Trong những khu xóm nhỏ, tiệm chạp phô báo hiệu Tết đến sớm khi bắt đầu đưa hàng về bán càng lúc càng nhiều. Trong đó, có nước mắm tĩn, cải xá bấu, khô cá và có cả đầu ông Địa. Hàng hóa của ông tạo thành một thứ mùi riêng, đó là…
MÙI... CHẠP PHÔ
Cuối tuần mấy ông bạn già ngồi cà phê với nhau. Sau khi nói hết chuyện thời sự, một ông cắc cớ hỏi: “Nghề tui là lái xe cho ông chủ. Có lúc ngồi đợi chủ ngoài bãi xe, tôi chợt nghĩ: người ta hay nói... mùi quê hương. Nghe cũng hay hay, nhưng theo mấy ông, mùi quê hương là mùi gì?”
Một ông buông tờ báo nói: “Đó là mùi sữa mẹ!”.
“Thôi đi, nghe nói hồi ông còn nhỏ, má ông đứt sữa sớm, ông phải uống sữa Guigoz. Không có bú sữa mẹ thì làm sao ông nhớ được tới giờ?”
Ông khác nói: “Đó là mùi đất sau cơn mưa. Hồi xưa vùng Gia Định này còn nhiều đất trống. Mùa hè, sau cơn mưa, mặt đất xông lên mùi âm ẩm. Mưa ít thì mùi đất nồng, người lớn bảo hít vào dễ bị bệnh. Có lúc mùi đất sau cơn mưa lớn thơm mát như mùi cỏ, dễ chịu. Nắng hạn lâu ngày, tụi mình chơi đánh trổng, phải đào đất đặt con trổng vào. Khi xới miếng đất ẩm, có chút mùi đất ẩm hít vào nhớ mùa mưa ghê lắm!”.
Cả nhóm gật gù, có lý!
Ông lái xe bảo: “Nghề nghiệp bắt tui hay phải đi xa đi gần. Có lúc đi cả tháng ngoài Bắc, khi nhớ về Sài Gòn là nơi sinh ra, tui nhớ nhất là... mùi chạp phô. Đó là mùi quê hương của tui!’’
Mùi chạp phô! Đó là mùi gì mà nhớ dữ vậy! Mà chạp phô là cái gì, một ông gốc ngoài Bắc xen vào.
Mấy ông còn lại gật gù, không biết ý ra sao.
Mùi chạp phô? Ông lái xe bảo đó là một mùi khó diễn tả. Nó là thứ mùi tổng hợp, có mùi xà bông cục Cô Ba, mùi xà bông bánh dài hình chữ nhật hiệu Cây Đờn. Hai thứ mùi thơm đó quyện với mùi củ cải muối, mùi tương hột và mùi nước tương, nước mắm. Tất cả tạo thành một mùi hơi hâm hẩm, luẩn quẩn trong gian nhà trước của tiệm chạp phô với hằng trăm hàng ngàn món, không chỉ là những món đồ nhà bếp như mắm muối, hộp quẹt diêm, đá lửa, dầu hôi, ngo chụm lửa… mà còn có nhiều thứ khác như kim, chỉ, nút áo, tim đèn… có cả thuốc Con Rồng trị đau bụng, thuốc nhức răng nhức đầu…
Hàng hóa đựng trong hũ, treo lủng lẳng trên đầu, đựng trong cái tủ kiếng luôn luôn mờ căm vì không chùi bao giờ, hàng hóa vun ngọn trong mấy cái bao đang hé miệng đặt dưới đất. Ông chủ tiệm người Hoa (nhiều chủ tiệm chạp phô là đàn ông) ngồi trong một góc chật hẹp, chen giữa lối đi bé nhỏ để lấy đồ cho khách, miệng còn lơ lớ: “Hầy cái lầy, ngộ tính năm cắc dẻ dồi!”, “Nị mua từ từ chả cũng lược mà!”.
Tiệm chạp phô giống như cửa hàng tiện lợi, dù không bán 24 giờ nhưng trưa trời nắng đúng ngọ hay đêm hôm cần mua, như mua chai dầu gió hay thuốc đau bụng chẳng hạn, đến kêu cửa họ cũng bán, chẳng càu nhàu. Ai mua đồ, chê đồ dỏm họ cũng tỉnh bơ không tự ái, khuyên vậy thì mua cái khác đi. Tiệm đặt trong hẻm cũng có, ngoài mặt tiền đường cũng có, nhất là góc ngã tư. Trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) ở Phú Nhuận, chỉ một đoạn ngắn đã có mấy tiệm, chưa kể trong chợ Lò Đúc. Góc đường này, giáp đường Trương Quốc Dụng có một tiệm chạp phô lâu đời, tính ra đã hơn bảy chục năm giờ vẫn còn.
Ông lái xe vẫn lui tới tiệm này, như tìm chút ký ức hồi còn nhỏ nhà còn ở xóm Lộc Lì gần đường rầy xe lửa cổng số 8 đường Nguyễn Minh Chiếu, nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển. Hồi nhỏ, ngoài chuyện đi học và bắn bi, đánh trổng với bạn bè, con nít trong xóm giao tiếp với xã hội bên ngoài qua tiệm chạp phô. Nhờ cái tiệm mà biết trên đời có bao nhiêu món người ta sản xuất ra để phục vụ cuộc sống, như đường thì có đường cát trắng, cát vàng, đường phèn, đường phổi, đường thốt nốt... mắm thì có đủ thứ mắm thu, mắm lóc, mắm tôm chà... khô thì khô tra phồng, khô cá đuối, khô khoai... đứa nào chịu để ý sẽ khôn ra nhiều.
Nhờ có cái tiệm, đứa nào đựợc sai đi mua nước mắm, mua gạo hay củi, than sẽ được chủ tiệm cho thêm cây kem, cái bánh vòng... Nếu có tĩn nước mắm dùng hết, thay vì đem bán cho ve chai, đem ra tiệm đổi mỗi cái tĩn 3,5 lít sẽ được hai cây cà rem, không cần dài cổ đợi bà ve chai vô xóm. Nếu đi mua xà bông Cây Đờn, nhìn ông chủ dùng dây cắt xà bông rất sướng, một đầu dây ông cột vào tay nắm cửa, tay kia ông cầm sợi dây kéo thẳng ra và hạ xuống cắt bánh xà bông rất ngọt.
Nhà hết gạo, ra mua thiếu ông cũng chịu, hỉ hả nói cứ từ từ cũng được mà. Có vài người nghèo có lúc ngặt quá, ra lấy vài ký gạo rồi xin thiếu, sau đi ngang qua tiệm, ông ngó lơ, để rồi người ta cũng nhớ trả nhưng chậm, có khi cả tháng. Ngày qua ngày, ông vẫn nhập hàng về đều đều, nhớ từng món một để ở đâu, ai cần là đứng dậy đến đúng chỗ mà lấy rất nhanh. Có lần, chú bé trong câu chuyện này hỏi ông có bán cây súng gỗ bắn pháo không? Ông lắc đầu. Nhưng chỉ chiều hôm sau, ông nhắc: “Có súng bắn pháo rồi đó, có mua không?”. Người ta nói: ai cần gì thì ông bán cái đó!
Có người trong xóm phân tích: “Ông chủ tiệm chạp phô bán rẻ vậy, sao có lời? Hay ông bán hàng giả?”. Mấy người trong xóm lắc đầu bảo tui thấy rẻ là được, gạo mắm ăn được còn nói gì nữa? Về nhà, hỏi má, má bảo: “Con nhớ có bán cho ổng mấy cái tĩn nước mắm phải không? Ổng đi mua nước mắm rẻ tiền trong can nhựa chiết ra tĩn, bán ra với giá nước mắm tĩn, có lời hơn vì giá nước mắm tĩn cao hơn. Ai cũng biết, nhưng người ta vẫn mua. Thôi kệ, không có cái tiệm chạp phô đó ra mua chỗ khác cũng vậy, chắc chắn không có chuyện cho thiếu!”. Sau này lớn lên, thấy chút tiểu xảo của ông không đáng gì so với sự dễ dãi, có khi tốt bụng với người nghèo của ông.
Anh Thành, người lái xe trong câu chuyện này chia sẻ với tôi những câu chuyện vụn vặt về... mùi quê hương của anh. Anh bảo tui luôn nhớ cái tiệm chạp phô góc đường Trương Quốc Dụng đó và có mấy lần ghé mua vài thứ cho vui. Ông chủ tiệm đã mất, hai cô con gái của ông đã lớn tuổi, không lập gia đình vẫn duy trì cái tiệm cũ, vẫn xởi lởi vui vẻ với khách như cha mình, chỉ có khác là khi tính tiền thì nhẩm trong miệng hoặc dùng máy tính, không gảy bàn toán gỗ lạch cạch như cha nữa. Tiệm này tuy vẫn bề bộn, cũ kỹ nhưng đã sáng sủa hơn. Có điều không còn cảm thấy cái mùi xưa cũ đậm đà.
Có lần sau khi ghé tiệm về, anh Thành chợt nhớ mình vẫn chưa hỏi hai cô chủ là vì sao ngày xưa ba của các cô không bao giờ bán cây kim vào ban đêm. Ông trả lời khi Thành đến hỏi mua cây kim cho má vào một buổi tối: “Lâu có lược, ngộ không bán cây kim vào buổi tối lược!”. Cùng với cách phát âm lơ lớ của người Hoa ngụ cư trên đất Việt, có thể đó là một phong tục cũ kỹ của đất tổ Trung Hoa mà ông mang theo khi sang sống bên xứ này.
Ngày xưa, ngoài Chợ Lớn là nơi tập trung sinh sống đông đúc của người Hoa, ở Sài Gòn – Gia Định và khắp Nam kỳ ở xóm làng nào, con đường nào cũng có vài tiệm chạp phô của họ. Ngay trung tâm Sài Gòn, từ những con đường vây quanh chợ Bến Thành cho đến các con đường Bonard (Lê Lợi), đường George Guynemer (Hồ Tùng Mậu), lề đường chợ Cũ đều có nhiều tiệm vách ván. Họ bán chạp phô, có khi kiêm luôn tiệm nước bán hủ tiếu, cà phê.
Sau này, đặc biệt sau 1954, các tiệm tạp hóa thay thế dần, dù không quá đa dạng hàng hóa như tiệm chạp phô nhưng bày biện thoáng, sạch sẽ hơn. Tiệm chạp phô biến thành một hình ảnh để hoài niệm của những đứa nhỏ nay đã hai thứ tóc, nhớ lại cái thời hồi đó suốt ngày le te chạy ra tiệm chú Xồi, chú Sừng mua chai nước mắm, miếng cải xá bấu, để được xâu bánh vòng treo trên cổ ăn dần.
PHẠMCÔNG LUẬN 13.02.2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét