Trường kiêm bị ngày trước, hồi mới mở rộng, thì không như bây giờ có sáu lớp thông thống đẹp đẽ thế này đâu. Lớp Đồng ấu hãy còn dọn tạm ra Văn miếu hàng huyện.
Văn miếu ở ngay giữa đồng, xa nơi dân ở. Đường đi không có cây cối râm mát. Ngày mưa, ngày nắng, trẻ con bò ra được đến lớp, thật là vất vả. Đi đến lớp ấy, còn ngại một điều nữa, là phải qua một bãi cỏ lớn. Bãi cỏ ấy, lũ chó trong làng vẫn quen mui rủ nhau ra phóng uế. Mà cả đến người cũng vậy, nhiều anh lười, cũng bắt chước chó, ngồi xù xù ngay bên cạnh lối đi.
Cho nên học trò bé, đi vô ý, trời tạnh nắng hẳn hoi, có đứa giẫm phải chỗ cỏ bị ướt ấy, trượt ngã oanh oách.
Mỗi khi có việc ngã như thế xảy ra, thì y như lại rầy rà đến ông giáo. Vì tất thằng bé ấy mếu máo, vào lớp, giơ chỗ vàng vàng ở quần mà nó không là thủ phạm lên, mách thầy. Ông giáo cứ phải khổ vì thỉnh thoảng lại xử những vụ kiện mà bên bị là người vô danh như thế.
Nhưng những đứa biết mách thầy, còn là hạng khá. Vì tất ông giáo cho phép nó về tắm giặt. Lắm đứa sợ thầy đánh, hoặc vô ý không biết, cứ đưa cả vào lớp cho thầy và bạn hưởng chung cái tác phẩm của chú soạn giả ẩn danh. Lúc ấy thì ông giáo lại càng khổ. Ông phải ra công điều tra, để tìm đứa nào đã tải vào lớp cái thứ “tác phẩm không được duyệt” ấy.
Một độ, ông giáo cứ phải mất thì giờ như thế luôn. Cho nên ông ra lệnh, bắt học trò đi qua lại bãi cỏ thì phải có ý tứ. Đứa nào mắt nghênh lên trời, thì phải chết đòn.
Bởi vậy, độ này, cái không khí lớp Đồng ấu trường phủ Nam đã thấy êm đềm, dễ chịu hơn.
o O o
Nhưng một hôm, lúc ấy đã xẩm tối, thằng bé Xứng xin thầy u nó tiền mua xà phòng để gội đầu. U nó mắng:
- Sao ban ngày ban mặt mày không gội? Bây giờ tối rồi, đừng vẽ!
Nó khóc, nói:
- Thầy giáo bắt con gội. Nếu không, mai thầy đánh chết.
- Sao lúc nãy mày không nói?
Nó lại càng khóc già:
- Con quên.
- Làm gì mà thầy giáo bắt gội đầu?
Nó lại hu hu:
- Thầy bắt cả lớp phải gội.
U nó cho là nói dối, quát:
- Mày nói láo.
Nó trợn mắt, đáp:
- Thật đấy, tại ban nãy thầy ngửi đầu.
Rồi nó lại khóc to hơn, và kể lại đầu đuôi cho thầy u nó nghe.
o 0 o
Buổi học chiều hôm ấy vừa đánh trống dứt hồi, học trò mới vào lớp, còn đang chí choé, đứa tìm quản bút, đứa mách mất sách, ông giáo cũng đang mải xử một vài cái kiện con con, thì bỗng có uế khí đưa thoang thoảng lên mũi. Ông lấy làm khó chịu quá. Ông bèn đứng dậy, đóng cái cửa sổ đằng sau lưng, để ngăn cho gió khỏi đưa hơi ở bãi cỏ vào.
Ông tưởng được yên mũi để làm việc. Nhưng ngờ đâu, cái mùi ấy vẫn lẩn quất ở trong lớp. Ông biết ngay rằng lại đứa nào đem nó vào đây.
Ông giận lắm, lẳng lặng đứng dậy. Ông đi từng bàn, giả vờ khám sách, để rình bắt đích danh thằng vô ý, rồi cho một trận để làm gương. Nhưng ông không thể dò ra. Vì chẳng có chỗ nào là tổ cái hơi nặng nề ấy cả.
Bỗng có dăm ba đứa khạc nhổ, nhìn nhau:
- Gớm! Anh nào…
Rồi một đứa đứng dậy, khoanh tay, mách:
- Bẩm thầy, anh nào…
Sợ học trò trẻ con không biết nói bóng, ông giáo vội gật đầu, vẫy tay cho nó ngồi xuống, và nói:
- Tao biết rồi.
Rồi học trò đứa nọ thì thào với đứa kia, để loan báo cái tin dữ dội của người đã làm rối cuộc trị an trong lớp.
Ông giáo tìm không ra mối, tức lắm. Nhất là mũi ông không thể lúc nào tránh được mà không giao thiệp với cái không khí không được êm đềm. Ông liền công nhiên mở cuộc phỏng vấn. Rồi xong cuộc phỏng vấn không công hiệu, ông định mở cuộc điều tra gắt gao.
Trước hết, ông hỏi:
- Chúng mày có ngửi thấy mùi gì không?
Một vài đứa nhanh nhảu, giơ tay đáp.
- Bẩm thầy mùi thối ạ.
Những đứa hiền lành chậm chạp, thưa:
- Bẩm thầy không ạ.
- Ừ, được. Bây giờ chúng mày xem kĩ lại, nếu chân đứa nào dính bẩn thì tao cho về mà rửa.
Lũ học trò lau nhau cúi đầu, giơ chân, tự khám một lúc. Nhưng chưa thấy đứa nào đứng lên thú tội. Thầy hơi cáu, nói xẵng:
- Thế thì không có đứa nào à? Chúng bay vô ý quá. Bây giờ tao cho phép chúng bay khám lẫn nhau. Đứa nào khám được, tao cho “dix” [2], đứa nào giẫm phải tao cho “zéro” [3]!
Thấy cách trọng thưởng kẻ có công, đứa nào cũng hết sức mong được tố giác bạn. Nhưng không có kết quả. Ông giáo thì chẳng phút nào được hô hấp cái không khí trong lành. Ông càng phát cáu.
Mặt ông đỏ bao nhiêu, mặt trò học xanh bấy nhiêu. Chúng nó biết rằng đang vào cái tình thế nghiêm trọng, nên len lét, ngồi khoanh tay trên bàn, im phăng phắc.
Rồi sau, ông giáo đứng phắt dậy, mắng:
- Chúng mày như lũ gà mờ. Để tao thân hành đi khám từng đứa. Tao mà bắt được đứa nào thì tao đuổi.
Học trò càng sợ.
Cuộc điều tra của ông làm rất cẩn thận. Ông đi từng bàn, bắt từng đứa đứng dậy. Ông nhìn chân, nhìn tay, ngửi quần, ngửi áo, ngửi đầu thật kĩ lưỡng. Trong khi khám như thế, ông vẫn hỏi dò học trò:
- Chúng mày có thấy gì không?
Chúng đều thưa:
- Bẩm thầy có ạ.
Nhưng vài đứa ở bàn dưới, vẻ mặt sợ cuống, ý chừng muốn đẩy lỗi cho anh em bàn trên, nên trả lời:
- Bẩm không ạ.
Ông giáo nghiêm mặt, nhìn xuống cuối lớp, doạ:
- Rồi chốc nữa đến lượt chúng mày.
Khám xong bàn đầu, ông xuống đến bàn nhì, lại hỏi thử:
- Chúng mày có ngửi thấy gì không?
Ba bàn trên đáp:
- Bẩm có ạ.
Bàn cuối vẫn bướng bỉnh thưa:
- Bẩm không ạ.
Rồi ông khám đến bàn thứ ba, thứ tư, vân vân. Hỏi thì đứa nào cũng kêu là có, tiếng mỗi lúc một nhiều. Ông mới nghi đích là bàn cuối. Ông nhìn xuống, đe trước:
- Không những tao đuổi, tao còn đánh một trận cho chừa vô ý hoặc nói dối đã.
Ông đến bàn cuối cùng. Cả lớp sợ run. Ông thì mừng thầm công việc sắp kết liễu. Ông hỏi một cách chế nhạo:
- Thế nào, chúng mày đã ngửi thấy chưa?
Đứa nào đứa nấy mặt tái mét như gà cắt tiết, cố đánh hơi, và đáp:
- Bẩm thầy, có ạ.
- À, bây giờ chúng mày mới chịu nói thực. Liệu hồn! Chúng mày chớ oán tao là ác!
Rồi ông bắt năm đứa tình nghi đứng ra ngoài bàn, để khám xét từng li từng tí. Nhưng tức quá, khám đến mười phút mà vẫn vô công hiệu. Sắc giận của ông vẫn ngầu ngầu trên mặt. Ông lên ngồi trên ghế, chống tay vào bàn, hầm hầm, diễn thuyết:
- Chúng bay tệ quá! Tao đã dặn đi dặn lại bao nhiêu lần rằng đi qua chỗ bãi cỏ thì phải có ý tứ, mà chúng bay không nghe. Để chốc, tao còn khám một lượt nữa.
Một đứa học trò lớn đứng dậy, nói:
- Hay là thầy cho phép chúng con đi tìm xung quanh lớp xem ạ.
Cho là ý kiến hay, ông gật đầu, phái mấy đứa đi tìm mọi chỗ. Trong khi ông vẫn ngửi thấy mùi khó chịu, thì ở bàn thứ sáu, có đứa nói lớn lên:
- Tôi chẳng thấy mùi gì.
Ông cho là nó vô phép, dám có tư tưởng phản đối. Ông gọi nó lên, bắt quỳ ở cạnh bảng.
Phái bộ điều tra đã trở về. Vẫn không có kết quả. Ông giáo càng cáu. Nhưng không lẽ vì một chuyện bẩn thỉu mà cứ phải mất thì giờ mãi, ông bèn cho học trò mở sách để bắt đầu làm việc.
Vì đang lúc tức, nên giảng bài, ông gắt như mắm tôm.
Thỉnh thoảng, ông lại nhăn mặt, ghé ra cửa sổ để nhổ.
Giảng xong, ông nhìn thằng học trò phải phạt:
- Mày còn quỳ suốt buổi. Mày láo lắm, nghe chưa?
Thằng bé cúi đầu, sợ sệt. Ông nhìn nó một lúc, rồi hỏi cả lớp:
- Chúng mày có dám vô phép như nó không?
Cả lớp đồng thanh:
- Bẩm không ạ.
- Ừ, chúng mày phải…
Học trò tiếp:
- … nghe lời, kính trọng, yêu mến thầy như cha ạ.
Ông giáo gật đầu:
- Hễ hỗn láo thì phải…
- … phạt ạ.
Rồi ông nghiêm khắc nhìn thằng học trò khốn nạn.
Cả lớp im phăng phắc. Bỗng thằng ấy sụt sịt, cúi xuống đất, khạc nhổ ra lớp.
Ông giáo thấy nó xấc, quắc mắt hỏi:
- Mày làm gì?
Nó khoanh chặt tay vào ngực, nức nở, thưa:
- Bẩm thầy, con ngửi thấy rồi ạ.
Cả lớp cười ầm. Ông giáo cũng tủm tỉm về cách nịnh đời của thằng bé mới nứt mắt. Ông bảo:
- Bây giờ mày mới ngửi thấy. Mày đã mỏi gối rồi phải không?
- Bẩm thật ạ.
Rồi nó lại nhổ.
Ông giáo quát:
- Mày còn phải quỳ đến tan học.
Nó quệt nước mắt, nói:
- Bẩm thầy, thầy tha cho con, con ngửi thấy rồi ạ.
- À, làm sao bây giờ mày mới ngửi thấy?
Nó vẫn khoanh chặt tay vào ngực, nhưng lấy khuỷu để trỏ:
- Bẩm thầy, vì con thấy nó bèn bẹt kia ạ.
Nói xong, nó trỏ ngay vào giày ông giáo.
Cả lớp nghển cổ để nhìn. Ông giáo liếc mắt xuống gầm bàn, rồi tự nhiên, giúi hai chân lại sau ghế, và ôn tồn nói:
- Thôi, nhưng mà chốc nữa chúng mày phải gội đầu bằng xà phòng nhé! Thằng Xứng, lên đọc bài…
3-7-1934
NGUYỄN CÔNG HOAN
Lời Bàn Của Chu Mộng Long
- Thời Nguyễn Công Hoan viết truyện này, truyện Thầy Cáu, xứ An Nam dù "vứt bút lông đi dắt bút chì", nhưng những Nho sĩ nắm quyền trong Bộ Dục vẫn còn ganh ăn tức ở với kiểu thi của Tây.
Các quan này quên rằng, các loại chứng chỉ, bằng cấp do Annamese tạo ra chỉ là loại Tiến sĩ giấy đáng bị mấy ông đồ như Nguyễn Khuyến, Tú Xương chửi. Không chỉ ganh ăn tức ở vì tiêu chuẩn bọn Tây đưa ra không theo lệ làng: thu tiền và cống nạp cho quan trên, mà còn hớt mất phần thi cử theo lối mua quan bán chức trong nội địa của triều đình phong kiến. Thế là nhân danh dân tộc, nhân danh truyền thống, nhân danh tiêu chuẩn của xứ An Nam, họ đòi dẹp bỏ ngay các kì thi kiểu Tây.
Nguyễn Công Hoan viết truyện "Thầy cáu" hàm ý muốn nhắc các quan Dục, rằng chân mình giẫm cứt mà cầm đuốc soi chân người. Không chỉ thế, truyện còn có ý nghĩa mách bảo các bậc hủ Nho xem lại cái truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của mình. Mời các bạn thưởng thức truyện THẦY CÁU. Tôi chịu khó đánh máy lại để tặng cho các thầy Dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét