Ở xứ Úc này gần 40 năm, hôm nay mới thấy được một chú chuồn chuồn kim. Chú ta đậu sẵn trên lá cây chanh khi tôi tưới nước. Màu xám, không đẹp rực rỡ như những con chuồn chuồn kim khác tôi vẫn thấy ngày xưa, nhưng cũng đủ làm cho tôi ngừng tay để ngắm cho kỹ. Bao nhiêu năm rồi nhỉ, từ những ngày tôi còn rất nhỏ, quần cụt chân đất chạy đuổi rình bắt những chú chuồn chuồn?
Hồi ở Nhật, thỉnh thoảng đi chơi ở vùng quê tôi cũng có thấy một vài con chuồn chuồn nghệ, bay lơ lửng xa xa… nhưng thực tế tôi chỉ biết chuồn chuồn Nhật qua thi ca hơn là chuồn chuồn thực. Người Nhật cũng rất lãng mạn như người Việt; khi nghe những bài hát về tình tự quê hương của họ, mình là người nước ngoài mà cũng thấy thật thiết tha, nghe sâu lắng đến tận cùng ở trong lòng.
Cứ như ráng trời chiều, con chuồn chuồn đỏ
Ngày còn (vô tư) đuổi theo thuở đó, nay xa quá, đã bao lâu…?
[Aka Tomboh]
Trước căn nhà tôi đã sống ở Huế, dọc theo con đường nhỏ, buổi chiều nào cũng có chuồn chuồn; chúng thường đậu trên những “hàng rào”, sắc màu đủ kiểu, nhiều vô số. Trong cả một vùng rộng nơi đây, mùa Hè có tiếng ve kêu rộn rã, có tiếng dơi vỗ cánh sàn sạt trên những cây trứng cá ngoài vườn, có cóc nhái kêu đêm vào những mùa mưa, có nước ngập dâng lên từ từ ở góc vườn trong những ngày bão lụt… Thuở đó tôi đã sống hòa mình theo những đổi thay của thời tiết, với rất nhiều chim chóc côn trùng hoa bướm chung quanh… Tôi đã yêu, bây giờ vẫn còn yêu, ánh sáng của những đàn đôm đốm lập lòe làm sáng không gian trên những sân cỏ mênh mông, tiếng những con chim Chào Mào kêu nhau trên những ngọn cây cao, tiếng khe khẽ của những chú Chích Chòe vừa nhảy vừa luồn lách qua cành lá …
Và tôi có tìm trở lại xứ Huế, dù biết rằng cũng có lắm đổi thay nhưng trong thâm tâm cứ mong “âu cũng còn chút gì đó” của ngày xưa:
Vườn cũ, hoa xưa, nắng mật ngời
Thơ ấu dậy lên bừng dụi mắt
Cùng anh nhảy nhót suốt ngày vui
[thơ Tô Thùy Yên]
Còn nhớ rõ, ngày tôi bồi hồi trở lại Huế, tìm đến chốn xưa… thì con đường với nhiều cây xanh bóng mát ngày trước nay đã tráng xi-măng, hai bên hầu như san sát toàn nhà lầu… Căn nhà cũ thuở đó, bây giờ đã biến thành một quán Karaoke! Tôi đứng bên kia đường ngó vào chốn cũ, ngậm ngùi nhìn một cô gái đang đứng mời dăm bảy học sinh trung học, nam có nữ có, họ từ từ bước vào quán, có lẽ để giết thì giờ sau buổi học ban chiều…
Có bài hát cũ nào đó, tôi nhớ được một khúc: “Tôi đi tìm lại một mùa Xuân. Dù không trông mong đến tương phùng...” Hiểu vậy, nhưng tôi không ngờ lại có những đổi thay kiểu như thế này. Ừ thì đời vốn đổi thay, nhưng có thay đổi gì đi chăng, tôi vẫn mong mình cứ như những người Nhật di cư sang Brasil từ những năm đầu thập niên 1950s, khi trở lại, thấy trước mặt mình một đất nước đổi thay huy hoàng rực rỡ... Tôi biết hoàn cảnh nước mình khác xa với nước Nhật, không thể trong mong được như thế; nhưng con người ta, đã là mơ ước thì ai chẳng ước mơ một cái gì đó thật to?
Thời bé nhỏ, tôi đã từng nghe chuyện những người hào hiệp: Một người hùng Robin Hood, đoạt tiền người giàu phân phát cho những người nghèo. Hay một kiếm sĩ Nhất Chi Mai, phi thân trên nóc nhà, ban đêm nằm bẹp dưới mái hiên ông quan phủ, lặng lẽ bắn vào trước mặt viên quan tham nhũng một phi tiêu cảnh cáo “không dừng lại, lần sau sẽ không tha”, vv…
Lớn lên, hiểu ra đây chỉ là chuyện tiểu thuyết. Cũng hiểu là bây giờ, những người mà số đông thiên hạ ngỡ là “người hùng hào hiệp”, trên thực tế đã làm ngược lại khi quyền lực vào tay. Họ lấy tiền của người nghèo phân chia cho người giàu: Cho người giàu thu tiền mãi lộ trên các tuyến lưu thông lớn, giúp người giàu xây khu giải trí bằng đất của người nghèo, vv… Tự hỏi nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một bậc tiên tri chăng, khi từ giữa thập niên 1940s ông đã viết:
Đêm năm xưa, tương tư người hò khoan
Ôm ấp bao mộng vàng
Cho đến khi gặp chàng…
[Khối Tình Trương Chi]
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có mang trong tâm tưởng nhiều nút bấm có thể làm rung động những sợi tơ tình cảm. Chú chuồn chuồn kim sáng nay đã vô tình chạm vào cái nút vô hình để đánh thức những kỷ niệm ngày thơ ấu trong tôi. Có ai đó đã nói: “Huế là để đi xa mà nhớ mà thương, không phải để mà ở”. Đúng hay không, tôi không rõ, nhưng hình như khi ta đi càng xa thì ý muốn tìm về càng lớn. Cứ thấy sao ước mong, có một cái gì đó thôi thúc, giống như cảm giác của bác sĩ Zhivago mà văn hào Boris Pasternak đã từng diễn tả:
“Thế mà ông cứ muốn trở về lại căn nhà đó. Ông bước đi thờ thẩn, không phải bước vào một căn nhà cũ kỹ mà bước vào trong nỗi nhớ nhung vô bờ đối với Lara”!
(09-12-2020)
http://erct.com/2-ThoVan/TTPhuong/Nhung-con-chuon-chuon.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét