Chữ nghĩa làng văn
*
Ký, Đường, Tự, Kim - 1
Chữ Kim 金
Ở các tiệm vàng. Trước 1975 ở miền Nam,
tên tiệm vàng nào cũng có chữ Kim. Nó bắt
nguồn từ một thương hiệu vàng nổi tiếng ở Việt Nam là vàng lá Kim Thành. Vàng lá Kim Thành là
nhãn hiệu vàng thương phẩm nổi tiếng vào thời kì trước 1975, được dùng làm
phương tiện trao đổi và cất giữ tài sản. Vàng lá bọc chung trong lớp giấy dầu
mang nhãn hiệu nhà Kim Thành.
(Đỗ Duy Ngọc)
Hư từ
Như ta nói “lính nghĩa quân” hay “cháu đích tôn” thì những chữ “quân”, “tôn” là hư từ… (là chữ dư thừa).
Vì “lính” đã là “quân”, cháu đã là “tôn”, và “chỉ” đã là “giấy” rồi.
(Nguyễn Ngọc Phách – Bút chiến ở miệt dưới)
Ký, Đường, Tự, Kim - 2
Kim Thành là nhà buôn bán và tinh chế vàng lớn nhất vào lúc đó, trụ sở tại Sài Gòn,
chi nhánh tại Hà Nội, Hồng Kông và Phnôm Pênh. Vàng lá Kim Thành nổi tiếng nên các tiệm
buôn vàng bắt chước theo gắn tên Kim vào tên hiệu của mình.
(Đỗ
Duy Ngọc)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“sáng: sáng lạn → không viết: sán. Gs Nguyễn Văn Khang
(viết đúng = xán lạn)
(Hòang Tuấn Công)
Nguôi hoai
Để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ "nguôi ngoai". Thật ra là "nguôi hoai".
Trong các từ điển cổ, "hoai" có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ "phân đã hoai". "Nguôi hoai" là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau.
(Nguyễn Hưng Quốc - e-cadao.com)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“sao: thôi sao. → không viết: xao.” Gs Nguyễn Văn Khang
viết đúng = thôi xao
(Hòang Tuấn Công)
Góp nhặt làng văn xóm chữ
Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 1
Nguyễn Đức Quỳnh trước 1945
Đầu thập niên 1940, sau thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn, văn học Việt Nam bước vào một giai đoạn mà Phạm Thế Ngũ gọi là giai đoạn Phục Hưng. Phạm Thế Ngũ giải thích: “Phục Hưng đây không chỉ có cái nghiã phục cổ (restauration) mà còn có cái nghĩa phục sinh (renaissance). Hai tạp chí nổi bật trong giai đoạn Phục Hưng này là Thanh Nghị và Tri Tân. Nhóm Hàn Thuyên trẻ trung hơn, mang tinh thần tranh đấu mạnh hơn, do Nguyễn Đức Quỳnh cùng Trương Tửu thành lập, quy tụ những Nguyễn Đình Lạp, Đặng Thái Mai, Nguyễn Tuân, vân vân.
Nhóm Hàn Thuyên xuất bản tạp chí Văn Mới, một nguyệt san văn học. Theo Trương Tửu tiết lộ sau này thì Nguyễn Công Tiễu, anh rể Trương Tửu, bỏ vốn mở nhà in trên phố Tiên Tsin- nhờ Nguyễn Đức Quỳnh quen biết nhiều.
Những người viết và in nhiều sách nhất trong nhóm Hàn Thuyên là Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu (lý luận). Lương Đức Thiệp viết Việt Nam tiến hóa sử (1943), v…v…
Một điều biết chắc là Nguyễn Đức Quỳnh có nghiên cứu chủ nghĩa Mác xít, một trong những người Việt Nam hiếm hoi có đọc sách Karl Marx. Ông đã dịch bộ Tư Bản, (Das Kapital) của Karl Marx sang tiệng Việt, dịch từ bản tiếng Pháp Le Capital với tên Tư Bản Luận. Ông hoàn tất việc dịch thuật này năm 1950.
Đỗ Quý Toàn)
Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”
Ăn Bún Cá gần trường Ams
(Nguồn: Tôi đi đâu)
Góp nhặt làng văn xóm chữ
Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 2
Từ Chiến khu Tư đến Sài Gòn
Sau năm 1945, Nguyễn Đức Quỳnh trở lại Thanh Hóa, nơi Nghiêm Xuân Hồng còn nhớ, “Tôi đã thấy một hình ảnh anh Quỳnh hồi 1940-41. Thấy anh người cao, quắc thước, mặc chiếc áo dài ta rộng, tay cầm chiếc quạt, đương đi rảo bước trên hè phố tỉnh lỵ Thanh Hóa.
Mai Thảo đã viết về Nguyễn Đức Quỳnh trong bài “Ngôi sao Hàn Thuyên,” đăng trên tạp chí Văn, có đoạn nhắc đến lời đề tặng do Nguyễn Đức Quỳnh viết cho anh như sau:
“Mai Thảo ơi ! Sông Mã sông Chu có cầu không nhỉ? Đó là câu đề tặng sau này, cuốn Ai Có Qua Cầu, anh Quỳnh viết cho tôi, trong cái ý gợi tôi nhớ lại cùng anh mấy lần gặp mặt giữa hai giòng Chu, Mã chảy song song trên địa hình Thanh Hoá.”
Mai Thảo nhớ lại cuộc gặp gỡ Nguyễn Đức Quỳnh: “Bấy giờ là mùa Hè 1948. Năm kháng chiến thứ ba. Pháp … tổng càn quét… Tôi chạy vào Khu Tư được phái đi tham dự hội nghị văn nghệ liên khu tổ chức tại làng Quần Tín, tỉnh Thanh Hóa. Trong cái đám hai trăm đại biểu từ khắp nơi đeo bạc đà, vượt tiêu thổ, về họp mặt dưới những chùm hoa gạo đỏ thắm trên mái đình làng Quần Tín, người Hàn Thuyên gần đủ mặt, chỉ thiếu Lê Văn Siêu (...)
Đã ngót ba mươi năm. Tôi còn như đang nhìn thấy anh đến. Tráng kiện, mạnh mẽ. Khuôn mặt rám nắng, vầng trán mênh mông. Cái nhìn sáng và sắc, chém đinh chặt sắt (...) và nụ cười, nụ cười thân yêu bè bạn sau này không bao giờ quên của cả một lớp người văn nghệ trẻ tuổi ở miền Nam, anh Nguyễn Đức Quỳnh tức khắc là “người” của đám người viết mới như tôi trong đại hội.
Bên cạnh một Trương Tửu lè phè, xập xệ, một Đặng Thái Mai nhợt nhạt đau yếu, anh là khuôn mặt sống động và nghệ sỹ nhất của nhóm Hàn-Thuyên chúng tôi thấy mặt lần đầu. Thực ra, tới năm đó, Hàn Thuyên không còn nữa, Hàn-Thuyên đã chia lìa.”
(Đỗ Quý Toàn)
Bên lề chữ nghĩa
Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”
Xem múa rối nước tại nhà hát múa rối hồ Gươm
(Nguồn: Tôi đi đâu)
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Nguyễn Quang Thân (1936-2017)
Một lần, bước vào một phố cổ nhỏ, phố mang tên L'Esprit des Lois (Tinh thần Pháp luật, tác phầm lừng danh của Montesquieu, nền tảng của thể chế tam phân quyền đời nay), tôi buồn buồn nghĩ : ngày nào ở Hà Nội mới có một con đường mệnh danh Bình Ngô Đại Cáo ? Vài phút sau, trong một phố khác, khắc trên mặt đường, một câu văn của Montaigne. Tôi bùi ngùi. Đúng, Bordeaux có quyền tự hào là quê hương của một trong những ngòi bút đã sáng tạo ra tiếng Pháp hiện đại mà Thân và tôi đang dùng.
Bữa đó, chẳng biết tán gẫu với nhau thế nào mà khiến chàng nói : Tôi là nhà văn coi như nếu tôi đã viết một câu văn tồi, thì toàn bộ tác phẩm của tôi đáng vứt vào sọt rác. Tôi hiểu liền, ớn ớn. Hay càng tốt, dở chẳng sao, đúng thì mừng, sai thì nhận, có sao đâu. Nhưng, viết tồi thì không viết.
Lạ thật, có lẽ chỉ riêng với chàng, câu nói ấy không khiến tôi bật cười. Tôi chỉ nghĩ : ông anh thức thách ở mức cao đấy. Từ đó, mỗi khi có dịp đọc hay đọc lại một tác phẩm của chàng, tôi chú ý xem có câu văn tồi nào chăng. "Đành" công nhận : Nguyễn Quang Thân là nhà văn không có khả năng viết một câu văn tồi.
Tôi cũng viết lăng nhăng đủ thứ văn phong trong đủ thứ lĩnh vực. Tôi cũng mong được như Nguyễn Quang Thân, sẽ không bao giờ viết môt câu văn tồi hay đểu.
Khó quá. Để xem sao.
(Phan Huy Đường)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Những người râu mép ngoảnh ra
Mép dày môi mỏng, ấy là tinh khôn
195 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tản Đà nức nở khen chữ “vẳng” (*) và chữ “giật mình” (*) , nó ẩn chứa kín đáo nỗi ngậm ngùi của một tấm lòng hoài cổ. Anh phu xe lúc đầu còn chạy hơi nhanh, lúc này đi thong thả để lắng nghe. Tản Đà lại đọc tiếp bài “Áo bông che đầu” của Tú Xương:
Ai ơi còn nhớ ai không?
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu.
Nào ai có tiếc ai đâu (6),
Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô.
Người đi Tam đảo, Ngũ hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.
Non non, nước nước, tình tình,
Vì ai tươi thắm cho mình ngẩn ngơ (9).
Bài thơ này nói về mối tình thắm thiết của Tú Xương với cô Cõn (tức bà Hai Đích), con gái út rất đẹp của tiến sĩ Vũ Công Độ ở Vị Xuyên. Thời trẻ, hai người yêu nhau thắm thiết nhưng ông tiến sĩ không chịu gả vì cho rằng Tú Xương không có sự nghiệp. Rồi cô Cõn phải lấy chồng là ông Hai Đích. Năm 23 tuổi, chồng chết, ở vậy nuôi con. Ông Tú cũng đã lấy vợ nên hai người không thể đến với nhau, nhưng trái tim vẫn lưu luyến người xưa. Một đêm, nhà thơ si tình lượn qua nhà người tình cũ, gặp mưa phải lấy áo bông che đầu, lòng càng thổn thức khôn nguôi.
Khi Tản Đà đọc đến chỗ “khăn đầu ai khô” thì tự nhiên anh phu xe dừng lại. Và lúc Tản Đà đọc hết bài thì anh quay lại khen “Hay quá!”. Thấy lạ, một người phu xe mà biết thưởng thức văn chương, hỏi ra mới biết người kéo xe không phải là dân chuyên nghiệp, ông ta là một thầy đồ vì trận lụt mất sạch tài sản nên nghèo đói, phải ra Hà Nội kéo xe.
Từ lúc ấy, chúng tôi không dám lên xe cho ông kéo nữa. Ba người cùng đi bộ với nhau để nói chuyện thơ, rồi cùng về tòa báo ở phố Hàng Lọng. Tản Đà mời ông phu xe vào nhà, cùng uống rượu và biếu ông một đồng bạc.
(Giai thoại văn chương – Huyền Viêm)
(6) Bản chép khác: Vì ai, ai có biết đâu.
(9) Bản chép khác: Vì ai ngơ ngẩn
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Hai môi không giữ kín răng
Là người yểu tướng, nói năng hỗn hào
Hồ Xuân Hương: Huyền thoại và sự thực
Nếu bị đày ra một hoang đảo và chỉ được đem theo một tập thơ để đọc trong lúc nhàn rỗi ở hoang đảo một mình đương nhiên là nhàn rỗi, tôi sẽ không đắn đo suy nghĩ cầm theo tập thơ của nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương. Tại sao?
Bạn có thể hỏi tôi như thế và tôi xin trả lời là, mặc dù thơ của nữ sĩ họ Hồ có thể không trác tuyệt, không “nâng tâm hồn lên” như thơ của nhiều thi sĩ khác nhưng ngồi một mình trên hoang đảo, hết ngày này qua ngày khác, trong vô vọng, chỉ có thơ của bà với phong cách vừa thanh vừa tục, vừa nghiêm túc vừa đùa bỡn, mỗi lần đọc lại đều thấy có cái gì mới mẻ ló dạng từ giữa những câu thơ, giữa những con chữ, mới giúp tôi quên thời gian nặng nề, chậm chạp trôi qua. Bởi tôi sẽ không bao giờ chán đọc thơ bà trong bất kì cảnh huống nào.
Bởi thơ
của các thi sĩ khác, trác tuyệt hơn đấy, trí tuệ hơn đấy, gợi cảm hơn đấy,
nhưng đọc qua một lần đã thấy “ngan ngán”, phải đợi thời gian khá lâu, cả tuần,
cả tháng trời, đọc lại mới thấy thú vị, mới có thể tiếp tục đọc, và ví bằng như
thế chắc tôi sẽ chết vì buồn chán mất thôi.
Đã có không ít giấy mực nói về thơ Hồ Xuân Hương. Đầu thế kỉ XX những người như
Nguyễn Hữu Tiến, Tản Đà đưa ra những nhận định về thơ bà như một cố gắng muốn
làm giảm nhẹ tính dâm tục để tránh cho bà tiếng đĩ thoã mà bọn người đạo đức
giả thường hay gán lên bà. Các nhà nghiên cứu văn học như Trương Tửu, Nguyễn
Văn Hanh thì lý giải thơ bà dựa trên cái nhìn thô thiển và dễ dãi của bệnh lý
phân tâm học, họ đưa ra kết luận bảo bà là người đàn bà bị ẩn ức sinh lý nên
làm thơ như thế như một hình thức giải toả tâm lý.
Thế rồi đến giữa thế kỉ, các nhà lý luận Mác-xít như Đặng Thanh Lê nhảy vào biện biệt và gán lên thơ bà cái nhãn hiệu sặc mùi Xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giai cấp như [bà là người] “đầy tinh thần chiến đấu chống lễ giáo phong kiến”, “một phụ nữ tài hoa và dũng cảm đã lên tiếng trên giấy trắng mực đen, đấu tranh cho quyền lợi của mình”, vân vân, và vân vân.
(Hồ Xuân Hương và tôi trên hoang đảo – Trịnh Y Thư)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Gần mực thì... bia, gần đèn thì... hút
mực (khô mực nướng) - hút (hút thuốc phiện)
Văn hoá chửi
Chửi mang âm hưởng “toán học”
“Bố mày là A, mẹ mày là B, bà cho vào “ngoặc” bà “khai căn” cả họ nhà mày. Bà rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu. Bà “khai căn” cả họ nhà mày xong rồi, bà “tích phân n bậc”, bà bắt cả hang, cả hốc, ông cụ, ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà “đạo hàm n lần. Ái chà chà! Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn chơi trò “cộng trừ âm dương” trên giường với nhau à.
Bà là trị cho “tuyệt đối” hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là “vô nghiệm”, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi.
Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong “âm vô cùng”, sẽ gặp tai ương đến “dương vô tận”, cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến “maximum” của sự “vô hạn” tối tăm...”.
Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 1
Việt sử cương mục của Hồ Tôn Thốc, bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết vua Hùng vào sử sách. Nhờ vào Lời tựa sách “Việt sử cương mục” được Phan Huy Chú chép trong Việt Nam thế chí: 18 đời vua Hùng giữa truyền thuyết và lịch sử:
“Đất Việt ta từ đời Hồng Bàng vào thời cõi xa, trong lúc sách vở chưa đủ, nếu cho là có thực thì “bởi đâu mà biết?”. Cho nên những chuyện cóp nhặt đều là lượm lặt ở chuyện đồn đại, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích lờ mờ khó xét, tạm giữ để đó, những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ”.
Câu đố dân gian
Thân hình thì chết đã lâu,
Mà hai con mắt, bộ râu hãy còn
(gốc tre khô)
Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 2
Sử gia sau này chỉ dựa vào “Sử một quyển”: Đó là Đại Việt sử ký toàn thư của Sử thần Ngô Sĩ Liên (nguồn sử gia Tạ Chí Đại Trường). Ông lấy bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên làm mẫu mực khởi đi từ đời Hồng Bàng tới cuối nhà Lê.
Trong đó ông viết: “Trộm nghĩ may thịnh trị, tự thẹn không chút báo đền, nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy những bộ sách của tiền nhân trước đây và sửa sang lại. Thêm phần ”Ngọai kỷ”. Phần Ngoại kỷ ông chép là dã sử: “Vì vật thời đại mở nước mang tính chất nửa huyền thoại, nửa lịch sử như Kinh Dương vương, Hùng vương”.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ gọi 18 đời vua Hùng vương theo thứ tự số, như Hùng vương thứ 6, Hùng vương thứ 18, v…v...
Vậy các sử gia tìm ở đâu ra 18 tên và niên đại?
Để trả lời cho câu hỏi này, một giáo sư sử học miền Nam trích đoạn trong Sử ký của Từ Mã Thiên quyển 40, trang 141, cột ba: “Đời Thành Vương nhà Chu có họ Hùng đất Sở được vua phong cho đứng đầu các giống man di ở đấy. Họ Hùng truyền được 18 đời: Hùng Dịch, Hùng Nghệ, v…v…”. Với ghi chép trên của Tư Mã Thiên, các sử gia ta tạo dựng lên đầy đủ tên 18 vua Hùng và tuổi thọ mỗi vị vua trung bình là…145 năm.
Khoa cử thời xưa
Thời Đồng Khánh hai trương thi Hà Nội và Nam Định nhập làm một. Khoa thi hương cuối cùng của trường thi Nam Định năm Ất Mão 1915. Thời Thành Thái, thi Hương thêm quốc ngữ, địa lý, cách tri, toán pháp. Thời Duy Tân, thi Hương thêm Pháp văn.
Hàm Nghi: một nghệ sĩ đa tài - 1
Một nhạc sĩ, một họa sĩ
Được thụ giáo với một hoạ sĩ nổi tiếng như Marius Reynaud, tuy nhiên ít ai được biết đến tài hội hoạ của vua Hàm Nghi cho đến cách đây chừng 10 năm, có một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội tại VN về sự khám phá của một nhà nghiên cứu người Nga có liên quan đến vua Hàm Nghi.
Ông N.L. Nikulin là một nhà nghiên cứu người Nga, tìm ra một tác phẩm của nhà văn nữ Nga xuất bản vào khoảng năm 1903 trong đó có viết về “Le Prince d’Annam ở Alger” Và ông Nikulin đã viết một bài biên khảo về câu chuyện này trước khi ông qua đời.
Tatiana Lvovna Sepkina- Kupernhic
Theo Nikulin thì vào năm 1903, dưới thời Nga Hoàng, nhà văn nữ Tatiana Lvovna Sepkina- Kupernhic (1874-1952) có xuất bản một tác phẩm du ký mang tên là “Những bức thư từ phương xa” viết về những chuyện kỳ lạ ở ngoại quốc trong đó có chuyện nhan đề “Hoàng tử Ly Tdong”, một nhân vật tưởng tượng nhưng mà đọc kỹ thì ai cũng biết là bà viết về một nhân vật mà bà vẫn gọi là Le Prince d’Annam tại Alger.
Trong truyện này, nhà văn Sepkina-Kupernhic mô tả vị hoàng tử như sau :
“…Khi đến Algérie trong lúc bị cưỡng bức đi đày, thời gian đầu ông đã định sống thu mình lại, chính xác hơn là cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cách sống này không chỉ là thái độ cực đoan của tuổi trẻ mà trước hết là của sự khó chịu với những gì liên quan đến thực dân, đến “bọn” Tây….
Dáng dấp nhỏ bé của hoàng tử (chàng xuất hiện giưã chúng tôi, giữa những bạn bè chung) trong bộ trang phục nửa Âu nửa Á, ngay lập tức đã lôi cuốn sự chú ý của tôi. Chiếc khăn xếp màu trắng quấn quanh đầu, còn rất buồn và rất thông minh là đôi mắt đen hơi xếch lên phiá thái dương, tay chân chàng nhỏ nhắn. Tất cả điều đó khiến tôi nghĩ đến một bức tượng qúy giá được chạm trổ bằng bàn tay tài hoa của một nghệ sĩ phương Đông…”
***
Nhà văn Nga cho biết rằng vị hoàng tử này đã gây được cảm tình của bà cũng như bạn bè của bà và họ đã được hoàng tử mời đến tư gia. Sepkina-Kupernhic nói về ngôi nhà của hoàng tử cùng với những đồ trang trí và tài nghệ về hội hoạ và âm nhạc của ông với niềm kính trọng:
“…Bên cạnh những bản thảo và nhạc cụ (cả Đông và Tây), bên cạnh những bản nhạc (mà trong đó có cả các tác phẩm của nhạc sĩ vĩ đại người Nga là Mikhail Ivanovich Glinka 1802-1857) thu hút sự chú ý của khách lại là những bức tranh do hoàng tử vẽ, chúng chứng tỏ cho khách thấy tài năng nghệ thuật của ông…”
(Trần Đông Phong)
Ngày xưa…ngày nay…
Ngày xưa sức
mạnh như trâu,
Ngày nay uể oải ngồi đâu ngáp ruồi.
Hàm Nghi: một nghệ sĩ đa tài - 2
Một nhạc sĩ, một họa sĩ
“…Ở đó còn có chiếc giá vẽ cùng với bức họa còn dang dở. Trong biệt thự, còn có những vật qúy giá và thiêng liêng : những tấm lụa qúy treo trên tường cùng với những câu danh ngôn của Khổng Tử được dát bằng vàng trên lụa, những nhạc cụ của đất nước chàng, những cuộn bản thảo, mực và bút trên bàn viết, những chiếc chiếu cói trên nền nhà. Ở một chỗ khác trong nhà là cây đàn dương cầm, chiếc đàn vĩ cầm (violin), những bản nhạc mà trong đó tôi tìm thấy Mikhail Ivanovich Glinka của chúng ta và giá vẽ cùng với bức hoạ còn dang dở. Trên những chiếc bàn khắp nơi là phác thảo của hoàng tử, tranh của chàng, những vật đó cho tôi biết rằng trong thân hình nhỏ bé như chiếc ngà voi kia ẩn dấu tâm hồn của một người nghệ sĩ lớn…”
Sepkina-Kupernhic cho biết thêm vua Hàm Nghi đã vẽ về những đề tài gì: “…Khu vườn của chàng, vòm cửa kiểu La Mã ở Tamgada, cảnh hoàng hôn trên biển…, cảnh điêu tàn của Kôxntantina và cánh rừng co. El-Kantari, mái vòm trắng của nhà mô. Marabi, những trẻ em da đen-tất cả đều sống động, hiện lên trên nền vải…”
Trong những đoạn văn nói trên, nhà nữ văn thi sĩ người Nga Sepkina-Kupernhic đã ghi nhận tài hội hoạ của vua Hàm Nghi, không những thế, bà còn cho biết nhà vua trẻ tuổi này còn biết sử dụng đàn dương cầm của Tây phương cũng như là một vài loại nhạc cụ của quê hương ông. Bà cũng còn cho biết nhà vua có tâm sự với bà: “Ông đang viết bằng tiếng mẹ đẻ một cuốn sách bàn về học thuyết Nho giáo. Chàng không nói với ai về điều đó, nhưng điều đó đã tạo nên mục đích của đời chàng…”
**
Về vấn đề này, Công chúa Nhữ Mây sau này cho nhà sử học Fourniau biết bà có thấy thân phụ của bà thường hay viết bằng chữ Nho rồi cất vào trong một cái hộp bằng gỗ.
Bà không biết chữ Nho nên không rõ nhà vua viết về gì, tuy nhiên điều bất hạnh là cái hộp gỗ này đả bị cháy trong một trận hoả hoạn cho nên sau này không ai được biết nhà vua đã viết về vấn đề gì, nhưng điều chắc chắn là vua Hàm Nghi không viết về nước Pháp hay Algérie bằng chữ Nho.
Như vậy thì qua tác phẩm của nhà văn Nga Sepkina-Kupernhic, người ta được biết vua Hàm Nghi là một hoạ sĩ có tài, một người biết thưởng thức âm nhạc cả Đông và Tây phương, biết chơi nhiều loại đàn kể cả dương cầm và lại còn biết viết văn nũa.
(Trần Đông Phong)
Giai thọai làng …vua xóm chữ
Chuyện 6 bà hoàng nhập thần vào tượng
Tương truyền, 6 pho tượng nhập thần của 6 bà vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn (Thanh Hóa) là do 6 bà cùng lòng cùng sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau. Trong đó, tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên toà sen, còn các bà khác đội vương miện trong tư thế tọa thiền. Mỗi pho tượng thể hiển một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người.
Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hoà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực. Năm 1959, năm pho tượng vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền nhà Lê được xếp hạng di tích lịch sử chỉ cách chùa Mật Sơn chừng hơn cây số, thuộc địa phận phường Đông Vệ.
Riêng tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
(Những chuyện thú vị về các vị vua Việt Nam – Lê Thái Dũng)
“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?
Trên đây là dăm ba từ được tôi mạo muội và liều lĩnh gọi là "biến từ" như một cách để tách bạch với "hư từ", theo Hồ Ngọc Đức là những: "Từ không tiêu biểu cho sự vật, hành động hoặc không có đối tượng như nếu, bèn, vậy. . . và chỉ biểu thị những mối quan hệ giữa các thực từ trong câu.". Vậy, "chớ" ở trên (còn) có thể gọi là "hư từ", chính xác hơn chăng?
Truyện ngắn "Tình nghĩa giáo khoa thư" trong tập "Hương rừng Cà mau" của nhà văn Sơn Nam thuật chuyện thầy phái viên nhà báo "Chim Trời" ở Sài gòn xuống tận xóm Cà Bây Ngọp ở miệt Hậu giang, thuở chưa có máy vi tính, để đòi tiền báo độc giả Trần văn Có, tự Tư Có.
Có đoạn, hai người chuyện vãn:
"- Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, tứ cú. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Đó là sách ‘Quốc Văn giáo khoa thư’, thầy còn nhớ không?
Thầy phái viên cười:
- Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt ‘ca rê’, tay xách tòn ten bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.
Tư Có nói:
- Thầy muốn nói bài “Chốn quê hương đẹp hơn cả” chớ gì?
Rồi chú đọc một hơi:
- Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy…
- Đó đa! Đó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan… Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đóng áo dài."
(Ngô Nguyên Dũng)
Tại sao gọi họ là người Tàu?
Dựa vào số 0,0001% người Việt không biết chữ Hán, hay biết là nhờ tự học hay học qua bè bạn, họ cũng không mấy am tường khi gặp các ngữ cảnh khó . Chính khe hở này giúp các bài viết về từ nguyên tiếng Việt của "Học giả" An Chi có đất sống. Đó là thủ pháp ngụy biện có tên "Sự ngụy biện dựa vào sự kém cõi của đối tượng". Đâu có hay ho gì. Tôi tự hỏi "Học giả" An Chi liệu có thông thạo Việt ngữ không?. Này nhé, trong âm "xe tàu" của Việt ngữ, thì âm tàu của Việt ngữ phức tạp và dùng huê dạng hơn hẳn âm này [艚]Tào có bộ chu.
Tàu có liên quan đến xe, mới nghe thì tuởng đúng, nhưng đúng ở chỉ ở một ngữ cảnh khác; ví dụ, Có người ở Saigon thường ra công tác Nha Trang, anh hỏi tôi, tôi nói "Anh ra đó bằng tàu xe gì cũng được". Tàu trong câu này ở tầng ngữ nghĩa thứ tư, nó là một hợp ngữ tuy chỉ có một âm. Đây là lúc mà chữ Tàu hình vuông của các anh bất lực.
1-Tàu đây là xe lửa. Xe lửa là một khái niệm khác xa chữ xa [車] của người Tàu xưa . Nó là một khí cụ cơ giới mạnh mẽ di chuyển trên một con đường đặc biệt , chứ không phải là chiếc xe ọp ệp do sức người, hay súc vât kéo đâu ông ạ, Nó là tàu (d) mà tôi đã định nghĩa ở trên.
2-Trong hợp ngữ "tàu xe" thì đây là hai phương tiện khác nhau chứ không phải từ sau định nghĩa cho từ trước. Không như cặp âm "đường lộ", hay " thái quá " khi từ trước từ sau làm rõ nghĩa cho nhau. Nói rằng trong âm tàu đã có cái không khí của cái xe là sai ông ạ .Tàu là tàu (ví dụ tàu thủy, phương tiện cơ giới trên đường thủy, và xe là là xe. tàu không có hơi hám gì của xe) Xin cùng nghe câu chuyện sau: "Có hai người bạn nói chuyện đi ở. A nói , bây giờ phương tiện đi lại thiếu cha gì chị ơi, Chị dùng" xe tàu " gì cũng được mà! " Vậy ông hiểu câu này ra sao? Tàu là xe à?.
Tùy ngữ cảnh. Đó là câu thoại giữa hai bà già. Bà già sắp ra đi họ là dân Vòm Cống, Lục tỉnh, Nam Bộ. Nhà họ ở vùng sông nước. Câu có nghĩa là chị thích gì thì đi nấy. Hoặc là ngồi xe hơi, đi đường bộ hoặc là đi tàu (d) cánh ngầm, đường thủy. Tàu này không liên quan gì đến xe cả . Đây là tàu thủy , tàu trên sông nước có động cơ nổ .Nhưng khi họ nói "bây giờ phương tiện đi lại thiếu cha gì chị ơi, chị dùng ghe tàu gì cũng được mà. .Thì phương tiện chỉ là đường thủy mà thôi. Đi ghe hay đi tàu (d) gì cũng được. Tàu này chẳng có âm hưởng gì là xe.
(Lai Quảng Nam)
Chữ Việt gốc Tàu
Chữ Việt gốc Tàu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại. Như:
Phở nguồn gốc từ chữ “phảnh” của tiếng Quảng Đông.
Nạm là miếng thịt ở bụng con bò có một lớp mỡ đính sát vào miếng nạm.
Ngầu mà ta đọc là gầu. Hán Việt là “ngầu đục”, đúng nghĩa là…miếng thịt bò.
***
Hủ tíu giống như bánh phở của ta. Triều Châu đọc là “quẻ tíu”. Hán Việt là “qua điêu”.
Mì là bột lúa mì pha trứng, mầu vàng, sợi nhỏ. Đúng ra là “mìn”, ta đọc trại đi là…mì.
Tiệm xấm là tiệm ăn sáng. Hán Việt là điểm tâm.
***
Lẩu, Quảng Đông đọc là “lò lửa”. Ta đọc là…”lẩ-u” là dụng cụ nấu nướng gồm cái lò và nồi nước. Vì nồi nấu có nước bao quanh một cái ống nên còn được gọi là…cù lao.
Lẫu còn gọi là “tả pín lù”. Hán Việt là “đả biên lư” nghĩa là “đánh bên lò”. Từ “tả pín lù” của Tầu ta có…”thịt bò nhúng dấm”.
(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)
Chợ Cũ xưa với những tiệm cơm thố
Ngon mà giá bình dân là những tiệm cơm thố nằm góc đường Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi.
Người ra vào tiệm
tấp nập vì món cơm thố ngon thơm, dẻo và luôn luôn nóng mà giá cả rất “bèo” như
tiếng Sài Gòn bây giờ. Phần tôi lần đầu tiên được ông bạn vong niên mời ăn
cơm thố Chợ Cũ. Vào tiệm thấy người ta kêu những món mà từ
nhỏ tôi chưa được ăn bao giờ như cá hấp, gà nướng, bồ câu quay, cải bẹ xanh nấu với cá thác
lác v.v..
Thấy có người vào ăn một hơi cả chục thố cơm, mà đồ ăn chỉ với một dĩa cá mặn rất ư là khiêm nhường. Cơm thố Chợ Cũ từ đó đã gây cho tôi nhiều ấn tượng về thế giới ẩm thực của người Hoa. Sau này trở thành dân Sài Gòn, có nhiều dịp ăn cơm thố, tôi mới khám ra nhiều điều thú vị và bí mật về thế giới cơm thố từ lối nấu, cách ăn của Tàu đã du nhập vào người Việt.
Như ở tiệm cơm thố Bac-Ca-Ra sau rạp chiếu bóng Nam Quang thực khách hầu như chỉ có người Việt. Tiệm nổi tiếng nhờ chiêu “khách gọi món gì tiệm nấu món nấy,” bất kể món gì, từ món “cá hàm dỉ,” canh cải bẹ xanh nấu gừng, đến món cá chưng, cá hấp v.v.. Thế mà thực khách ai nấy đều vui vẻ chờ đợi!
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Run như dẽ
(Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này).
Điều đáng nói, hai cách giải thích của GS đều không đúng. Theo “Bách khoa toàn thư mở”:“Dẽ giun hay rẽ giun hoặc giẽ giun là tên gọi thông thường trong tiếng Việt để chỉ gần 20 loài chim rất giống nhau trong 3 chi của dẽ (Scolopacidae). Chúng có đặc trưng là mỏ rất thanh mảnh và dài bộ lông kỳ bí”.
Như vậy, “Run như dẽ” hoặc “Sợ run như dẽ” là hai dị bản đồng nghĩa. Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: “Run như con chim dẽ giun”. Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ gì ở đây mà trong thực tế có nghĩa đen như phân tích ở trên.
(Hoàng Tuấn Công)
Tham khảo: Trong Truyện Kiều, đoạn Thuý Kiều báo oán, Nguyễn Du viết: Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run. Ta có thể hiểu Nguyễn Du mô tả Thúc lang run như con dẽ. Đào Duy Anh giải thích: “Dẽ run: là chim dẽ hay rẽ, người ta cho rằng thứ chim này mình thường run luôn”. Khi Đào học giả viết “người ta cho rằng…” chứng tỏ ông cũng chưa có hiểu biết thực tế về loài chim dẽ, nhưng cách giải thích trên là đúng.
Gia Định Báo
Năm 1865, Trương Vĩnh Ký xin lập một
tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận
và Nghị định cho phép xuất bản ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký
cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông
ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ.
(Trương Vĩnh Ký)
Tên gọi chữ quốc ngữ lần
đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định Báo. Tiền thân của tên gọi này là chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược bỏ khỏi tên gọi để chỉ còn là chữ quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Việt.
3. Gia Đinh Báo với Trương Vĩnh Ký (1869-1872 hay 1873)
Năm 21 tuổi (1858), Trương Vĩnh Ký
học xong và về nước đúng vào lúc mẹ ông qua đời. Lúc Pétrus Ký trở về quê hương
Cái Mơn, cũng là lúc thực dân Pháp đem quân sang xâm chiếm
Việt Nam
(Đà Nẵng bị tấn công ngày 1 tháng 9 năm 1858). Vì thế, việc
cấm đạo Công giáo cũng diễn ra gay gắt hơn. (Văn khố Hải quân Pháp, Paris: SUM Vincennes)
3.1.« Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà »
“Trương Vĩnh Ký luôn chủ trương người
Việt phải dùng chữ Việt. Người Việt Nam
phải dùng tiếng Việt để nói tiếng Việt; và muốn được sâu sát nữa về phương diện
triết học, sử học và di sản văn hoá dân tộc thì phải biết chữ Hán nữa.” (
Nguyễn Đình Đầu (2017), Petrus Ký, Nỗi oan thế kỷ, bị thu hồi).
Sau khi Trương Vĩnh Ký (TVK) trở về
nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ,
đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang
tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép
xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký
cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại
Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có Nghị định
của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định Báo cho Trương Vĩnh Ký làm "chánh
tổng tài" (tiếng Pháp: rédacteur en chef),nay gọi là giám đốc; Huỳnh Tịnh
Của làm chủ bút.
Từ khi được bổ nhiệm làm Chánh Tổng
Tài tờ Gia Định Báo (16/09/1869), Trương Vĩnh Ký có cơ hội để phát triển dịch
thuật và viết văn bằng chữ quốc ngữ. Đây cũng là vị trí và phương tiện
giúp ông phổ biến rộng rãi hơn chữ quốc ngữ. Thái độ ủng hộ việc
truyền bá học thuật bằng ký tự La tinh này đã được ông thể hiện với Richard
Cortembert ngay từ chuyến công du sang Pháp.
Sau này, lợi ích và vai trò của quốc
ngữ còn được ông nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình
cho các trường tiểu học, 1876) như sau :
« Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ
viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì
thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này ».
Vì theo Ông loại chữ viết đơn giản,
dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới vì ba lý
do :
Thứ nhứt, do nạn mù chữ trong dân,
hai là chữ Hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ và cuối
cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ quốc ngữ. Và, theo ông,
công cụ duy nhất để có thể đạt tới trình độ « Học thuật Châu Âu »
(Nam Sơn Trần Văn Chi)
*
Phụ đính
I
Họan quan
2). Nguồn gốc hoạn quan Trung Hoa
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc do 3 nguyên nhân sau đây:
- Hoạn quan là tội phạm, tù binh hoặc phản nghịch, bị cắt bỏ bộ phận sinh dục.
- Triều đình tìm các thanh thiếu niên tuấn tú của các chư hầu bắt về thiến để
dùng làm hoạn quan *, hầu cận ở hậu cung.
- Tự nguyện xin làm hoạn quan để mưu cầu phú
quý. Nhiều gia đình quá nghèo, đem con vào làm thái giám.
* Trường hợp Nguyễn An thời Trần bị nhà Minh bắt qua Tàu làm hoạn quan. Sau ông sửa chữa lại Tử cấm thành.
Bác tôi là hoạn quan
(tựa đề nguyên thủy: Bộ tam)
Cái sự ồn ào của xóm làng rộ lên ít lâu rồi cũng lắng xuống. Biết bao nhiêu công việc mới của cách mạng đang chờ. Nào học tập đời sống mới, nào phá đình, đào đường, rồi phá thành Bình Định. Bác tôi như một con mèo ốm, lúc nào cũng run rẩy vì lạnh và vì sợ. Khi sắp xếp những người trong làng thành đoàn thể, người ta không biết phải xếp bác vào nông dân hay phụ nữ. Vào nông dân thì các ông không chịu. Nó đâu có cái ấy. Mà vào phụ nữ, các bà lại trề môi: cái thứ bị trời hoạn ấy ai mà thèm. Thành ra bác khơi khơi ở giữa, khỏi phải họp hành tới lui, khỏi nghĩa vụ nghĩa viếc.
Không biết cách mạng
quên hay vì làng hãy còn thương bác mà nửa mẫu công điền không bị lấy lại. Tuy
không còn bổng lộc, nhưng nhờ vậy bác vẫn sống được. Có điều bác không
biết cầm cày cầm cuốc, không biết cây lúa mọc lên ra sao, nên cha tôi khuyên
bác cho người ta làm rẽ, rồi cất riêng cho bác một ngôi nhà nhỏ ở góc
vườn. Bác sống ở đó, cũng biệt lập và kín đáo như ở trong cung cấm.
(K.D.)
Tác giả: K.Đ. tức Khuất Đẩu sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật Trương Đẩu.
Tên thường gọi Trương Thanh Sơn. Hiện sống tại Bình Định.
Tác phẩm: Người giữ nhà thờ họ, Lão tiền bối,
Những tháng năm cuồng nộ
Mời Xem
CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN kỳ 1/5/2023 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét