31 thg 5, 2021

TRUNG QUỐC: Kinh tế thần kỳ, còn tích lũy tài sản ròng ra sao? ( Diễn Đàn Khai Phóng )

 Michael Beckley – Đại học Tufts, Massachusetts, Hoa Kỳ và Viện Nghiên Cứu American Enterprise Institute, 13 December 2019

Người dịch : Lê Nguyễn

Tóm lược: Bài viết này đã có từ năm 2019, nhưng nội dung vẫn còn  giá trị giúp chúng ta hiểu rõ thêm về Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ qua thật là ngoạn mục. Nhưng vỏ bọc cho tỷ lệ tăng trưởng hai con số đó chỉ khéo che chắn cho các chi phí quốc gia  tiềm ẩn còn phải trả của Trung Quốc, đó chính là những lý do làm hạn chế khả năng giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về độ giàu có giữa hai nước. Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng cao với chi phí cao, và bây giờ chi phí  tăng lên trong khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Những dữ liệu mới dùng để tính toán bao gồm hết các chi phí này cho thấy Hoa Kỳ giàu hơn Trung Quốc nhiều lần, và khoảng cách có thể đang tăng lên hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm.

Giới thiệu:

Kết luận này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên vì Trung Quốc có tỷ lệ GDP lớn hơn, tỷ lệ đầu tư cao hơn, dòng chảy thương mại lớn hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn Hoa Kỳ. Làm sao một Trung Quốc sản xuất nhiều hơn, đầu từ nhiều hơn, thương mãi vượt hơn Hoa Kỳ — và sở hữu gần 1,2 nghìn tỷ đô la nợ của Hoa Kỳ — mà vẫn có ít của cải hơn một cách đáng kể? Lý do là vì nền kinh tế Trung Quốc lớn nhưng kém hiệu quả. Nó tạo ra sản lượng lớn nhưng với mức chi phí khổng lồ. Các doanh nghiệp Trung Quốc phải chịu chi phí sản xuất cao kinh niên và 1,4 tỷ dân đặt ra những gánh nặng an ninh và phúc lợi đáng kể. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng lớn nhưng  hiệu quả. Các doanh nghiệp Mỹ nằm trong số những doanh nghiệp có năng suất cao nhất trên thế giới và với số dân ít hơn bốn lần so với Trung Quốc, Hoa Kỳ có mức chi phí phúc lợi và an ninh thấp hơn nhiều. GDP và các thước đo tiêu chuẩn khác cho trọng lượng  kinh tế đã bỏ qua những chi phí này và tạo ra ấn tượng sai lạc rằng Trung Quốc đang vượt Hoa Kỳ về mặt kinh tế. Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc phải cố gắng lắm mới giữ nổi được tốc độ, bởi gánh nặng của việc chống đỡ cho các công ty thua lỗ như doanh nghiệp quốc doanh, nuôi ăn cho số dân khổng lồ, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ đất nước, và dọn dẹp “rác rưởi” cho số người của 1/5 nhân loại đã làm xói mòn kho tài sản của Trung Quốc.

Sự giàu có thực sự của các quốc gia:

Trong nhiều thập kỷ, các nhà phân tích đã đo lường sự giàu có quốc gia theo tổng số thay vì tính theo giá trị ròng, chủ yếu dựa trên GDP và các thành phần của nó, chẳng hạn như dòng chảy thương mại, tài chính và chi tiêu đầu tư. Tuy nhiên, gộp các chỉ số này lại sẽ làm phóng đại sự giàu có của các quốc gia đông dân bởi vì chúng chỉ tính đến lợi ích của việc có một lực lượng lao động lớn nhưng không tính đến chi phí của việc có nhiều người cần phải nuôi sống, chi phí cho cảnh sát, chi phí bảo vệ quốc gia, và chi phí phục vụ cho số dân khổng lồ như Trung Quốc. Những chi phí này cộng lại với nhau sẽ trở nên rất lớn. Trên thực tế, chúng tiêu thụ hầu hết các nguồn tài nguyên ở mọi quốc gia. Các nhà phân tích, do đó, phải khấu trừ chúng để đánh giá chính xác sự giàu có của các quốc gia. Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc gần đây đã thực hiện nhiệm vụ này và công bố các ước tính sơ bộ về dự trữ tài sản ròng của các quốc gia trong ba lĩnh vực: vốn sản xuất (các mặt hàng nhân tạo như máy móc, nhà cửa công thự, cơ sở hạ tầng, phần mềm); vốn con người (trình độ học vấn, kỹ năng và  thời gian làm việc cho một đời người); và vốn tự nhiên (nước, tài nguyên năng lượng, đất canh tác). Ngoài ra, Credit Suisse, một công ty tư nhân, đã công bố dữ liệu về kho tài sản tư nhân của các quốc gia. Mặc dù sử dụng dữ liệu và phương pháp khác nhau, cả ba cơ sở dữ liệu này cho thấy một kết quả tương tự và đáng ngạc nhiên: Hoa Kỳ giàu hơn Trung Quốc vài lần, và khoảng cách tuyệt đối có thể đang tăng lên  hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm.



Hình 1. Tổng số tài sản. Ước tính bởi Liên Hiệp Quốc theo đô la cố định năm 2005 (Hình trái). Ước tính của Ngân hàng Thế giới theo đô la cố định năm 2014 (Hình giữa). Dữ liệu tài sản tư nhân bằng đô la hiện tại (Hình phải). Nguồn: UNU-IHDP, 2014; Lange và Carey, 2018; Credit Suisse, 2018.

Những kết quả này có đáng tin không? Và nếu xem xét kỹ hơn vốn sản xuất, vốn con người và vốn tự nhiên của mỗi quốc gia, người ta thấy, có vẻ như sự đánh giá của họ còn hơi  thấp cho khoảng cách độ giàu  thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vốn sản xuất

Trung Quốc có GDP lớn hơn tính theo sức mua tương đương và tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn Hoa Kỳ, nhưng tăng trưởng GDP không nhất thiết phải là một dấu hiệu của độ giàu có mở rộng. Nếu một quốc gia chi tiêu hàng tỷ đô la xây dựng những cây cầu đến hư không, GDP của nó sẽ tăng nhưng kho tài sản của nó vẫn sẽ không thay đổi hoặc thậm chí suy giảm. Để tích lũy vốn sản xuất, một quốc gia cần tăng năng suất, ngụ ý sự gia tăng bền vững trong sản lượng được tạo ra trên mỗi đơn vị đầu vào, một chỉ số mà các nhà kinh tế học gọi là “năng suất nhân tố tổng thể”. Chỉ tăng đầu vào, nhưng không tăng hiệu quả mà các đầu vào đó được sử dụng, sẽ làm kết quả bị giảm sút và nợ nần chồng chất.

Nền kinh tế Trung Quốc hiệu quả như thế nào? Đáng chú ý là gần như toàn bộ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 2007 bắt nguồn từ các yếu tố đầu vào — thuê nhân công và chi tiền — và sự tăng trưởng năng suất của nó có chỉ số âm. Vì vậy, Trung Quốc đang tiêu tiền để kiếm tiền và ngày càng chi tiêu nhiều hơn nhưng  tạo ra kết quả ngày càng ít hơn. Tăng trưởng năng suất của Trung Quốc không chỉ không theo quy luật, mà còn hầu như không tồn tại. Ngược lại, cải thiện để tăng năng suất  của Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% cho tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ qua và tương tự cho hầu hết một trăm năm qua. Ngay cả khi không đến thăm Trung Quốc, nhưng dựa trên những con số năng suất này người ta cũng thấy rằng phần lớn GDP của Trung Quốc là một ảo ảnh dựa trên đầu tư không hiệu quả.

Tuy nhiên, chỉ khi đi vòng quanh Trung Quốc người ta mới thật sự thấy rõ khối lượng vật chất phế thải trở nên rõ ràng. Trung Quốc đã xây dựng hơn 50 “thành phố ma” — toàn bộ đô thị  bao gồm các tòa nhà văn phòng trống không, các khu chung cư, các trung tâm mua sắm và trong một số trường hợp có cả sân bay. Từ ngành này sang ngành khác, từ tinh luyện đến sản xuất tàu biển đến luyện nhôm, bức tranh đều tương tự – cung vượt xa nhu cầu – và vẫn tiếp tục mở rộng. Chẳng hạn như khối lượng thép không sử dụng của Trung Quốc trong sản xuất thép lớn hơn tổng công suất năng lực sản xuất thép của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức cộng lại. Tất cả như đã nói, hơn một phần ba năng lực công nghiệp của Trung Quốc trở thành chất thải và gần hai phần ba các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tốn nhiều chi phí xây dựng hơn những gì chúng sẽ tạo ra giá trị về mặt lợi nhuận kinh tế.

Tổng thiệt hại từ chất thải này rất khó tính toán, nhưng chính phủ Trung Quốc ước tính rằng chỉ tính riêng từ năm 2009 đến năm 2014 đã thổi bay ít nhất 6 nghìn tỷ đô la vào “khoản đầu tư không hiệu quả”. Ngoài việc có năng suất thấp hơn Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng có chi phí cho phúc lợi lớn hơn và gánh nặng an ninh do dân số đông đúc. Ví dụ, Trung Quốc chi khoảng 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm về thực phẩm, cao hơn 30% so với Hoa Kỳ. Trung Quốc có ít nhất 10 nghìn tỷ USD tiền lương hưu còn mang nợ chưa trả, khoản thiếu hụt lớn hơn 2,5 nghìn tỷ đô la so với Hoa Kỳ. Trung Quốc chi ít nhất 35 tỷ đô la nhiều hơn Hoa Kỳ mỗi năm về an ninh nội bộ và khoảng cách thực sự có thể nhiều hơn nhiều do phần lớn cảnh sát của Trung Quốc được tài trợ ngoài sổ sách. Kết quả đáng ngạc nhiên của tất cả những gánh nặng này, cộng với khoản đầu tư lãng phí được nêu ở trên, đã làm nợ của Trung Quốc tăng đáng kể, từ khoảng 100% GDP trong những năm 1990 lên đến khoảng 300% vào năm 2019. Với số nợ 35 nghìn tỷ USD và còn đang tiếp tục tăng, nợ của Trung Quốc không chỉ là khoản nợ lớn nhất từng được ghi nhận bởi một nước đang phát triển, mà nó còn tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, tăng gấp bốn lần về quy mô tuyệt đối từ năm 2008 đến năm 2018. Trung Quốc đang có 3 nghìn tỷ đô la dự trữ ngoại hối, nhưng chính phủ Trung Quốc đã mua những khoản dự trữ này bằng tiền lấy từ các ngân hàng quốc doanh, hầu hết được gửi vào đó bởi Công dân Trung Quốc. Nếu chính phủ chi số tiền đó, nó sẽ đánh cắp 3 nghìn tỷ đô la từ túi người Trung Quốc — một động thái có thể sẽ làm sụp đổ hệ thống ngân hàng, vì mọi người sẽ không sẵn sàng gửi nhiều tiền hơn vào các ngân hàng mà họ đã tiết kiệm cả đời.

Cuối cùng, cách duy nhất để Trung Quốc giải quyết vấn đề nợ nần mà không cắt đứt chi tiêu xã hội là tăng năng suất của nó, do đó sẽ đòi hỏi sự đổi mới. Chính phủ Trung Quốc hiểu rõ điều này. Kể từ năm 2007, họ đã tăng gấp ba lần chi tiêu cho R&D, tuyển dụng nhiều nhà khoa học hơn và kỹ sư hơn bất kỳ quốc gia nào khác và thực hiện chiến dịch gián điệp đánh cắp thông tin công nghệ của các công ty nước ngoài quy mô nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cho đến nay, những biện pháp này đã không thể biến Trung Quốc thành một cường quốc sáng tạo đổi mới. Trung Quốc đã phát triển được một số lĩnh vực kinh tế xuất sắc — nó có thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, thống trị một số ngành sản xuất và thực hiện các nghiên cứu tiên tiến trong lượng tử truyền thông, di truyền và trí tuệ nhân tạo — nhưng nó chỉ  tạo được một nửa công nghệ cao đầu ra và các nghiên cứu khoa học được trích dẫn so với Hoa Kỳ. Trung Quốc có số lượng  bằng sáng chế quốc tế ít hơn năm lần so với Hoa Kỳ và phải trả ra nhiều tiền thuê bản quyền cho công nghệ hơn những gì nó nhận vào.

Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà khoa học của mình đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ vào năm 2050. Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy sự đổi mới một cách tự nhiên, mệnh lệnh này đã nuôi dưỡng một không khí “công bố hay diệt vong”. Các nhà khoa học, dưới áp lực khủng khiếp nhằm tạo ra kết quả công trình khoa học phải hướng tới làm giả kết quả nghiên cứu và tích trữ tiền tài trợ. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về việc bị rút lại các nghiên cứu khoa học do gian lận, một phần ba các nhà khoa học Trung Quốc đã thừa nhận đạo văn hoặc làm sai lệch kết quả (so với 2% của các nhà khoa học Hoa Kỳ), và gần 2/3 chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã bị mất vào tay tham nhũng. Văn hóa gian lận này xuyên khắp nền kinh tế Trung Quốc. Hàng chục nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quan chức Trung Quốc thổi phồng một cách có hệ thống các con số về sản lượng kinh tế của Trung Quốc và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả Thủ tướng và người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, đã thừa nhận nhiều trường hợp như vậy. Nhiều nhà kinh tế tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ chính phủ niêm yết và một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã không tăng trưởng kể từ năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính .

Nguồn lực con người

Theo Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc, vốn con người bao gồm kiến thức, kỹ năng và lao động hiện thân trong dân số của một quốc gia — tạo thành một nửa độ giàu có của hầu hết các quốc gia. Cả hai tổ chức này ước tính rằng nguồn vốn nhân lực của Hoa Kỳ lớn hơn nhiều lần so với Trung Quốc. Trung Quốc có dân số gấp bốn lần Hoa Kỳ, nhưng trung bình một công nhân Hoa Kỳ tạo ra bảy lần sản lượng của một công nhân trung bình Trung Quốc. Một trong các lý do là người Mỹ được giáo dục tốt hơn, trung bình có số năm đi học nhiều gấp đôi so với công dân Trung Quốc. Hoa kỳ có 90% lực lượng lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông so với 23% dân số Trung Quốc và khoảng một phần ba số thanh thiếu niên hiện đang tham gia lực lượng lao động của Trung Quốc có chỉ số IQ dưới 90 và hầu như không biết đọc chữ hoặc đếm số.

Trung Quốc cũng mất đi hằng năm 400.000 lao động có trình độ học vấn cao nhất  cho nước ngoài, bao gồm hàng nghìn nhà khoa học, kỹ sư và “nhà phát minh” (những người đã đăng ký ít nhất một bằng sáng chế). Ngược lại, Hoa Kỳ thu hút 1 triệu lao động hàng năm đến từ tất cả các nước, bao gồm khoảng 20.000 nhà phát minh và 15.000 nhà khoa học và kỹ sư, 5.000 trong số đó đến từ Trung Quốc.

Lực lượng lao động của Hoa Kỳ không chỉ được giáo dục tốt hơn mà còn khỏe mạnh hơn so với Trung Quốc. Trung Quốc mất thêm 40% năng suất của số năm sản xuất bình quân đầu người do các bệnh hiểm nghèo. Một phần lý do là việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người rất khó khăn, trừ giới thượng lưu. Phí bảo hiểm theo chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia của Trung Quốc trung bình chỉ $ 24, một số tiền không đủ để chi trả cho một cuộc kiểm tra cơ bản, đừng nói chi đến các thủ tục lớn. Hậu quả là, một phần ba công dân Trung Quốc được yêu cầu cần đến bệnh viện chữa trị đã quyết định không đến đó vì phí tổn quá cao và 80% cư dân nông thôn được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo đã phải chết tại nhà. Hoa Kỳ có một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hiệu quả và tốn kém nhất trên thế giới, tiêu tốn 3 nghìn tỷ đô la mỗi năm so với 1 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc, nhưng nó cung cấp khả năng tiếp cận nhiều hơn và chăm sóc tốt hơn so với hệ thống của Trung Quốc, dẫn đến lực lượng lao động khỏe mạnh và có năng suất cao hơn nhiều.

Ngoài việc được chăm sóc tốt hơn, người Mỹ được hưởng môi trường ít độc hại hơn so với công dân Trung Quốc. Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc tồi tệ hơn gấp bảy lần so với Hoa Kỳ — hít thở không khí ở Trung Quốc tại các thành phố lớn tương đương với việc hút một bao thuốc lá mỗi ngày — và giết chết 1,6 triệu công dân Trung Quốc mỗi năm so với 200.000 người Mỹ. Trong khi gần như tất cả người Mỹ đều được hưởng nước sạch từ vòi, 90% nước ngầm của Trung Quốc bị ô nhiễm. Mỗi năm, 190 triệu người Trung Quốc bị ốm và 60.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước. Như tất cả đã nói, ô nhiễm không khí và nước khiến Trung Quốc thiệt hại gần 7,5% GDP hàng năm— khoảng 1 nghìn tỷ đô la — do mất năng suất và chi phí y tế.

Người Mỹ nhìn chung cũng có thói quen lành mạnh hơn công dân Trung Quốc. Lấy tỷ lệ hút thuốc của Trung Quốc làm ví dụ, tỷ lệ này cao hơn 50% so với Mỹ và dự kiến sẽ cao hơn 70% vào năm 2025; và ở Trung Quốc hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường cao hơn so với Hoa Kỳ, chủ yếu là do nghèo hơn về mặt dinh dưỡng. Người Mỹ có lượng tiêu thụ rượu trên đầu người nhiều hơn 50% so với công dân Trung Quốc và gấp 10 lần khả năng tử vong do sử dụng ma túy quá liều, nhưng thiệt hại do vấn nạn lạm dụng chất kích thích của Mỹ gây ra cũng không bằng so với thiệt hại tổng cộng vì khủng hoảng sức khỏe tại Trung Quốc. Ví dụ, Hoa Kỳ có tỉ lệ mất sáu năm trong một đời sản xuất cho một nghìn người do lạm dụng chất kích thích, nhưng Trung Quốc mất mười sáu năm vì bệnh tim và tám năm vì ung thư cộng chung cho tỉ lệ tương tự.

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để giải quyết những vấn đề sức khỏe này, nhưng khoảng cách về sức khỏe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ cách biệt rộng hơn trong những năm tới vì một lý do đơn giản: Trung Quốc đang già đi nhiều hơn, nhanh hơn bất kỳ xã hội nào trong lịch sử. Số lượng người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng hơn gấp ba lần vào giữa thế kỷ, từ 130 triệu vào năm 2015 lên 400 triệu vào năm 2050. Trong khi đó, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm 212 triệu – khoảng một phần ba tổng số hiện tại. Tại thời điểm đó, các công dân cao tuổi sẽ chiếm hơn 30% dân số Trung Quốc so với chỉ 20% dân số Hoa Kỳ.

Thông thường, hầu hết các vấn đề sức khỏe sẽ trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác, sự già hóa của xã hội Trung Quốc về cơ bản sẽ đảm bảo sự suy giảm năng suất của lực lượng lao động Trung Quốc và sự xói mòn hơn nữa nguồn vốn nhân lực của họ. Lý do cuối cùng khiến Hoa Kỳ có nguồn nhân lực lớn hơn Trung Quốc là Hoa Kỳ có thể nuôi dân số chỉ bằng 1% lực lượng lao động làm nông nghiệp trong khi Trung Quốc dành 30% lực lượng lao động làm nông nghiệp — và vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực để nuôi sống dân cư. Trung Quốc phải chịu một chi phí lớn cho việc mất nhiều cơ hội  do có quá nhiều công nhân trên đồng — mức năng suất nông nghiệp Trung Quốc bằng 1/4 so với phần còn lại của nền kinh tế và hầu hết sản lượng nông nghiệp làm ra của Trung Quốc được tiêu thụ ngay lập tức và do đó không làm tăng thêm nguồn tài sản để giàu thêm. Phát triển kinh tế, về cốt lõi, là quá trình chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp; càng có ít nông dân mà một quốc gia sử dụng để nuôi sống chính mình, thì quốc gia đó càng có thể huy động nhiều lao động để sản xuất ra của cải giàu có thêm trong thời công nghiệp hiện đại.. Hoa Kỳ có 99% lực lượng lao động có khả năng tạo ra của cải, trong khi Trung Quốc chỉ có 70%.   

Vốn  tự nhiên

Các yếu tố chính của vốn tự nhiên là nước, tài nguyên năng lượng và đất canh tác, tất cả đều cần thiết để duy trì sự sống và cung cấp năng lượng cho nông nghiệp và công nghiệp. Hoa Kỳ có hơn 10% nước ngọt tái tạo so với Trung Quốc và khoảng cách thực tế lớn hơn nhiều, bởi vì nước của một nửa các dòng sông ở Trung Quốc và 90% nước ngầm của nó không dùng để uống được, 25% nước sông của Trung Quốc và 60% nước ngầm bị ô nhiễm đến mức chính phủ Trung Quốc đã coi nó là “không thích hợp để con người tiếp xúc” và không sử dụng được ngay cả cho nông nghiệp hoặc công nghiệp. Lượng nước có sẵn tính trên đầu người của Trung Quốc thấp hơn 1/4 của Hoa Kỳ, và ít hơn một phần ba mức trung bình của thế giới, và khoảng một phần ba số tỉnh của Trung Quốc và hai phần ba các thành phố bị khan hiếm nước. Ví dụ, Bắc Kinh có lượng nước cho mỗi đầu người (145 mét khối) xấp xỉ với Ả Rập Xê Út (một quốc gia sa mạc).

Đối phó với tình trạng khan hiếm nước khiến Trung Quốc tiêu tốn khoảng 140 tỷ đô la mỗi năm trong chi tiêu của chính phủ và làm giảm đi năng suất so với 12 tỷ đô la của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nhiều gấp ba lần Trung Quốc và gấp đôi lượng than đá. Trung Quốc trợ cấp rất nhiều cho các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, nhưng cả hai kết hợp vẫn chỉ chiếm ít hơn 5% số năng lượng của Trung Quốc đang dùng so với 12% của Hoa Kỳ. Trung Quốc có trữ lượng lớn về dầu đá phiến và khí đốt tự nhiên, nhưng họ không thể khai thác chúng và có thể không bao giờ làm được. Một lý do là các mỏ đá phiến của Trung Quốc được hình thành bởi các hồ thời tiền sử và do đó có các lớp đá dễ uốn hơn và không dễ bị nứt vỡ thủy lực so với đá phiến gốc biển giòn ở Bắc Mỹ. Một lý do khác là Trung Quốc thiếu nước cần thiết để bẻ chiết thủy lực (fracking). Mỗi giếng khí đá phiến cần 15 nghìn tấn nước mỗi năm để vận hành, và Trung Quốc sẽ cần phải khoan hàng nghìn giếng mỗi năm để khởi động một ngành công nghiệp thành công. Trung Quốc không có nơi nào có lượng nước nằm gần các lưu vực đá phiến sét chính của nó, tập trung ở Cát Lâm và Liêu Ninh, hai trong số các tỉnh khô hạn nhất của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang cạn kiệt 400 tỷ USD tài nguyên năng lượng mỗi năm và trả tiền cho nước ngoài 500 tỷ đô la nhập khẩu thêm năng lượng, trong khi sự cạn kiệt hàng năm của Hoa Kỳ và chi phí nhập khẩu ròng hiện lần lượt là 140 tỷ USD và 120 tỷ USD. Sự khác biệt về may mắn năng lượng này có khả năng mở rộng trong những thập kỷ tới, bởi vì Hoa Kỳ sẽ trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng ròng vào khoảng năm 2025, trong khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu năng lượng ròng lớn nhất thế giới, sẽ phải nhập khẩu 80% dầu và 45% khí tự nhiên.

Cuối cùng, Hoa Kỳ có diện tích đất canh tác 45% nhiều hơn so với Trung Quốc, và một lần nữa kích thước thực sự của khoảng cách có lẽ còn lớn hơn nhiều vì phần lớn đất nông nghiệp của Trung Quốc quá ô nhiễm, bị khô cằn hoặc cả hai để hỗ trợ tốt nông nghiệp. Theo một nghiên cứu gần đây của chính phủ Trung Quốc, ô nhiễm nước đã phá hủy gần 20% diện tích đất canh tác của Trung Quốc, một khu vực có diện tích bằng nước Bỉ. Thêm 1 triệu dặm vuông đất nông nghiệp của Trung Quốc đã trở thành sa mạc, buộc tái định cư cho 24.000 làng mạc và đẩy rìa sa mạc Gobi thêm 150 dặm về phía Bắc Kinh. Năm 2008, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng ngũ cốc, phá vỡ chính sách truyền thống về tự cung tự cấp, và vào năm 2011, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Ngược lại, Hoa Kỳ là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu thực phẩm và là nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc.

Phần kết luận

Phép màu kinh tế của Trung Quốc kém ấn tượng hơn những gì nó hiện ra bên ngoài và tương lai kinh tế của Trung Quốc không chắc là tốt nhất, vì vậy chính sách của Hoa Kỳ phải có khả năng đối phó với nhiều loại quỹ đạo khác nhau. Một trong số đó, rõ ràng, là kịch bản đồng đẳng đối thủ cạnh tranh chiếm tới 95% kế hoạch của Hoa Kỳ. Nhưng một kịch bản khác cho một thế giới mà trong đó Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với một sự trì trệ, loạng choạng của Trung Quốc, rồi chống phá lung tung sau thất bại bởi sự cường điệu về sự trỗi dậy của nó.

NGUỒN: https://www.aei.org/articles/the-chinese-economic-miracle-how-much-is-real-how-much-is-a-mirage/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét