30 thg 11, 2022

Thổ Dân Hoa Kỳ và Hệ Thống Trường Nội Trú - K. Tsianina Lomawaima (TC.Da Màu (

Thật tình mà nói, tôi không phải đứa trẻ xấu. Tôi cũng hay dính vào những vụ nghịch phá như phần lớn những đứa trẻ khác, không thì không thể nào mà sống sót được. Hễ cứ bắt một nhóm con nít nhốt chung lại một chỗ và tìm cách kiểm soát những suy nghĩ của chúng và việc chúng làm, và đủ thứ khác… thì là chuyện thể được! Tôi không chịu nổi có người cứ bảo tôi phải làm gì từng giây từng phút suốt ngày suốt đêm. Điều này ngược với bản chất và niềm tin của tôi, và tôi sẽ nổi loạn mất thôi.

Trích nhật ký của Curtis Thorpe Carr (Muscogee Creek, 1918 – 2012) Học Sinh Trường Nội Trú Thổ Dân Chilocco Indian School, 1927 – 1935

Trường Nội Trú Chilocco dành cho trẻ em Thổ Dân Hoa Kỳ gợi nhớ hình ảnh nhà tù Auschwitz-Birkenau của Đức Quốc Xã

Curtis Thorpe Carr là Cha tôi. Khi còn nhỏ, Curtis và em trai Robert bị bắt đi khỏi vòng tay của mẹ và gửi vào trường nội trú dành cho trẻ em thổ dân. Những trường này do chính phủ Hoa Kỳ điều hành.

Trẻ em thổ dân không được phép về nhà. Các nhân viên chính quyền liên bang đã quyết tâm ngăn cách các em với gia đình. Curtis sống trong trường Chilocco thuộc tiểu bang Oklahoma từ 1927 đến 1935. Mãi đến năm 1934 khi bỏ trốn khỏi trường Chilocco, Curtis mới gặp lại mẹ. Lần đầu tiên đi trốn, Curtis bị bắt lại. Khi đó nước Mỹ đang ở vào thời kỳ Đại Khủng Hoảng Kinh Tế và tiền bạc rất khó kiếm. Các nông gia địa phương được thưởng tiền nếu bắt được những học sinh thổ dân bỏ trường trốn đi. Lần thứ hai khi đi trốn, Curtis đến Wichita, tiểu bang Kansas và sống với mẹ suốt mùa hè.

Mẹ Curtis khuyên con nên quay lại trường vào mùa thu nhưng Curtis quá chán ghét trường và lại bỏ trốn lần nữa. Curtis nhảy lên một chuyến tàu chở hàng đến Los Angeles, tiểu bang California. May mắn cho Curtis đã kiếm được việc làm, mặc dù khi đó còn là một cậu bé vị thành niên.



Trường Nông Nghiệp Thổ Dân Hoa Kỳ Chilocco

Khi còn nhỏ, tôi và các chị em nghĩ rằng thời thơ ấu của cha là “bình thường”. Nhưng khi lớn lên, chúng tôi nhận biết đây không phải điều “bình thường” khi một đứa bé bị bắt khỏi nhà, bị nhốt giữ quanh năm trong trường, bị dạy dỗ rằng các em thấp kém, và bị cưỡng ép phải trở thành một thứ gì khác với chính mình. Các học sinh thổ dân bị bắt phải nói một thứ tiếng xa lạ là tiếng Anh. Nhiều em bị bắt phải theo một tôn giáo xa lạ, là Thiên Chúa Giáo. Tất cả bị dạy dỗ phải xem nguồn gốc gia đình mình là “bán khai”, “tà giáo”, “mọi rợ”. Khi lớn lên, tôi nói chuyện với Cha về trường nội trú Chilocco. Rồi tôi nói chuyện với sáu mươi người bản địa nữa đã theo học ở Chilocco. Với tư cách một sử gia, tôi muốn tìm hiểu về những ngôi trường này. Vì vậy tôi bắt đầu đặt nhiều câu hỏi.

Vì Sao Có Hệ Thống Trường Nội Trú dành Cho Thổ Dân Hoa Kỳ?

Chính phủ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chiếm đoạt đất đai trước nay thuộc về người Mỹ bản địa/thổ dân Hoa Kỳ. Chính phủ lấy đất theo nhiều cách khác nhau: qua các hiệp ước, trả tiền, và nhiều khi chỉ là ngang nhiên chiếm đoạt. Trong các thập kỷ 1830s and 1840s, quân đội Hoa Kỳ bắt thổ dân ở miền Đông phải di chuyển sang vùng đất phía Tây dòng sông Mississippi. Đến cuối thập kỷ 1880s, người Da Trắng đã đến bở biển Thái Bình Dương, vì vậy việc bắt thổ dân Hoa Kỳ đi về phía tây không còn thực tiễn nữa. Chính quyền liên bang bắt đầu đặt ra những khu “bảo tồn” dành cho thổ dân với mục đích đồng hóa họ, tức là khiến họ hành xử giống như người Da Trắng.

Đối với thổ dân, điều này có nghĩa là chỉ được nói tiếng Anh và thay đổi cách ăn uống, trang phục, và để tóc. Họ cũng bị bắt buộc phải trở thành tín đồ Thiên Chúa Giáo. Các nỗ lực đồng hóa của chính phủ đã phá hủy các luật lệ, kiến trúc, cách trồng trọt, săn bắn, đánh cá, và hệ thống giáo dục của người bản địa. Người ta tin rằng theo thời gian, người bản địa sẽ có thể được “khai hóa” đến mức trở thành công dân Hoa Kỳ.

Vào thế kỷ 19, người Mỹ tin rằng trẻ con thì dễ thay đổi hơn người lớn. Nếu mang trẻ em thổ dân Hoa Kỳ khỏi gia đình và cho các em vào trường nội trú thật xa nhà, thì gia đình các em sẽ không thể đến thăm và các em sẽ không bỏ trường để trốn về nhà.

Thoạt tiên, chính phủ liên bang đưa tiền cho nhà thờ để xây trường nội trú và trường học ngay trong cộng đồng thổ dân Hoa Kỳ.

Đến thập kỷ 1880s, chính phủ bắt đầu xây hệ thống trường nội trú riêng để đồng hóa trẻ em người bản địa, bao gồm trường học trong ngày, trường nội trú ở trong và ngoài khu bảo tồn.

Nghĩa trang trong trường Carlisle, chôn khoảng 200 học sinh thổ dân, phần lớn chết vì sưng phổi, sưng màng óc, và những bệnh truyền nhiễm khác do tình trạng thiếu vệ sinh và không đủ dinh dưỡng

Ngôi trường nội trú ngoài khu bảo tồn đầu tiên là trường Carlisle, được xây năm 1879 tại Pennsylvania. Sau đó, chính phủ xây thêm nhiều trường nội trú khác ngoài khu bảo tồn: Trường Genoa ở Nebraska; Haskell ở Kansas; Chilocco ở Oklahoma; và những trường khác trên miền Tây và Trung Mỹ. Các trường này áp dụng kỷ luật quân đội trong việc cai quản học sinh, bắt học sinh phải mặc đồng phục của nhà nước, phải để tóc theo một kiểu, và đi đâu cũng phải xếp thành hàng đôi. Trường phát kèn binh 22 lần một ngày để điều động các sinh hoạt. Kỷ luật khắc khe nhất là vào thập kỷ 1930s. Nếu một học sinh nói tiếng của bộ lạc, em sẽ bị kỷ luật phải rửa miệng bằng xà bông. Nếu một học sinh vi phạm nội quy, em sẽ bị đánh đòn, hay nhốt trong khu nhà canh gác và chỉ được ăn bánh mì không, uống nước lã. Việc học các môn đọc, viết, và toán rất sơ đẳng. Các em chỉ học trong lớp có nửa ngày, nửa ngày còn lại dành cho “nhiệm vụ lao động”. Các học sinh rửa chén, may vá, làm việc ngoài đồng, chăn nuôi gia súc và sửa chữa nhà cửa- tất cả những công việc cần thiết trong một ngôi trường lớn. Quốc hội không bao giờ phát đủ tiền để các trường hoạt động nên các học sinh phải làm việc. Vào thập kỷ 1920s và 1930s nhiều người chỉ trích cách nhà trường đối xử tồi tệ với học sinh bản địa, dẫn đến một số thay đổi. Cha tôi nhớ lần đầu tiên các học sinh nam và nữ được cho phép ngồi ăn chung bàn với nhau. Ngay cả sau khi có những thay đổi, các trường vẫn tìm cách đồng hóa các học sinh bản địa và các em vẫn bị ngăn cách với gia đình trong nhiều năm.

Trường Nội Trú Dành Cho Thổ Dân Hoa Kỳ Khác Với Trường Công Như Thế Nào?

Trường công là do cộng đồng địa phương xây dựng và quản trị. Trường được tài trợ từ nguồn tiền thuế bất động sản của địa phương và thuộc quyền điều hành của hội đồng giáo dục do người dân bầu lên. Điều này có nghĩa là phụ huynh có thể quyết định phần nào về cách thức hoạt động của trường. Đối với những học sinh Mỹ Trắng, nói tiếng Anh, và theo Thiên Chúa Giáo, trường học là “ngôi nhà thứ hai” của họ. Điều này không đúng với trường hợp các học sinh thổ dân Hoa Kỳ, các học sinh da màu và là người di dân. Với những học sinh này, trường có mục tiêu là biến đổi các em và cho các em biết “chỗ đứng” của mình trong xã hội Hoa Kỳ. Trường nội trú dạy các em biết vị trí thích đáng của các em là làm tôi tớ cho các nông gia và chủ nhân Da Trắng. Trường cũng dạy các em phải sống phục tùng trong những khu bảo tồn dưới sự cai trị của chính quyền liên bang.

Trong nhiều năm, trường nội trú chỉ dạy đến lớp 6. Đến thập kỷ 1930s, các lớp thuộc trung học đệ nhất và đệ nhị cấp dần dần được thêm vào, nhưng các học sinh không bao giờ được lên đại học hay được đào tạo vào các ngành nghề chuyên môn như bác sĩ hay kỹ sư.

Các Học Sinh Bản Địa Đã Làm Gì Để Sống Sót Trong Trường Nội trú?

Có hàng ngàn câu chuyện khác nhau về cơn ác mộng trong trường nội trú. Cha tôi ghét trường Chilocco và đã bỏ trốn. Một người bạn học của Cha tôi là Robert (người Cherokee) thích ngôi trường này: “Trường nội trú đã trang bị cho tôi một nền giáo dục rất tốt, nhiều nhà triệu phú đã phải gửi con sang miền Đông để được học trong trường giống thế.”

Nhiều thổ dân khác không nghĩ tích cực về trường nội trú như Robert. Nhiều người nhớ lại những kinh nghiệm tốt xấu lẫn lộn.

Họ quý trọng việc được học hỏi nghề mộc và may vá; họ chỉ trích những giáo viên và nhân viên văn phòng đã ngược đãi họ; và họ yêu mến những người bạn cùng trường. Hầu hết đều tiếc nuối thời nhỏ bị bắt phải đi xa nhà.

Không phải học sinh bản địa nào cũng sống sót để ra khỏi trường nội trú. Tất cả các trường nội trú ngoài khu bảo tồn đều có nghĩa địa. Những ngôi mộ trong nghĩa địa trường Chilocco còn không có cả mộ bia và không thể biết người chết là ai. Nhiều học sinh tuy sống sót nhưng phải chịu đựng những sự lạm dụng khiến tinh thần bị hủy hoại và sống trong đau buồn. Một số, sau khi rời trường, đã quyết tâm học lại tiếng của thổ dân và dạy lại cho con họ. Nhiều người trở về nhà và làm việc trong chính quyền, trường học hay dưỡng đường của bộ lạc để hỗ trợ những người cùng bộ lạc.

Vì sao Một Số Trường Nội Trú Vẫn Tồn Tại?

Trong suốt thế kỷ 20, người bản địa đã tranh đấu rất mạnh để giành quyền kiểm soát các trường học địa phương. Việc họ tranh đấu tích cực đã mang lại sự thay đổi. Năm 1975, Quốc Hội thông qua đạo luật cho phép các công đồng thổ dân được điều hành trường công lập. Không lâu sau đó, một đạo luật khác cho phép chính quyền bản địa được điều hành trường thuộc về liên bang, và thành lập trường học dưới quyền cai quản của cộng đồng. Đến thập kỷ 1980s, nhiều trường nội trú dành cho học sinh bản địa đã đóng cửa. Ngày nay, một vài trường vẫn hoạt động nhưng là nơi để học sinh bản địa tự chọn theo học. Các trường trung học Sherman Indian High School ở Riverside, California; Chemawa Indian High School ở Salem, Oregon; và Đại Học Haskell Indian Nations University ở Lawrence, Kansas giảng dạy về lịch sử các dân tộc bản địa, ngôn ngữ, văn hóa, và kinh nghiệm sống của thổ dân trong thế giới hiện đại.

Cuộc Đời của Cha Tôi

Cha tôi đã sống sót trải qua nhiều biến cố. Cha tôi đã sống sót khi bị bắt đi lúc 8 tuổi, và ông đã sống sót khi ở trường Chilocco. Ông cũng sống sót khi tìm cách trốn khỏi Chilocco và sống vô gia cư trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng Kinh Tế. Ông cũng sống sót khi bị bắn hạ ở châu Âu trong Thế Chiến thứ II.


                                      
Curtis khi tốt nghiệp Trung Học

Ông hiểu thế nào là cái đói chết người, cái lạnh cóng, và sự bạo động. Bằng cách nào đó, ông tự dạy cho mình cách sống đẹp, với tình yêu và tiếng cười. Ông tự tìm hiểu cách thức để làm một người cha, một người chồng tốt trong cuộc hôn nhân kéo dài 63 năm. Tôi không hiểu bằng cách nào Cha đã làm được những điều này, nhưng ông là một người thổ dân thông minh, có óc sáng tạo, và tinh thần kiên cường. Tôi kính phục và tôn trọng những thành quả của ông, cũng như tôi kính phục và tôn trọng hàng ngàn người Mỹ bản địa sống trong trường nội trú, những người đã sống sót như Cha tôi, và những người đã bỏ mạng nơi đó, như chú Bob của tôi.





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét