Hoa Kỳ tách khỏi truyền thống của Âu Châu trong vấn đề giáo dục. Sau khi lập quốc, họ hướng về việc địa phương phân quyền và phát triển truyền thống thực dụng.
Ý niệm địa phương tự quản trị đã được đem từ Anh sang. Nhưng hiến pháp HK không ghi chú vai trò của chính phủ liên bang, và vì vậy, quyền nầy thuộc về mỗi tiểu bang. Lịch sử giáo dục HK cho thấy giáo dục là trách nhiệm của mỗi tiểu bang, do đó có nhiều khác biệt về tổ chức giáo dục giữa các tiểu bang. Nhưng hầu hết các bang lại ủy quyền quyết định lại cho các Học Khu qua luật của từng bang, và bang chỉ giữ lại một số rất ít quyền hạn. Nói cách khác, học khu ở địa phương là đơn vị chính yếu quyết định mọi vấn đề liên quan đến giáo dục Tiểu Học và Trung Học. Các học khu nầy hoàn toàn độc lập về hành chánh và tài chánh đối với các thị xã hay county.
Các Trung Học tổng hợp của HK là một sự thể hiện của triết lý giáo dục thực tiễn. Trung Học không chỉ là chỗ đào tạo ra những sinh viên Đại Học, mà còn chuẩn bị cho những học sinh có thể ra đời với một nghề trong tay nếu học sinh lựa chọn điều đó.
Các Đại Học được cấp đất: Phong trào thiết lập những Đại Học canh nông và cơ khí, mở đầu cho việc thực hiện triết lý thực tiễn ở giáo dục hậu trung học. Phong trào nầy gắn liền với sự tăng gia tin tưởng vào khoa học và các thực dụng của nó. Đạo luật Morill vào năm 1862 cấp 30,000 mẫu đất liên bang cho mỗi Đại Học mở ở cấp tiểu bang. Các đại học nầy đều mang tính chất thực tiễn với các môn canh nông, kinh tế gia đình, thú y, và khoa học ứng dụng.
Các Đại Học cộng đồng: Vào đầu thế kỷ 20, phong trào Đại Học cộng đồng được phát khởi. Đại Học cộng đồng chỉ dạy những môn của hai năm đầu của chương trình Cử Nhân (bachelor) 4 năm. Sinh viên muốn theo đuổi chương trình Cử Nhân, thì lúc vào phải có tốt nghiệp Trung Học. Thêm vào các Đại Học nầy còn giảng dạy hầu hết những môn thực dụng cho học sinh nào muốn ra trường với một nghề sau hai năm học.
Để đáp ứng với nhu cầu của sự thay đổi trong các nghề nghiệp, và để giúp cho người lớn trong cộng đồng có thể trở lại với giáo dục hậu Trung Học, các Đại Học cộng đồng thâu nhận bất cứ người nào trên 18 tuổi, muốn học nghề, dù không có tốt nghiệp Trung Học. Họ sẽ được học thêm Anh văn và Toán, nếu cần, để có thể theo đuổi một ngành chuyên môn mới.
Nói khác đi, Đại Học cộng đồng là trung tâm giáo dục ở địa phương, mà nơi đó dân chúng có thể theo đuổi học vấn tổng quát, để tiếp tục học cao hơn, hay học vấn chuyên nghiệp để có một nghề. Học phí ở Đại Học cộng đồng rất nhẹ. Tóm lại các cơ chế giáo dục như khu học chánh địa phương, các trường Trung Học tổng hợp, các Đại Học cộng đồng, và các Đại Học chuyên nghiệp là sự thể hiện truyền thống giáo dục thực tiễn của HK.
*Ảnh hưởng của truyền thống thực tiễn trên triết lý “khai phóng” của VN.
Trong thập niên 1964-1974, đã có khá nhiều sinh viên, công chức tốt nhiệp ở HK trở về phục vụ trong nhiều ngành khác nhau ở VN. Qua cơ quan USAID (United States Agency for International Development), nhiều đại học HK gởi các toán chuyên viên sang giúp các đại học VN. Một vài thí dụ: Nhóm Florida trong ngành canh nông, nhóm Missouri lo về kỹ thuật, nhóm Ohio lo về đào tạo giáo chức cho các Trung Học tổng hợp và sự phát triển các Trung Học nầy, nhóm Illinois lo về đào tạo giáo chức Tiểu Học v.v… Với khuynh hướng cải tổ và với số nhân lực mới, triết lý khai phóng đã được thi hành.
– Việc dân chủ hóa nền giáo dục nói chung: Bộ Giáo Dục đã đưa ra chính sách dân chủ hóa giáo dục với chiều hướng kêu gọi sự thành lập các hội đồng giáo dục địa phương. Bước đầu của chính sách nầy là sự thành lập Sở Văn Hóa và Giáo Dục ở mỗi tỉnh. Sở nầy coi luôn Trung và Tiểu Học (không như trước kia chỉ có Ty Tiểu Học ở mỗi tỉnh, trong lúc các Trung Học vẫn trực thuộc Bộ). Bên cạnh mỗi Sở có một Hội Đồng Cố Vấn để dân chúng địa phương có tiếng nói trong việc giáo dục con em.
–Việc giáo dục hướng nghiệp qua các trung học kỹ thuật và trung học tổng hợp.Hai Trung Học tổng hợp đầu tiên có tên là Trung Học Kiểu Mẫu, một ở Huế (1964) và một ở Thủ Đức (1965). Hai trường nầy trực thuộc hai Đại Học Sư Phạm Huế và Saigòn theo thứ tự trên. Chương trình học phỏng theo mô hình của Trung Học tổng hợp HK. Ngoài các môn kiến thức tổng quát, các trường nầy còn thêm các ngành như kỹ thuật, canh nông, và kinh tế gia đình.
Điều đáng chú ý là khuynh hướng école unique ở Pháp cũng có ảnh hưởng nhiều đến việc cải tổ chương trình Trung Học. Lý do là những người giữ vai trò quan trọng trong guồng máy giáo dục đa số vẫn là những người đã được đào luyện từ giáo dục Pháp.
Việc tổ chức các ban chuyên khoa ở Đệ Nhị Cấp là một tổng hợp giữa ảnh hưởng Pháp, Mỹ và tinh thần “khai phóng” của VN. Đệ Nhị Cấp ở các Trung Học tổng hợp mới có thể lên đến tám ngành thay vì chỉ có 4 như các Trung Học thường.
– Việc thiết lập các Đại học Cộng Đồng và Đại học Bách Khoa:
Ý tưởng về giáo dục cộng đồng đã được giới thiệu vào VN ngay từ năm 1954, bắt đầu với một số các trường Tiểu Học.
Đến đầu năm 1970, ý tưởng Đại Học cộng đồng (ĐHCĐ) được giới thiệu ở VN do một công chức kỳ cựu của Bộ Giáo Dục. Ông nầy đã được đào tạo trong hệ thống giáo dục Pháp và đã đi tu nghiệp ba năm ở HK và trở về VN với bằng Ph.D. về giáo dục. Chính luận án của ông về Đại Học cộng đồng và vai trò của ông trong Bộ Giáo Dục mà ý tưởng về việc thành lập các Đại Học cộng đồng được bàn cãi sâu rộng, và được chấp thuận.
Năm 1971, Tổng Thống VNCH ban hành nghị định thành lập hệ thống Đại Học cộng đồng. Hai ĐHCĐ đầu tiên ở VN: Tiền Giang (ở Mỹ Tho) và Duyên Hải (Đà Nẵng) được thành lập cùng năm 1971. Sau đó có nhiều địa phương khác xin xúc tiến việc mở các Đại Học nầy vì thấy tính cách thực dụng của nó trong việc đào tạo các chuyên viên Trung Cấp ở nhiều ngành cho phù hợp với sự phát triển ở địa phương.
Ngoài ra, vào năm 1973, VN cũng thành lập một Đại Học Bách Khoa ở Thủ Đức với nhiều trường chuyên nghiệp về kỹ thuật, canh nông, công kỹ nghệ v.v… nằm ngay trong khu Đại Học nầy. Mục tiêu chánh là để mở rộng các ngành học thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng đất nước.
*Dĩ vãng, hiện tại, và tương lai
Dĩ vãng
Triết lý giáo dục hay đường hướng giáo dục “nhân bản, dân tộc, và khai phóng” đã ảnh hưởng đến hơn 25 triệu dân ở Nam vĩ tuyến 17 trong khoảng thời gian 1954-1974. Nhóm dân nầy giờ đây đã ở vào lứa tuổi 35-70 hoặc già hơn. Những cải tổ giáo dục liên quan đến khai phóng đã có một thời sôi nổi. Từ 1971-1972 đã có những toán học sinh tốt nghiệp từ hai Trung Học tổng hợp đầu tiên trong nhiều ngành mới trong kỹ thuật, canh nông, kinh tế gia đình v.v… Cho tới năm 1974 chưa có khóa sinh nào tốt nghiệp từ các đại học Cộng đồng, hay Bách khoa.
Những cải tổ về giáo dục theo đường hướng “khai phóng” chưa có một kết quả rõ rệt, đã phải chấm dứt sau tháng tư, năm 1975. Một thập niên sau năm 1975, ba chữ “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, không được ai ở VN nói tới nữa, hay chỉ nói trong thầm lặng.
Hiện tại
Đại đa số của số 25 triệu dân nầy còn ở lại trong nước. Họ đã, dù muốn hay không, phải nhận lãnh thêm những (hay chỉ một) đường hướng giáo dục mới, thật xa lạ. Còn một số nhỏ, độ hơn một triệu (mà hiện nay nếu kể cả những người đoàn tụ, số nầy lên khoảng ba triệu người) đã rải ra rất nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói đây chính là những người, trong cái rủi của sự bỏ nước ra đi, đã và đang thực sự hưởng được cái may của những gì liên hệ đến ba chữ “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, nhất là số người cư ngụ tại các nước có một nền dân chủ trưởng thành như : Pháp, Anh, Đức, Hòa Lan v.v… thuộc Âu Châu; Gia Nã Đại, HK v.v… thuộc Mỹ Châu; Tân Tây Lan, Úc, thuộc Úc Châu và Nam Hàn, Nhật, thuộc Á Châu.
Tương lai
Hy vọng rằng một ngày nào đó, toàn thể dân Việt được sống trong đường hướng giáo dục đó. Ước vọng nhỏ bé hơn, là trong mỗi gia đình của chúng ta, những người Việt hải ngoại, dù ở quốc gia nào, cũng dùng ba đường hướng “nhân bản, dân tộc và khai phóng” theo nghĩa rộng hơn những gì của dĩ vãng, để làm triết lý giáo dục riêng cho từng gia đình, thích ứng với hoàn cảnh của quốc gia mới mà gia đình đã nhận làm tổ quốc mới. Và dù là thuộc về tổ quốc mới nào đi nữa thì nguồn gốc của chúng ta vẫn là dân tộc VN, một sự kiện sẽ vẫn đứng vững mãi với thời gian.
Theo đường hướng “khai phóng”, để theo kịp ý niệm toàn cầu hóa, để tiến bộ; theo đường hướng “nhân bản” để biết sống trong tình người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, hay biên giới quốc gia v.v…; và theo đường hướng dân tộc để mãi mãi nhớ đến nguồn gốc của hai tiếng Việt Nam thân yêu.
Tài liệu tham khảo
Bougle, C.C. Alfred. (1938). The French conception of “culture generale” and its influence upon instruction. Columbia University, New York.
Kim Định. (1970). Hiến chương giáo dục. An Tiêm, Saigòn, Việt Nam.
Lin, Yutang. (1943). The wisdom of Confucius. Random House, New York.
Nguyen, Phuoc H. (1974). Contemporary educational philosophies in VietNam, Unpublished doctoral thesis, University of Southern California (USC), Los Angeles, California.
Trần, Tọng Kim . Nho giáo. Tân Việt, Saigon, Việt Nam
TS Nguyễn Hữu Phước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét