Ba ngày liêu xiêu…
Xem TV thành phố buồn như chấu cắn có người chết, bạn điên thọai hỏi thăm, bắt qua chuyện ngày nào anh vượt biển, thuyền bị chết máy, ngồi giữa trời và nước anh có cảm nghĩ bã bời của một quãng đời. Thêm chuyện vượt biển, thuyền cũng chết máy, bạn cũ trường xưa cảm khái bể vô tận xá gì phương hướng nữa, thuyền ơi thuyền xin ghé bến cô liêu… (VHChương). Mượn vần…“iêu”, một tôi vật ra hai chữ…liêu xiêu.
Ngày thứ nhất, mồng 4 Tết âm lịch năm 2021
Bởi biết trước bài tản bút thuộc tạng rối chữ, ngúc ngắc với chuyện sau kể trước. Chuyện là trong nhà u ám, ngòai trời âm u. Tôi ngồi quay lưng ra cửa sổ vay mượn chút ánh sáng để đọc sách, để có mục…“ẩm thực” ở đây và còn dài, dài ở khúc sau.
Bạ vào mắt hàng chữ:
“…Món đãi khách sang trọng nổi bật của Quãng Ngãi là chọc tiết dê non, hòa với rượu rồi thui cả con dê để xơi món tái. Người Quãng Ngãi phong lưu ăn đêm ở nhà có món thịt đãi khách là ram ếch. Còn muốn ăn Cao Lầu thì ra Hội An. Bởi người xứ Quảng có câu Ai qua phố cổ Hội An – Ghé thăm Phúc Kiến mà ăn cao lầu…”
Bạn đọc hỏi cớ sự gì ngồi quay lưng ra cửa sổ. Đầu trỏ xuống cuống trỏ lên, chiều ngày hôm sau tôi đi lòng vòng trong nhà. Tôi đi chầm chậm vừa đi vừa suy nghĩ hôm nay phải làm gì cho thời gian ngắn lại. Để tiêu pha thì giờ cho tuổi già nên chui vào tủ sách vớ được quyển Văn hóa ẩm thực… Ngồi đọc sách, chữ nghĩa nó bập vào người với món Cao lầu, Mì Quảng và những món ăn khác lạ lẫm. Bèn nghĩ khi nào có điện, tôi với một ngón tay mổ chữ như cò mổ ruồi trên bàn gõ, mõ sớm chuông chiều cho vào Chữ nghĩa làng văn. Bỗng không hồn ma bóng quế cụ Tú Xương nhập vào ngườii qua câu nhập thế tục bất khả vô văn tự, chẳng hay ho cũng húng hắng một vài…
Thế là trong cái đầu củ chuối mọc măng ra tự sự Ba ngày liêu xiêu…
Bây giờ xin vào chuyện, tất cả ở tôi, từ ngày cáo lão về hưu hơn mười năm nay, tôi không xem báo và TV. Chủ nhật hôm trước ngồi với bạn hồ trường để Cognac giết Cô-vi. Bạn bè lời vào tiếng ra thứ hai này Houston có…tuyết. Trộm nghĩ bể vô tận xá gì…Houston có tuyết. Bởi chưng năm thỉnh mười thỏang thành phố ven biển này cũng có tuyết đấy nhưng thuộc dạng lơ thơ tơ tơ liễu buông mành ấy thôi.
Sáng thứ hai tỉnh giấc Nam Kha, phòng ngủ tối thui lủi. Ủa chuyện quái gì đây. Công việc đầu tiên là vào cầu tiêu, mò mẫm không tìm thấy cửa cầu tiêu đâu. Xách đèn pin ra ngòai phòng ăn xem sự thể ra sao: Ngòai trời trắng tinh, trong nhà đen thui. Thêm khổ nạn lạnh cóng da cóng thịt. Bèn nghĩ nhà không điện nhưng có lò sưởi gas cơ mà! Ừ thì năm thì mười họa gió lộng, lửa lò sưởi trên trần nhà tắt ngúm. Chó dại từng mùa, người dại quanh năm bằng cách lọ mọ leo lên trần nhà châm lửa đốt trời. Hì hục cả chục phút vì không có dụng cụ…hành nghề, cuối cùng cũng mở được cái cửa lò sưởi. Chiếu đèn pin vào lửa vẫn bịt bùng cháy, vặn óc (chứ chả phải vặn ốc) nghĩ không ra. Điện thọai hỏi ông thợ lò sưởi, ông cười hì hì mà rằng cái lò sưởi cần điện cho cái quạt máy để quạt hơi nóng. Không có điện, cái lò sưởi chỉ là cục sắt. Luận về cái biết theo Luận ngữ với tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri biết nói là biết, không biết nói là không biết, đó là biết vậy. Vậy mà sau này tôi không biết nữa về…cái cửa garare điện.
Bởi không biết nên trời hành, trên trần nhà gần trời xa đất, xuống nhà hai tay lạnh cứng đơ, nghĩ vụng hay mình già rồi chăng? Dám lắm ạ! Xuống nhà, ra phòng khách mồi điếu thuốc…Mười ngón tay lạnh ngắt, cứng như càng cua đá, lóng ngóng mãi mới châm được điếu thuốc. Mở he hé cửa, thò mồm ra ngòai thổi khói vì lạnh. Khói thuốc phất phơ bay, chợt quan quả tới anh bạn ở miệt đông-bắc bị bão tuyết. Với trí nhớ mù sương khói qua điện thư, anh ta kể lể tuyết dầy hơn một thước bít cửa ra vào. Xẻng cuốc lại để quên ở ngòai cửa. Khi không anh bị tù trong nhà mấy ngày. May nhà còn mì gói, tạm hiểu nhà anh có điện nước.
Từ mì gói, tôi bắt qua Mì Quảng Nam – Quảng Ngãi
“…Cũng như hủ tíu miền Nam, mì Quảng biến dạng của phở. Mì Quảng có nhiều lọai tùy theo chất lượng nước nhân mà đặt tên. Nếu nước nhân bằng thịt gà thì gọi là mì gà, làm tôm thì gọi là mì tôm. Ăn mì Quảng thường kèm theo hoa chuối, rau mùi tàu, rau ngổ, sà lát, rồi mới đổ mì, chan. Thọat đầu ra sống lót đáy tô, nước nhân, nhưng chỉ chan xâm xấp ngập lớp rau, không bao giờ chan ngập như phở. Tiếp, bày mấy lát giò nạc, một ít chả tôm, ruốc lợn, đổ một thìa tóp mỡ, nửa thìa tép phi vàng, đậu phụng rang giã nhỏ, ít bánh đa nướng bẻ vụn rồi chan thêm chút nước nhân nữa.
Riêng món Cao Lầu, nước nhân lấy từ Cù Lao Chàm…”
Đụng đến nước non tôi thắt bụng lại vì cái ống nước đang bị đông đá trên trần nhà. Số là xứ chăn bò tôi nóng đổ lửa, có năm lên tới 105 độ. Theo ngoa truyền đập quả trứng trên nóc xe, trứng xèo xèo hóa thân thành…trứng ốp-la. Cái lạnh thảm thiết chi đâu. Một là ống nước bể, nước chẩy xuống thảm nên…thảm não lắm. Hai là trần nhà bột rớt xuống. Ba là sửa ống nước. Đến trần ai khoai củ này gọi thợ sửa ống nước, họ làm eo không tới ngay. Cà tuần sau họ tới với giá trên trời dưới biển. Khúc kế là bảo hiểm với những lắt léo của giao kèo, nên muốn điên cái đầu luôn.
Vì đã bị một lần mấy chục năm trước nên tôi để nước nhỏ giọt. Dòm nước nhỏ gịot vui đáo để, vì ống nước sẽ không bị bể. Nhưng chưa xong, ít nữa có nước, ở khóa nước bên hông nhà, mở chút ít thôi, mở bình thường lại bể ống nước. Vậy là yên chí đi ngủ. Đã tự sự thì tự thuật cho thật. Chuyện thật là cái lạnh và nỗi lo bể ống nước làm tôi buồn. Tôi buồn…đi tiểu. Nói cho ngay từ sáng đến giờ, tôi đi tiểu hăng hơn để giật nước cho nước thông thương. Nhưng vẫn không ngủ được, cái bệnh già không chịu thân thiện với cái lạnh 4 độ âm, hay 8 độ âm. Mặc dù mặc ba áo dầy cộm, năm co quắp trong cái chăn dầy cộm, người ngợm cứ run lên cầm cập như người động kinh. Khi không nghĩ đến anh em cải tạo bị đày tới dãy Hòang Liên Sơn với cái lạnh nơi đèo heo hút gió. Hỏi bạn cải tạo, bạn cho hay chỉ có cái chăn dạ thô của Trung Cộng. Bạn còn cho biết đói và lạnh làm bạn với nhau như…môi hở răng lạnh. Đói con gì động đậy là ăn, như thằn lằn, mối chúa. “Quý tộc” hơn vớ đuợc ‘lươn ngắn lại chê trạch dài”. Giống giuộc này có nhiều ở Hàm Tân, Phan Thiết gần rừng Lá còn có tên khác là rắn nước.
Vớ được… rắn nước, tôi quơ cào tới…Rượu đẻn, chả đẻn ở Quảng Bình.
“…Đặc sản độc đáo của Quảng Bình uống rượu đẻn, nhắm chả đẻn. Đẻn là lòai rắn biển chỉ thấy ở Cửa Tùng tới biển Nhật Lệ. Vào quán, rượu đẻn bày sẵn trên bàn, trong khi đó con rắn được lột da, xay vụn trộn gia vị, bọc lá lốt cho vào chả mỡ đang sôi xèo xèo. Buổi chiều tắm biển Nhật Lệ lên, nhắm chả đẻn, rượu đẻn chờ đón trăng lên ở cửa biển dập dờn sóng vỗ thì thào thì khoan khóai lắm ru…”
Ngày thứ hai, mồng 5 Tết âm lịch năm 2021
Sáng dậy sờ râu mọc tua tuả như lông nhím vì hai ngày nay không có điện, nước để …cạo râu. Rồi bỗng thấy đói vì chả đẻn, mò vào bếp có cái bếp gas xách tay để sẵn, pha cà phê trước đã. Đột nhiên thương tiện nội không biết để đâu cho hết, vì các cụ ta xưa dậy cấm chả sai bao giờ. Vì: vợ ta có công đẻ ra con ta và dậy dỗ ta nên người. Nên thề trước hột đèn vịt lộn từ nay không…mắng vợ nữa. Dòm ra ngòai, từ vườn nhà, qua con đường nhỏ, tới vườn nhà hàng xóm, tuyết ngập đầy. Lạc hoa lưu thủy đến năm nào, sáng tinh mơ lái xe đi làm trên xa lộ, bởi chưa một lần …”kinh qua” với xa lộ đóng băng. Mà kinh thật, mặc dù giữ khoảng cách an tòan hơn thường lệ. Thấy xe trước nhá đèn đỏ thắng, thế là tôi thắng…cái kịch cho chắc ăn. Bố khỉ, xe trước trước xe sau quay vòng vòng như…“múa đôi” điệu van. Hú vía.
Mò vào tủ đồ khô lục lọi đống đồ hộp tích trữ vì tiện nôi nghe tin có giới nghiêm từ thời vặc nhau như mổ bò về chuyện bầu bán. Loay hoay thê nào tôi lôi ra được hộp New England Clam Chowder. Cuồng chữ với triết lý củ khoai, ừ thì cứ bằng lòng với củ khoai đang có, nướng lên cho thơm phức mà sực. Nghĩ vụng thêm làm quái gì phải mò sang xứ ăng-lê sương mù. Vì đã có Sò huyết Ô Loan ngay trước mặt
“…Một buổi sớm mai đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống Ô Loan phía dưới ta thấy đẹp bất ngờ che giấu trong sương mù mịt mùng một cuộc đời ẩn hiện của đất Phú Yên. Nhưng Ô Loan là vương quốc của sò huyết. Muốn thưởng thức món sò huyết độc đáo này hãy đợi đêm trăng gió mát đến đầm Ô Loan buông dầm thả trôi lững lờ trên mặt nước. Trên tấm ván bắc qua hai con thuyền áp mạn vào nhau, bằng hữu ngồi quây quần bên chiếc hỏa lò rực than cháy hồng than đước. Những con sò huyết được đưa lên vỉ đến độ chín sò hé vỏ, tuôn nước tràn xuống vỉ than làm mùi thơm ngạt ngào. Người sành ăn dùng móng tay tách nhẹ là con sò mở đôi, sau đó chấm với muối chanh tiêu và ăn ngay khi còn nóng mới ngon thơm…”.
Sơi sò huyết hàm thụ xong, tiện nội đi ra to nhỏ cái I-Phone hết điện, cái…”cùi bắp” của tôi cũng vậy. Tiện nội mang cả hai đi charge điện, nhân tiện đi đổ xăng, mua bình gas cho lò gas. Như ở trên vừa hì hục leo lên trần nhà hí hóay châm lửa cho cái lò sưởi. Như ông bạn luận ở nhà Mỹ nô lệ vào…“mechanical”, nhưng đụng chuyện mới…biết. Như cái cửa garare điện chẳng hạn. Xưa, ông ráp cửa garare dặn dò khi nào không có điện giật giây xuống một cái. Xong giật ngang một cái nữa là dùng tay kéo lên ngon ơ. Bây giờ đụng…”cơ khi” không nhớ kéo cái nào trước cái nào sau. Rồi cũng xong, nhưng kéo lên rồi cái của…“tự động” tụt xuống. Bởi thiếu thước tấc nên một tôi đứng trên ghế giữ cửa cho tiện nội de xe ra, quên chìa khóa nên vào nhà lây. Đứng trên ghế như đứng trên Ðỉnh Gió Hú, ngòai trời gió thổi vù vù như bão lốc khiến tôi run như rẽ. Nước mũi nước mắt trào ra như màn sương, dòm đất trời mờ nhân ảo trong một cỡi đi về.
Tiện nội đi rồi mới hú hồn, hú vía. Nhưng đó là chuyện sau!
Ai đấy hỏi sao không charge trong xe ngòai ga ra. Khổ nỗi cái khó nó bó cái khôn vì giây charge của I-Phone bị trục trặc, cái …”cùi bắp” của tôi thuộc tạng đồ cổ. Lấy ngăn nuôi dài thì vợ chồng bạn gần nhà chui vào xe charge điện, vừa sưởi ấm, vừa ăn uống trong xe luôn. Ông bạn đây người Phan Thiết.
Vì vậy không có lý do gì tôi không động đậy đến Mực tươi nướng.
“…Chúng tôi rủ nhau ra Mũi Né ăn mực tươi nướng. Mực khôi nướng ai cũng thường ăn nhưng mực tươi nguyên mang ra nướng nghe mới lạ. Có lẽ chỉ Phan Thiết mới có thứ này. Chúng tôi hay nói với nhau: Về vùng này mà không nếm mùi nước mắm và đi Mũi Né ăn mực tươi nướng thì có khác nào ra Hà Nội không ăn phở.
Trong lúc ngồi đợi, chủ quán đưa thực đơn, Mũi Né không chỉ có mực tươi nướng, mà còn có cháo hào, ghẹ luộc va ốc hương. Lát sau chủ quán mang đến một đĩa hai con mực lớn. Lọai mực to dày, mùi thơm sực nức. Tôi xé ngang thớ mực đang hồng hơi lửa, mực tươi nướng phải nướng bằng than hoa mới chín đều. Như cá đồng kho tộ phải kho bằng niêu đất. Thường người ta nhâm nhi mực nướng với rượu đế…”
Trở lại chuyện tiện nội lái đi rồi mới hú hồn, hú vía. Vì phố thị gần nhà vậy mà tiện nội đã đi bốn, năm tiếng chưa thấy về, mài óc nghĩ không ra! Trong khi không có điện thọai, được xem như hòan tòan…”cách ly” với thế giới bên ngòai. Ngóng ra ngòai cửa sổ, thỉnh thỏang có xe cảnh sát đi qua một cách hiền hòa và nhàn tản. Lát sau thêm xe cưu thương không hú còi, nhưng chớp đèn bình thản đi qua thì phải hiểu là trên xe có ngườiI đã về với cõi nên hú còi làm khỉ gì. Từng đó sự kiện đâm lo lo, lại buồn đi…ttiểu.
Đến trưa, không biết làm gì không lẽ lại làm thinh Bèn mang bán chưng ngày Tết ra ăn. Đang nhai nhệu nhạo, miếng bánh chưng dính cứng lôi cả hai hàm trên, hàm dưới ra khoe của. Cám cảnh cho tuổi già. Hốt nhiên nhớ ra hôm nay mồng 5 Tết.
Rào trước đón sau cách mấy không ngòai Bánh đa Bình Định.
“…Già làng kể lại với con cháu rằng khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh ngày mồng 5 Tết mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Đô đốc BùiThị Xuân là người lo việc hậu cần dựa vào dân gian làm bánh tráng phát cho mỗi người lính mười “giàng”, không cần nướng mà chỉ nhúng qua nước cho bánh mềm cuộn với rau sống, thịt khô, chấm muối vừa đi vừa ăn. Có thể vì vậy, bánh nhúng nước ra tới Thăng Long, người ngàn năm văn vật gọi là…bánh đa. Trong khi người Bình Định lại gọi là…bánh tráng.
Tuy nhiên trong mâm cỗ tất niên ở Bình Định, chủ nhà cũng đặt dăm chiếc bánh đa nướng sẵn. Ngồi vào mâm khai vị nhâm nhi với rượu Bàu Đá quê hương của người anh hùng áo vải. Và bà Bùi thị Xuân, quê huyện Tây Sơn, Bình Định. Có thể vì vậy, đặc biệt trong ngày tất niên này, bánh đa không tùy tiện đập vỡ vụn hay bẻ nát mà kính cẩn để bánh lên đỉnh đầu làm điểm tựa và khẽ đập nhẹ một cái…”.
Tiện nội về đến nhà ba điều bốn chuyện cây xăng trong vùng đóng cửa, duy nhất một cây xăng mở cửa nhưng xe đậu cả hai, ba trăm thước. Vào chợ mua mấy thứ lỉnh kỉnh thì cứ ba người ra, ba người vào. Vào rồi chợ không còn, tiện nội phải đi chợ khác, lại xếp hàng này kia kia nọ. Vậy mà vác về cho đức ông chồng nguyên một con gà nướng béo ngậy ở chợ H&B. Thế là ngả ra đánh chén.Vừa ăn vưa lễnh đễnh đến cái tủ lạnh, không có điện, thực phẩm rồi sẽ ra sao đây. Đàn ông nào biết gì chuyện bếp núc, thồi thì cứ để tiện nội lo. Thế nhưng bụng dạ cũng lo lo. Lo cho lắm lại phải đứng dậy vào câu tiêu. Vừa tháo nước vừa để cái đầu đi hoang đến bà Abey người Mỹ trong mục tháo gỡ tơ lòng dậy rằng sáng ngủ dậy nghe chim hót là vui rồi. Sai bét. Vì những ai khọm bị bệnh tiểu giắt, sáng thức dậy, đứng trước bồn tiểu tè được mới.quá...đã.
Chợt nhớ ra rượu Bàu Đá, Bình Định, bèn xách ra hai chai. Một chai Vodka thượng hảo hạng của Nga, một chai Malt Whiskey Mizunara của Nhật. Cả hai đều màu trắng giống đế Bàu Đá. Vì lọai đế này lấy từ nước khóang từ trên núi xuống nên trong veo. Làm cối Nhật không sao, làm cối Nga thấy sừng sừng nên nuốt trọn hai cánh gà. Làm cữ thứ hai, thứ nhất đầu cánh thứ nhì phao câu…“cảm giác” ngất ngư con tàu đi. Người ngợm nóng phừng phừng. Cái máy sưởi mày chết kệ xác mày, tao lo thân tao nên cứ từ khoai cũng nhừ từng cối một. Đến tối, bừng bừng leo lên giường ngủ êm.
Ngày thứ ba, mồng 6 Tết âm lịch năm 2021
Như những ngày thường, hôm nay cũng vậy, sáng dậy thường là 3 rưỡi hay 4 giờ, (vì không có đồng hồ) đi lòng vòng trong đêm như chó dái không biết làm gì cho hết ngày. Bình thường vật vã với con chữ từ 12 đến 14 tiếng 1 ngày và 7 ngày một tuần. Bước một đến bếp, lấy cái siêu nước pha cà phê. Đột dưng đàm hoa lạc khứ về ngày đầu tiên ra khỏi trại tỵ nạn tới nhà người bảo trợ cũng cái siêu nước cổ lỗ sĩ này hú lên một tràng dài “tu…tu…”. Vì không biết con gì kêu nên ù té chạy ra khỏi bếp.
Từ bếp núc vu vơ về con gà nuớng hôm qua lau lách tới Gà giả nem phụng.
“…Nem công chả phụng chỉ nghe nói ở xứ Thần Kinh Huế bởi con phụng hay phượng hòang là lòai chim hoang dã đâu dễ gì bắt. Gà giả nem phụng là gà mái tơ, gà già, gà non, gà trống đều không làm được. Gà mua về hơ lửa rơm, cho hết lông tơ bóp muối. Xong, cắt hai bắp đùi vừa chín vớt ra để nguội. Bì lợn luộc mềm vớt ra để khô. Giai đọan kế, thịt gà thái mỏng, thịt lợn thái chỉ như tăm tre trộn với nhau ủ 10 phút cho “nhựa”. Tiếp nắm từng viên tròn gói bằng lá sung non buộc chặt trong 3 ngày.
Nem phụng bằng thịt gà có vị chua như nem thịt lợn. Nhưng giòn và mềm lại có hương vị của lá sung non hơi chan chát, không sực mùi lá ổi như nem chua…”
Làm xong cữ cà phê, trong nhà u ám, ngòai trời mây giăng giăng âm u. học người Khổng Khâu ở đất Trâu bên Tàu ba ngày không đọc sách mặt mũi tối tăm khó coi. Tôi lại ngồi quay lưng ra cửa sổ để đọc sách đến trưa. Tiện nội dọn ra bát bún thang có sẵn từ mấy ngày tết ăn với củ cải dầm rất Hà Nội thanh lịch. Vừa ăn vừa bòn mót chữ nghĩa để nhồi nhét vào tự sự Ba ngày liêu xiêu. Bây giờ dòm tựa đề sách mới hay Văn hóa ẩm thực…của người viết Mai Khôi, người Hà Nội thì phải?.
“…Sách Đại Nam hội điển sự lệ của nhà Nguyễn ghi rằng: Trong các thứ “kỳ trân dị thảo” để tiếp sứ Tàu có 72 món, gân nai, cừu-khổng, tôm rồng, trừ gân dê vì dê có thể nuôi ở nhà. Với thịt thú rừng gồm có lợn rừng, thịt tê tê (tê giác?), thịt công, đuôi cá sấu, mũi đười ươi, bàn tay gấu, v…v…mỗi thứ chế biến theo bát cổ...”
Nắng lên, tôi rời chỗ vào bàn ngồi. Lạnh quá sức, tay cầm quyển sách, sách run lên bần bật như mắc bệnh Parkison. Ai đấy dóng dứ lanh...‘’khủng’’ vậy ư ? Đành thưa: Lần thứ hai có trận bão tuyết tệ hại nhất lịch sử cách đây 150 năm. Lần này Houston có 47 người chết. Thưa gửi xong, ngồi rặn ra chữ ra câu miết chán quá, gấp sách lại không đọc nữa. Vì nếu có đọc mặt mũi cũng chả sáng sủa hơn bao nhiêu. Cái đầu đang rảnh rang nên mọc ra chuyện trong cơn bão Harvey năm 2017, sở cho...’’di tản’’. Trên xa lộ lái xe về bị kẹt xe dài dài, cái bàng quang cứ nhấp nhổm đòi tống nước ra. Cả tiếng sau chịu không nổi đành tống khứ nước ra quần. Ấy thế mà...sướng mới đau!
Tiện thể vu vơ đến bạn ở xa điện thọai hỏi có người chết ở Houston. Đủng đỏang thế nào làm như ngẫu nhiên hay sao ấy, bạn tiện nội, cũng điện thọai mà rằng mùa đông cúp điện, không có máy sưởi thế nào người già cũng được Chúa vui vẻ gọi vê cõi trên để gặp ông thánh Phê-rô là người xét lý lịch ở cổng thiên đàng. Bật rật nghĩ dại mình cũng đã thất thập cổ lai hy, trên giời có hai ông Nam Tào Bắc Đẩu ngồi đợi sẵn để xét sổ sinh tử của chúng sinh với Tiêu nhiên chi lai, tiêu nhiên nhi vãng – Kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà (Đại mộng – Trang tử), Nôm là thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi – khi vào không lo lắng, khi ra không ngại ngùng
Quơ cào được triết lý tiên thiên trên nên hãi quá thể. Đành gọi con gái để tỵ nạn. Con gái sai thằng chồng mang xe truck đón bố mẹ vợ ngay tức thì. Ngỡ mọi chuyện xong, bỗng tiện nội vào hốt hỏang cho hay…ống nước ngòai vườn bể. Bổ nhào ra thấy một khỏang vườn ngập nước như biển hồ. Móc cái cùi bắp gọi thợ sửa ống nước. Như…’’viễn kiến’’ từ trước, ông ta cho hay đang bận túi bụi nên không biết bao giờ đến, cứ khóa nước là…yên chí nhớn. Ừ thì học theo cụ Uy Viễn Nguyễn Công Trứ quẳng gánh lo đi nhẹ lấy mình. Lo cho lắm tắm cởi truồng cũng vậy thôi.
Ngay tức thì tôi sửa sọan quần áo, tất cả túi quần, túi áo nhét thuốc lá vào và không quên chai Cognac, cuốn thư kinh Văn hóa ẩm thực các món ăn miền Trung. Đang đứng cạnh cầu tiêu. Từ cái cầu tiêu ngộ ra Đại mộng của Trang tử khi vào không lo lắng, khi ra không ngại ngùng vậy mà không buồn...đi tiểu. Mà dường như trong Ba ngày liêu xiêu quên tuốt đại sự gì ấy. Chuyện đâu hãy còn đó, đắng đãi với thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi vì sắp đi đến nhà con gái có điện nước, có tất cả nhu cầu cần thiết trong cõi nhân sinh như cái cầu tiêu chẳng hạn. Lúc này một tôi mới ngộ chứng ra ba ngày lêu bêu quên tiệt mục...đại tiện. Đang tậm tịt đến đây, thì...cái máy sưởi ù ù chạy.
Rồi mọi sự sẽ trở lại một ngày như mọi bữa, bèn móc thư kinh ra đọc tiếp. Bởi chưng đọc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chẳng thần thánh Phật tiên nhưng khác tục (Nguyễn Công Trứ). Vừa đọc vừa đồ chừng bạn đọc hỏi: “Viết tự sự khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ kết. Kết thế nào để làng văn xóm chữ cứ... ”liêu xiêu” cả lên. Tiện tay giở Lời nói đầu, cấu vào mắt hàng chữ:
Ốc tháng mười, người Hà Nội.
Thạch trúc thảo lư
Tân Sửu 2021
Ngộ Không Phí ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét