Thằng Tý, bất cứ lúc nào, nghe thấy tiếng bà to béo, bệ vệ mà cái quyền áp chế của kẻ mạnh cùng cái tập quán xấu xa của xã hội đã bắt nó phải gọi bằng “mẹ” là nó lạnh cả gáy. Nó biết, hễ khi nào bà kia gọi đến nó thì phi phải đánh tất phải chửi. Khổ thêm cho nó nữa, là mỗi lần, nó phải đánh, phải chửi thì y như chị Hai là người yêu quý nhất đời của nó cũng bị đánh, bị chửi lây. Mỗi lần bà kia gọi, nó tuy sợ chết đi mà cũng phải lại gần, khoanh tay, thưa:
– Bẩm mẹ bảo gì con?
Người ta bắt buộc nó phải cử chỉ lễ phép, phải nói năng cung kính như thế. Nhưng cái tiếng mẹ, đối với nó, chẳng những không ý nghĩa gì mà lại gây lắm cảm giác hãi hùng. Chỉ cái tiếng “chị Hai” đối với nó là có vẻ thiết tha. Mỗi lần gọi chị Hai, nó thấy trái tim nhỏ xíu của nó hồi hộp, một tia sáng êm đềm ấm áp ở trong mắt nó bay ra mà bao phủ, mà ôm ấp lấy cái người nó gọi. Nó cho rằng cái tiếng đáng yêu, đáng quý nhất đời là cái tiếng chị Hai, mà cái tiếng mẹ là cái tiếng đáng ghê, đáng sợ nhất. Còn tiếng mẹ đối với nó là biểu hiện cho sự đòn đánh, ghét bỏ mà cái tiếng chị Hai là hình ảnh của sự yêu thương nồng nàn. Khối óc non nớt, trái tim trong sạch của nó đã định nghĩa cho hai tiếng gọi kia những tự bao giờ.
Nó lên sáu, người ta cho đi học thì nó cũng đi học chứ nào có hiểu đi học để làm gì. Nhưng mỗi lần, chị Hai nó bế nó vào lòng, nước mắt dàn dụa bảo: “Em cố học đi cho chị Hai nhờ” thì nó thấy thích học lắm, chứ nào có biết chị Hai yêu quý được nhờ gì về sự học của nó đâu. Nó chỉ biết rằng đi học thì thêm một cái cớ cho mẹ già nhiếc móc chị Hai, mỗi khi mẹ già nó phải bỏ tiền ra mua thỏi mực hay chục giấy cho nó. Tuy thế, nó vẫn thích học, mà nó lại học chăm bởi vì nó cảm thấy mỗi lần chị Hai thấy nó “kêu như con cuốc mùa hè” là trên vẻ mặt thảm sầu kia lại hiện ra một vẻ vui mừng.
Nó chỉ muốn cho chị Hai được vui nên nó càng chăm học. Mỗi lần nó cắp sách về là mỗi lần chị Hai đon đả hỏi:
– Em thuộc bài không. Em viết đã tốt chưa, cụ Đồ có khen em không?
Nó tươi cười mà gật đầu. Cái gật đầu rất có ý nghĩa khiến cho mỗi lần chị Hai nó trông thấy lại tủm tỉm cười. Mỗi lần nó thấy chị Hai tủm tỉm cười thì những muốn chạy lại ôm chầm lấy chị Hai, nhưng con mắt dữ dội của cái bà to béo bệ vệ đứng đằng kia lại làm cho nó sợ hãi thành thử nó cũng chỉ tủm tỉm cười và ngó chị Hai một cách rất yêu thương mà không dám lại gần.
Một điều mà nó vẫn không hiểu là tự làm sao chị Hai nó chỉ dám gọi nó là con trong lúc vắng người, còn khi đứng trước mặt cái bà to béo bệ vệ kia thì chỉ kêu nó bằng anh. Người khác gọi thế là sự thường, chứ chị Hai nó gọi nó thế thì quá lắm. Cái tiếng anh có cái ý nghĩa giả dối, miễn cưỡng đối với nó rất là khó chịu. Nhưng chị Hai khéo dùng một cái giọng rất dịu dàng mà gọi, nên tiếng anh cũng không cách biệt cái tiếng con là mấy, cũng không đến nỗi nhạt nhẽo cho lắm. Nó chỉ băn khoăn tự hỏi làm sao chị Hai không có quyền gọi nó bằng con nhỉ?
Cứ như ý nó thì lúc nào nó cũng muốn cho chị Hai nó gọi nó bằng con, bởi vì nó xét thấy tiếng gọi kia thường đi đôi với một cái nhìn quyến luyến, một cái hôn âu yếm, một vẻ mặt tươi cười. Nó chỉ muốn cho chị Hai lúc nào cũng gần gũi nó, ôm ấp bồng bế nó để cho nó được vuốt tóc, sờ má, bẹo mũi, để lúc nào díp mắt, nó được gục đầu vào ngực chị Hai mà ngủ.
Giá nó được nằm thon lỏn vào lòng chị Hai mà đánh một giấc thì ngon biết chừng nào. Lúc ấy, thì dù ông “ba bị chín quai, mười hai con mắt” có hiện ngay ra, nó cũng chẳng núng, chị Hai chỉ khẽ tát cho một cái là phải lộn nhào đi…
Nó chỉ muốn thế, chỉ ước ao có thế, mà có lẽ chị Hai nó cũng chỉ ước mong có thế thôi, nhưng cái bà to béo bệ vệ kia nào có muốn thế cho. Bà chỉ muốn cho chị Hai nó làm, làm đầu tắt mặt tối, từ mờ mờ sáng cho đến nửa đêm. Nó thấy chị Hai vất vả mà nó thương. Nó chỉ mong cho chóng có hai cánh tay to lớn như thằng xe, thằng bếp để làm giúp cho chị Hai.
Nó nhìn thấy chị Hai đầu bù tóc rối mà nó buồn, nó thấy chị Hai phải chửi phải đánh mà muốn khóc muốn kêu giời lên. Nhưng nếu kêu giời, nếu khóc thì cái bà to béo bệ vệ kia lại túm lấy nó đánh túi bụi mà lại còn đánh thêm chị Hai nó nữa. Nó chỉ biết đứng ngó những cảnh thương tâm ấy mà nuốt nước mắt.
Ôi, nuốt nước mắt! Câu nói rất thường kia mà ý nghĩa rất chua cay nó đã hiểu từ hồi còn măng sữa trong cái tuổi mà trẻ con người ta đang vui cười với con bướm với ông giăng. Nó thấy cái đời nó và chị Hai bị bó buộc nhục nhằn hơn mẹ con con chó mực vì chúng còn được tự do âu yếm nhau. Nó trông thấy con chó mực liếm mình mẩy cho con mà thèm, ước gì chị Hai và nó sẽ biến ra thành con chó, để chị Hai được tự do mà nưng niu nó.
Chị Hai phải làm vần vật cả ngày, mà cả ngày mẹ già nó cứ long lên sòng sọc, nên không bao giờ nó được gần chị Hai nó cả. Chỉ có lúc buổi sáng là lúc cả nhà còn đương ngủ mà chị Hai đã phải dậy làm lụng rồi, là nó được tự do âu yếm chị Hai mà thôi. Những thời khắc ấy là những thời khắc sung sướng nhất trong đời nên nó chẳng bỏ phí bao giờ.
Giời rét như cắt ruột, nó thấy chị Hai dậy là nó cũng bò dậy, chị Hai cản thế nào, nó cũng không nghe.
– Em ngủ nữa đi cho khỏe, mai còn đi học.
Nó phụng phịu:
– Không, con dậy với chị Hai cơ.
– Chị Hai phải dậy sớm dọn dẹp, em dậy sớm làm gì?
– Em dọn dẹp mấy chị Hai.
– Em bé bỏng đã dọn dẹp gì được. Ngủ đi chóng ngoan.
Nó cũng muốn là đứa con ngoan của chị Hai mà nó cũng lại muốn dậy để gần gụi chị Hai, nó kiếm cớ:
– Cụ Đồ bảo dậy sớm học chóng thuộc, em dậy em học, em quên chữ nào, chị Hai bảo em.
Ở dưới xó bếp, chị Hai nó ngồi đun nước, nó lặng lẽ ngồi một bên. Nó trông ngọn lửa cháy đỏ ối mà nó vui, nó nghe tiếng củi nổ mà nó sướng, nó nhìn bức tường đen kịt những khói mà ánh lửa chiếu vào như có vẻ vui cười với nó, nó coi những nồi, niêu, xanh chảo treo ở chung quanh như những người bạn rất thân đến mục kích và chứng thực cho sự sung sướng của nó. Nó ngồi chồm chỗm cạnh chị Hai nó mà nó chẳng biết mỏi, biết chán là gì. Chị Hai bảo nó học thì nó cũng nghe lời, giở sách học, chứ theo ý nó thì cứ ngồi nhìn chị Hai nó, nhìn ngọn lửa còn sướng hơn. Thỉnh thoảng nó lại giả vờ hỏi nghĩa, kỳ tình nó đã thuộc làu như cháo.
– “Nhân chi sơ” là gì, hở chị Hai?
– Là người chưng xưa.
– Không phải, không phải, là sờ vú mẹ.
Rồi nó sà vào lòng chị Hai, nó vạch yếm, nó sờ vú, cũng có lúc nó giả bộ làm em bé, nó bú ti. Nó nằm thon lỏn vào lòng chị Hai, nó nhắm mắt lại. Những lúc ấy thì nó sung sướng lạ. Nó thấy nó bé lại, nó thấy hơi thở nó ăn theo với hơi thở của chị Hai nó, nó thấy trái tim nó hồi hộp với trái tim chị Hai. Mà chị Hai thấy nó sung sướng, chị Hai cũng sung sướng. Chị Hai thấy nó ngoan ngoãn kháu khỉnh mà trong thần trí bỗng nổi lên một mối hy vọng rực rỡ đầy rẫy những điều ước hẹn tốt đẹp về tương lai… Chị Hai cầu mong cho nó chóng nhớn thành người để đạt được những chí nguyện mà chị Hai nó đã kỳ vọng cho nó. Giá có phải rạch máu, xẻ thịt mà bù đắp vào cho nó để nó chóng nhớn, thì chị Hai cũng sẵn lòng bù đắp ngay. Mà nó, nếu có phải moi ruột, xé gan để cho chị Hai được sung sướng, nó cũng vui lòng mà hy sinh ngay.
– Lạy giời phù hộ cho mẹ con tôi…
Thằng Tý nghe chị Hai nó khấn như thế, nó tưởng chừng như ông giời – một ông giời của những kẻ khốn nạn – đã bước chân ngay xuống cái xó bếp này, dùng phép mầu mà biến ra thành một cảnh bồng lai đầy rẫy những sự lạc thú. Cái xó bếp ấy là một thế giới thần tiên của mẹ con nó. Những người lòng dạ khô khan ở nơi lầu son, gác tía bao giờ biết được những cái thú “xó bếp” ấy, cái thú không mất tiền mua, mà dù có tiền mua cũng không được. Muốn biết những cái thú thần tiên ấy phải có một trái tim trong sạch, phải trải qua một cảnh đau thương như thằng Tý, phải lấy một trái tim yêu thương để hiểu một trái tim yêu thương. Thằng Tý ngày nay đã thành người, đã là một người có địa vị ở trong xã hội, nhưng nó vẫn ngậm ngùi rằng không lúc nào, ở chốn nào mà nó được sung sướng cho bằng khi còn ngồi xó bếp với chị Hai nó, bởi vì cái người đã tận tụy một đời vì nó, đã hy sinh một đời cho nó ngày nay đã chôn sâu dưới nấm đất vàng.
Hỡi ơi! Cái xó bếp! Nó biết tìm đâu cho thấy một cái xó bếp ấm áp như xưa nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét