29 thg 5, 2023

Eunice Foote, nhà khoa học nữ đầu tiên đã nêu ra lý thuyết về biến đổi khí hậu

EUNICE FOOTE, NHÀ KHOA HỌC NỮ ĐẦU TIÊN (VÀ CŨNG LÀ NGƯỜI ĐẤU TRANH CHO QUYỀN BẦU CỬ CỦA PHỤ NỮ -SUFFRAGETTE-) ĐÃ NÊU RA LÝ THUYẾT VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tác giả: Manuel Peinado Lorca*

Năm 1859, nhà vật lý người Ireland John Tyndall là người đầu tiên đã phát hiện ra những phân tử khí carbonic, metan và hơi nước (mà ngày nay ta gọi là khí gây hiệu ứng nhà kính, viết tắt là GES) ngặn chặn bức xạ tia hồng ngoại. Người ta xem ông là nhà khoa học đầu tiên đã báo trước những tác động mà những thay đổi nhỏ này trong thành phần của khí quyển gây ra cho khí hậu. Ít nhất đó là điều mà người ta dạy trong tất cả các phân khoa khoa học trên toàn thế giới.

Không lược bỏ bất kỳ điều gì từ những nghiên cứu của Tyndall cũng như những nghiên cứu sau này của nhà khoa học Thụy Điển đã đạt giải Nobel Steven Arrhenius, được xem là người đã phát hiện ra hiệu ứng nhà kính, các nhà khoa học đương thời không quan tâm đến công trình của Eunice Newton Foote (1819-1888). Theo chuyện kể của Leila McNeill trên tạp chí Smithsonian, nhà khoa học này (Eunice Foote) đã thực hiện các thí nghiệm của bà vào năm 1856, ba năm trước khi Tyndall nêu ra các kết quả của mình và 40 năm trước khi Arrhenius tiết lộ những phát hiện của ông.

Người phụ nữ Mỹ này là nhà khoa học đầu tiên đã đưa ra lý thuyết theo đó thì ngay cả những mức tăng vừa phải của sự tập trung khí carbonic (CO2) trong khí quyển cũng có thể gây ra một sự nóng lên toàn cầu đáng kể.

Từ đó, mối quan hệ này giữa khí CO2 và khí hậu đã trở thành một trong những nguyên tắc mấu chốt của khí tượng học hiện đại, của hiệu ứng nhà kính và của khí hậu học. Nhưng không có ai đã nhìn nhận rằng Foote là người đầu tiên phát hiện ra điều đó – hơn nữa, bà còn là một trong những người thiết lập Công ước Seneca Falls, hội nghị đầu tiên vào năm 1848 bàn về quyền phụ nữ.

Bị lãng quên trong hơn 150 năm

Theo chuyện kể của McNeill, hàng trăm nhà khoa học, nhà sáng tạo và những người nghiệp dư nam giới đã họp sáng ngày 23 tháng tám năm 1856 ở Albany, thuộc tiểu bang New York, đó là buổi họp thường niên thứ 8 của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ (AAAS - American Association for the Advancement of Science) - những hội nghị này quy tụ các nhà khoa học Mỹ để chia sẻ thông tin về những khám phá mới, thảo luận về những tiến bộ trong các lĩnh vực chuyên môn của họ và thăm dò những lĩnh vực nghiên cứu mới. Chưa bao giờ cuộc gặp gỡ đã thu hút nhiều người tham dự như hôm đó.

Tuy nhiên, không có một nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt nào được trình bày… ngoại trừ đáng chú ý là một phúc trình, mà tầm quan trọng khoa học đã không được biết đến cho đến khi nó được Raymond P. Sorenson lôi ra từ quên lãng vào năm 2010.

Nhưng, trước sự ngạc nhiên của mọi người, nghiên cứu được nêu ra, có tựa đề Circonstances affectant la chaleur des rayons du soleil (Những trường hợp tác động đến sức nóng của các tia mặt trời), lại được ký tên bởi một phụ nữ, Eunice N.Foote.

Vào thời kỳ đó, phụ nữ không được phép trình bày các báo cáo tại AAAS: vậy là Joseph Henry, một giáo sư của Smithsonian Institution đảm nhận việc trình bày công trình nghiên cứu. Nhưng tài liệu của Foote cũng như bài trình bày của Henry đã không hề được ghi lại trong biên bản của hội nghị. Tháng 11 năm 1856, American Journal of Art and Science, tạp chí của AAAS, chỉ công bố một trang rưỡi ngắn về đề tài này.

Trong quyển năm 1857 của Niên giám Annual of Scientific Discovery, nhà báo David A.Wells công bố một tóm tắt của công trình. Về cuộc họp thường niên này, ông viết:

“Sau đó giáo sư Henry đã đọc một bài báo của bà Eunice Foote, sau khi đã nói vài lời theo đó bà đã nói rằng “khoa học không thuộc về quốc gia cũng không thuộc về giới tính nào. Thế giới của phụ nữ bao gồm không chỉ cái đẹp và cái hữu ích, mà cả cả cái chân thật.”

Trong phiên bản tháng chín năm 1956 của Scientific American, mang tựa đề Scientific Ladies, một thời luận ca ngợi Foote đã biến những niềm tin của bà thành hành động:

“Một số người đã không những duy trì, mà còn nói ra ý nghĩ tai hại theo đó phụ nữ không có sức mạnh tinh thần cần thiết cho nghiên cứu khoa học.[…] Những thí nghiệm của bà Foote chứng tỏ quá đầy đủ năng lực nghiên cứu của phụ nữ trong bất kỳ đề tài nào một cách độc đáo và chính xác.”

Khoa học làm tại nhà

Thí nghiệm tiên phong của Foote được thực hiện “tại nhà” một cách tài tình. Nhờ vào bốn nhiệt kế, hai ống tròn bằng thủy tinh và một bơm hút chân không, bà đã cô lập được những khí tạo nên bầu khí quyển và phơi chúng dưới những tia nắng mặt trời, giữa trời nắng cũng như trong bóng mát.

Bằng cách đo sự thay đổi nhiệt độ, bà đã phát hiện ra là khí carbonic và hơi nước hấp thụ đủ sức nóng để tác động đến khí hậu:

“Một bầu khí quyển với khí CO2 sẽ làm tăng nhiệt độ của Trái Đất của chúng ta; và nếu như một số người giả định, vào một thời kỳ nhất định của lịch sử, không khí trộn lẫn với khí CO2 theo những tỷ lệ quan trọng hơn bây giờ […] kết quả tất yếu là nhiệt độ sẽ cao hơn.”

Vào thời điểm đó, Foote đã đi trước khoa học của thời đại của bà một số năm. Điều mà bà mô tả và nâng lên thành lý thuyết không gì khác hơn sự nóng lên dần dần của bầu khí quyển của Trái Đất, điều mà bây giờ ta gọi là hiệu ứng nhà kính.

Bà đã làm điều đó ba năm trước John Tyndall mà những thí nghiệm tinh xảo hơn của ông đã chứng minh một cách chắc chắn rằng hiệu ứng nhà kính của Trái Đất là do hơi nước và các khí khác như CO2 hấp thụ và phát ra năng lượng nhiệt hồng ngoại. Trong công bố của mình, Tyndall không đề cập đến Foote. Ta không biết là ông không biết công trình của bà ấy hay ông cho rằng nó không thích đáng.

Theo Roland Jackson, có khả năng là ông không biết công trình của Foote.

“Thông tin khoa học trực tiếp giữa hai bờ Đại Tây Dương là hiếm hoi trong thập niên 1850, và vì các cơ quan nghiên cứu của Mỹ ít quan trọng ở châu Âu, các mối quan hệ cá nhân mang một tầm quan trọng đặc biệt”.

Cho nên ít có cơ may cho một nhà nghiên cứu nữ người Mỹ sống trong vùng Albany vào giữa thế kỷ XIX có những mối liên hệ với các nhà khoa học nổi tiếng. Và điều này bất chấp giáo dục của Foote, kỳ quặc đối với thời đại của bà. Theo John Perlin, người đã vận động trong nhiều năm để trả lại cho Foote một chỗ đứng trong khoa học:

“Trong thời niên thiếu, Foote đã theo học trường Troy Female Seminary [một trường dự bị đại học dành cho nữ -ND-], các học viên nữ của trường được mời tham dự các hội nghị về các khoa học, ở một ngôi trường sau này trở thành Rensselaer Polytechnic Institute, được thành lập bởi Amos Eaton, một cựu chủ tịch bị kết án tù chung thân vì gian lận [trong mua bán đất đai -ND-] rồi được phóng thích sau bốn năm để tiếp tục công việc của người truyền bá giáo dục khoa học.”

Eaton xác tín rằng nam giới và nữ giới phải được tiếp cận giáo dục khoa học như nhau: một ý tưởng ngông cuồng vào đầu thế kỷ 19. Để đạt được mục tiêu của mình, ông dựa vào Emma Hart Willard, giảng viên sáng lập trường Troy Female Seminary, một nhà giáo dục và nhà hoạt động đã biên soạn chương trình đầu tiên về giáo dục khoa học cho nữ giới, cũng tốt và thậm chí tốt hơn bất kỳ một chương trình nào dành cho nam giới. Eaton cũng đã thực hiện việc xây dựng các phòng thí nghiệm hóa học tại hai trường, vốn là những trường đầu tiên trên thế giới được xây dựng dành riêng cho nữ sinh viên. Chính ở đó Foote đã phát triển những năng lực của mình trong các khoa học thực nghiệm.

Đối với một phụ nữ như Eunice Foote, cũng là một nhà hoạt động trong phong trào đòi quyền phụ nữ, quả là không dễ chịu khi bị loại ra khỏi việc trình bày phát hiện của chính mình. The Road to Seneca Falls của Judith Wellman cho thấy Foote đã ký Tuyên ngôn Tình cảm Seneca Falls năm 1948, và được chỉ định cùng với nhà hoạt động cho phong trào bãi nô Elizabeth Cady Stanton để biên soạn các biên bản của Công ước nhằm mục đích xuất bản.

Như nhiều nhà khoa học nữ khác mà lịch sử đã lãng quên, số phận của bà minh họa cho những hình thức phân biệt đối xử đã giữ người phụ nữ ở hậu trường của khoa học. Công trình của Foote về khí gây hiệu ứng nhà kính không thay thế công trình của Tyndall, ông đã có một phòng thí nghiệm được trang bị hoàn hảo và toàn bộ những phát hiện của ông đã thích hợp hơn với khoa học hiện thời. Nhưng đưa những nghiên cứu của Foote năm 1856 vào lịch sử khí hậu học cũng là một cách để nhắc lại rằng con đường để hiểu những tương tác của con người với khí quyển là kết quả của một nỗ lực liên tục từ hơn một thế kỷ rưỡi nay.

Và chính là một phụ nữ đã mở ra con đường.

Bài báo gốc được công bố bằng tiếng Tây Ban Nha.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: Eunice Foote, la première scientifique (sufragette) à avoir théorisé la changement scientifique, The Conversation, 21.12.2022.


Chú thích:
* Giáo sư đại học. Giám đốc Vườn Bách Thảo Hoàng gia, Đại học Alcalá

 

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét