GDVN- Cuộc sống hiện đại đang đặt ra những câu hỏi về truyền thống tôn sư trọng đạo, “mồng ba tết thầy” còn như xưa?
Từ ngàn xưa, truyền thống người Việt luôn tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” và truyền thống “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng 3 tết thầy” được lưu truyền qua biết bao thế hệ.Tết với người Việt là dịp quan trọng nhất của một năm, sự khởi đầu của năm mới ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu quý, trân trọng.
Cha ông ta quan niệm có ba người cần được kính trọng nhất trong tâm thức một con người biết đối nhân xử thế, đó là: vua, thầy học, và cha mẹ đẻ.
Vì thế, Tết là dịp để người ta nhớ ơn, tri ân những người đã có công nuôi dưỡng, sinh thành và dìu trong bước đường đời, trưởng thành trong nghề nghiệp, đó là những người thầy dạy ta những chữ cái đầu tiên, dạy cho ta biết “nhân chi sơ tính bản thiện”, dạy ta biết lễ nghĩa, lẽ sống, đạo lý làm người.
Đó cũng có thể là những người đã dạy cho ta một nghề nào đó, giúp ta kiếm được miếng cơm manh áo trên bước đường mưu sinh, được ta coi là bậc thầy của mình.
Truyền thống tôn sư trọng đạo đã thấm nhuần trong tâm thức của người Việt. Ảnh: Tư liệu chưa rõ nguồn. |
Nói về văn hóa Tết thầy, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung – nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Trước hết, tết thầy là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là một thuần phong mỹ tục lâu đời. Từ xưa, chữ hiếu, chữ nghĩa vẫn được đặt lên hàng đầu.
Với truyền thống của người Việt, ngày mồng một thiêng liêng nhất, cả gia đình về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng bên nhà cha. Ngày mồng hai, cả nhà lại cùng nhau sang bên ngoại, chúc tết họ hàng bên mẹ.
Mồng ba, các trò dù ở độ tuổi nào, địa vị ra sao cùng các bạn đồng môn tới chúc tết thầy học, mừng tuổi thầy và gia đình thầy.
Khi học trò đến thăm, chúc Tết thầy cô giáo
Ngày mồng ba tết thầy không có nghĩa đặt vị trí người thầy theo bất kỳ thứ tự nào cả. Thậm chí, trong xã hội phong kiến xưa, người thầy nhiều khi có vai trò hơn cả người cha sinh ra mình.
Việc người Việt dành ngày mồng ba để tết thầy thể hiện sự kính trọng thiêng liêng người thầy đáng kính, những người khai tâm mở trí cho mỗi con người, không hề có sự phân biệt thứ tự.
Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong tâm tưởng, mỗi người Việt đều nhắc nhớ câu: “Nhất tự vi sư, bán tự cũng vi sư”– để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ”.
Cuộc sống hiện đại đang đặt ra những câu hỏi về truyền thống tôn sư trọng đạo, mồng ba tết thầy có bị mai một bởi có những ngày khác người ta vẫn đi “tết thầy”?
Nhiều người đã vật chất hóa những giá trị thiêng liêng vốn có và đang biến vấn đề thành quan hệ mua bán, xin cho.
Thay vì những món quà nho nhỏ mà ý nghĩa, đầy ắp tình thầy trò thì nay mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều người người lại lo nớm nớp lo chuyện quà cáp, phong bì các để đi thầy, đi cô.
Đằng sau những món quà có giá trị ấy là mưu lợi từ người thầy mà mình tặng, thay vì những cố gắng trong học tập, nghiên cứu, nhiều người sợ rằng con cái họ bị thiếu quan tâm.
Họ tặng quà thầy cô của con mình để được mong tìm được nguồn lợi như về điểm số, thành tích học tập.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Giảng viên Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Tết thầy là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Hình thức của mỗi thời mỗi khác. Ngày xưa, Tết Là dịp học sinh đến với thầy cô quà tặng không quan trọng, có khi chỉ là cuốn sách, không ai quan tâm tới vật chất, nhưng tình cảm thầy trò vẫn luôn sâu sắc, luôn được trân trọng.
Các thầy, cô giáo chân chính dù thời xưa và thời nay cũng vậy, món quà không phải là biểu hiện tỉ lệ thuận với tấm lòng của học trò với thầy.
Ngay cả bản thân tôi cũng thế, tôi vẫn đi thăm các thầy, cô nhân dịp Tết đến. Có thể tôi đi sớm hơn ngày mùng 3. Tôi nghĩ ngày Tết đến thăm thầy có ý nghĩa thiêng liêng hơn với những ngày lễ khác.
Nếu có người nghĩ đến nhà thầy cô vì mục đích khác, cầu cạnh, nâng nhờ… thì có lẽ chỉ là số ít cá biệt hoặc họ sẽ đến vào dịp khác.
Các thầy cô ngày Tết cũng rất mong gặp được học trò cũ của mình chứ không mong muốn nhận được cái gì của học trò hay phụ huynh. Nếu vì món quà thì nó mất đi cái gì đó thiêng liêng tình thầy trò”.
Trần Phương
Mời Xem Laị : 🌹 Mùng Ba tết Thầy - VKP.Đạm Phương
❤❤❤
:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét