Mấy nẻo đường quê
Trải lòng mình trở lại quê,
Nước non vẫn nước non thề ngày xưa.
Biển giăng xanh mát bóng dừa,
Đường xưa lối cũ như chờ rạng đông.
Mây lên đỉnh núi mây hồng,
Mây lưng chứng núi trắng ngần sương sa.
Bên đường ta vẫn là ta,
Đứng nhìn quê cũ lụa là vây quanh.
Ngu Uyên-Nguyễn Thị Nguyệt [6]
*
Lời bình Ngân Triều Hậu Nghĩa
Tám câu thơ lục bát Mấy nẻo đường quê đã thể hiện một bức tranh tâm trạng trữ tình của một người cô lữ, trên bước đường trở về quê cũ thân thương, đã từng một thời gắn bó nhiều kỷ niệm ân tình.
Hai câu đầu là tâm trạng thiết tha về ngày xưa:
Trải lòng mình trở lại quê
Nước non vẫn nước non thề ngày xưa
Trải lòng là để lòng mình rộng mở để đón nhận những cảm giác của cảnh vật trong tâm nhìn mênh mông. Cũng có thể hiểu là một trạng thái buông thả, thư giãn, như đã rũ sạch những sầu tư nặng gánh bên lòng.
Quê tôi rất đẹp, rất hùng vĩ tự ngàn xưa. Đi hết núi nầy, tiếp núi kia. Qua cầu nầy, sang cầu nọ. Những non, những nước liên tiếp trải dài trong mắt tôi.
Ôi! Quả là một bức tranh non non nước nước tuyệt vời! Một vẻ đẹp đầy tự hào, đầy quyến rũ như cảnh thần tiên trong truyện cổ tích, như hình ảnh của một bài ca dao duyên dáng:
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.
Ai vô xứ Huế thì vô!
Nói là nói vậy. Tôi không phải là “một cô gái Huế”. Quê tôi là một “miền quê hương cát trắng”. Nơi có sóng vỗ rì rào, không ngớt của biển xanh. Những dư ba đó như lớp lớp của muôn trùng tiếng hôn tình tứ, ru mãi ngàn năm, của sóng, của gió “thơm” bờ cát trắng phẳng phiu. Nơi có Tháp Chàm Poganar cổ kính, trơ gan cùng tuế nguyệt. Trên đỉnh một ngọn núi, và một dãy núi là hai hình ảnh đã từng đi đôi với hai câu thơ dí dỏm, diễm tình:
Anh đứng ngàn năm, thao diễn nghỉ!
Em nằm xoả tóc, đợi chờ ai? [7]
Cũng có người nói, tiếng sóng bạc đầu, như tiếng thở dài, đau xót, triền miên của hồn nước trải qua những dâu bể đau thương. So sánh như thế thì hợp lý. Lịch sử nào mà không có thăng-trầm, vận nước nào mà không có thịnh-suy?!
Có lẽ tôi đang liên tưởng xa vời! Thật ra, nước-non thường là hai hình ảnh chỉ sự trường tồn vĩnh cửu. Trong văn chương, nó được sử dụng, nhất là trong tình yêu đôi lứa, để chỉ lòng chung thuỷ, sắt son. Đôi uyên ương thường thề với biển, nước; thề với núi, non để ký thác lòng mình (Thệ hải, minh sơn 誓 海 盟 山 )
Dù cho sông cạn, đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.
(Thề non nước – Tản Đà)
Hay là:
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành
(Kiều, câu 603-604, Nguyễn Du)
Tiếp theo là hình ảnh cận cảnh của biển và của mấy nẻo đường quê:
Biển giăng xanh mát bóng dừa
Đường xưa lối cũ như chờ rạng đông
Ngay câu lục trên, tác giả đã khắc hoạ ba màu xanh hy vọng với bốn sắc độ ưa nhìn. Đó là màu xanh dương của biển, biển giăng; màu xanh lá mát mắt của bóng dừa, màu xanh da trời bao quát; màu ngọc bích trên cao do người đọc liên tưởng. Sự chọn lọc có dụng ý đó của tác giả như muốn nói, cuộc đời vẫn còn có nhiều niềm tin và hy vọng trước mắt, dẫu rằng hiện thực cuộc đời lắm cay đắng và nhiều nỗi truân chuyên. Ý thơ rất hợp nhất với câu dưới.
Đường xưa lối cũ như chờ rạng đông,
Những đường ngang quanh co, những lối tắt quen thuộc, ngày xưa chân in dấu, như đang mong chờ những tia sáng rực rỡ của đầu ngày mới soi sáng quê nghèo, một quê nghèo triền miên, sau một đêm dài đen tối, âm u.
Đến đây, tầm nhìn của tác giả chợt hướng lên cao:
Mây lên đỉnh núi mây hồng
Mây lưng chừng núi trắng ngần sương sa.
Hình ảnh vầng mây trong bức tranh thiên nhiên đó rất gợi hình, gợi tả. Vầng mây trên đỉnh núi có sắc hồng,mây hồng, do lồng bóng mặt trời từ phía bên kia. Rất chân thực mà cũng rất thi vị! Khi vầng mây ở trên đỉnh núi, như ta đang trên điểm đỉnh của sự thịnh đạt thoả lòng thì vẻ vang, ngời sáng, mây hồng, là chuyện đương nhiên. Vầng mây chưa lên đến đỉnh núi, mây lưng chừng núi, như dang dở, nửa vời thì tấm lòng mình vẫn nguyên khiết, sáng trong, trắng ngần , trung thực, bất di, sáng trong ở một vẻ đẹp của hàng hàng, lớp lớp sương rơi, sương sa, đang giăng ngang lưng chừng núi. Hành xử công minh như kiềng ba chân trước nghịch cảnh, thế mới thực là một tâm hồn cứng cỏi, trước gió ngàn phương của cuộc đời. Một tấm lòng son bất biến! Một thái độ, mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ![8]
Phải chăng, đó là một nét phẩm chất nền nếp, khả ái, một tâm sự kín đáo, hoài mong của một nhà thơ liễu yếu, tài hoa?!
Hai câu cuối, một tâm trạng và tự hào:
Bên đường Ta vẫn là Ta
Đứng nhìn Quê cũ lụa là vây quanh...
Đến đây, người đọc đã cảm thụ những nét thẩm mỹ của mấy nẻo đường quê, quê hương của tác giả. Về mặt địa lý, trời-non-nước đó lộng lẫy như một bức tranh nhiều chiều: cao rộng, bát ngát, mênh mông. Bên góc nhỏ của bức tranh ấy, người đọc bây giờ mới nhìn thấy vị trí của tác giả. Chị đang ngắm cảnh bên đường, với một tâm trạng, Ta vẫn là ta. Ta vẫn là ta là một tâm trạng buồn, lẻ loi, cô đơn khi nhìn lại chính mình, như ngỡ ngàng, trước cảnh trời- non-nước mênh mông, sừng sững, tiêu sơ. Có thể, đó là một tấm lòng ai hoài,[9] man mác, cô đơn, trước thế nào, giờ vẫn vậy, như nét đồng cảm của Chị với người xưa:
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
Bà Huyện Thanh Quan cất cao một tâm tình riêng, là nỗi lòng băn khoăn, trĩu nặng việc nước, việc nhà đa đoan, đồng thời cũng là tiếng lòng của một tấm thân liễu yếu trên con đường thiên lý vời vợi, trước cảnh trời nước bao la .
Tâm tình của Chị Ngu Uyên có lẽ cũng như thế. Về mặt ngữ nghĩa trong câu, tâm tình của Chị như có vẻ tô đậm thêm, rõ ràng hơn chút ít. Niềm tự hào phơi phới về đất nước! Khi nhìn cảnh vật, bất cứ điểm nhìn nào, Chị cũng thấy tình quê hương thiết tha. Quê hương mình đâu đâu cũng đẹp như lụa là vây quanh, thay cho nhóm từ “quê hương gấm vóc” hay“giang sơn gấm vóc”, một cách so sánh tương đối gần gũi, có phong cách riêng, thêm một chút sâu đậm, ân tình, của tình yêu đất nước quê hương.
Bài thơ chỉ có tám câu lục bát dân gian mà người đọc như lắng đọng miên man. Từ ngoại cảnh đến nỗi niềm riêng, từ tâm trạng đến hoài mong, từ quá khứ đến hiện tại…những tâm tình, như những hương vị của món đặc sản miền biển hấp dẫn, thú vị, chào mời để người đọc cùng chị sẻ chia.
Với tâm tình đơn sơ đó, tôi xin trân trọng giới thiệu Mấy nẻo đường quê, thơ Ngu Uyên cùng quý bạn đọc.
Thân ái,
Ngân Triều Hậu Nghĩa
*
Chú thích theo foot notes:
[6] Ngu Uyên-Nguyễn Thị Nguyệt là bạn thân của Ngân Triều, chị là một cô giáo, quê Nha Trang. Hiện sống tại Bình Thạnh, Gia Định.
[7] Từng thấy ghi trên một dãy núi ở Nha Trang.
[8] Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Chí làm trai, Nguyễn Công Trứ
[9] Ai hoài: buồn nhớ
Ảnh Biển Nha Trang từ Google
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét