Thằng Nhớ giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng bà ngoại đang la cái gì đó ở ngoài sân. Ánh nắng xuyên qua khe hở của cửa sổ phết thành một vệt dài trên nền nhà. Nhớ đưa tay giụi mắt, vươn vai mấy cái. Nó bước xuống giường, vén mùng lên, xếp mền gối thật lẹ rồi bươn bả bước ra nhà sau xem có chuyện gì.
Đứng gần bờ ao, bà ngoại đang nói thao thao, một tay chống nạnh, một tay chỉ trỏ, coi bộ giận dữ lắm. Thấy Nhớ ra, bà lại càng cao giọng như để phân bua:
– Thiệt là quá sức chịu đựng rồi! Ai đời quần áo buổi tối còn phơi đầy một dây mà sáng ra mất ráo trọi. Thằng ăn trộm nào mà cả gan chọc tới nhà này vậy không biết!
Nhớ hoảng hồn:
– Mất quần áo hả ngoại? Còn bộ quần áo mới để mặc Tết của con ngoại giặt cho ra hồ đâu? Cũng mất luôn chớ gì?
Bà ngoại thở ra:
– May là ngoại giặt hôm bữa, thâu vô rồi. Lần này là lần thứ ba đó. Mất ba con gà tuần trước, rồi hôm kia mất thêm cái nồi đồng nữa. Điệu này chắc nhà mình hết ăn Tết quá!
Ông ngoại đang ngồi đan rổ ở hàng hiên sau, cất giọng điềm đạm:
– Bà la nãy giờ coi bộ cũng thấm mệt rồi đa. Thôi đi vô coi lo đãi đậu đi. Để cái thằng ăn trộm đó cho tui. Nó còn quen mùi tới nữa chớ chưa hết đâu.
Bà ngoại liếc xéo qua chị Sáu đang ngồi rửa chén cạnh bờ ao:
– Cũng tại cái con quỷ này nó ngủ say như chết đó mà. Con gái con đứa gì đâu mà lăn ra ngủ rồi thì trời sập cũng không biết! Mày ngủ hồi hôm chưa đã con mắt sao mà sáng ra còn muốn gật lên gật xuống đó?
Chị Sáu giật mình nhướng cặp mắt đỏ quạch lên, vội vã trả lời:
– Dạ, hổng có đâu bà! Con có ngủ gật hồi nào đâu.
Bà ngoại “hứ” một tiếng rõ dài rồi te tái đi vô bếp. Nhờ ra bờ ao súc miệng, rửa mặt, trong lòng cũng thắc mắc không biết tên trộm đó là ai mà dạo gần Tết này nó viếng hết nhà này qua nhà khác trong xóm. Lâu nay ở đây làm gì có nạn trộm cắp!
Nhớ nghe tiếng bà ngoại chào hỏi ai ở phía nhà trên, rồi lại có tiếng bà gióng xuống nhà sau:
– Ông ơi, có thằng Tâm qua nói ông kêu nó chuyện gì đây nè!
Ông ngoại hắng giọng:
– Ờ, bà biểu nó xuống đây. Tui nhờ nó qua phụ chùi đồ đồng với thằng Nhớ đó.
Bà ngoại đi theo anh Tâm xuống tận bếp, kể lể chuyện mất trộm hồi hôm. Bà tức tối kết luận:
– Tâm, mày coi có đáng tức không chớ? Thằng ăn trộm đó có nể nang gì ai đâu!
Anh Tâm ngập ngừng đáp:
– Dạ, tức chớ bà. Con mà tóm được nó thì nó biết tay con.
Anh Tâm cúi chào ông ngoại. Anh háy mắt, mỉm cười với Nhớ. Nhớ nhảy chân sáo vào nhà, khệ nệ bưng từng món trong bộ lư đồng và chân đèn ra nhà sau. Ông ngoại móc cái rổ vừa đan xong lên nóc bếp, nói với Nhớ:
– Ông bà ngoại đi vô xóm trong, trưa mới về. Ở nhà chịu khó chùi mớ đồ đồng với thằng Tâm nghen con!
Nhớ “dạ” thật ngoan. Lúc Nhớ đem cái lư nặng nhất ra sau cùng thì thấy anh Tâm đang đứng nói chuyện với chị Sáu bên bờ ao. Anh Tâm vặn hai tay vào nhau như đang đóng kịch, hỏi chị Sáu:
– Sáu làm việc nhiều có mệt không?
Chị Sáu má đỏ hây hây. Chị nhìn xuống mặt nước ao, e ấp trả lời:
– Dạ, cũng mệt chớ anh. Có điều tui quen rồi.
Anh Tâm gãi đầu một lát rồi lại hỏi:
– Sáu thiếu ngủ lắm hả? Tui thấy hai mắt Sáu đỏ lắm đó!
Chị Sáu ré lên một tiếng, làm rớt cái muỗng canh đang cầm trên tay:
– Í! Cái anh này ăn nói kỳ cục, hổng sợ thằng Nhớ nó cười cho thúi đầu!
Nhớ ngó qua chị Sáu thì thấy chị có vẻ buồn ngủ thiệt. Hai mắt chị lờ đờ như mắt cá ươn. Mà day lại anh Tâm, Nhớ thấy anh cũng có vẻ khật khừ. Anh Tâm ngáp một cái thiệt dài, biểu Nhớ:
– Đủ hết chưa Nhớ? Em vô lấy hai cái đòn ra ngồi chùi đồ đồng với anh cho đỡ mỏi.
Chị Sáu bê rổ chén bát đã rửa xong vào nhà, sửa soạn bữa ăn trưa. Anh Tâm và Nhớ ngồi lúi húi đánh bóng mớ đồ đồng ngổn ngang. Vậy là sắp Tết nữa rồi, mau thiệt, Nhớ nghĩ thầm. Mới năm ngoái đây, cũng anh Tâm qua phụ với Nhớ, in như mới hôm qua, hôm kia vậy. Nhớ thấy lòng rộn lên một nỗi háo hức khó tả. Áo quần Nhớ coi vậy mà mau chật quá nên bà ngoại phải sắm đồ mới cho Nhớ hoài. Bà ngoại thật đảm đang. Bà làm đủ việc trong nhà, lại còn nuôi gà nuôi vịt. Tết tới, bà làm mứt, làm dưa món, gói bánh tét, hấp bánh thuẫn. Cho nên dường như Tết vào nhà Nhớ sớm nhất xóm với những món ăn của ngoại. Ông ngoại thì lo dựng nêu, treo câu đối, dán tranh gà, tranh chuột, quét dọn bàn thờ, nhà cửa. Nhớ phụ mỗi người một chút, vui quá nên việc gì nó cũng muốn làm.
Anh Tâm hỏi Nhớ:
– Nhà em chừng nào gói bánh tét?
Nhớ lanh lẹ đáp:
– Dạ, tối nay bà ngoại gói xong rồi tối mai nấu. Em nghe mấy nhà bên cạnh cũng hẹn nhau tối mai nấu cùng một lúc cho vui. Sẵn canh trộm luôn.
Hai anh em mải miết làm cho đến lúc mặt trời đứng bóng hồi nào không biết. Ông bà ngoại đã về. Chị Sáu dọn cơm ra cho cả nhà ăn. Mâm cơm có dĩa cá ngừ kho bên cạnh dĩa dưa chua thật hấp dẫn. Nhớ nuốt nước miếng ừng ực. Ông ngoại kêu anh Tâm ở lại ăn cơm. Cả nhà xì xụp ăn uống, trò chuyện với nhau. Nhớ vừa ăn xong bữa đã thấy hai mắt trĩu nặng xuống. Gió trưa thổi vào nhà nghe man mát. Nhớ uống vội một ly nước lạnh rồi đi ngủ trưa. Giấc ngủ đến với đến với Nhớ thật sâu, thật nồng trong làn gió nhẹ của miền quê yên tĩnh. Trong giấc ngủ, Nhớ chiêm bao thấy mình bận quần áo mới ăn Tết, hai tay nắm một mớ tiền mừng tuổi và miệng thì ngốn đầy những mứt là mứt!
Lúc Nhớ thức dậy thì trời đã về chiều. Nó cảm thấy khoẻ khoắn sau giấc ngủ dài. Chị Sáu đã đi chợ chiều tự lúc nào. Ông ngoại đang ngồi trầm ngâm bên điếu thuốc rê. Bà ngoại ngồi cặm cụi vuốt lại từng tấm lá chuối còn tươi ngăn ngắt, sửa soạn gói bánh. Chợt ông ngoại cất tiếng hỏi bà ngoại:
– Tui đố bà chớ thằng ăn trộm còn tới nữa không?
Bà ngoại chép miệng:
– Ai mà biết! Tui giao nó cho ông thử ông trị nó nổi không.
Ông ngoại cười khà khà:
– Được, bà để đó cho tui. Nếu nó còn trở lại nữa thì chắc là nó phải dò la nghe ngóng tình hình. Tối mai nhà mình, nhà chú Bốn, nhà bà Ba với nhà cô Ngân đều nấu bánh hết. Vậy là nhà nào cũng có người thức canh bánh. Đêm nay là đêm chót cho nó trổ tài. Tui sẽ thức rình bắt nó.
Nhớ sáng mắt lên, nó sán lại gần ông ngoại:
– Ông ngoại cho con thức bắt trộm với!
Ông ngoại nạt:
– Con là con nít con nôi, ăn chưa no lo chưa tới, biết gì mà bắt với bớ!
Nhớ cụt hứng, quay ra đòi bà ngoại ăn cơm chiều. Bà ngoại chiều Nhớ, dọn cơm ra. Cả ba ngồi ăn trong ánh le lói của buổi hoàng hôn.
Bữa cơm chấm dứt lúc chị Sáu vừa đi chợ về. Chị ngồi ăn một mình rồi dọn dẹp chén bát ra cầu ao rửa. Ông ngoại ngồi khề khà bên tách trà đậm, hai mắt lim dim. Nhớ đoán là ông đang suy nghĩ để tìm cách bắt trộm. Bà ngoại uống lẹ một ly nước rồi lại sà xuống chỗ bánh và lá còn dở dang. Nhớ ngồi phụ bà xếp lá, tước dây. Bà cháu làm với nhau thật ăn ý, nhịp nhàng. Nếp thơm phưng phức, màu trắng lẫn màu xanh phơn phớt vì đã được xào qua với nước dão lá dứa, trông rất bắt mắt. Thịt heo miếng nào miếng nấy ngó thiệt ngon, bà ngoại quấn vào bên trong đậu xanh giã nhuyễn làm thành những cục nhưn to tướng. Ông ngoại thích ăn bánh tét nhưn lớn nên bà ngoại chẳng bao giờ thích thứ bánh tét mua ngoài chợ về, nhưn chỉ bằng đâu ngón tay cái.
Nhớ vừa làm vừa thủ thỉ:
– Tối mai ngoại cho con thức canh bánh với nghen, ngoại!
Bà ngoại liếc ông ngoại:
– Con có giỏi thì hỏi ổng chớ ngoại không dám cho phép rồi đa!
Nhớ liếc theo bà ngoại rồi so vai, lè lưỡi. Buổi tối với công việc trôi qua thật nhanh. Trong thoáng chốc, những đòn bánh tét tròn trĩnh, chắc nịch đã được xếp chồng lên nhau thật đẹp mắt. Bà ngoại đứng dậy vươn vai than đau lưng. Nhớ nhanh nhẩu nói:
– Ngoại để con đấm lưng cho!
Nhớ dìu bà ngoại nằm xuống trường kỷ, đấm lưng cho bà. Bà ngoại rên lên khe khẽ theo nhịp tay của Nhớ. Ông ngoại đứng lên, hớp thêm một miếng trà rồi nói:
– Tui đi ngủ sớm đây. Bà nhớ gài cửa nẻo trong nhà cho kỹ nghen!
Bà ngoại đỡ mỏi rồi, ngồi dậy vén áo ngoài, cho tay vào túi trong móc ra một đồng kẽm mới giúi vào tay Nhớ. Nhớ ôm bà ngoại, nũng nịu nói:
– Con thương bà ngoại quá chời!
Hai bà cháu gài cửa trước cửa sau cẩn thận rồi cũng buông mùng đi ngủ. Đêm đã khuya. Tiếng dế nỉ non đầu hè nghe buồn buồn. Chẳng bao lâu Nhớ đã thiếp đi…
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Ông ngoại rón rén ngồi dậy lúc cả nhà đã ngủ say. Trời mùa đông về đêm lành lạnh. Ông ngoại khoác thêm một chiếc áo vào cho ấm. Cả gian phòng chỉ có ánh sáng leo lét của chiếc đèn dầu trên bàn thờ giữa nhà. Ông cố gắng mò mẫm đi thật êm xuống gian bếp nơi có chị Sáu đang ngủ say. Ông khẽ đẩy cánh cửa trổ ra phía sau cho mở hé ra một chút. Ngoài bờ ao tiếng côn trùng xen lẫn tiếng ếch nhái vẫn vang đều đều trong đêm thanh vắng. Ông ngoại nghe tiếng mình thở mạnh trong màn đêm. Ông đưa tay vào góc bếp bên phải lấy ra một cái bình đã để sẵn từ ban chiều. Ông đếm đúng ba bước từ cánh cửa sau trở đi rồi cúi xuống lúi húi rưới từ trong bình ra một chất gì đó lên nền nhà thành một vệt dài cỡ hơn một thước.
Xong xuôi ông lui về góc bếp, ngồi rình. Đêm trôi qua chậm chạp, nặng nề. Sương khuya toả hơi lạnh tràn vào trong nhà làm ông thỉnh thoảng lại rùng mình một cái. Tiếng con thạch sùng tặc lưỡi vu vơ trên mái bếp. Ông ngoại đã đổi thế ngồi mấy lần cho đỡ mỏi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ông bắt đầu thấy buồn ngủ, gật lên gật xuống mấy lần. Lúc vừa thiu thiu ngủ, ông bỗng giật mình vì nghe có tiếng chân bước nhè nhẹ về hướng bếp. Tim ông ngoại như muốn ngừng đập. Kẻ lạ đã tiến gần lắm rồi. Hắn xuất hiện ở ngưỡng cửa. Ông ngoại nín thở nhìn. Hắn ngần ngừ một lúc rồi nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào. Cánh cửa rít lên nho nhỏ. Hắn bước từng bước một, khẽ khàng, thận trọng. Đợi cho tên trộm đã đứng cách cánh cửa chừng ba bước, ông ngoại xuất kỳ bất ý nhảy phắt tới sau lưng hắn, đóng sầm cửa lại, tay lanh lẹn gài chốt, đồng thời ông thét lên một tiếng thật to để áp đảo tinh thần đối phương:
– À, mày có chạy đằng trời!
Tên trộm giật nẩy mình trong bóng tối. Vì đã bị chặn lại sau lưng, hắn đành nhảy bổ tới trước theo bản năng. Liền đó, một tiếng “phọp!” vang lên, như thể có vật gì rơi xuống một vũng bùn đặc. Tên trộm thảng thốt kêu lên một tiếng. Ông ngoại không bỏ sót một giây nào. Ông nhào tới cái bàn kế đó, móc túi lấy ra một hộp diêm, bật lửa mồi vào cây đèn hoa kỳ đã để sẵn ở đó từ lúc chiều. Ánh lửa lập loè bùng lên. Ông ngoại cầm đèn soi rõ vào mặt tên trộm. Chợt ông kinh ngạc kêu lên:
– Trời đất quỷ thần ơi! Thằng Tâm!
Anh Tâm đứng như trời trồng giữa bếp, hai chân anh dính cứng ngắc vào lớp dầu hắc ông ngoại đã rưới lên nền nhà. Mặt anh trắng bệch như xác chết. Chị Sáu nghe động, tốc mùng chun ra. Thấy cảnh tượng trước mắt, chị hãi hùng rú lên một tiếng đoạn ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc nức nở. úc này, bà ngoại và Nhớ cũng đã dậy. Bà hối hả kéo Nhớ chạy xuống bếp, và cũng như từ cung trăng rơi xuống khi thấy người đứng đó là anh Tâm. Sau khi đã lấy lại bình tĩnh, bà ngoại nhảy tới xỉa xói vào mặt anh:
– Mèn đéc ơi, cái đồ phản phúc! Mày ăn cơm nhà tao ngập mặt chưa đủ hay sao mà nỡ làm cái chuyện tồi bại như vầy?
Anh Tâm chỉ biết ú ớ, vẻ mặt anh vô cùng đau khổ. Chợt lúc ấy, bên nhà bà Ba cũng có tiếng kêu chói lói:
– Trộm! Trộm! Bắt lấy nó!
Tiếp theo là tiếng vật lộn nghe huỳnh huỵch. Rồi có tiếng anh Bình con bà Ba đắc thắng reo lên:
– Tóm được mày rồi! Đừng hòng trốn thoát!
Tiếng bà Ba la eo éo:
– Ủa, thằng Sáu Xị đây mà! Phen này mày chết với bà!
Bên này, bà ngoại hỏi dồn anh Tâm:
– Té ra mày cặp xách với thằng Sáu Xị nhậu nhẹt để phải đi ăn trộm ăn cướp đêm hôm như vầy đó phải không?
Chị Sáu lết tới chân bà ngoại, khóc lớn lên:
– Con lạy bà, bà tha cho ảnh!
Bà ngoại vùng ra khỏi hai bàn tay chị Sáu đang bấu lấy chân bà:
– Ủa, cái con này lạ chưa? Mắc mớ gì tới mày mà mày khóc như cha chết mẹ chết vậy cà? Ai khiến mày xin tao tha cho nó chớ?
Chị Sáu nấc lên từng hồi, giọng đứt quãng:
– Dạ… ảnh qua đây … không phải để… để… ăn trộm mà để… để…
Bấy giờ anh Tâm mới tạm hoàn hồn, nói tiếp đỡ cho chị Sáu:
– Dạ bẩm ông bà, con với Sáu lâu nay đã lỡ thương nhau. Con qua đây đêm hôm để hai đứa lén lút gặp nhau như vầy là có lỗi. Chớ thiệt tình là con không có ý gian tham gì của ông bà hết.
Bà ngoại vỡ lẽ nhưng vẫn chưa hết giận:
– Tụi bay thương nhau thì cứ trình thưa đôi bên, có ai cấm đoán gì đâu mà bay làm cái trò mèo mả gà đồng, tao hổng có ưa được!
Tiếng bà Ba vọng qua từ bên kia hàng rào:
– Ông bà Năm bên đó cũng bắt được trộm phải không? Chắc nó cùng một phe với thằng Sáu Xị bên này quá! Giải nó qua đây đặng thằng Bình nhà tui kêu dân vệ đưa lên xã cả hai đứa luôn một thể.
Ông ngoại cười ha hả, xách đèn bước ra sân, trả lời bà Ba:
– Phải đó, chị Ba! bên đây cũng có trộm, có điều là thằng này nó ăn trộm ái tình!
Tiếng bà Ba chưng hửng:
– Ủa, chuyện chi lạ vậy cà?
Nhớ nhìn anh Tâm đứng tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, còn chị Sáu thì vẫn còn khóc thút thít. Mới có tám tuổi đầu, Nhớ chẳng rõ mô tê gì hết. Nó thắc mắc không hiểu ái tình là cái giống gì mà đêm hôm anh Tâm phải qua ăn trộm của chị Sáu vậy không biết!
Trần C. Trí
Xuân Mậu Thìn 1988
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét