt của hoàn cảnh.

Anh vào Sài Gòn sống với chú, nhờ chăm chỉ, học hành đỗ đạt, nên gia đình tôi yên tâm lắm. Những năm sau này khi đã học xong, đã trưởng thành, anh Pha tôi được tuyển làm công chức Nha học chánh của Ủy phủ Cộng hòa Pháp.

 Người anh thứ theo kháng chiến

Anh trai Đỗ Trọng Đài của tôi theo kháng chiến từ năm 1949, là bộ đội công binh tham gia chiến dịch sông Lô Giang, rồi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bằng cách nào, con đường nào đưa anh tôi đi, tôi cũng không rõ. Thời bấy giờ, con người ta không thể ngồi mà lựa chọn cho mình đi ngả nào. Cơ may đến, hoặc là số phận mỉm cười cũng có thể đúng. Anh Đài tôi ra đi, gian nan khổ cực, nhưng anh đã có con đường lý tưởng để cống hiến hy sinh.

Anh lập chiến công, được tặng thưởng Huân Huy chương. Hòa bình lập lại, anh phục viên, cũng quyết tâm học hết chương trình phổ thông. Sau đó học tài chính kế toán. Nhờ thành tích học tập, và có Huân Huy chương, anh Đài tôi rất được trọng dụng. (Anh có Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Chiến sĩ Điện Biên).

Anh thay đổi nhiều đơn vị công tác. Rồi được đề bạt làm Trưởng phòng Tài chính Kế toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Khi nghỉ hưu anh vẫn được mời làm chuyên viên cao cấp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Là cán bộ được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Anh là niềm tự hào của gia đình tôi, xét góc độ cống hiến cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Anh là người con duy nhất trong gia đình, không sống ở miền Nam như chúng tôi, xa lạ với những thể chế khác biệt với lý tưởng của anh.

 Người chị với hình bóng xa mờ

Tôi còn có người chị bên trên chị Mận, tên Đỗ Thị Đào.

Chị mất khi còn ít tuổi. Mà tôi lại cũng nhỏ quá, chưa biết gì về chị. Chỉ nghe kể lại. Rằng chị đi vào Nam, và vì sao thì mất thì tôi không rõ. Cũng không mấy ai biết chị mất vì lẽ gì. Chỉ biết hàng năm ngày giỗ chị là 14 tháng 7 (theo lịch ta).

Giờ đây, khi tôi ghi lại những dòng này, chắc rằng chị đã đầu thai, đã viên mãn. Tôi cứ hình dung về người chị của tôi như vậy. Rằng chị rất đẹp. Chị là thiên sứ nhỏ. Nên chị đã bay về Trời. Và khi đầu thai lại kiếp khác, chị được vào nơi hạnh phúc đủ đầy.

Người chị thân thương

Chị gái sau chị Đào tên Đỗ Thị Mận. Tôi còn nhỏ lắm, chưa kịp hiểu mấy về người chị tảo tần của mình. Nhưng mọi người vẫn thường kể nhiều chuyện về chị. Chị tôi xinh xắn, nết na, hệt như mẹ tôi vậy. Là con gái lớn nên mọi việc trong nhà chị đều đỡ đần mẹ không nề hà. Mưa dầm gió bấc, ngoài đồng hun hút gió, chị vẫn lội ra đồng bắt con cua con cá mang về cho bữa ăn có đạm. Những ngày nắng cháy, chị phơi nắng đồng, có bận gần như ngất xỉu vì say nắng.

Sau những cái chết oan ức của dân làng, của bà nội, của cha tôi… vì đạn của bọn Tây, trong làng bí mật truyền tai nhau theo Việt Minh. Chị Mận tôi đã tham gia du kích tại làng Hòa Xá. Anh cả tôi khi ấy đã theo chú Cảnh vào Sài Gòn. Anh Đài thì vào bộ đội. Chị thành chị lớn trong nhà, ngoài thời gian tham gia với đội du kích đánh Tây, chị tôi giúp mẹ chăm sóc và dạy bảo các em.

Tháng 7/1950, đang thời kỳ đói kém, đột ngột chị bị ốm, sốt rét. Có lẽ cũng do vất vả quá, mà chị bị cảm thương hàn. Bấy giờ cũng chỉ biết đó là cơn sốt rét. Nhà nghèo lắm, lấy đâu ra tiền mua thuốc cho chị cắt cơn sốt. Mà thời đó, tôi nhớ, cũng không có tiệm thuốc tây nào ở quanh xã.

Tôi thương chị lắm, cứ quanh quẩn chăm sóc chị. Chị thều thào nói với chúng tôi: “Cố chăm chị khỏi chị nuôi đi học”. Ánh mắt chị nhìn đứa em như cầu mong sự sống.

Nhưng chị tôi đã không qua khỏi. Mẹ tôi đã tìm mọi thứ thuốc lá để đổ vào miệng chị, cầu mong sự sống trở lại với đứa con gái tần tảo. Nhưng chị Mận tôi đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10 tháng 8 năm 1950 (theo lịch ta)

Có thể nói năm 1950 là năm bất hạnh trút xuống gia đình tôi, trút xuống đôi vai gầy của mẹ. Bố chết, chị chết, hai cái tang lớn làm gia đình tôi tiêu điều xơ xác. Mẹ tôi đã gắng gỏi để không gục xuống.

Lúc chị Mận chết, mẹ tôi không còn sức lực; bà con trong làng sang giúp.  

Tôi cứ gào lên thương chị. Tôi nhớ chị lắm, nhớ lúc chị đi đón em trai đi học về, nhớ lúc chị chạy đến lớp học xin thầy giáo cho em về ăn cơm, nhớ ánh mắt chị nhìn tôi cầu mong sự sống, vậy mà không thể làm gì được. Chị tôi vẫn bay đi. Tôi còn quá nhỏ, nhà nghèo, không có tiền mua thuốc khiến chị mất đi đã đành, đến cái ván ôm chị để đưa xuống đất cũng phải nhờ cậy làng xóm.

Bây giờ tôi về làng, ra khu trường học để thăm lại. Tôi đã đứng rất lâu bên khu nhà cũ nơi xưa kia có hai lớp học. Tôi như nhìn thấy bóng chị đứng bên cửa lớp, xin thầy cho em về ăn cơm sợ em đói quá mà lả người đi.

 Người anh đốt trên

Anh kế trên tôi là Đỗ Thúc Vọng. Cũng như anh Cả, như truyền thống hiếu học của gia đình, mà bố tôi đã truyền dạy, anh Vọng tôi rất chịu khó học.

Anh tôi cũng cùng gia đình, cùng mẹ và anh chị em chia sẻ khó khăn, rất nghe lời cha dạy, chỉ học và học.

Anh tôi sau này cũng vào Nam cùng cả nhà. Sau khi vào Nam học hành thành đạt, có được bằng Luật sư.

Cô em gái nhỏ

May thay, tôi có đứa em gái là Đỗ Thị Lựu sinh năm 1942. Cô em gái nhỏ bé này của tôi đầy thiệt thòi. Em không được hưởng nhiều niềm vui được bố bế trên tay, hay bố trêu đùa như tôi hồi nhỏ. Vì khi mới sinh em, thì mọi sự trong nhà ngoài xã hội đã rất khó khăn, biến động.

Khi tản cư, sau khi bố tôi mất, mẹ cho em vào thùng và gánh đi, chúng tôi chạy lúp cúp theo sau. Bấy giờ hầu như gia đình nào trong làng xã đều khó khăn. Gia đình tôi lại còn vắng đi bàn tay chăm nom của bố, mất đi người chị gái đảm đang đỡ đần mẹ.

Vì gia đình khó khăn, nên từ nhỏ em tôi đã chịu thương chịu khó, làm đủ thứ loay hoay y như chị Mận tôi khi xưa để giúp đỡ gia đình.

Khi theo gia đình vào Nam, vượt qua mọi khó khăn nơi đất khách quê người, với bản lĩnh người con gái đất Bắc, em tôi quyết tâm học và đã trở thành cô giáo.

(Còn Tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét