HẠNH PHÚC LÀ GÌ ?
Báo có đăng một bài viết nói về chuyện Na Uy soán ngôi Đan Mạch về chỉ số hạnh phúc khiến tôi liên tưởng đến một người bạn cũ và chủ đề "hạnh phúc".
Ngày ấy, tôi còn làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở vùng quê hẻo lánh xứ biển. Khoảng cách từ nhà đến trường tầm 5km. Mỗi ngày để đến trường tôi đạp xe đạp vòng vèo qua mấy khúc cua, mấy đồi cát là đến nơi nhưng khi có việc phải về huyện họp hành thì phải cuốc đến 20 cây số. Đường vắng, đá sỏi gập ghềnh... Sợ nhất là khi chạy trên đồng trống mà ngược gió. Những lúc ấy tôi thường phải cúi rạp người sát guidon xe để tránh gió. Đoạn nào dốc thì phải lượn hình chữ chi để dưỡng sức. Đi mãi rồi cũng quen.
Hôm ấy, tan buổi họp trên huyện tôi trở về đến đầu ngả ba tỉnh lộ thì gặp một chiếc xe lam đổ lại bất ngờ. Trên xe nhảy xuống là người bạn rất thân dạy cùng trường. Anh vỗ vai tôi rồi nói : Mày về nhanh đi, con mày bị sốt xuất huyết. Vợ mày chờ mày về đưa con đi bệnh viện... Nói rồi anh lục túi áo, túi quần vốc ra một nắm tiền dúi vào túi tôi. Mày cầm đỡ về lo cho con tao chỉ còn ngần này. Tao đi đây ... ở lại bình an nhé. Có lẽ thấy tôi ngỡ ngàng vì trong những trường hợp nguy nan như thế này ít ai bỏ bạn lắm. Anh kề tai tôi nói nhỏ : Tao đi vượt biên, gấp lắm rồi nên không thể theo giúp mày được.... và anh lên xe lam đi tiếp..
Tôi đạp xe như bay trên đường về, lòng lẫn lộn với những cảm giác vừa sợ hãi vừa bi phẫn. Tôi sợ cho con tôi vì lúc đó bệnh sốt xuất huyết mới được y học phát hiện và không có thuốc chữa. Tôi đã từng chứng kiến một bạn đồng nghiệp mất đứa con 3 tuổi vì bệnh này. Mặt khác tôi cũng lo cho bạn tôi đang dấn thân vào chỗ nguy hiểm. Bạn tôi chỉ là một giáo viên nghèo độc thân. Chắc chắn anh ấy không có đủ tiền để chi phí cho một chuyến đi như thế... trừ phi..???
Về đến nhà, hàng xóm cho hay vợ tôi không đợi được đã bắt xe đò đưa con lên bệnh viện tỉnh. Tôi cũng vội vàng bắt xe quay về tỉnh. Ngồi trên xe mà lòng tôi cứ quanh quẩn với cảm giác bất lực trước những sự kiện trong đời đột ngột xảy đến. Khi đến bến xe huyện, không kềm chế được cảm xúc tôi vội vàng đi đến một nơi mà tôi biết rõ là nếu đi vượt biên thật sự thì bạn tôi phải đến đó trước...
Khi tôi bước vào nhà, những người đang có mặt đều bất ngờ và lo sợ thấy rõ. Dễ hiểu thôi, ai cũng biết tôi đang là một cán bộ nhà nước. Tôi đã thoáng nhìn thấy một vài ánh mắt lộ ra những tia nhìn căm thù và... sát khí. Không hiểu sao lúc đó tôi chẳng hề mảy may sợ hãi. Tôi bình tĩnh trấn an bọn họ: Đừng lo tôi không có ý gì đâu, tôi chỉ muốn gặp bạn tôi để... chia tay thôi. Nói rồi tôi đến vỗ vai bạn. Mắt bạn lúc đó cũng xanh lè xanh lét vì hoảng sợ. Tôi nói nghẹn ngào mấy câu : Vợ tao đưa con đi bệnh viện tỉnh rồi, sống chết khó lường. Tao đến cảm ơn mày đã giúp đỡ gia đình tao và chia tay. Chúc mày đi mạnh khỏe, bình an... Sau này qua bển nhớ biên thư về. Bạn tôi rơm rớm nước mắt còn tôi vội vàng bỏ đi để tránh những bịn rịn và những hiểu lầm khác không nên có.
Ở bệnh viện tỉnh, anh em khuyên tôi nên cấp tốc đưa con về gấp Saigon vì rõ ràng phương tiện và trình độ y học ở tỉnh không chắc cứu được. Về đến Saigon con tôi vào nhập viện và nằm mấy ngày thì hạ sốt. Các bác sĩ bảo có thể đây chỉ là sốt nhiễm siêu vi bình thường nhưng vì đang có dịch sốt xuất huyết và biểu hiện hai bệnh này gần giống nhau. Tôi thì nghĩ đến phúc phận vì dù con tôi có ở Saigon đi nữa thì cũng bệnh viện cũng chỉ là tìm cách hạ sốt và theo dõi chứ đâu có thuốc gì đặc trị.... Sau khi con tôi xuất viện, tôi đành phải gửi con lại cho gia đình và trở về... đơn vị công tác.
Những ngày sau đó tôi đi làm trong trạng thái buồn não nuột. Ở đâu và chỗ nào tôi cũng nhớ đến người bạn đã bỏ đi. Nhớ những ngày lội ruộng băng đồng đi làm công tác xóa mù chữ và bổ túc văn hóa, nhớ những đêm trăng hai đứa ngồi uống rượu đế tâm sự cạnh đống rơm sau nhà rồi say ôm nhau ngủ khoèo dưới trăng... Phải mất vài tháng tôi mới nguôi ngoai...
Chuyến vượt biên đó nghe nói không thành công, người ta trở về gần hết nhưng không thấy ai nói gì đến bạn tôi. Vài tháng sau có người đọc cho tôi nghe bức thư của một người cùng đi chuyến đó thoát được kể lại. Bạn tôi không có đủ tiền nhưng liều mình đánh lừa chủ ghe, khi chuyện đổ bể, không ai đi được chỉ có bạn tôi cùng một người nữa năn nỉ chủ tàu cho lên. Nhờ bà con trên ghe thương tình nói hộ và cho ăn uống bạn tôi mới sống sót và được tàu Na Uy cứu hộ...
Hơn một năm sau, tôi được Đảng ủy xã mời lên làm việc. Ông bí thư xã cười ruồi... Không có việc gì đâu, anh có quà ở nước ngoài gửi về nên chúng tôi thấy có trách nhiệm thông báo cho anh biết đó thôi. Quà là một khúc vải quần tây và vài cây viết bic gói cẩn thận kèm theo bức thơ. Cũng phải thôi, nơi tôi ở làm gì có số nhà... Thư từ bưu kiện đều gửi về xã... Tất nhiên là đảng ủy xã phải nghiên cứu bức thư có... yếu tố nước ngoài... Trong thư bạn tôi cũng không kể lể gì chỉ viết vài hàng hỏi thăm gia đình. Bạn tôi chắc dư sức hiểu được tình cảnh của tôi nên thư viết cực kỳ đơn giản.
Mười mấy năm sau người bạn ấy trở về Saigon, gọi điện rủ tôi ra quán cafe hội ngộ. Tôi không muốn hỏi bạn về chuyện vượt biên ngày xưa mà bạn cũng không buồn kể. Chúng tôi chỉ chia sẻ với nhau những điều về cuộc sống hiện tại. Bạn nói : Do không có thân nhân ở nước ngoài nên cuối cùng bạn tôi được Đan Mạch cho phép định cư.
Ở Đan Mạch bạn tôi cũng đi dạy học mà sướng lắm. Thầy giáo vào lớp chỉ cho học sinh làm bài tập trong sách giáo khoa, bài tập thì dễ ẹc thua xa Việt Nam. Không phải giảng giải gì nhiều, không có hội họp dự giờ kiểm tra gì sất rồi bạn chép miệng : Nhớ đến bọn mình ngày xưa khổ thấy mẹ. Bạn bảo Đan Mạch là nước xã hội chủ nghĩa dân chủ. Ở đó người đi làm đóng thuế nặng lắm, thuế chiếm hết gẩn nửa lợi tức cá nhân nhưng bù lại phúc lợi xã hội chăm lo tận tình. Nếu bạn bị thất nghiệp, mỗi tháng được tài trợ 1500 curon dư sức sống... Nhưng nói chung người Việt mình vẫn thích đi làm hơn để đóng thuế và tích lũy chút đỉnh gửi về cho gia đình. Còn đời sống ư... buồn lắm.. 6 tháng mùa đông, 6 tháng mùa xuân... Lạnh lẽo, lúc mới sang bạn tôi phải nhập viện vì sưng phổi suýt chết dù trang bị đến 20kg quần áo trên người...
Cuối cùng khi tôi hỏi bạn : Mày có hạnh phúc không ? Bạn tôi cười buồn : Hạnh phúc là tao còn được sống và tao mày còn gặp nhau ngồi uống cafe ở nhà hàng Trung Nguyên sang trọng này. Cái thằng quỷ..!!! Quà của nó gửi cho tôi ngay cả một gói thuốc cũng không. Nó đưa tôi bịch thuốc hút pip thơm tho gói trông giấy bạc và mớ giấy quyến. Nó bảo ở xứ lạnh tao vẫn hút thứ này, nó giống như thuốc rê mà ngày xưa tao mày vẫn hút...nhưng nó thơm hơn.
Nó dẫn tôi về nhà vợ ở Saigon trên đường Hai Bà Trưng. Oái oăm thiệt, thằng công giáo toàn tòng như nó lại gặp đúng cô vợ là Phật giáo truyền thống có nòi. Trong nhà toàn bàn thờ Phật. Tôi ngẫm ra là : Ở một nơi xa quê, có ít người Việt, chuyện tôn giáo không còn là khoảng cách ngăn trở đôi bên nữa. Vả lại niềm tin và xác tín theo thời gian, hoàn cảnh cũng không còn như xưa...
Một thời chúng tôi đã đi qua, có đủ đầy khổ đau và... hạnh phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét