Đối với rất nhiều người “Tết” là một miền ký ức rất đẹp…
Tết ngày xưa đồng nghĩa với những ngày nghỉ đúng nghĩa, gặp mặt bạn bè gia đình, chia sẻ niềm vui và hạnh phúc, nhưng Tết nay những cuộc gặp mặt dường như không còn chân tình như trước. Thậm chí cứ mỗi dịp Tết nhiều thanh niên lại sợ bị nghe những câu hỏi có phần riêng tư như: “Thế bao giờ lấy vợ? Thằng Quang nó 2 con rồi đấy?”, “Thu nhập của cháu được bao nhiêu?”, “Thưởng Tết có nhiều không?”.
Nhiều người thích nhớ về Tết như một ký ức đẹp hơn là đối mặt với Tết của hiện tại. Tết ngày xưa trẻ con háo hức mặc áo mới, quây quần trông nồi bánh chưng cả đêm, đến sáng mồng Một lại rủ nhau ra đường đốt pháo, trò chuyện tí tách cả ngày. Tết còn không phải đi học, được ăn thật nhiều món thịnh soạn, được nhận lì xì, thật hiếm có dịp nào trong năm mà vui đến vậy.
Bây giờ nhiều người nói “sợ Tết”. Tết là phải lo sắm sửa sao cho đề huề, quá nhiều đồ đạc, dọn nhà trở thành như “cực hình” và không còn những giây phút thảnh thơi tận hưởng kỳ nghỉ dài hiếm có của cả năm, thay vào đó là bận rộn, lo toan.
Vậy tại sao Tết xưa lại đẹp đến vậy? Tết ấy thiếu đủ thứ nhưng mọi người lại rất vui vẻ, đối với nhau chân thành, bữa cơm tất niên là dịp quây quần sum họp chứ không phải chỉ là làm sao có mâm cỗ cúng “hoành tráng” hoặc chụp ảnh check-in để khoe với cư dân mạng. Dường như sự đủ đầy về vật chất không làm cho con người hạnh phúc hơn…
Cùng ngắm lại Tết ngày xưa qua những bức ảnh đầy hoài niệm, chứa đựng tuổi thơ và thời thanh xuân của cả một lớp người.
Tết xưa nếu so về vật chất hay điều kiện đều không thể sánh bằng cái Tết ngày nay nhưng chính sự thiếu thốn của những ngày đầu năm lại tạo nên cảm giác ấm áp lòng người.
Điều đó khiến nhiều người không còn náo nức trước mỗi dịp Tết về, cho rằng Tết đang dần nhạt đi. Nhưng suy cho cùng giá trị cái Tết không nằm ở vật chất, tiện nghi mà hơn hết là tình cảm gia đình. Sự đoàn tụ sau một năm dài xa cách mới chính là điều ý nghĩa nhất của ngày Tết đầu năm.
Ngọc Mai (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét