Buổi chiều tôi đến viếng anh lần cuối, anh cười vô tư nghe người ta lần lượt kể chuyện đời mình. Tấm ảnh cậu bé đứng chỉnh tề giữa đại gia đình, có lần anh bảo đoán anh đứng đâu và tôi đã chỉ ra đúng anh. Tôi cho rằng muôn sắc màu của đời sống đã không biến đổi anh vì anh luôn giữ bản sắc của chính mình.
Khoảng cách giữa anh và tôi là một nửa của căn phòng rất rộng, rất đông người. Tôi không vội vã đến cạnh anh, tôi còn hai giờ đồng hồ để nhìn anh từ xa, để nghe những đoạn đời của anh. Họ kể về tuổi thơ của anh, tôi lập tức mường tượng đến xứ Quảng nơi anh đã sanh ra. Quê hương bao gồm đa số những địa danh tôi chưa hề biết đến. Người bạn vừa tìm lại nhắn vẫn nhớ hoài cậu bé sáu tuổi biết mang tấm lòng trắc ẩn, tôi hy vọng sự bất ngờ này mang cho anh niềm vui. Anh lớn lên, tôi phục anh đậu tú tài hạng ưu, được đại học UC Berkeley thu nhận. Anh đi du học ba năm trước khi Sàigòn sụp đổ, may mắn cho anh đã không phải như tôi trải nghiệm sự phân hủy chậm chạp của tất cả những gì đã tạo ra mình. Tôi phục anh hơn nữa, vì UC Berkeley thời ấy là môi trường của tả khuynh phản chiến thân Cộng, nhưng lý tưởng quốc gia trong anh không phai. Học hành thành đạt xong anh trở về lo việc đấu tranh cho dân chủ của quê hương. Tổ chức tri ân anh, hội đoàn ghi công anh và nhà thờ cảm tạ anh. Họ nói tấm bằng luật sư có thể đem đến cho anh phú quý, nhưng anh tìm ý nghĩa của đời sống qua sự hy sinh lợi ích của bản thân. Tôi đến, không định tìm hiểu thêm về anh, nhưng đã hoàn toàn bị cuốn hút vào thế giới của anh. Tôi bám theo từng lời kể, ráp nối những hình ảnh, cố gắng hình dung trọn vẹn người bạn quen chưa đầy mười tám tháng. Tôi còn nhớ lần đầu gặp anh trong buổi tối băng tuyết. Mặt đường như một dải băng hà. Bạn bè bảo nhau năm nay lạnh thất thường. Mọi người trông ngóng vì anh đến trễ, lo lắng đường trơn đá dễ gây tai nạn, hoặc anh thắng gấp sẽ trợt tay lái. Mà từ nhà anh lên tôi xa thẳm. Báo động nguy hiểm vì băng của ty khí tượng gửi text vào phone liên tiếp. Vậy mà anh vẫn muốn đến, thăm vợ chồng tôi, hai người bạn mới. Lúc ấy, anh hoàn toàn chưa có triệu chứng trầm kha, vẫn còn là người đàn ông độc thân đầy đủ điều kiện nhiều phụ nữ yêu mến. Anh bước vào, mạnh mẽ, tươi vui với mâm cá hồi do tự tay anh nấu lấy, không kịp ngồi xuống anh đã vào bếp hâm nóng cá cho các bạn. Rồi chúng tôi tranh luận sôi nổi về văn chương đến hai giờ sáng. Tuy sự hăng say vẫn còn cao nhưng cổ họng đã khan và thân thể không còn chống cự được nên mọi người ra về. Còn lại vợ chồng tôi vui với sự ấm áp giữa mùa đông.
Bất chợt, tôi thấy cần thiết nói vài lời với anh, tuy vẫn chưa biết sẽ nói gì. Đâu đó vang lên tiếng hát của Duy. Bài Giọt Nước Có Biết Mình Là Sông mà anh thường hát, hôm nay Duy hát cho anh nghe. Giọng hát Duy lần này buồn lạ lùng. Có lẽ tôi sẽ nói, anh có biết giòng sông vẫn chảy vì anh là giọt nước, dù giọt nước đã hóa kiếp thành mây bay nổi trôi.
Khoảng cách giữa anh và tôi vẫn là một nửa của căn phòng rất rộng, nhưng tôi cảm thấy gần anh hơn một chút. Kỷ niệm tiếp tục về trong tôi, còn bao nhiêu hình ảnh trong đầu tôi không thể in ra, không thể cho anh thấy tôi vẫn nhớ rất rõ ràng. Lần đầu được mời đến nhà anh, Phở Xuân Phước bên hồ Xuân Phước, chúng tôi lái xe theo con đường vắng vẻ thênh thang những bãi cỏ úa sau mùa Ðông, ngoằn ngoèo dẫn vào xa tít tắp cuối hồ. Nhà không khóa, như anh luôn để cửa mở đợi bạn, gọi cũng không ai trả lời. Chúng tôi bước vào, hương phở thơm lừng xông ra thay lời chào đón. Tất cả bài trí giản dị, pha một chút bề bộn cẩu thả của người đàn ông sống một mình. Đi ngang nhà bếp, những thiết bị bếp núc chuyên nghiệp cho biết nấu ăn là sở thích của anh. Sau nhà mở ra tức khắc một mặt hồ hoang vu, trải mênh mông và bát ngát khoảng chân trời. Nhìn thấy anh đứng giữa sân, tôi vụt khám phá nội tâm của người đàn ông sống trong ngôi nhà này, vừa cô độc, vừa lãng mạn. Giờ, tôi hiểu hơn nữa, anh lãng mạn trong cả tình yêu dân tộc. Và suy tưởng lại những đêm anh cùng bạn bè sôi nổi bên bờ hồ, tất cả chúng tôi sống hết lòng bằng tuổi trẻ còn sót lại trong tâm hồn. Nỗi quạnh hiu bị đẩy lùi vào bóng tối. Những âm thanh ồn ào phát ra, dù do tranh luận, đọc thơ, đàn hát, khích bác, đều khiến được vui. Tuổi trẻ chỉ có thể còn hiện hữu trong bạn bè, vì không mấy gì vui khi điên khùng một mình, nên chúng tôi trân trọng thân tình kết nối. Dù sao, ngay cả khi không thấy được từ giữa lòng nước âm u lên đến bầu trời đen trên cao, và có lẽ trong thâm tâm anh nữa, nỗi quạnh hiu vẫn ngự trị.
Mấy lần cuối gặp nhau, anh chơi một lúc lại phải nằm nghỉ dưỡng sức hoặc ra về sớm. Tuổi trẻ anh mất dần theo sức khỏe. Lần cuối cùng chúng tôi đến thăm anh, gia đình cho biết anh quá mệt không thể tiếp khách. Trên đường về, tôi đã không nghi ngờ sẽ không còn dịp trò chuyện với anh.
Lúc này anh vẫn đang lắng nghe, những người bạn cùng hát tặng anh Quê Hương Ngạo Nghễ mà anh yêu thích nhất. Vẫn ngạo nghễ nhưng u buồn lạ lùng. Ngoài trời chắc hẳn đang bão táp, tiếng sấm gào thét giận dữ làm rung chuyển tòa nhà. Cơn giông sẽ làm bật ngã nhiều gốc cây. Mọi người chung quanh bắt đầu đứng dậy. Thâm tâm tôi vội vã trở về lần đầu tiên gặp anh, như một sự đối kháng với đi về phía kết thúc. Tôi nghe tiếng mình cười ngất khi anh tranh luận cùng Trần Vũ rằng bà Tùng Long mới là nhà văn thực sự vì số lượng sách in của bà cả trăm ngàn, còn Mai Thảo chỉ là do đám Bắc kỳ xưng tụng. Tôi cũng nhào vào trêu anh, có nhiều loại sách bán rất chạy nhưng không phải là sách văn chương. Lần khác, tôi nhớ mình khoái trí yêu cầu anh ngâm đi ngâm lại bài thơ “Ba Đình trắng sương Bác đợi..” mà anh ngâm với tất cả tâm tư giễu cợt. Tôi lại nhớ anh cùng đến tắm hồ với chúng tôi với chiếc quần tắm màu vàng, đúng một năm trước đây khi anh vừa mất hết tóc. Hôm tôi vào thăm anh, chúng tôi đã bàng hoàng vì y tá bắt mặc áo ny-lông kín mít, bịt mặt mũi che chắn vi trùng không để lây sang anh. Giọt nước mắt ngấn trên má anh khi nhìn thấy chúng tôi vào thăm, tôi không quên. Giọt nước không biết mình là sông đang chảy trong mắt anh khi trông thấy Duy vào trước, là giọt nước của lòng sông yêu thương.
Số lần tôi gặp anh có thể đếm trên đầu ngón tay, tôi tự nhủ vẫn còn thời gian ôn lại từng lần. Tôi còn đang mê mị với ký ức thì một bàn tay lay vai tôi thức tỉnh. Căn phòng đã lùi về phía sau, tôi đang đứng trong hàng người tiến về phía anh. Tôi mong người chen vào đông hơn, mong họ đi chậm, nói lâu. Vì tôi chưa biết sẽ nói lời cuối cùng gì. Bàn tay níu lấy vai tôi như một bám víu. Tôi quay lại, thấy chị Nguyệt đứng khóc sụt sùi, tôi ôm chị. Nước mắt của chị, nỗi buồn mất mát người bạn tốt mười mấy năm của chị khiến tôi hoang mang. Đầu óc bỗng trở nên trống rỗng, không một hình ảnh, không còn tiếng động, không một suy nghĩ gì. Chỉ còn sự hoang mang lớn dần theo mỗi bước chân. Bước chân chậm lại khi khoảng cách thu hẹp, rồi tần ngần trước thùng gỗ hiện to. Khi tôi trông thấy anh, là sự thương cảm tràn ngập. Tất cả vỡ òa. Đã không còn là anh với nụ cười vô tư. Đã không còn là anh với hy vọng triền miên. Mà là gương mặt của thần chết thản nhiên.
Khóc cho một người bạn là bình thường, ngay cả khi sự bình thường ấy là vết cắt không bình thường của một lưỡi lam.
VTTM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét