12 thg 11, 2022

7 kỹ năng xã hội trẻ cần để lớn lên thành công

Theo nghiên cứu của ĐH bang Pennsylvania và Duke (Mỹ), trẻ có kỹ năng chia sẻ, lắng nghe, hợp tác và tuân thủ quy tắc ở tuổi lên 5 thường thành công hơn trong tương lai.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ cho thấy, các kỹ năng xã hội và cảm xúc của trẻ ở trường mẫu giáo có khả năng dự báo lớn nhất về sự thành công khi trưởng thành.

Trẻ em thiếu các kỹ năng xã hội và tình cảm có nhiều khả năng trở nên phụ thuộc vào sự trợ giúp của nhà nước, gặp rắc rối pháp lý, lạm dụng chất kích thích và gặp các vấn đề về mối quan hệ.

Những đứa trẻ có kỹ năng xã hội mạnh mẽ và có thể hòa đồng với các bạn đồng trang lứa có khả năng kết bạn dễ hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng tình bạn thời thơ ấu rất tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ, mang lại cho trẻ cơ hội thực hành các kỹ năng xã hội nâng cao hơn, như giải quyết vấn đề và giải quyết xung đột.

Không có kỹ năng xã hội để tương tác với những người khác cũng có khả năng gây ra căng thẳng.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em giảm cortisol, một loại hormone được tiết ra trong các tình huống căng thẳng, khi chúng học được các kỹ năng xã hội mới.

                 Ảnh minh họa: Verywell

Dưới đây là 7 kỹ năng xã hội quan trọng cha mẹ cần dạy cho con.

Chia sẻ

Sẵn sàng chia sẻ một món ăn nhẹ hoặc một món đồ chơi có thể giúp trẻ kết bạn và duy trì tình bạn. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ em khi mới 2 tuổi có thể thể hiện mong muốn chia sẻ với người khác.

Tuy nhiên, trẻ em trong độ tuổi 3-6 thường không thích chia sẻ. Trẻ biết nếu chia một nửa số bánh quy của mình với bạn, đồng nghĩa chúng phải ăn ít đi. Nhưng những đứa trẻ đó có thể sẵn sàng chia sẻ một món đồ chơi mà chúng không còn hứng thú.

Đến 7 hoặc 8 tuổi, trẻ quan tâm hơn đến sự công bằng và sẵn sàng chia sẻ. Những đứa trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân thường có nhiều khả năng chia sẻ hơn. Dạy trẻ chia sẻ nâng cao lòng tự trọng của chúng.

Mặc dù việc ép buộc con chia sẻ thường không phải là một ý kiến hay, nhưng bạn có thể thường xuyên khen ngợi con vì đã chia sẻ và cho trẻ biết người khác cảm thấy thế nào về hành động đó. Ví dụ, bạn có thể nói "Con đã chia sẻ đồ ăn với em. Mẹ rất vui vì điều đó. Đó là việc rất tốt".

Hợp tác

Hợp tác có nghĩa là làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung. Những đứa trẻ biết hợp tác sẽ tôn trọng khi người khác đưa ra yêu cầu. Chúng cũng đóng góp, tham gia và giúp đỡ.

Kỹ năng hợp tác tốt là điều cần thiết để tạo nên thành công trong xã hội. Con bạn sẽ cần hợp tác với các bạn trong lớp trên sân chơi cũng như trong lớp học. Hợp tác cũng quan trọng khi trưởng thành.

Đến khoảng 3,5 tuổi, trẻ có thể bắt đầu làm việc với các bạn cùng lứa vì mục tiêu chung như cùng nhau xây tháp đồ chơi đến chơi một trò chơi yêu cầu mọi người tham gia. Một phần của việc hợp tác cũng có nghĩa là học cách hài hòa khi mọi thứ không theo ý mình. Trẻ em học được rằng việc ăn mừng thành công của người khác không làm giảm giá trị của chúng.

Khi nói đến sự hợp tác và cộng tác, một số trẻ có thể giữ vị trí lãnh đạo trong khi những trẻ khác sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi làm theo hướng dẫn. Dù bằng cách nào, hợp tác là một cơ hội tuyệt vời để trẻ em hiểu thêm về bản thân và cách chúng thể hiện tốt nhất trong nhóm.

Hãy nói với con về tầm quan trọng của làm việc nhóm, làm thế nào để công việc tốt hơn khi mọi người cùng tham gia. Tạo cơ hội cho cả gia đình làm việc cùng nhau, chẳng hạn chuẩn bị bữa ăn hoặc làm việc nhà và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác.

Lắng nghe

Lắng nghe không chỉ là giữ im lặng, nó có nghĩa là thực sự tiếp thu những gì người khác đang nói. Lắng nghe cũng là một thành phần quan trọng của giao tiếp lành mạnh. Rốt cuộc, phần lớn việc học ở trường phụ thuộc vào khả năng lắng nghe giáo viên nói.

Việc tiếp thu tài liệu, ghi chép và suy nghĩ về những gì đang được nói càng trở nên quan trọng hơn khi con bạn tiến bộ trong học tập. Cho con bạn nhiều cơ hội để luyện nghe có thể củng cố kỹ năng này.

Lắng nghe cũng là một phần quan trọng trong việc phát triển sự đồng cảm. Một đứa trẻ không thể thể hiện lòng trắc ẩn hoặc đề nghị hỗ trợ người khác nếu không lắng nghe và hiểu những gì người kia đang nói.

Điều cần thiết là con bạn lớn lên phải biết cách lắng nghe sếp, người bạn đời và bạn bè. Hãy nhấn mạnh với con bạn ngay từ khi còn nhỏ rằng không nên cầm điện thoại thông minh và các thiết bị khác khi nói chuyện với người khác.

Khi đọc sách cho con, hãy định kỳ dừng lại và yêu cầu chúng kể cho bạn nghe về những gì bạn đang đọc.

Giúp con lấp đầy những khoảng trống còn thiếu và khuyến khích con tiếp tục lắng nghe. Không cho phép con ngắt lời người khác khi họ đang nói.

Làm theo chỉ dẫn

Dù bạn hướng dẫn con dọn dẹp phòng hay đang hướng dẫn chúng cách cải thiện kỹ năng chơi bóng, điều quan trọng là trẻ phải có định hướng và làm theo hướng dẫn.

Tuy nhiên, trước khi bạn có thể mong đợi con mình làm theo hướng dẫn, bạn phải thành thạo trong việc chỉ đường. Để đưa ra định hướng tốt và tránh những sai lầm phổ biến, hãy làm theo các chiến lược sau:

Đưa ra một hướng cho trẻ nhỏ tại một thời điểm. Thay vì nói, "Nhặt giày, cất sách vở và rửa tay", hãy đợi cho đến khi nhặt được giày trước khi ra lệnh tiếp theo.

Tránh diễn đạt hướng dẫn của bạn như một câu hỏi. Hỏi "Bây giờ con có vui lòng lấy đồ chơi không?" ngụ ý rằng con bạn có quyền từ chối. Khi hướng dẫn, hãy yêu cầu trẻ lặp lại những gì bạn nói. Hỏi, "Bây giờ con phải làm gì?" và đợi trẻ giải thích những gì đã nghe.

Hãy nhớ rằng sai lầm là bình thường. Trẻ nhỏ thường mất tập trung, hành xử bốc đồng hoặc quên những gì chúng phải làm. Hãy xem mỗi sai lầm là một cơ hội để giúp con rèn giũa các kỹ năng của mình.

Cha mẹ nên khen ngợi con bạn vì đã làm theo chỉ dẫn bằng cách nói những câu như "Cảm ơn con đã tắt TV ngay khi mẹ nói".

Nếu con bạn gặp khó khăn trong việc làm theo hướng dẫn, hãy cho chúng cơ hội thực hành theo những mệnh lệnh đơn giản. Nói những điều như, "Con đưa cuốn sách giúp mẹ nhé" và sau đó khen ngợi ngay lập tức về việc làm theo hướng dẫn.

Tôn trọng không gian cá nhân

Một số trẻ rất gần gũi. Nhiều bé chui vào lòng người quen mà không hề biết điều đó khiến họ cảm thấy khó chịu. Vì vậy, điều quan trọng là dạy trẻ cách tôn trọng không gian cá nhân của người khác.

Tạo các quy tắc trong gia đình để khuyến khích trẻ tôn trọng không gian cá nhân của người khác. "Hãy gõ khi thấy cửa đóng".

Nếu con bạn lấy đồ vật khỏi tay người khác hoặc đẩy khi thiếu kiên nhẫn, hãy cho chúng biết hậu quả. Nếu con bạn đứng quá gần mọi người trong khi nói chuyện, hãy nhân đó dạy dỗ con.

Đưa con bạn sang một bên và chỉ dạy trẻ về không gian cá nhân. Khi chúng lớn hơn, bạn có thể nói chuyện với chúng về khái niệm ranh giới, bằng cách thiết lập chúng ranh giới của chính mình và tôn trọng ranh giới của người khác.

Dạy con bạn đứng cách xa mọi người khoảng một sải tay khi chúng đang nói chuyện. Khi con đang đứng trong hàng, hãy nói về mức độ thân thiết với người trước mặt và nhắc con giữ khoảng cách. Bạn có thể nhập vai vào các tình huống khác nhau để giúp trẻ thực hành không gian cá nhân phù hợp.

Giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt tốt là một phần quan trọng của giao tiếp. Cho dù con bạn nhút nhát và thích nhìn chằm chằm vào sàn nhà hay đơn giản là không nhìn lên khi mải mê với một hoạt động khác, hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng mắt.

Nếu con bạn gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt, hãy đưa ra những lời nhắc nhở nhanh chóng sau đó. Bằng một giọng nhẹ nhàng, hãy hỏi: "Mắt con nên nhìn đi đâu khi ai đó đang nói chuyện với con?" Khen ngợi vì con bạn nhìn người khác khi đang nói chuyện.

Cân nhắc cho con bạn thấy cảm giác khi trò chuyện với một người không giao tiếp bằng mắt. Yêu cầu con chia sẻ câu chuyện trong khi bạn nhìn chằm chằm xuống đất, nhắm mắt hoặc nhìn mọi nơi ngoại trừ trẻ.
Mời con kể một câu chuyện khác và giao tiếp bằng mắt thích hợp khi con đang nói chuyện.

Thảo luận về cảm giác của từng tình huống.

Cư xử

Nói làm ơn, cảm ơn và cư xử tốt trên bàn ăn có thể giúp con bạn được chú ý vì những lý do chính đáng. Giáo viên, các bậc cha mẹ và những đứa trẻ khác sẽ tôn trọng một đứa trẻ biết cư xử tốt.

Tất nhiên, việc dạy cách cư xử đôi khi giống như một trận chiến khó khăn, khi chúng thường nghe tài này, bỏ tai kia. Điều quan trọng là trẻ em phải biết cách cư xử lịch sự và tôn trọng, đặc biệt là khi ở nhà người khác hoặc ở trường. Từ việc ợ to lên bàn cho đến hành động vô ơn đều cần được điều chính.

Muốn vậy, cha mẹ hãy làm gương tốt cho con bằng cách thường xuyên nói "Không, cảm ơn" và "Vâng, làm ơn" với con.

Đảm bảo cư xử đúng mực khi tương tác với người khác. Đưa ra những lời nhắc nhở khi con quên cư xử và khen ngợi chúng khi bạn thấy chúng lịch sự.

Nhật Minh (Theo verywellfamily)



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét