Các nhà khoa học cảnh báo, căn bệnh phù não với tỷ lệ tử vong cao gấp 40-75 lần so với virus corona có thể đột biến và trở thành đại dịch tiếp theo giết chết hàng triệu người, theo News.com.au
Sun Online đưa tin, các chuyên gia đánh giá virus Nipah do dơi ăn quả gây ra là mối đe dọa nghiêm trọng, có thể kích hoạt một đợt bùng phát đại dịch toàn cầu mới.
Virus Nipah là gì?
Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1999 tại Malaysia với một số triệu chứng như sưng não nghiêm trọng, co giật và nôn mửa.
Các đợt bùng phát ở Nam Á và Đông Nam Á cho thấy loại virus này cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong từ 40 đến 75%.
Theo Imperial College, tỷ lệ tử vong của COVID-19 là khoảng 1%, vì vậy, so với con số 40-75%, thì virus Nipah sẽ gây chết người gấp nhiều lần so với virus corona.
Nó cũng là một trong 16 tác nhân gây bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ưu tiên nghiên cứu và phát triển do có khả năng làm bùng phát đại dịch. Ngoài ra, Nipah chỉ là một trong số 260 loại virus được phát hiện có khả năng gây dịch.
Loại virus này rất đáng lo ngại do thời gian ủ bệnh dài lên đến 45 ngày, nghĩa là người bệnh có khả năng lây lan virus hơn một tháng trước khi ngã bệnh, ngoài ra nó còn có khả năng lây truyền qua các loài.
Cảnh báo về đại dịch tiếp theo
Trong khi COVID-19 tàn phá thế giới, giết chết gần 2,5 triệu người, thì các nhà khoa học đang cảnh báo, đại dịch tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Tiến sĩ Rebecca Dutch, chủ nhiệm khoa Hóa sinh phân tử và tế bào của Đại học Kentucky và là người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu virus trên thế giới cũng cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch Nipah.
“Nipah là một trong những loại virus mà hoàn toàn có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch mới. Một số điều về Nipah rất đáng lo ngại… Tỷ lệ tử vong đối với loại virus này là từ 45% đến 75% tùy thuộc vào đợt bùng phát – vì vậy tỷ lệ này cao hơn nhiều so với COVID-19. Nipah đã được chứng minh là có thể lây truyền qua thức ăn, cũng như khi tiếp xúc với chất bài tiết của người hoặc động vật”, bà cho biết.
Tương tự, tiến sĩ Melanie Saville, giám đốc nghiên cứu và phát triển vắc-xin tại CEPI, đã cảnh báo thế giới cần phải chuẩn bị cho “một đại dịch lớn” tiếp theo.
Bà nói rằng không nên chỉ nhìn vào virus Nipah “Chúng ta biết rằng một đại dịch trong tương lai là không thể tránh khỏi, có nhiều bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện khác được công nhận là có khả năng gây đại dịch. Điều này bao gồm các mối đe dọa bệnh tật đã biết, như cúm, cũng như các mầm bệnh mới hoặc chưa được xác định, được [tạm] gọi là ‘Bệnh X'”, bà cho biết.
“Với những thay đổi về môi trường như biến đổi khí hậu, sự tàn phá môi trường sống và sự xâm lấn của con người vào những khu vực cô lập trước đây, sự tương tác giữa con người với nhau đã tạo ra một không gian màu mỡ cho virus xâm nhập giữa các loài và do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho một ‘đại dịch lớn’ tiếp theo.”, tiến sĩ Saville cảnh báo.
Nhà văn về môi trường John Vidal cũng dự đoán, thế giới sẽ phải đối mặt với một đại dịch với quy mô như Cái chết Đen.
Ông nói: “Nhân loại đã thay đổi mối quan hệ của mình với cả động vật hoang dã và động vật nuôi, phá hủy môi trường sống của chúng và tập trung chúng lại với nhau – và quá trình này… chỉ đang tăng tốc”.
“Nếu chúng ta không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của tình hình, đại dịch hiện tại này có thể chỉ là dấu hiệu báo trước cho một điều gì đó còn tồi tệ hơn nhiều.”, ông Vidal cho biết thêm.
Những đại dịch nghiêm trọng nhất thế giới
Dưới đây là những đợt bùng phát dịch bệnh gây chết người nhiều nhất trong lịch sử – với số người tử vong gấp nhiều lần so với dịch COVID-19 hiện tại gây ra.
• Cái chết đen: Bệnh dịch hoành hành tại châu Âu và Tây Á từ năm 1346 đến năm 1353, gây ra cái chết cho khoảng 75 đến 200 triệu người, chiếm tới 60% dân số châu Âu.
Rất có thể nó đã lây truyền sang người từ bọ chét ăn thịt chuột đen trên các tàu buôn ở Địa Trung Hải trước khi lan rộng khắp châu Âu và Bắc Phi.
• Dịch cúm Tây Ban Nha: Có khoảng từ 17 triệu đến 100 triệu người đã chết trong đại dịch kéo dài từ năm 1918 đến năm 1920 này. Hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong giới khoa học về nguồn gốc của loại virus đã gây ra đại dịch, mặc dù nó dường như có gen của gia cầm.
• Bệnh dịch hạch Justinian đã giết chết từ 15 triệu đến 100 triệu người vào năm 541 và 542 sau Công nguyên. Nhân tố gây bệnh được cho là cùng loại vi khuẩn gây ra bệnh dịch Cái chết Đen.
Bệnh dịch này được cho là đã lây lan qua những con chuột mang bọ chét – chúng vào Đế chế Byzantine thông qua các tàu chở ngũ cốc đến từ Ai Cập.
• Đại dịch HIV/ AIDs vẫn đang tàn phá các khu vực trên thế giới, ước tính khoảng 35 triệu người đã thiệt mạng vì loại virus này kể từ năm 1981.
• Dịch hạch thứ ba: Bệnh dịch hạch tái phát ở Trung Quốc vào năm 1855, từ đó nó lây lan và giết chết 15 triệu người. WHO ước tính vi khuẩn này đã hoành hành cho đến năm 1960 – chỉ sau đó, đại dịch mới kết thúc.
❤❤❤❤
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét