10 thg 2, 2021

Anh điều tra hơn 200 viện sĩ nghi giúp Trung Quốc chế tạo vũ khí (vietnamnet )

 Gần 200 viện sĩ tại hơn 12 trường đại học ở Vương quốc Anh đang bị điều tra bởi các hành vi bị cho là giúp Chính phủ Trung Quốc chế tạo vũ khí.

Theo các nguồn tin giấu tên được The Times trích dẫn, những viện sĩ bị điều tra đã vô tình vi phạm các đạo luật xuất khẩu được thiết lập để ngăn chặn việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ ở các đối tượng đặc biệt nhạy cảm cho nước ngoài.

Tờ báo này cũng cho biết, Chính phủ Anh đang chuẩn bị gửi các thông báo cưỡng chế thi hành luật tới các viện sĩ bị tình nghi đã chuyển giao những nghiên cứu về các công nghệ quân sự tiên tiến, như máy bay, thiết kế tên lửa và vũ khí trên không gian mạng cho Trung Quốc. Các cá nhân này có thể phải đối mặt với án tù tối đa là 10 năm nếu bị phát hiện vi phạm Lệnh kiểm soát xuất khẩu tại Anh, có hiệu lực từ năm 2008.

Một nguồn tin nói với The Times rằng, hàng chục viện sĩ có thể phải hầu tòa trong thời gian tới. "Thậm chí, nếu quá trình truy tố chỉ cần thành công được 10%, thì khoảng 20 học giả sẽ vào tù vì giúp Trung Quốc chế tạo vũ khí”, nguồn tin cho biết.

Tên lửa siêu thanh DF-17 được trình làng nhân kỷ niệm 70 Quốc khánh nước CHND Trung Hoa. Ảnh: Reuters 

Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cũng nhấn mạnh: "Các nhà xuất khẩu hàng hóa quân sự và những người tham gia vào việc chuyển giao công nghệ quân sự, theo quy định trong Lệnh kiểm soát xuất khẩu 2008, bị yêu cầu phải có giấy phép xuất khẩu hoặc chuyển giao từ Vương quốc Anh."

Trong khi đó, một nghiên cứu từ tổ chức xã hội Civitas, có trụ sở tại London, đã cáo buộc 20 trường đại học của Anh đã có giao dịch với 29 trường đại học tại Trung Quốc và 9 công ty có mối liên kết với các tập đoàn sản xuất vũ khí của Bắc Kinh.

Radomir Tylecote, tác giả chính của nghiên cứu và là một cựu quan chức Bộ Tài chính Anh, bày tỏ lo ngại rằng những nghiên cứu do các tổ chức tại Trung Quốc tài trợ có thể "vô tình tạo ra tác dụng kép" đối với tiềm lực quân sự của nước này. Ông Tylecote cũng nêu rõ những vấn đề tiềm ẩn đối với việc nghiên cứu công nghệ siêu thanh vào thời điểm Bắc Kinh đang tìm cách phát triển tên lửa siêu thanh, cùng những nghiên cứu vật liệu graphene mà nước này đang sử dụng cho các loại trực thăng bọc thép .

Năm 2019, quân đội Trung Quốc đã cho ra mắt DF-17, một tên lửa đạn đạo siêu thanh mới, trong cuộc diễu binh khổng lồ nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Loại vũ khí này được cho là có khả năng chọc thủng mọi lá chắn phòng thủ tên lửa mà Mỹ và các đồng minh hiện đang sở hữu.

Việt Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét