Buổi sáng, cụ Đồng mới ngủ dậy. Cụ chống gậy, mở cửa, lụm đụm ra đứng giữa sân cho thoáng.
Két!
Cánh cửa gài cổng vào sân mở ra. Bé Thu xách hai con cá hanh nơi tay, đến bên cụ Đồng, nở nụ cười:
- Hai con cá này ba cháu lựa ra từ mớ cá vừa “bủa câu” được ngoài sông trong đêm. Ba cháu nói là cá ngon, bảo cháu đem vô để ông nấu cháo.
Hai con cá to bằng hai bàn tay, còn sống, bật đuôi lia lịa qua về.
*
Bé Thu mới trên 40 tuổi, ở cùng xóm cách nhà cụ Đồng hai nhà.
Bé Thu hư thận, mỗi tuần phải “chạy thận” ở Bệnh Viện Trung Ương Huế ba lần.
Cung đường Huế - Đông Hà dài 70 km; đáng lẽ bé Thu nằm viện luôn; nhưng việc nhà buộc bé Thu phải vô ra – cứ các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, tờ mờ sáng đi, chiều tối sẫm mới về.
Chồng bé Thu làm thợ sửa khóa, đặt bàn đón khách, ngoài cổng chợ. Cái nghề không có việc thường xuyên, nhưng buộc người làm nghề khi nào cũng phải có mặt – khách có thể đến bất cứ lúc nào, ai biết!
Thu nhập không bao nhiêu – thậm chí có ngày không có đồng nào; vậy mà chồng bé Thu phải mua cơm hộp ăn luôn tại chỗ - tốn kém hơn so với ăn cơm nhà.
Thằng con trai bé Thu mới 15 tuổi, bỏ học, cách đây ba tháng, đi Đà Nẵng kiếm chân bồi bàn để tự túc mưu sinh. Rủi trên đường đi bị tai nạn giao thông, cháu nhập viện ở Đà Nẵng hôn mê cả nửa tháng.
Cháu mới ra viện cách đây khoảng một tháng, giờ người cháu ngơ ngơ, cứ đi lung tung, ai hỏi đi đâu cũng không nói.
Thế nên ngày nào dù ít dù nhiều bé Thu cũng phải có mặt ở nhà, để xem tình hình thằng con trai như thế nào.
*
Khi con trai bé Thu mới bị tai nạn, cụ Đồng có viết mấy dòng lên facebook nói về hoàn cảnh nan giải của gia đình bé Thu – không tiền chữa trị cho con.
Cụ Đồng chỉ mô tả thảm trạng, chứ cụ không kêu gọi giúp đỡ - kêu gọi giúp đỡ thì phải ghi chép người giúp, phải nhận tiền, chuyển tiền, phải chụp hình chứng minh đã giao tiền… Xã hội bây giờ không còn chữ TÍN, không ai tin ai, chuyện lừa phỉnh xẩy ra tràn lan, báo chí phản ảnh cũng nhiều, nhưng chắc chắn chưa hết. Cụ Đồng già yếu, những việc ấy bất kham.
Giữa người và người niềm tin không còn; nhưng lòng tốt con người vẫn chưa cạn. Đọc được tin, do lòng trắc ẩn, những nhà hảo tâm xa gần đã gởi tiền về giúp bé Thu.
Một số tiền khá lớn. Nhờ thế, chồng bé Thu đi theo chăm sóc con có tiền xe tàu, có tiền ăn uống, con trai bé Thu được chữa trị đàng hoàng với thuốc men đầy đủ; tánh mạng cháu đã được bảo toàn..
Chuyện là vậy mà bé Thu nghĩ cụ Đồng là ân nhân của gia đình mình. Bé Thu cứ băn khoăn không biết làm sao trả ơn cho cụ Đồng.
Qua con dâu của cụ Đồng, bé Thu to nhỏ, hỏi han, biết cụ Đồng thường ăn tô cháo cá buổi chiều.
Dạo này, cụ Đồng thở mệt, bác sĩ cho biết cụ bị cao mỡ máu, khuyên cụ nên ăn cá, ăn rau, ít ăn thịt, nếu được, cữ luôn thịt thì hay.
Và sáng nay, bé Thu đem cá qua.
Đột ngột, cụ Đồng nhận cá, cụ tỏ vẻ bỡ ngỡ. Nhưng rồi cụ cũng hiểu, bé Thu trả “ơn” cụ đó, lòng cụ bùi ngùi, cụ nghĩ mình không có làm ơn gì.
Viết mấy dòng lên facebook về những gì xẩy ra chung quanh là việc thường ngày tạo cớ cho cụ chuyện trò với bạn bè.
Hơn nữa, bé Thu đang bệnh hoạn, con trai bé Thu dù đã về nhà vẫn chưa biết tương lai thế nào – đi học lại hay kiếm việc gì để làm. Cháu chưa đến tuổi trưởng thành mà!
Hai con cá sẽ nấu được hai tô cháo ngon.
Chiều nay, con dâu cụ nấu xong, bưng tô cháo đặt lên bàn, mời cụ ăn như thường lệ.
Mấy bữa trước, cụ ăn tô cháo một nghỉn. Tô cháo hôm nay bốc khói nghi ngút, mùi gia vị thơm cộng thêm mùi thơm của cá béo phả vào mũi cụ. Đáng lẽ, cụ ăn ngon lành, vậy mà không biết sao, cứ ăn một muỗng, cụ lại dừng, tay chống cằm, mắt nhìn xa xăm, hình như tâm trí cụ đang trăn trở về những mảnh đời bất hạnh.
Tô cháo, ngoài vị ngon, còn nhuốm vị chua, vị cay, vị đắng, vị chát… của cuộc đời.
Hoàng Đằng
11/11/2022
MỜI XEM :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét