Mới chỉ nhìn thóang cái tiêu đề không thôi đã đầy kỳ bí, kỳ tích, ắt hẳn là một bút khảo tam sao thất bản chi đây với thiên cổ ký sự khô khan ngập chữ nghĩa. Nói cho ngay cốt truyện qua lời tự thuật của một tác nhân, đại lọai như “Tác giả và Tác phẩm” vậy thôi. Và bố cục cũng không có gì hay ho cho lắm, rất bình thường như cơm hàng cháo chợ, một chút nào đó hơi hướng của “thuật nhi bất tác”, diễn nôm là “không sáng tác, chỉ chép lại”. Tạp bút về bất thế kỳ nhân này (thì cứ tạm cho là vậy đi) cũng không ngoài thấy sao kể vậy. Và người viết chỉ đợi gã mầy mò tạc xong cái tượng là…hết chuyện. Nhưng chuyện với cái tựa đề bài viết, nói có đầu có đũa thì chẳng biết gọi sao cho phải nhẽ!
Mây vẫn bay, ngày vẫn qua đi cùng nắn, bóp, đục, đẽo, đến gần cái tuổi lá vàng, gã đẽo tượng vẫn chưa có một tác phẩm nghệ thuật cuối đời cho riêng mình. Vì bỗng dưng không đâu, ôm rơm rặm bụng gã chạm trán với câu hỏi “Nghệ thuật là gì”. Một bế tắc nhức nhối từ thời cổ đại đến giờ, cuối cùng thì gã đẽo tượng phải tự đi tìm câu trả lời cho chính gã. Gã lục lọi trong tủ sách và bắt gặp một câu: “Bức tượng là bức họa để cảm nhận, thay vì để ngắm”. Mặt gã đờ ra như cán cuốc, chau mày than thầm cái lão Léonard de Vinci chỉ vẽ câu này sao rắc rối qua thể.
Nhưng ít nhất gã đẽo tượng cũng hiểu lờ mờ là có…“liên hệ” giữa tranh và tượng.
Tay cầm khúc bánh mì, gã lấy métro chạy vù vào bảo tàng viện Louvre. Mặc dù gã đẽo tượng đã nhẵn mặt và trong này thì ối ra cả đấy, tha hồ mà ngắm nghía săm soi. Nào là Raphael, Masaccio, Copley và cũng không thể thiếu trường phái “Dã thú” của Matisse, để mặt mũi gã nghệt ra như ngỗng ỉa, ai lại vẽ đàn bà khỏa thân…“đầu bé đít to” trắng hếu, chành bành như cái lồng bàn trông chẳng giống ai. Mà nói đến đàn bà con gái với nỗi buồn chạm mặt, thì quái quỷ gì đâu như bức Mona Lisa, bà ấy nhếch mép cười mỉm với ai không biết nữa, bố ai mà hiểu được. Với bức họa La Joconde này, hồi xưa thì gã phởn phơ nghĩ rằng bà ấy đang có bầu thế thôi…Thế nhưng mới đây, sau năm trăm năm, có người bỏ ra ba năm ròng, để khám phá ra là cái lão Léonard de Vinci tác giả bức họa, là gái giả trai mới đau. Vậy là chẳng có chuyện bầu bì, vậy mà bức tranh ấy nay được treo nghiêm túc trên bức tường cao, ngay giữa đại sảnh, tha nhân cứ ngáo ra ra ngắm nụ cười như “thách thức” của một người…đồng tình luyến ái, thế mới điên người. Trong tâm tư gã chỉ xa vắng vời vợi cùng nỗi buồn không tên là ba trăm năm sau với mồ yên mả đẹp: Ai là người khóc Tố Như…
Bước ra ngòai giữa khỏang không cùng trời xanh, mây tím, nắng vàng, đầu cứ vấn vương với Mona Lisa, với nụ cười đầy huyền hoặc. Phải là…huyền hoặc.
Tạt qua viện bảo tàng Luxembourg ngắm bức tượng “Người Suy Tư” của Auguste Rodin, gã đẽo tượng lại chộn rộn với…người Rodin tư duy cái của nợ gì đây mới được chứ. Mắc chứng chi phải chống tay, chống cằm và nhìn xuống đất mà không nhìn lên trời, rõ lắm chuyện. Nhìn bắp tay, bắp đùi gân guốc, gã thầm nhủ, ai chả biết muốn nặn một cái tượng nằm, ngồi, đứng thì phải biết sơ qua về cơ thể học, vì xương thịt phải gắn bó với nhau. Như Tử Vi Hồng, ngắm cả trăm con ngựa chạy nhẩy, phi nước kiệu mới vẽ được đúng…một con ngựa. Ấy vậy mà có một bức tượng nào đó tạc một cô gái khỏa thân, tay buông xuôi bó gối, hai đầu ngực dựng đứng như sừng con nghé. Vậy là không đúng với co dãn của bắp thịt, ngược đời thấy rõ, chướng mắt làm sao. Đâu có dễ, khó khăn lắm chứ chẳng chơi. Mà con ngựa “đầu bé đít to” của Tử Vi Hồng và cái đầu ngực của cô gái đâu có giây mơ rễ má gì đến “Nghệ thuật là gì”, vẫn còn là cuộn chỉ rối. Như cái lão Rodin trên cũng kén chọn không đâu, lão chỉ khắc đàn ông khỏa thân và nổi tiếng như Victor Hugo, Honoré de Balzac. Trong đầu gã lại cục cựa, hay cũng nhờ vậy nên Rodin được vua Khải Định tiếp kiến chăng? Sau đó ông vua trái nắng trở trời này qua tận Paris để Rodin đục đẽo, ông có mặc quần áo ngồi thu lu hay không thì chỉ có giời biết, không phải là chuyện của gã.
Thế nhưng ra khỏi cửa, quẳng khúc bánh mì baguette vào thùng rác, gã đẽo tượng cứ vương vấn với “Người suy tư” đầy cảm tính. Phải có…cảm tính…
Về đến nhà gã nằm vật ra như một khúc củi khô, thần trí lơ mơ để thấy như vẫn như thiếu vắng một cái gì ấy. Và gã bật dậy, moi chai vang đang được ngâm lạnh trong hồ cá vàng, ngả cái ly đúng hai mươi lăm độ, nghiêng chai rượu cũng không quá con số mười và nhởn nha rót… Lắc nhẹ cái váng rượu chòng chành như mặt nước ao thu, bất chợt gã như nhìn thấy như có con cóc ngồi dưới đáy…Lại lẩn thẩn cùng người Trang Tử với con ếch, con bướm, đời sống ngắn ngủi của chúng không qua một mùa đông, thì biết khỉ mốc gì với chuyện…tranh và tượng, lỉnh kỉnh lắm chứ đâu có bỡn. Bỗng dưng không đâu, gã vỗ trán một cái bốp như đập muỗi, cái mũi ngay trước mắt mà cũng chẳng nhìn thấy, ngay như người Khổng Khâu kia, thông kim bác cổ vậy đấy, vậy mà lông mày có bao nhiêu sợi cũng chẳng hay, huống hồ gã. Lại nữa, mỗi người mỗi có một cái lăng kính khác nhau, tại sao không nhờ vả bạn bè, vì rằng đã từ lâu, gã bấm bụng tự nhủ thầm là chớ bao giờ coi thường bằng hữu, họ là những thức giả thầm lặng, người nào cũng có hai, ba bồ chữ trong bụng. Nhưng họ đang ẩn mình trong hang, trong cốc, xa xôi quá, không lẽ ăn một bữa cỗ chạy ba cánh đồng, mới nghĩ đến đó là gã đã thấy vã mồ hôi hột và quên bẵng đi là ực ly rượu còn đầy ắp.
Bán anh em xa mua láng giềng gần, thôi thì hẵng hỏi đến cái thằng thợ viết, cái thằng vẫn vắt cổ chày ra…”chữ”. Vậy mà đến khi gã hỏi thì nó ỡm ờ trả lời: “Ngôn ngữ: Để gửi gấm, nói lên một cái gì đó sâu kín của người viết”. Ừ thì cũng nghe được đi, dẫu gì cũng có một tiếng…”nói”. Vớ được thằng thợ thơ, thằng này hàng ngày đa cảm, đa mang hết biết, ấy vậy mới nghe xong bập liền: “Cảm nhận. Nguồn giao cảm giữa người sáng tác và người đọc”. Hóa ra nghe cũng hay quá chứ, chạy trời không khỏi nắng vì đó cũng là …”giao hưởng” của chữ nghĩa. Cuối cùng, vồ đúng thằng thợ vẽ, lúc nào cũng mầu mè vậy mà cũng vẽ ra được…một câu: ”Biểu tượng. Cái gạch nối của tĩnh vật và người xem tranh”. Đúng boong, tĩnh vật thì có sai chạy đằng trời, thì như đã bảo mà, chạy trời không khỏi nắng, cái tuyệt cú là…
Là “Cái gạch nối…”. Ẩn tàng như một thông điệp, nghe được quá chứ.
Ai đó có nói gã dốt như me dốt thì gã cũng đành chịu, học thầy không tầy học bạn, gã chỉ góp nhặt lăng nhăng để có cái ý nghĩ hạn hẹp như: Cái gạch nối giữa điêu khắc và người thưởng lãm, trần trụi chỉ là cái đục, cái búa chứ không hơn. Âm thanh nghe có đục đẽo đấy, nhưng cũng chính là ngôn ngữ để cảm nhận, đâu có khác gì thằng thợ viết và thằng thợ thơ. Giản dị và dễ hiểu vậy thôi, cái mũi hay cái lông mày của mình ngay trước mắt, dễ gì đã thấy. Ngộ thật, ngộ không và gã sướng tê người.
Và gã bắt đầu thai nghén một tác phẩm nghệ thuật: Một tác phẩm để đời….
Nhưng gã đẽo tượng lại ùn tắc với biểu tượng nào đây, méo tròn ra sao, hóc búa là ở chỗ này. Lại…cái búa nữa, như một ám ảnh không nguôi nặng chĩu, cái nghiệp dư là vậy. Để rồi gã nhớ đến danh họa Mễ Phí, đời Tống đời Đường gì đó, một tài nhân dở dở ương ương trong văn học Trung Hoa. Ông là người suốt cả đời mê mẩn mấy hòn đá đến độ cúi đầu lạy hòn đá bằng…“Nhạc gia”. Nhưng không bao giờ ông mang “nhạc gia” của ông vào tranh. Vậy mà đời sau, tha nhân mỗi lần nhắc đến ông là phải nhắc đến mấy tảng cây khô hóa thạch nặng cả tấn, như…một tác phẩm.
Thêm một chút nữa, có tác giả mới có tác phẩm, vì vậy cần phải tìm hiểu thêm nghệ sĩ là ai cái đã. Theo truyền thuyết bất thành văn, một nghệ sĩ hiểu theo đúng nghĩa là phải có nhiều bằng hữu từ tứ phương tám hướng. Phải hào sảng, hiểu ngay là uống rượu như hũ chìm. Và phải…tự kiêu. Mỗi nghệ sĩ đều hàm chứa cái ngông nghênh ngấm ngầm, khinh bạc, khinh đời, không có thì ắt hẳn chẳng phải là một nghệ sĩ đích thực. Thực tình thì cũng chẳng sai quấy gì lắm, và bằng ngần ấy thứ, gã đều có đủ: Như muốn là một điêu khắc gia tàng tàng như gã đây, thì phải có bàn tay tài hoa của một họa sĩ, cái đầu bồng bềnh của một nhà thơ, cái miệng nói con kiến trong lỗ cũng phải bò ra của thằng thợ viết. Đổ vấy cho gã là khinh bạc cũng không hẳn là đúng, dung dị chỉ là những chất xúc tác cho một tác phẩm. Nếu không thì đó là một tác phẩm chết, vô tính, vô hồn…Cứ mải mê vật lộn với biểu tượng, hòn đá, để đi tìm một đề tài cho tác phẩm, thế nhưng gã vẫn bí lù. Bỗng một hôm ông giời đi vắng sao ấy, đang ngồi đuổi ruồi, búng ghét thì bỗng gã vỗ trán cái bẹt, còn ai trồng khoai đất này:
Chính gã chứ không ai khác…Gã sẽ là: Một tác phẩm nghệ thuật.
Tất cả được hình thành nhấp nháy trong cái đầu đầy sáng tạo của gã: Léonard de Vinci là cái thớ gì mà vẽ chính mình qua bà Mona Lisa, để gửi gấm một ẩn dụ nào đó cho đời sau… Để chẳng có lý do gì gã không…tạc tượng chính gã. Thế là những ý tưởng ấy được chuyên chở vào bản phác họa. Gã vẽ một gã trẻ tuổi chân thấp chân cao, ngất ngưởng tay cầm vò rượu, cảm hứng qua câu thơ “ Thác về âm phủ cắp kè kè, Diêm Vương hỏi rằng chi đó: Be ” và gã đặt tên tác phẩm là: “Gã say”.
Chân cao chân thấp cũng lạng quạng, cũng mệt, có đứng là có ngồi…Gã lại múa bút bức khác, gã vẽ một…gã trung niên ngồi ngất ngưởng trên tảng đá, tay cũng cầm chai rượu, nhưng chưa rót vội. Đôi mắt như ngóng đợi xa vắng, người thưởng ngọan cố mà hiểu là đang trông chờ bằng hữu ở đâu xa lắm. Bên cạnh có hai cái ly, cảm khái qua “Trời đất mang mang ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường”. Không ngần ngừ đến một giây, gã khóac ngay cho tác phẩm cái áo có tên là: “Đợi chờ”.
Nhưng chiếc áo không làm nên thầy tu, để rồi gã đực mặt ra như ngỗng đực. Như Mona Lisa, để cái tay ngang bụng như mình đang cấn thai, đầy gượng gạo. Gã tẩn mẩn như vậy, để thấy cả hai bức phác họa của gã như có cái gì không ổn: Đó là chai rượu cầm ở tay. Như vậy là yếu thấy rõ, vẫn chưa đạt, nói một cách khác là dư thừa. Gã muốn người thưởng ngọan không nhìn thấy chai rượu, nhưng vẫn…”cảm nhận” bức tượng là một tửu đồ, đó mới là một tác phẩm có chiều sâu và đầy nghệ thuật tính. Không phải là chuyện đùa, có vấn đề cả đấy và cũng nhức đầu lắm cũng chẳng chơi.
Với gã: Chai rượu chưa phải là một…huyền hoặc.
Mà ai lại đúc tượng mình khi đang còn có mặt trên cõi ta bà này. Có mà điên.
Có kiêng có lành, để rồi gã vật vã với bản vẽ thứ ba, phác họa một ông già hỡi ơi nào đó đang ngất ngư, lại sắp gần đất xa trời…Tích này gã lấy ở bức tranh “Đạp Tuyết Tầm Mai” của danh họa Thạch Đào, vẽ một lão ông râu tóc bạc phơ, dáng lừ đừ, lom khom như tìm kiếm, tay nắm cái gậy chống trời như…Chỉ như thôi, như nắm…cổ chai rượu. Gã đẽo tượng không muốn bức tượng của gã có chai rượu, vì rằng trong tranh Mễ Phí đâu có đá vẫn nổi tiếng cơ mà. Rồi gã lại lấn cấn, Rodin tạc những nhân vật nổi danh, thế thì tại sao gã không tạc Lý Bạch cùng bầu rượu túi thơ và ngắm …bóng trăng. Bức tranh ấy của ai, gã quên khuấy, tác giả lại đâm đầu đi vẽ…trăng là vẫn còn non tay nghề. Và gã tự gật gù đắc ý để đặt tên bức tượng là: “Vắng bóng”.
Gã muốn nhồi nhét với người thưởng lãm, tùy theo tầm nhìn, khả năng thẩm thấu cùng cảm xúc, giữa cái đẹp và cái thật, tùy theo không gian và thời gian. Để nhìn thấy bức tượng, như có chai rượu ẩn hiện đâu đây như bóng trăng chơi, gắn bó không rời. Như gã đang…”hiện hữu”. Nào ai biết đó là đâu và gã chỉ muốn gửi gấm có vậy…
Nhưng khuôn mặt trong bức phác họa, hình như vẫn thiếu…cảm tính.
Ba bức phác họa cho ba quãng đời ngắn ngủi, phù du mà, để cái đầu gã lại bí đặc, không biết chọn bức nào. Gã bèn ới bạn bè để hỏi han, nghe hơi nồi chõ là chúng ào tới, tửu lạc vong bần rồi, tất cả bạn của gã đều chấm bức “Đợi chờ”, vẽ cái thằng nửa đời nửa đọan với hai cái ly, cái chai rượu còn đậy nút. Tống lũ bạn “ấy ái uông” về rồi, gã đẽo tượng lại lu bu với nghệ thuật vị nhân sinh hay nhân sinh vị nghệ thuật. Mỗi quãng đời mỗi có một dấu ấn, gã lại đang ở cái tuổi vào thu, luyến tiếc những chiếc lá vàng. Rồi gã tặc lưỡi một cái, mang tảng đất sét ra nhúng nước rồi bóp với véo. Nặn đến bàn tay khum tròn xoay bằng cổ chai rượu, gã chột dạ, và nhớ lại những ngày còn đi học, được dậy rằng: “Người nghệ sĩ đã phổ hết tâm ý, cũng như tình cảm và những nỗi xúc động vào tác phẩm. Nếu người thưởng ngọan không bắt được, không nhìn ra những dấu ẩn mật đó, sẽ không hiểu được tác phẩm, nhiều khi còn hiểu sai nữa”.
Phiền thật…Và gã nhớ lại một chuyện cũ…
Trong họa thất, thằng bạn gã vẽ một gã tiều phu vai vác củi nặng chĩu đứng ở ven đường và quay lưng về phía người xem tranh. Trước mặt là một rừng cây đắm chìm trong chiều xuống âm u, gây cho người xem cái ấn tượng buồn vô cớ, buồn vô kể như sầu qua ngọn cỏ. Nhưng gã “bắt” thấy rõ ràng: Gã tiều phu lại không có đồ nghề. Ắt hẳn thằng bạn gã học đòi theo mấy danh họa Tầu, như một…“truyền thống”, là luôn luôn cố tình để lại một khiếm khuyết không tòan mỹ, để người sau chau mày bóp trán, bóp bụng đến lòi trĩ để moi móc tìm kiếm. Thế là tiện tay cầm cái cọ, gã quẹt ngang hông cái rìu đốn củi. Vừa đi vào thằng bạn gã thấy vậy, lẳng lặng xé bức tranh cái toẹt. Gã ú ớ, hay là mình vẽ tệ quá chăng…Bèn lớ ngớ hỏi thì được trả lời: Bức tranh vẽ gã tiều phu bần thần, dùng dằng nửa muốn quay trở lại cánh rừng, nửa muốn về nhà vì trời đã sẩm tối, vì…quên cái rìu dưới gốc cây. Khỉ gió gì đâu…Chỉ vì cái rìu.
Vì vậy gã o bế, cắt, gọt mấy ngón tay, vì chỉ vì sợ khách thưởng ngọan nhìn vào bàn tay khum khum như nắm một cái gì…Rồi quỷ tha ma bắt, buồn buồn nhét cái…cán búa vào thì vỡ mặt. Rồi tác phẩm của gã cũng thành hình, chăm chút như nuôi con so, con dạ, cũng đau bụng như quặn để đợi cái ngày đẻ đái, để nhìn thấy mẹ tròn con vuông. Thế nhưng nhìn cái bản mặt của lão già, gã thấy ngây ngô như một …hòn đá. Chẳng có tí ti nào gọi là sinh động này kia. Ngồi thừ ra, gã đẽo tượng gãi đầu, gãi gối phân vân và thả hồn về quá khứ, đắm chìm qua mấy khuôn mặt cũ…
Những ngày ở Hà Nội, bố gã vẫn thường dẫn gã ra phố Hàng Trống xem những con giống xanh xanh đỏ đỏ. Thôi thì đủ mặt, nào là chú mục đồng ngồi trên lưng trâu, mặt nghếch lên trời thổi sáo đầy hứng thú. Kia anh gà trống mào to đỏ rực, rủ xuống che kín cả mắt, tưởng chừng đang gáy ó, ò, o. Nọ mợ lợn ỉn, bụng quét đất sền sệt với lũ con lít nhít chạy đằng sau. Ngay cả hai ông Lã Vọng và cụ Lý Bạch to bằng ngón chân cái cũng có tuốt. Sang đến mấy sạp hàng tranh dân gian với những bức như Đức Thánh Trần, Bà Chúa Mẫu. Đến bức Tố Nữ, gã ngây ra ngắm, ông bố gã lại được dịp kể lể truyện thần kỳ Tú Uyên gặp Giáng Kiều ở sân chùa Bích Câu.
Nhưng tất cả những hình tượng ấy, gã chỉ nhớ mang máng, thú thực bây giờ đụng đến cụ Lý Bạch gã mới chớ phở ra. Gã thừa biết vẽ người khó vẽ ma dễ, dù rằng ông cụ họ Lý là ma từ đời tám kiếp nào rồi. Khó khăn thật, chắc phải đảo qua chợ Việt thửa bức “Lý Bạch ngồi thuyền” về quá. Gã nghĩ vậy. Nhưng ghé chợ không thấy cụ ấy, chỉ gặp bức tranh Tố Nữ. Về đến nhà, nhìn bức tượng nhão nhọet đến phát ngấy, gã như bị chao đảo ngổn ngang và tự hỏi sao lại phải mượn một hình hài mãi tận đâu đâu.
Lý Bạch là Lý Bạch. Gã là gã. Không thể nhập nhằng giữa…“mộng và thực”.
Tiện tay đóng đinh bức tranh Tố Nữ, gã treo cái gương to tổ bố ngay bên cạnh để gã sẽ tự nhồi nặn chính gã. Nhìn vào cái gương, gã thấy cái bản mặt gã như không khỏang khóat gì cho lắm, đờ đẫn đến ngây ngô. Mặt gã lại thần ra.
Chợt nhớ chuyện của Nguyễn Thanh Thu với bức tượng Tiếc Thương, mặc dù ông điêu khắc gia này đã có tới bẩy bản vẽ sẵn trong tay, như ba bản phác họa của gã. Một ngày, như có cái cơ duyên, trên đường từ nghĩa trang về để lấy cảm hứng, ghé quán nước, ông bắt gặp một người lính. Anh lính này cũng vừa mới chôn bạn xong và đang uống bia vì nhớ bạn nên có một nét buồn rất lạ. Cái lạ nữa là trên bàn có hai cái ly, anh lính rót đầy cả hai, vừa uống vừa lẩm nhẩm nói chuyện với cái ly còn lại, như có bạn đang ngồi đó. Sau đấy, ông hỏi tên họ và số quân để làm thủ tục xin phép để anh lính này về xưởng điêu khắc để làm người mẫu cho bức tượng của mình.
Qua tập tự truyện của ông thì chuyện không giản dị như vậy.
Ông cho biết thêm, với thủ tục rườm rà cũng khá lâu ông mới mang được anh lính về…nhà. Vậy mà cả mười ngày ròng rã ngồi trong xưởng từ sáng đến chiều, mặt anh lính trơ như phỗng đá, không có hồn, chẳng có cảm xúc như ông đã nhìn thấy trong quán, vì thời gian qua đã quá lâu nên một phần nào anh đã quên bạn. Đến ngày thứ mười một, chợt ông nẩy ra một ý nghĩ, ông mang cả két bia đặt dưới chân anh lính và ông ra ngòai hiên và nhìn trộm vào qua cái lỗ nhỏ. Thì thấy, nốc xong mỗi chai, khuôn mặt anh lính mỗi khác lạ, mỗi đắm chìm trong u tối. Để rồi ông bắt tay vào việc với bức tượng Tiếc Thuơng qua những hình ảnh ấy, qua cả chục két bia…quân tiếp vụ.
Và gã như thóat ra khỏi cái lỗ chân trâu, người lính chỉ có những nét xa vắng khi…uống rượu. Vậy là xong. Thế là gã khui chai vang một cái bụp để có hứng khởi ngất trời với nắn, véo. Chưa hết chai thứ nhất, gã đã đắm chìm trong cơn mê trần với gọt, cạo, để khuôn mặt gã gắn liền với cái tên “Vắng bóng”. Bắt sang chai thứ hai, gã vân vê chỗ này, sờ mó chỗ kia, để khuôn mặt gã có một chút nào lặng lờ, luyến tiếc. Gã đẽo tượng như quên gã, gã đang thay mặt tạo hóa để sáng tạo một thằng người, qua một bức tượng với đầy cảm tính. Chỉ cần vài nét nhấn chấm phá nữa là hòan thành một tác phẩm. Gã xoa tay bằng lòng, cầm chai thứ ba, hình dung đến công việc của người thưởng ngọan bắt đầu sau khi công việc của người nghệ sĩ đã hòan tất: Người nghệ sĩ hòa nhập vào bức tượng, như bức tranh sống động với cỏ cây, lóang thóang cánh bướm vàng, như âm hưởng mang mác của một bài thơ với gió và mây. Lâng lâng phiêu bồng, chùi con dao đầy đất sét vào quần, gã ngửa cổ lên trần nhà và tu một hơi thật dài, lóang một cái là nhẵn thín cả chai rượu và gã thở ra một cái khà.
Gã như phiêu phiêu, trong gã như đang phân hóa để rồi bão hòa. Lặng ngắm cái tượng, gã thấy khuôn mặt gã như sâu thẳm hơn, mông lung hơn. Lại mang mang chút nào huyền hoặc. Chính gã cũng không biết bức tượng là gã. Hay gã là bức tượng. Thì mắt chạm phải bức tranh Tố nữ. Gã lãng đãng bồng bềnh với truyện Trang Tử hóa bướm, để rồi giữa thực và mộng, gã ngẩn ngơ không biết ai là người. Ai là bướm. Nghĩ cho cùng thì gã chỉ là người trần tục, gã chỉ nhìn thấy Giáng Kiều trong tranh như một người bạn đường của Tú Uyên, nâng khăn sửa túi với bát cơm chén cà. Liên tưởng đến chén cà, gã lại thả hồn về “Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn”, trong tâm tư gã như chùng lại, gã lắc đầu, xua đuổi ý nghĩ ấy ngay đi.. Gã không phải là Tú Uyên và Giáng Kiều chẳng thể là cánh bướm (*). Vì: Con bướm trắng về bên ấy rồi.
Hình ảnh anh lính của bức tượng Tiếc Thương lại hiện về với gã: Anh vừa từ nghĩa trang thăm người bạn, ghé quán, ngồi xuống bàn với hai chiếc ghế và gọi bia. Một ly anh uống, một ly anh cúng. Anh rót bia vào cái ly cúng. Và nói chuyện với cái ly như người bạn anh còn đang sống. Anh thì thầm kêu gọi, thì thầm kể lể với một người bạn vừa nằm xuống về những ngày tháng cũ…Ngày đó, chúng mình hai đứa…
Gã bỗng u hòai với ngày nào năm ấy:
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Gã thẫn thờ đứng lên, kiếm hai cái ly, đặt trên cái bàn thấp sát cạnh cái tượng. Gã cúi xuống cầm chai rượu như bắt gặp lại một hình bóng đã mất, có vơi có đầy… Gã đẽo tượng như lõang trong một khỏang không gian thu hẹp để ngất ngây say tình, say người qua con ngõ cụt cùng những đầy vơi. Bây giờ chỉ còn những khỏang trống lặng lờ dưới đáy chai, trong những ngày lặng gió, như vắng bóng, để “Thóang hiện em về trong đáy cốc – Nói cười như chuyện một đêm mưa”. Bừng tỉnh trở về với thực tại, thế nhưng như người đi trên mây với những ý nghĩ lộn xộn, gã thấy gã đang cúi lom khom, tay đang cầm cái cổ chai lạnh giá. Cũng vẫn chỉ là chai rượu rỗng không. Thế nhưng với gã lại là cái gạch nối giữa căn nhà vang tiếng rộn rã ngày nào với mảnh vườn nhỏ, thấp thóang ẩn hiện với “Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang”.
Và gã đẽo tượng chợt thở dài, tất cả chỉ là hư ảo.
Bỗng gã cảm thấy tim mình nhói lên một cái, cái chóng mặt ào tới như một cơn lốc, mắt như hoa lên đầy rẫy với hoa cà, hoa pháo. Chưa kịp định thần thì gã khựng lại, như không tin ở mắt mình: Gã thấy một bóng người bước ra khỏi bức tranh đi về phía gã, qua bóng dáng mờ nhân ảo, gã gặp lại một dáng đi quen thuộc của năm tháng. Chiếc bóng tới gần, gần thên một chút nữa, chỉ còn mấy bước…Nhưng gã chợt thấy không phải, đó là một Giáng Kiều trong tranh và đang mỉm cười với gã.
Bây giờ thì nàng đang đứng ngay trước mặt gã, nhưng mang một hình ảnh nào đó, vắng bóng lâu ngày, ngập tràn hơi hướng quen thuộc. Rồi Giáng Kiều nhíu mày khẽ lắc đầu, vẫn cái lắc đầu nhíu mày của những ngày tháng cũ thân quen và gã như hụt hẫng khi thấy nàng cúi xuống, nhẹ nhàng lấy chai rượu gã đang cầm trong tay và để xuống sàn nhà, không một tiếng động nhỏ.
Mấy ngón tay của gã như tê dại, mà không phải ở mấy ngón tay, cả người gã như tê cứng, bất động. Nhưng gã vẫn cảm nhận, vẫn nghe, vẫn thấy.
Gã thấy…
Giáng Kiều đang lấy cái búa, không phải đục, đẽo. Mà là lẳng lặng đập phá bức tượng của gã, từng mảng từng miếng và lặng lẽ bỏ vào cái thùng rỗng gần đấy, nhưng vẫn giữ lại cái bệ. Dọn dẹp sạch sẽ xong, Giáng Kiều đẩy gã tới cái bệ cũ và đưa gã lên. Gã vẫn không cục cựa, không nhúc nhích. Chưa hết ngây dại thì lại thấy Giáng Kiều đi về phía bức tranh Tố Nữ, tháo ra khỏi cái đinh, cuộn tròn lại và nhét vào mấy ngón tay đang khum tròn của gã. Gã vẫn cứng đơ, vẫn cúi khom khom như…một khối đá. Tiếp đến, Giáng Kiều lấy miếng vải bố chùm lên người gã.
Như phủ một bức tượng.
***
Chuyện bên lề của một bức tượng:
Chẳng phải đợi đến ba trăm năm sau mới có người khóc Tố Như, gần đây trong bảo tàng viện thành phố có một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của thiên niên kỷ. Tên bức tượng là “Vắng bóng” và không biết của ai, chỉ nghe nói người đã tạc bức tượng này, một thời được gọi là “Gã say” hay “Gã đẽo tượng”.
Ở tấm bảng đồng gắn dưới cái bệ có ghi:
“Tú Uyên nhân trẩy hội chùa ở phường Bích Câu. Thấy một bức tranh vẽ một người con gái rất đẹp, bèn mua mang về nhà treo. Ngày ngày người con gái trong tranh hiện ra lo cơm nước, đó chính là tiên nữ Giáng Kiều. Tú Uyên rình bắt gặp, rồi sau đó kết nghĩa vợ chồng. Từ ngày gặp người đẹp, chàng biếng học nên nàng giận bỏ đi. Chàng mang theo bức tranh và đi tìm nàng đến mãi tận cuối đời”.
Với mấy hàng đề tựa trên, khách thưởng lãm hiểu rằng Tú Uyên đang cầm bức tranh Tố Nữ để đi tìm Giáng Kiều vắng bóng. Nhưng vì cả mất trăm năm đã qua, bức tranh không còn trên tay của bức tượng nữa, vì vậy có người nghĩ rằng bức tượng ấy không phải là Tú Uyên…Mà là một ai khác. Hỏi là ai thì mọi người đều lắc đầu không biết, để rồi tất cả mọi chuyện cũng đi vào tan lõang, như những bóng ma.
Vậy mà có ma thật cũng nên, vì theo ông quản thủ viện bảo tàng kể lại với khách thưởng lãm thì lâu lâu, ông vẫn thường thấy gã đẽo tượng hiện về vào quãng nửa khuya…Gã đứng quanh quẩn ngắm bức tượng một hồi lâu, rồi buông tiếng thở dài như thấy bức tượng, như khiếm khuyết một cái gì đó và bỏ đi. Ít lâu sau gã lại hiện về, vai đeo cái túi đồ nghề, gã lại mầy mò tiếp tục đục, đẽo, tiếng gõ, tiếng búa nghe vang vọng cả căn phòng, và ở hai ngón tay khum khum tròn vo, lúc gã thêm chai rượu, khi gã tạc ống quyển bằng tre để đựng bức tranh. Thế nhưng gã vẫn lắc đầu, như vẫn chưa vừa ý !!!
Cuối cùng thì gã khắc một…con bướm trắng…
Đến gần sáng thì gã dọn búa, đục bỏ vào cái túi và khóac lên vai đi về phía cửa ra vào, dáng đi khập khiễng như Chúa Giê-su vác thập tự giá, lom khom như thằng gù Nhà Thờ Đức Bà. Và gã biến mất trong ánh sáng chan hòa rực một mầu xanh.
Với gã đẽo tượng, tác phẩm của gã vẫn còn dở dang…dang dở…
Thế nên với người viết, thiên biên cổ sự này vẫn chưa có cái tựa đề….
Thạch trúc gia trang
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Chú thích:
(*) Chuyện được nghe kể lại qua một người bạn hành nghề điêu khắc. Hiền thê bạn đã về với cõi tĩnh mịch và có nhũ danh là: “Điệp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét