Niềm ân hận đầu tiên hay ...
Nghề quản giáo
Thời gian đầu khi rời bỏ Căm Xe của vùng kinh tế mới, tôi lang thang đi tìm sinh lộ. Qua bao nhiêu nghề…bán chợ trời, làm thư ký, thủ quỹ hợp tác xã, làm nhà trẻ…vẫn tiếp tục thất nghiệp với đứa trẻ chưa tròn ba tuổi trên tay. Tôi phải chấp nhận làm nghề ….quản giáo.
Trường Lao động công nông quận Phú Nhuận là nơi nhận những tội phạm xã hội nhẹ với mức án từ một đến ba năm. Nơi thu thập đủ các thành phần xì ke, ma túy, trộm cắp giựt dọc, trai gái giang hồ trong địa bàn. Vì nhà trường đang thiếu người nên tôi được vào làm quản giáo chức danh là đội trưỡng đội nữ.
Những ngày đầu tôi vô cùng căng thẳng, đối phó với tập thể nữ học viên đủ mọi thành phần tệ hại trong xã hội. Bên cạnh là muôn vàn khó khăn cho bà mẹ với đứa bé trên tay. Vừa chăm con vừa làm nhiệm vụ với những khó khăn chưa hề biết. Học trò của tôi không phải là những gương mặt trẻ thơ xinh xắn mà là những nét mặt u sầu, thù hận hoặc chán chường bất cần đời. Công việc không phải là dạy họ con chữ mà là yêu cầu lao động và hướng cho họ chấp nhận cuộc sống trở về với đời thường. Khi nghe tôi khuyên nhủ hỏi han, một nữ học viên lớn tuổi hơn tôi nói ngay …Tôi đã làm gái gần mười năm và nếu ra trại tôi vẫn phải làm gái thôi. Không ai nhận tôi làm việc đâu….
Nghe buồn lòng nhưng tôi vẫn phải nhận rằng cô nói đúng. Chính tôi với khả năng và nhiệt tình không thiếu vẫn phải lao đao trong xã hội này. Biết làm sao khi nhiệm vụ tôi là phải giáo dục và hướng họ vào điều tốt.
Tôi và bé gái được ở tại một chòi nhỏ dựng sơ sài gần trại nữ. Mỗi sáng khi em bé còn ngủ, tôi dậy thật sớm theo tiếng kẻng trường khi mặt trời chưa ló dạng. Tất cả phải dậy thu gọn chổ nằm, vệ sinh cá nhân và ra sân tập thể dục. Sau đó ăn sáng sơ sài và đi một quãng khá xa đến trại dệt chiếu của nữ. Nam ở khu vực khác và làm ruộng muối.Tôi có nhiệm vụ theo dỏi mọi hoạt động của học viên nữ và chấm công lao động của họ qua thành quả dệt chiếu. Số chiếu dệt được qui thành tiền và học viên sẽ nhận khi rời trường. Trường nằm riêng biệt trên đảo nhỏ không có cư dân nhưng vẫn thuộc xã Tam Thôn Hiệp, huyện Duyên Hải. Muốn đến đâu mua thức ăn phải đi bằng ghe trường. Thường xuyên có ghe chở nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt ăn uống. Mỗi ngày khi xong nhiệm vụ trại tôi phải đi khá xa để xách nước ngọt về lo cho con. Có những trưa nắng chói chang, tay ẳm con tay xách thùng nước tôi thấm thía nổi cơ cực của một kiếp người. Rất may là gần mười năm lao động nơi vùng kinh tế mới với rừng suối, dạy học chỉ là việc phụ, phát rừng làm rẫy mới là chánh yếu nên không thấy nặng nhọc vì công việc. Lúc ấy chú Chín Trúc là hiệu trưỡng cũng quan tâm đến nhân viên. Trong buổi họp tôi vẫn thường bị nhắc nhở vì đã bỏ con đi lang thang ngoài ruộng muối. Khi trại nữ có sự cố hoặc học viên gây gỗ đánh nhau, tôi phải chạy đến giải quyết ngay. Có lúc nữa đêm, phải đưa năm cô lên cho bảo vệ còng tay đến sáng, được mọi người gọi đùa là năm anh em trên một chiếc xe tăng. Có lúc chạy đi làm nhiệm vụ, con ngủ trên võng. Quay lại thì bé đã biến đi. Rất may là không có gì nghiêm trọng xảy ra. Có những đêm mưa, gió thổi mạnh, dột tứ bề. Tôi chỉ cố gắng che được chổ bé nằm an toàn, chung quanh ướt sũng. Mỗi chiều, mặt trời sụp rất nhanh, muốn nấu nước tắm cho bé cũng thật gian khổ vì gió bao quanh và cẩn thận không bé sẽ bị lạnh. Dù sao nếu so với cái khổ của vùng kinh tế mới thì tôi vẫn còn quá sung sướng, có miếng cơm vào bụng mỗi ngày là diễm phúc bấy giờ. Cũng may là bé con rất khỏe mạnh, có lẽ nhờ gió biển và những con còng, cua biển do học viên cải thiện. Lúc đầu gặp nhiều khó khăn, phản kháng từ học viên nhưng rồi dần dần tôi cũng lấy được cảm tình của họ qua những buổi sinh hoạt văn nghệ. Bằng những gì học được từ trường GL và SPSG tôi dạy họ may vá, cắt quần áo, ca hát, múa tập thể. Những chiếc quần đen được tháo ra may thành xà rông và sau khi trình diễn thì may thành quần trở lại. Tôi thường xuyên đem bé xuống trại để làm việc và các cô chuyền nhau ẳm. Cho dù một chị cán bộ trường khuyên tôi không nên giao con cho học viên vì nhiều lý do nhưng tôi không có cách nào khác.
Nhìn những cô gái còn trẻ tuổi sa vòng tội lỗi mà thương tâm. Có lúc đến bệnh xá thấy một cô khá trẻ nằm liệt, không ai ngó ngàng. Tôi sờ lên đầu nghe hơi nóng phả ra, vội đi xin thuốc cho uống và chăm sóc cho em. Hỏi han mới biết em không có người thân, không ai thăm nuôi. Cho dù em làm gái hay ngoài đời em có làm gì đi nữa...nhìn những giọt nước mắt nơi đây tôi tự nhủ...Tôi sẽ ở đây mãi mãi với những cô gái này. Thế nhưng lời hứa trong lòng quá ngây thơ ấy không giữ được vì chưa hết năm tôi phải ra đi.
--còn tiếp-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét