2 thg 11, 2022

Biến đổi khí hậu và vấn nạn lương thực toàn cầu ( Thái Công Tụng - VGD Magasine )

       Thái Công Tụng

 1.Dẫn nhập. 

Xin nhập đề bằng câu ca dao quen thuộc:

Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.

Câu ca dao trên đã cho thấy khí hậu với Trời, Mây, Mưa, Gió tác động sâu xa đến nông nghiệp. Người nông dân muốn cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà vì thời tiết có ảnh hưởng lớn đến năng xuất cây lúa. Nhưng nhiều năm trở lại đây, trời không yên:

-có năm hạn hán, có năm bão lụt, 

và biển không lặng với những cơn mưa bão:

-miền Trung Viet Nam cũng bị bão nhưng các năm gần đây, bão liên tục. Có nhiều chỗ mùa mưa đến chậm hơn 20-25 ngày, có chỗ lượng mưa chỉ đạt 70% so với trung bình nhiều năm trước. 

-bão Katrina tàn phá miền Nam Hoa Kỳ, tổn thất sinh mạng và tài sản hàng trăm tỷ Mỹ kim

Ca dao Việt cũng có câu: 

Ơn Trời mưa nắng phải thì

Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu

Mưa nắng phải thì nghĩa là mưa nắng phải đúng lúc với các thời kỳ sinh trưởng của cây lương thực và đặc biệt là cây lúa. Nhưng với biến đổi khí hậu thì mưa nắng ngày nay không còn phải thì vì có nơi mưa trễ hơn, gió Lào đến sớm hơn v.v.

Ơ Úc Châu nổi tiếng là ít mưa nhưng các năm gần đây mưa bão lụt lội liên tiếp: tiểu bang Queensland lũ lụt, mưa lớn ; Victoria mưa lũ làm ngập chìm nhiều nơi ; New South Wales hết nóng thiêu đốt lại mưa như trút nước ; Bắc Úc bị dập vùi bởi trận bão Yasi v.v. Thành phố Venise với cao độ đã thấp nay với biến đổi khí hậu, nước biển lai láng trên công trường St Marc nổi tiếng !

Đó là những biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều hậu qủa tiêu cực về tài sản, tính mạng, lương thực. Môi trường sống bị ảnh hưởng trầm trọng nên để nâng cao nhận thức, trên truyền hình có chương trình J’ai vu changer la Terre, ngoài xã hội thì có Ngày Quốc Tế về Nước, ngày Trái Đất, Ngày Môi trường Thế giới (5-6) và Năm quốc tế về rừng (2011), trong chính trường thì có Parti Vert v.v. chưa kể có dạ hội bầu Hoa Hậu Trái Đất trong đó có một phụ nữ Việt gốc Thượng được hạng nhất ! Rồi lại một nữ sinh còn trẻ tuổi tên là Greta Thunberg, người Thụy Điển, đã dấy lên cơn bão đánh thức các chính trị gia hãy nghe khuyến cáo các nhà khoa học để hành động chống biến đổi khí hậu đang xẩy ra để cứu vãn Trái Đất.

Ngày nay, chúng ta thấy sự thay đổi khí hậu nhưng các nhà khoa học trên thế giới đã ‘thấy’ sự biến đổi khí hậu (BĐKH) từ mấy chục năm nay.

2. Liên Hiệp Quốc và sự biến đổi khí hậu.

Vài dòng lịch sử: 

-Hai  cơ quan  Tổ chức khí tượng thế giới (World Meteorogical Organization) và Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã cùng nhau thiết lập vào năm 1988 một tổ chức mang tên là IPCC, tức International Panel Climatic change. Đây là cơ quan liên chính phủ với 194 quốc gia thành viên. IPCC là cơ quan khoa học chịu trách nhiệm biên tập và soạn thảo các báo cáo đặc biệt với những thông tin về khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội trên toàn thế giới. 

-Bản phúc trình đầu tiên của IPCC vào năm 1990 đã dẫn đến Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UN Framework Convention on Climate change, tiếng Pháp là  Convention-cadre des Nations Unies sur les changements climatiques) do nhiều nước cùng ký năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất  ở Rio de Janeiro (Bresil) 

-Bản phúc trình thứ hai của IPCC năm 1995 đã dẫn tới Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) năm 1997 với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

-Bản phúc trình thứ ba của IPCC năm 2001 cập nhật hoá nền tảng khoa học của sự biến đổi khí hậu (BĐKH) và đề nghị các phương thức thích nghi và giảm thiểu khí nhà kính

-Bản phúc trình thứ tư năm 2007 chi tiết hơn cho thấy rõ các hiểm họa do nước biển dâng. Cũng cần nói thêm là   tổ chức IPCC đã được giải thưởng Nobel về Hoà Bình cách đây vài năm.

Sau nhiều lần họp tại nhiều thành phố khác nhau trên thế giới và tham khảo nhiều tài liệu, nhiều thống kê, nhiều đo đạc thì IPCC đã đồng ý cho rằng chính các hoạt động của loài người với các khí nhà kính ( GES: gas à effet de serre) đã làm nhiệt độ trái đất nóng lên. Gọi là khí nhà kính làm trái đất nóng lên vì cũng tương tự trong nhà kính trồng cây vào mùa đông, lớp kính (thủy tinh) giữ không cho sức nóng ra ngoài, giúp cho rau hoa sinh trưởng được.

Vậy thế nào là khí nhà kính? Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào Trái Đất, các bức xạ mặt trời một phần do mây trời hấp thụ, một phần đến được mặt đất, giúp cho đời sống thực vật và động vật. 

Bức xạ mặt trời chiếu xuống trái đất gồm tia sóng ngắn (tia cực tím), tia sáng nhìn thấy   và thường bị lớp khí quyển độ cao 25-30km hấp thụ. Các tia bức xạ sóng ngắn từ mặt đất phản xạ vào khí quyển gồm những tia sóng dài (tia ngoài đỏ, còn gọi là tia hồng ngoại ) . Một số phân tử trong bầu khí quyển, trong đó trước hết có điôxít cacbon (CO2) và hơi nước, ngăn lại và bị hấp thụ trong không khí nên nhiệt độ Trái Đất ta ở nóng dần.  

 Các loại KNK quan trọng là:  khí metan (CH4) và oxyd diazot (N2O). Các loại khí này có mặt trong khí quyển từ bao đời nay; tuy nhiên, với các hoạt động của loài người như sự đốt cháy các loại chất đốt hoá đá như dầu hoả, khí đốt, than đá nên làm tăng khí CO2 trong khí quyển. Nồng độ KNK càng cao trong bầu khí quyển thì sức nóng bị ‘giam giữ’ lâu hơn làm nhiệt độ tăng cao hơn trên trái đất. Các khí nhà kính có tác dụng giữ lại nhiệt của mặt trời, không cho nó phản xạ đi.  Nếu các khí nhà kính tồn tại vừa phải thì chúng giúp cho nhiệt độ Trái Đất không quá lạnh nhưng nếu chúng có quá nhiều trong khí quyển thì kết quả là Trái Đất nóng lên. Thật ra, không phải chỉ có khí CO2 tỏa ra do việc đốt các nhiên liệu hoá thạch, do phá rừng mà còn có các loại khí khác như :CH4 (methane), SO2(anhydric sunphurơ), N2O v.v.Khí nhà kính như metan (CH4) và khí cacbonic (CO2), thoát vào trong không khí do núi lửa, do cháy rừng, do chất hữu cơ bị phân hủy . Và khí cacbonic CO2 lại được thế giới thực vật như rừng cây hấp thụ do hiện tượng quang hợp và cũng được hoà tan trong nước đại dương. Người ta gọi đó là những ‘giếng’. Từ hàng chục ngàn năm nay nồng độ vẫn thế. Nhưng gần vài chục năm nay, với hoạt động kỷ nghệ, nồng độ các khí nhà kính nhiều hơn làm trái đất nóng hơn xưa. 

Trung bình, Trái đất hấp thụ khoảng 60% năng lượng mặt trời, 40% còn lại sẽ phản xạ ngược trở lại vũ trụ. Nhưng do hiệu ứng nhà kính (effet de serre, tiếng Anh là greenhouse effect), lượng nhiệt mà Trái Đất hấp thụ sẽ ngày một tăng. Các phép đo gần đây đã chỉ ra rằng, hàm lượng CO2 đã vượt quá 380 ppm và như vậy, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng từ 1,4-5,8o C vào 2100.

3. Con người vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân của BĐKH

31. vừa là nguyên nhân

overpopulation .Trước đây, nhà thơ Tú Xương có viết: 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non. 

Nhưng thử hỏi tại sao ngày nay người ta chú trọng vào vấn đề này ? Đó là vì ngày nay dân số trên thế giới càng ngày càng đông, không phải chỉ chừng 1 tỷ người như vài thế kỷ trước mà nay là 7.7 tỷ người (thống kê mới nhất)  trong đó có 2 nước Á châu là Ấn Độ và Trung Quốc cọng lại đã trên 2 tỷ ! Nhà thơ Tú Xương trước đây cũng từng viết:

Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non

– Dân số đông đòi hỏi năng lượng để nấu ăn, để đun nước, để tắm giặt.

– Dân số đông đòi hỏi có nguyên liệu để làm nhà cửa, làm bàn ghế.

– Dân số đông đòi hỏi nhiều nhà máy để sản xuất ra điện, ra vật liệu tiêu dùng.

– Dân số đông đòi hỏi xe cộ di chuyển đi làm.

– Dân số đông đòi hỏi lương thực mà muốn có lương thực trên đất càng ngày càng ít dần thì phải dùng phân bón và muốn có phân bón lại phải có năng lượng và nguyên liệu từ sản phẩm dầu hoả và hơi đốt.

-Dân số đông thì nhu câu nước uống cũng phải nhiều, nên riêng DBSCL phải hút từ lòng đất mỗi ngày 2 triệu m3 nên đang bị sụt lún nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng

 Xưa kia, đất rộng và người thưa ; thế giới ngày nay (2011) có 7 tỷ 632 triệu người , tăng 8 tỷ năm 2022 và 9,8 tỷ năm 2050  trong khi đầu thế kỷ 17, mới chỉ có 500 triệu người . Họ sống chen chúc trong các đô thị lớn (New York, Tokyo, Paris, Mexico City, Thượng Hải v.v…), với xe cộ ngổn ngang chạy bằng xăng dầu, với nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, với các khu kỹ nghệ toả ra mỗi ngày hàng triệu tấn khí carbonic nhiều hơn các thế kỷ trước .Người ta thường gọi chung đó là các khí nhà kiếng.

Dân số đông đòi hỏi nhu cầu lương thực, nhu cầu chuyên chở, nhu cầu vật liệu tiêu dùng (áo quần, dày giép.). Nhu cầu sản xuất lương thực thì phải có nhà máy để biến chế lương thực, để tạo ra phân hoá học, nhu cầu chuyên chở thì phải có xe cộ, nhu cầu vật tiêu dùng cũng phải có cơ xưởng để sản xuất. Tất cả các nhà máy đều sử dụng nhiên liệu hoá thạch như than đá hay xăng dầu nên phát thải ra trong bầu trời nhiều khí CO2, có nguồn gốc cacbon tích tụ hàng trăm triệu năm dưới lòng đất

Il n’y a jamais eu autant de gaz à effet de serre trong tờ báo Le Journal de Montreal  26 Novembre 2019

Lượng khí nhà kính trong bầu trời tăng dần từ thế kỷ 19 đến nay vì trước thế kỷ 19, kỹ nghệ chưa phát triển nhiều. Thực vậy, nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng từ 280 đến 350 ppm và tăng nhanh những năm gần đây do hai nước Trung Quốc và Ấn Độ trên đà phát triển kỹ nghệ. Theo nhiều nhà khoa học chuyên về khí hậu thì sau đây là lượng % CO2 của những cơ xưởng sản xuất điện từ than phát thải ra: 

Trung Quốc 29.4%, Hoa Kỳ 14.3%, Liên Hiệp Âu Châu 9.8%, Ân Độ 6.8% (Nguồn: Le Journal de Montreal 24 Novembre 2019)

                        Ngoài ra, phá rừng cũng làm khí CO2 tăng lên. Chỉ riêng ngành sản xuất xi măng thải ra đến 7% lượng CO2 toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế.

Gia tăng nhiệt độ, làm băng hà tan, kéo theo nước biển dâng lên, với thay đổi của khuôn mẩu mưa rơi và phân phối nước mưa do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sửa đổi quan trọng về tài nguyên đất và nước cho công việc sản xuất lúa cũng như năng suất của cây lúa trồng ở các vùng khác nhau trên thế giới. Nhiệt độ cực cao hay cực thấp gây hại cho cây lúa. Trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ cao vào thời kỳ lúa nở hoa sẽ gây nên bất thụ và hạt lép. Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho thấy năng suất của cây lúa sẽ giảm khi nhiệt độ tăng.  Những nghiên cứu đề xuất rằng tăng gia nhiệt độ, mức nước biển tăng và thay đổi của khuôn mẫu mưa rơi và phân phối nước mưa do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sửa đổi quan trọng về tài nguyên đất và nước cho công việc sản xuất lúa cũng như năng suất của cây lúa trồng ở các vùng khác nhau trên thế giới. Trong năm 1992, có báo cáo rằng vùng sản xuất nông nghiệp cốt lỏi của Zimbawe có thể bị giảm chừng 67% với một tăng giá nhiệt độ chừng 2 độ C .  Nhiệt độ cực cao hãy cực thấp gây hại cho cây lúa. Trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ cao vào thời kỳ lúa nở hoa sẽ gây nên bất thụ và hạt lép . Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu đề xuất rằng năng suất của cây lúa sẽ giảm khi nhiệt độ tăng  .

–overcutting. Phá rừng để canh tác, chất mùn sẽ bị tiêu huỷ, thải hồi CO2 vào lại không khí. Đốt thực vật (đốt rừng, than củi), đốt than đá là nguồn thải hồi chánh ở Việt Nam. Ngập nước (như làm đập chứa nước) thảo mộc và chất hửu cơ sẽ thải hồi CO2 và methane vào lại không khí. Thảo mộc là thức ăn của sinh vật (vi sinh vật, động vật nhỏ, thú vật, con người), nên sinh vật chứa C trong thân xác, nhả lại CO2 qua hô hấp và qua huỷ hoại thân xác khi chết đi. Phá rừng trên thượng nguồn kia cũng tác động đến dòng chảy vì phá rừng sẽ làm dòng sông suối bị bồi lắng, làm lượng nước chảy ít đi và không dủ mạnh để đẩy mặn ở hạ lưu. Còn phá rừng ở hạ nguồn, nghĩa là phá rừng ngập mặn, phá rừng tràm làm nước mặn tiến sâu hơn vào nội địa.  

32. vừa là nạn nhân

Như một phản ứng dây chuyền, khi nhiệt độ tăng, tốc độ bốc hơi từ đại dương và các mặt sông, hồ sẽ tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành và phân bố các đám mây, thay đổi lượng mưa trên diện rộng. 

– nông nghiệp bị ảnh hưởng do thời tiết. Vài ví dụ: hạn hán làm thất thu lúa mì ở Nga; hạn hán ở Trung Quốc năm vừa qua làm họ phải nhập cảng lúa mì nhiều hơn để đề phòng đói. Mưa nhiều làm các nơi sản xuất dầu cọ ở Mã lai bị ngập, khiến giá dầu thực vật tăng.An ninh lương thực của hơn một nửa dân số thế giới tuỳ thuộc vào khả năng cung cấp và phân phối lúa gạo của thế giới. Cung cấp lúa gạo tuỳ thuộc vào sản xuất lúa toàn cầu, trong khi đó sự phân phối lúa gạo tuỳ thuộc vào khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ lúa gạo và hệ thống giao thông và cơ sở vật chất. Những nghiên cứu đề xuất rằng tăng gia nhiệt độ, mức nước biển tăng và thay đổi của khuôn mẫu mưa rơi và phân phối nước mưa do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sửa đổi quan trọng về tài nguyên đất và nước cho công việc sản xuất lúa cũng như năng suất của cây lúa trồng ở các vùng khác nhau trên thế giới.(Nguyen Van Ngưu). Nhiệt độ cực cao hãy cực thấp gây hại cho cây lúa. Trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ cao vào thời kỳ lúa nở hoa sẽ gây nên bất thụ và hạt lép.  Thời tiết bất lợi như nhiệt độ nóng lên ban đêm thì sản xuất tinh bột giảm do sự hô hấp thực vật tăng. Còn nhiệt độ thấp, số giờ nắng trong ngày thấp sẽ hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng, quang hợp và đẻ nhánh của cây lúa.

-sa mạc lấn rộng do hạn hán. UNDP tiên liệu cuộc xâm lăng hành tinh xanh của sa mạc sẽ khiến vùng cận Sahara có thể mở rộng thêm 60-90 triệu hecta vào 2060, gây thiệt hại khoảng 26 tỷ USD. Một số nhà khoa học ước tính, sa mạc hóa “đẩy” 1 tỷ tấn bụi có từ vùng Sahara vào bầu khí quyển mỗi năm. Ở sa mạc Gobi, mỗi năm diện tích bụi cát tăng 10.000km2, xâm lấn các đồng bằng, khu dân cư. Sự gia tăng các cơn bão bụi liên quan tới sa mạc- hóa được coi là nguyên nhân gây bệnh: sốt, ho, đau mắt trong mùa khô. Nigeria (một trong những quốc gia có tốc độ chặt phá rừng cao nhất châu Phi) mất khoảng 350.000ha diện tích đất trồng trọt mỗi năm do cát từ sa mạc Sahara xâm lấn. Khoảng 35 triệu người ở miền Bắc Nigeria bị ảnh hưởng do tình trạng sa mạc hóa. Phần lớn họ kéo về thủ đô Lagos để kiếm sống, gây tình trạng quá tải ở thành phố này. 

Ít ai biết Trung Quốc là một quốc gia sa mạc! Thực vậy, gần 30% tức 2.5 triệu km2 của Trung Quốc là đất sa mạc cằn cỗi, nằm ở phía Bắc và phía Tây. Ngay cả thủ đô Bắc Kinh cũng đang sợ bụi cát bay từ sa mạc Nội Mông. Con đường tơ lụa huyền thoại từ Trung Đông đến Trung Quốc hầu như trên toàn sa mạc (Tân Cương, Thanh Hải). Cao nguyên Tây Tạng cũng là sa mạc, dù đó là sa mạc lạnh. Cụ Nguyễn Du khi đi sứ ở Trung Quốc về cũng đã tả sa mạc trong truyện Kiều: 

         Mịt mù dặm cát đồi cây!

–nhiều vùng đất thấp bị ngập vì băng hà tan do nhiệt độ nóng lên. Các châu thổ đất thấp (Bangladesh, Viet Nam ..) bị ngập, khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp biến mất kéo theo nhiều hậu quả : đồng bằng sông Cửu Long với  nhiều cửa sông rất rộng thuộc sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông, v.v. là nơi tiếp nhận tất cả những biến động của nước biển dâng và chuyển tải những biến động đó vào nội đồng. Trung bình có trên 1,5 tỉ m3 nước mặn đổ vào các cửa sông Tiền, sông Hậu vào mỗi ngày mùa nước kiệt, khi nước biển dâng lượng nước mặn khổng lồ này tăng thêm 25% làm gia tăng xâm nhập mặn và ngập triều. 

Nước biển dâng sẽ làm giảm đáng kể khả năng thoát nước của cửa sông trong mùa lũ, gây ngập lụt kéo dài. 

Nước biển dâng sẽ làm cho các nguồn nước ngọt sẽ bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp. Khi thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt dẫn đến việc khai thác quá mức và không thể kiểm soát việc khai thác nước ngầm. Hiện tượng nhiễm mặn và ô nhiễm nước ngầm đã và đang xảy ra sẽ ngày càng tăng. Theo IPCC, khi nước biển dâng cao hơn 1 mét so với hiện nay thì khoảng 40.000 km2, chiếm 21,1% diện tích của Việt Nam sẽ bị ngập nước biển (Schaefer, 2003) 

-bão lớn ngày một nhiều lên . Các cơn bão lớn, siêu lớn gây thiệt hại khủng khiếp đã tăng tần xuất xảy ra ra lên hơn 3 lần (330%) so với 1 thế kỷ trước. 

Theo báo cáo, các đại dương hấp thụ khoảng 1/4 lượng khí thải CO2 và khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong bầu khí quyển. Tuy nhiên khi khí thải tiếp tục nhiều lên, các đại dương sẽ có tính axit hơn, giữ ít oxy hơn, trở nên ấm hơn khiến những cơn bão ngày càng mạnh hơn và ảnh hưởng đến nghề cá cũng như các rạn san hô. Riêng ở Viet Nam,  tiêu thụ điện than đang tăng nhanh chóng và xu hướng này càng ngày càng tăng. Từ 2020 – 2030 nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với hiện nay, gây thêm ô nhiễm không khí, làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. 

Ngoài ra,  nhiệt độ toàn cầu tăng cao khiến băng  vĩnh cửu từ Greenland và Nam Cực tăng tốc độ tan chảy, khiến mực nước biển được dự báo sẽ tăng vài centimet mỗi năm , đe dọa các đảo và các thành phố ở vùng trũng, tăng chi phí bảo vệ bờ biển và chống lụt.Nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng mạnh, khoảng 70% băng vĩnh cửu ở bề mặt Bắc Cực sẽ biến mất, giải phóng một lượng vô cùng lớn khí metan, một loại khí nhà kính có thể khiến sự ấm lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.Tình trạng sản lượng các loại lương thực chính như bắp, lúa mỳ và gạo giảm sút khiến nhiều trẻ em phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, kéo theo ảnh hưởng đến mọi giai đoạn phát triển sau này của trẻ nhỏ.Thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2016, mỗi năm lại có thêm 125 triệu người trên thế giới gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng. 

4. Khủng hoảng lương thực, một tsunami thầm lặng

–sư biến đổi khí hậu với sa mạc hoá, với nước biển tiến sâu vào đất làm thiếu đất trồng trọt. Hạn hán,  bão lụt xẩy ra nhiều hơn  (thiên tai) thêm vào sự phá rừng (nhân tai) làm sự bồi lắng sông suối nhiều hơn nên chế độ thuỷ văn bị đảo lộn, và mưa không thuận, gió không hoà do đó mùa màng bị thất bát, làm giá lương thực tăng cao, chưa kể đến cháy rừng, ngập lụt, mưa váng băng (pluie verglaçante)

-lực đẩy và lực kéo (push/pull system). Nhu cầu xăng nhiều đã đẩy giá xăng tăng, nên mọi chi phí sản xuất lương thực đều lên cao, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gieo, gặt, chuyển vận đến các xứ ít có điều kiện sản xuất như các xứ Trung Đông, Bắc Phi nên làm giá tiêu dùng cũng lên cao .. Và nhà nước các xứ đó phải trợ cấp giá cả cho nhiều mặt hàng từ dầu ăn đến lúa gạo để làm nhẹ gánh nặng cho dân nên phải lại kéo giá bán xăng dầu cho các nước Tây phương. Và cứ thế lực đẩy về Giá (Cost Push) và lực kéo về Cầu (Demand Pull) tiếp tục mãi.

Tóm tắt: 

-về phần Cầu thì dân số tăng- mỗi năm, trái đất có thêm 80 triệu người mới sinh 

– về phần Cung thì đất đai mất đi cả lượng (đô thị hoá, ngập vì băng hà tan) lẫn phẩm (xói mòn, nước ngầm cạn kiệt do khô hạn, nước mặn xâm nhập..) nên  gây ra khủng hoảng lương thực với giá gạo, giá lúa mì, giá dầu ăn đều tăng theo. Hiện tượng overgrazing tức chăn thả quá mức như ở Bắc Phi dẫn đến sa mạc hoá vì làm đất chai cứng, nước mưa trôi chảy, không thấm vào lòng đất và thực vật không thể mọc hay nẩy mầm. Những vùng đất láng cứng (như sân chơi hockey!) đầy rẫy ở Burkina Fasso, ở Niger, ở Mali, Mauritanie v.v.. Có hai tỷ người đang sống tại các vùng đất khô, có nguy cơ bị sa mạc hoá. Những vùng này trải dài từ Bắc Phi tới những dải đất ở Trung Á. Sa mạc hoá làm mất đi diện tích canh tác. 

-overpumping

Bơm nước quá mức (overpumping) làm nước ngầm dưới đất bị sụt qúa sâu nên nước mặn dễ lấn sâu hơn vào đất, làm đất mặn hơn, cản trở cho sản xuất. Nhiều nước dùng nước ngầm để tưới hoa màu nhưng với hạn hán, nhiều dự trữ nước ngầm cũng bị suy sụp, giếng khô cạn. Theo một nghiên cứu của World Bank thì ở Ấn Độ có 175 triệu người sống nhờ lương thực sản xuất ra nhờ nước ngầm bơm quá tải. Ở Trung Quốc, bơm nước ngầm giúp nuôi 130 triệu người. Nếu tài nguyên nước ngầm thiếu hụt (do hạn hán, do bơm quá tải) thì khó lòng tăng thêm lương thực.

 Thiếu lương thực toàn cầu và giá lương thực tăng theo là một tsunami thầm lặng. Thực vậy, trong khi trên các xứ Tây phương, trung bình chỉ chi tiêu 10% lợi tức vào lương thực thì tại các xứ chậm tiến, hầu như lợi tức thu nhập phần lớn là để mua thức ăn do đó khi giá lương thực tăng cao thì  bạo loạn xã hội xẩy ra (Phi Châu cách đây 2 năm, Trung Đông hiện nay). Để tránh cuộc khủng hoảng lương thực do nhiều nước không đủ đất trồng trọt nên họ phải đi mua hay thuê đất. Điển hình là:

Sudan rao thuê 1 triệu ha với nước mua: Kuwait, Đại Hàn, Qatar để sản xuất: lúa mì, khoai tây, bắp. Ethiopia cũng cho Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia thuê đất trồng hoa màu. Uganda và Tanzania cho Bangladesh thuê 40.000 héc-ta đất sản xuất lương thực, cho Ai Cập thuê 840 000 ha để sản xuất bắp. Gần hơn với Viet Nam là Lào với người mua là Trung Quốc và các nước vùng Vịnh để sản xuất cao su, gạo, khoai mì. Campuchia với 2 nước vùng Vịnh là Qatar, Kuwait mua đất để sản xuất gạo, cao su, dầu cọ. Các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu cũng đang ồ ạt mua hoặc thuê gần 60 triệu hecta đất nông nghiệp,- tương đương với diện tích toàn nước Pháp-ở các xứ châu Phi như Ethiopia, Mali, Mozambique, Sierra Leone, Sudan, Tanzania và Zambia nhằm kiểm soát nguồn cung cấp lương thực trong tương lai 

5. Nếu con người vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân của BĐKH thì cũng chính con người phải là chủ nhân của sự khống chế biến đổi khí hậu.

Khống chế bằng hai chữ A : attenuation và adaptation

-Attenuation tác động lên cái NHÂN, bằng cách giới hạn các phát thải     khí nhà kính: giảm xe chạy bằng dầu cặn, dùng xe chạy bằng điện.

-Adaptation tác động lên cái QUẢ để giảm nhẹ mức độ tổn thương xã hội và môi trường.

Cả hai tiêu chí attenuation và adaptation đều nằm trong khung cảnh của kinh tế vòng tròn. Vậy thế nào là kinh tế vòng tròn ?

5.1. thế nào là kinh tế vòng tròn (circular economy). Xưa nay, sản xuất đi liền với tam thức (trinome) khai thác-sản xuất-vứt bỏ, còn  kinh tế vòng tròn là để sản xuất của cải và dịch vụ mà vẫn giúp tiết kiệm nguyên liệu đầu vào bằng cách tái chế biến rác thải thay vì vứt bỏ rác thải ra môi trường. Vài ví dụ: trong cách vận hành của kinh tế vòng tròn, các phụ phẩm trong ngành nông nghiệp lúa gạo như vỏ trấu, rơm… phải dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các lò hơi đốt củi viên ép từ vỏ trấu. Vỏ xơ dừa cũng được tái sử dụng làm chỉ dệt thảm lau chân. Vỏ lốp bánh xe được tái chế ra tapis để ở ngoài cửa ra vào để chùi tuyết v.v.tóm lại để kéo dài vòng đời của sản phẩm. Giấy, bao bì được tái chế với mỗi tuần ở Montreal có xe camion thu nhặt giấy trong bac vert !

5.2. tránh overpopulation, tức điều hoà dân số.  Điều hoà dân số 

 nghĩa là bớt đẻ nhất là các xứ chậm tiến. Sự bùng nổ dân số, từ 1,6 tỷ người năm 1900 đến khoảng 7 tỷ hiện nay và dự trù sẽ lên đến 9 tỷ năm 2042, vẫn là một yếu tố đe dọa. Tại Việt Nam, hàng năm, dân số tăng thêm gần một triệu người và dự báo gần đây nhất của UN-HABITAT, đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ lên tới hơn 101,6 triệu người, trong đó 34,7% (tương đương với 35,2 triệu người) sẽ sống trong các thành phố. Như vậy, đất thành phố sẽ lan rộng ra và chiếm vào qũy đất nông nghiệp trong khi đó thì nhu cầu lương thực, nhu cầu rau cải đều tăng cao.

5.3. tránh overconsumption vì tiêu thụ qúa nhu cầu sẽ gây suy thoái tài nguyên và làm khí thải tăng lên. Biết đủ là đủ, không xài quá mức

5.4. tránh overpumping: bớt tiêu thụ nước ngầm vì tiêu thụ quá mức sẽ làm nước mặn xâm nhập vào đất. Trái lại, nên tận dụng nước mưa ở những vùng mưa nhiều

5.5. ăn chay, giúp giảm áp lực trên đất nông nghiệp. Giảm thịt có nghĩa bớt đi diện tích đất trồng cỏ nuôi bò, dùng đất đó để sản xuất lương thực, bớt đi nhu cầu nước tưới. Giảm thịt có nghĩa là bớt đi nhiều giai đoạn sản xuất khác như lò sát sinh, kho đông lạnh, bao bì, chuyên chở v.v. như vậy giảm được phế thải kỹ nghệ, giảm được nhu cầu năng lượng, giảm được ô nhiễm đất và nước. Sự sống muốn duy trì tốt đẹp bền lâu chỉ có thể thực hiện được là do từ sự tôn trọng sự sống của muôn loài.Sự sống không thể tốt đẹp bằng sự hủy diệt dù là động vật .Sống là để yêu thương không chỉ dành riêng cho loài người mà còn cho tất cả sinh vật trên hành tinh nầy nữa. Phong trào Vegan chủ trương không ăn thịt, trứng, sửa, đồ biển . Hơn nữa,  một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tuyên bố rằng giảm tiêu thụ thịt là điều cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

5.6. sử dụng năng lượng tái tạo. Vì các năng lượng như than đá và dầu hoả gây thêm ô nhiễm nên càng ngày người ta càng chú trọng đến các năng lượng xanh như năng lượng thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời vì các năng lượng này dựa vào các tài nguyên tái tạo được và không bao giờ cạn kiệt. Từ những bãi chứa chất thải, từ các trại nuôi heo, từ vỏ trấu, từ bả xác mía khí métan được sản sinh tự nhiên có thể dùng để sản xuất ra điện, lại giúp cải thiện điều kiện vệ sinh đô thị (bớt ruồi muỗi). Quebec có may mắn là các công trình thủy điện rất nhiều, không toả ra khói và sản xuất từ vùng xa như Baie James, Baie Comeau. Ngoàì ra chính phủ Quebec cũng dự trù xây thêm nhiều quạt gió gần bờ biển phía Gaspésie để sản xuất thêm điện từ gió. Trong tương lai không xa sẽ có bán xe hơi chạy bằng điện và số người mua xe hơi chạy bằng điện sẽ giúp bớt ô nhiễm tiếng động cũng như ô nhiễm không khí .

 Các thành phố nên phát triển công viên, các nhà lầu trên tầng cao nên có thảm cây xanh, bụi xanh hoặc lắp đặt tấm năng lượng mặt trời. Năng lượng mặt trời có thể được dùng để tạo ra nhiệt độ đủ cao ứng dụng vào sản xuất xi măng, thép, thủy tinh và nhiều quá trình công nghiệp khác.Nói cách khác, mặt trời – một nguồn năng lượng không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính –, có triển vọng thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong một lĩnh vực kinh tế xưa nay năng lượng sạch chưa đáp ứng được. 

Ngoài ra, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell số ra ngày 27-11, nhiều nhà khoa học đã tạo được loại vi khuẩn E.Coli mới, có thể phát triển toàn bộ sinh khối cơ thể từ khí CO2 trong không khí. Các sinh khối được xem là nền tảng quan trọng để tạo ra nhiên liệu sinh học sử dụng trong đời sống thường ngày.

5.7. nông nghiệp thủy canh (culture hydroponique). Họ trồng rau đậu trong nhà kính, có lợi là không cần đất, không sâu bọ phá hại, chủ động nước tưới vì có hệ thống tưới nước nhỏ giọt và chủ động chế độ dinh dưỡng. Nhiều trang trại trồng rau tự động và theo chiều dọc mở rộng quy mô ra toàn cầu, xuất hiện ở Nhật Bản, Trung Quốc, vùng Trung Đông và cả Nam cực.

 Canh tác thủy canh:

– cây mọc nhanh hơn

-năng suất cao hơn, từ 20 đến 25% so với hoa màu trồng trong đất

-không cần đất (như trong thành thị không có đất trồng hay trong vùng đất sỏi đá khô cằn)

-tiết kiệm nước vì các thùng chứa nuớc bị khép kín để tránh bay bốc hơi và dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đến từng gốc cây

-giúp tránh mưa, tránh bão, ngăn côn trùng xâm nhập, nên không cần thuốc bảo vệ thực vật

-chủ động chế độ dinh dưỡng vì phân bón được hoà vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho từng gốc cây.

5.8. trồng rừng.  Một giải pháp khác là trồng thêm rừng vì cây cối qua hiện tượng quang hợp có khả năng hút bớt khí CO2 trong khí quyển, và chuyển vào không khí nhiều oxy hơn, giúp làm giảm hiệu ứng nhà kiếng.Rừng ngập mặn ngoài khả năng hút khí nhà kính lại có chức năng cản sóng, giữ phù sa trầm tích. 

 Việt Nam thì đồi trọc không cây cối càng ngày càng nhiều do nạn phá rừng, lấy củi với hậu qủa là lụt lội càng ngày càng nhiều. Rừng ngập mặn thì phá nuôi tôm. 

Ngày nay, không phải con hổ nhớ rừng như trong bài thơ của Thế Lữ: 

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả cây già 

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi 

mà chính con người ngày nay nhớ rừng hơn bao giờ hết! 

Thảo mộc là nguồn tích trử Carbon. Cây xanh hấp thụ CO2 của không khí tạo thành chất hửu cơ và thải Oxy vào lại không khí qua hiện tượng quang hợp (photosynthesis) khi có ánh nắng. Trung bình 20% trọng lượng cây là Carbon. Khi cây chết và mục thì một phần Carbon được trả lại không khí (qua hiện tượng phân huỷ hửu cơ, hô hấp vi sinh), một phần được tồn trử dưới dạng hửu cơ như thân rể gổ (chưa mục), hay huỷ hoại như chất mùn, than bùn (peat). Than đá là một dạng tồn trử C từ thực vật tạo thành từ thời cổ đại. 

6.  Kết luận.

Chúng tôi mở đầu bằng câu ca dao quen thuộc; nay cũng xin kết thúc bài viết bằng câu Kiều thân quen:

Vả trong thần mộng mấy lời

Túc nhân  âu cũng có trời ở trong

Kiếp này nợ trả chưa xong

Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau?

Túc nhân có nghĩa là đủ các nguyên nhân. Nói theo thuyết nhân qủa của nhà Phật thì con người đã tạo nghiệp xấu như phá huỷ thiên nhiên, phá rừng, gây điên đảo. Trong ba Tam Độc tham, sân, si của nhà Phật thì chữ THAM đứng trước. Con người tham ăn, tham uống, tham xe, tham đủ thứ thì ngày nay, con người phải cải nghiệp xấu, phải biết hối cải bằng cách cải thiện cái Tâm của mình; phải yêu thương tạo vật, xem thiên nhiên là hơi thở của mình. 

Biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn nhất mang tính toàn cầu mà chúng ta và các thế hệ mai sau phải đối mặt. Trên trái đất này, mọi việc đều tương quan với nhau: sự suy thoái của cái này kéo theo cái kia. Thực vậy, trái đất là một toàn thể (holism). Biến đổi khí hậu không phải đơn giản là băng tan, nước biển dâng mà bài toán có tính cách nhiều chiều vì vấn nạn BĐKH kéo theo nhiều lãnh vực: dân số, cải thiện sử dụng nước, bảo vệ các hệ sinh thái biển, trồng rừng.  Loài người phải nhận thức rằng hành tinh Trái Đất ta đang ở đang có xu hướng gặp thảm hoạ do dân số tăng, do sự kiệt quệ các tài nguyên tự nhiên như đất, nước, dầu mỏ, sự xuống dốc môi trường sống và tình trạng thiếu lương thực. Dân cư đông nhưng tài nguyên đất đai bị hư do xói mòn, do mất phì nhiêu, do sa mạc hoá sẽ tác động tiêu cực đến sự sống của loài người. Phải biết dung hoà giữa phát triển kinh tế và nhu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. “Trái đất nóng lên sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Nó thậm chí làm lu mờ cả chiến tranh hạt nhân”. Đây là phát biểu của chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá, cựu Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos.Với biến đổi khí hậu, Trái Đất ta ở sẽ có hiện tượng entropy sinh thái . Entropy trong nhiệt động học là nói đến nhiệt năng không đủ để biến thành cơ năng, một hình thức nói lên sự hỗn loạn hay ngẫu nhiên trong hệ  thống .

Cũng không phải ngẫu nhiên mà những nước thực hiện các chương trình môi trường đầy đủ lại đúng những quốc gia có chỉ số hạnh phúc lớn nhất. Năm 2019, đó là những nước Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan. Canada đứng hạng 9. 

Như lời Đức Cố Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã nói chúng ta có một nền văn minh khoa học, kỹ thuật tiên tiến thật đó, song là một “nền văn minh sự chết”, vì chấp chứa trong nó những mầm mống sự chết, giết chóc và huỷ diệt…Yêu thương tạo vật có nghĩa là sử dụng tài nguyên môi trường mà không làm tổn hại đến thiên nhiên (đất, nước, rừng..), sản xuất hàng hoá mà không đem lại hậu quả xấu như gây ô nhiễm cho kinh rạch sông suối, tạo thêm ô nhiễm không khí, nói khác đi,  tạo một nền kinh tế xanh.

Thái Công Tụng

     

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét