Mua sắm có thể khiến tâm trạng buồn
chán tạm thời được cải thiện. Thế nhưng cảm giác tội lỗi kéo đến sau
hành động vui sướng vung tay mua sắm thường rất tồi tệ. Có một vài mẹo
sau đây có thể sử dụng để ngăn chặn cơn ham muốn tiêu xài quá đáng.
Không có cơn phiền toái nào giống với cảm giác bị thúc đẩy mua sắm.Mua sắm có thể khiến ta cảm thấy át đi tâm trạng buồn chán, một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Tâm lý và Tiếp thị cho thấy, và hành động này cũng có thể đem lại cho chúng ta một cơn hưng phấn tâm lý tương tự như những người xài thuốc gây nghiện.
Trong thực tế, một khảo sát năm 2016 của ebates.com được thực hiện trên 1.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho thấy 96% trong số đó cho biết họ mua sắm gì đó chỉ để cảm thấy dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, lợi ích có được từ liệu pháp mua sắm thường chỉ thoáng qua, trong lúc nó có thể dẫn đến những phản ứng phụ lâu dài và gây tổn thương tinh thần.
Cảm xúc tiêu cực và nỗi buồn có thể dẫn đến cảm giác mất nhận thức về giá trị bản thân và điều này là nguyên nhân đẩy mọi người đi mua sắm khi buồn phiền.
Dở một nỗi là cảm xúc tiêu cực tương tự có thể quay trở lại, và kèm theo đó là sự ân hận cùng cảm giác tội lỗi là ta đã tiêu nhiều tiền hơn số mình nên tiêu hoặc định tiêu.
Nhưng có lẽ vẫn có một số cách để trải nghiệm sự hấp tấp của cơn điên mua sắm mà không phải mở hầu bao và vẫn không rơi vào cảm giác chán nản ưu phiền.
Giải mã hành vi
“Những gì ta đang làm với việc lấy niềm vui mua sắm để át đi nỗi buồn là chúng ta đang khốn khổ cố gắng quy định cảm xúc của mình,” Joanne Corrigan, bác sĩ tâm lý ở Sydney chuyên về liệu pháp cảm thông tập trung, nói. Đây là một kiểu liệu pháp tâm lý dành cho những người có vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến việc tự phê phán và xấu hổ.“Chúng ta không muốn đắm chìm trong cảm xúc muộn phiền và khó chịu. Vì thế chúng ta sẽ làm những thứ ngắn hạn để khiến mình cảm thấy thoải mái hơn trong khoảnh khắc ngắn nào đó.”Khi ta thấy buồn bực hoặc lo âu, năng lực tự kiểm soát bản thân cũng bị triệt tiêu khiến ta càng dễ ra quyết định sai lầm. Có vẻ như nỗi buồn dẫn đến nhiều suy nghĩ thiếu kiên nhẫn, và ta thường khao khát tự thưởng ngay lập tức để cảm thấy tương lai sáng sủa hơn.
Hội chứng này được gọi tên là “nỗi đau khổ thân cận”. Jennifer Lerner, giáo sư tâm lý tại Đại học Harvard và đồng nghiệp của bà là Ye Li và Elke Weber từ Đại học Columbia đã đề cập trong nghiên cứu của họ về vấn đề này.
Nếu ta hiểu vì sao mình muốn mua sắm khi cảm xúc xuống dốc, và vì sao mua sắm lại làm ta cảm thấy dễ chịu, liệu ta có thể lừa bộ não để kích hoạt cảm giác tích cực mà không phải tiêu tiền?
Corrigan cho là có. Nếu ta có thể tạo cảm hứng cho “phần não cảm thông” của mình – tức là phần não làm dịu đi cảm giác lo âu – thì ta sẽ không bốc đồng tìm kiếm một chút niềm vui ngắn ngủi tạm thời.
“Phần lo âu và lôi kéo của bộ não tiết vào cơ thể bạn những hóa chất như adrenaline và cortisol và dopamine, nhưng bạn có thể làm chúng dịu lại bằng cách kích hoạt phần dịu dàng và liên kết của bộ não vốn tiết ra các chất endorphin và oxytocin, và từ đó sẽ đem lại cho bạn phản ứng khác với thế giới,” bà giải thích.
‘Theo nhà kinh tế học Robert Frank từ Đại học Cornell, chìa khóa để chiến đấu với cơn kích thích mua sắm khi ta buồn phiền là sự tự kiểm soát bản thân.
Ông chỉ ra công trình của tác giả Walter Mischel, người tiến hành thí nghiệm Marshmallow Stanford, một thí nghiệm vào thập niên 1960 trong tâm lý học trẻ em và vấn đề trì hoãn sự hài lòng.
Thí nghiệm trên tìm hiểu về khả năng tự kiểm soát của trẻ em bằng cách cho các em chọn lựa giữa một phần thưởng nhỏ ngay lập tức hoặc hai phần thưởng nhỏ nếu các em chịu đợi thêm một khoảng thời gian ngắn.
Các nghiên cứu sau đó cho thấy những đứa trẻ sẵn lòng chờ lâu hơn để được quà có xu hướng có điểm tốt hơn trong cuộc sống sau này nếu dựa vào các chỉ số như điểm trung bình SAT, thành tích học tập, và chỉ số cơ thể BMI.
Đối với cảm giác an ổn dài lâu, chúng ta cần phải ghi đè lên cơn thôi thúc mua sắm bằng sự hài lòng tức thời, Frank nói.
“Bạn nên có cái nhìn dài hơi hơn về những gì cần chú ý, nhưng đó là điểm người ta gặp khó khăn rõ ràng: đó là định lượng đúng đắn với điều xảy ra không phải ở hiện tại mà là trong tương lai.”
Sử dụng công cụ của bạn
Sự thúc đẩy dẫn đến hành động phản xạ có tính hợp lý, và sự tự chủ thường rất khó khăn với tất cả mọi người. Tuy nhiên, Corrigan nói chúng ta có những thứ cần thiết để điều khiển các cơn thôi thúc đó.Bà nhận định não bộ ta được trang bị những phần khiến ta cảm thấy toại nguyện và hạnh phúc nếu tập trung vào cảm giác hoặc thái độ và sự cảm thông, mà không phải tìm đến con đường mua sắm bất cứ gì.
David DeSteno, giáo sư tâm lý tại Đại học Đông Bắc ở Boston, đã dành hàng thập niên để nghiên cứu về hiệu ứng mà các cảm xúc tích cực ảnh hưởng đến việc ra quyết định, và nghiên cứu của ông chỉ ra rằng chỉ cần cảm thấy hàm ơn là ta đã có thể thay đổi cách hành động.
Trong Phòng thí nghiệm Cảm xúc Xã hội của mình, DeSteno cho người tham dự lựa chọn giữa việc nhận được 30 đô la Mỹ ngay lập tức hay đợi nhận được 70 đô la Mỹ sau ba tuần. Khi người ta có sẵn cảm xúc biết ơn, họ có thể điều chỉnh khao khát hài lòng ngay tức thì để chọn lựa cái thứ hai.
Một cơn kích thích khác
Khi DeSteno theo chân một số người trong nhiều tuần, người thường trải qua cảm xúc biết ơn thường xuyên dễ dàng thoát khỏi cơn khao khát mua sắm và có mức độ tự chủ cao hơn.“Khi bạn cảm thấy biết ơn, nó không chỉ giúp bạn thoát khỏi cảm giác bị thúc đẩy phải mua sắm, mà nó còn giúp bạn cảm thấy dễ chịu hệt như đã mua sắm thứ gì đó. Vì thế cảm giác hài lòng cũng giúp bạn coi trọng tương lai và có sự tự chủ tốt hơn,” ông nói.
Điều này có thể đơn giản tương tự như khi bạn nghĩ về điều gì đó khiến bạn hàm ơn dù điều đó nhỏ bé ra sao, ông nói.
Ông nói thêm rằng tập trung lặp đi lặp lại vào cùng chỉ một vài thứ có nghĩa là chúng sẽ mất sức mạnh ảnh hưởng. Thay vào đó, ông khuyến khích ta thường xuyên dành thời gian “để nghĩ về những điều bé nhỏ xảy đến với bạn: ai đó nhường chỗ cho bạn khi xếp hàng, ai đó dành cho bạn bất cứ điều gì tử tế.”
Giúp đỡ người khác, chẳng hạn như rời khỏi thói quen thường lệ để giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc, sẽ giúp tạo ra một vòng tuần hoàn bắt buộc của sự hàm ơn, ông nói.
Được đáp lại
Nếu hành vi mua sắm quá mạnh đến mức bạn không thể tránh khỏi, thì việc chi xài vì người khác vẫn có thể có ích.Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia nghiên cứu về mối liên hệ giữa hạnh phúc và tiền bạc.
Bà tiến hành một nghiên cứu tại Canada và Uganda bằng cách cho một số người một món tiền nhỏ và yêu cầu một nửa nhóm chi số tiền đó cho bản thân, trong khi nửa còn lại được yêu cầu tiêu xài gì đó cho người khác.
Nghiên cứu này cho thấy những người đã tiêu tiền mua đồ cho ai đó có cảm giác dễ chịu kéo dài hơn so với những người tự tiêu tiền cho bản thân.
“Mọi người rõ ràng cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhìn lại và suy nghĩ lại khoảng thời gian họ đã tiêu tiền vì người khác thay vì tiêu cho bản thân,” bà nói trong một bài diễn thuyết gần đây trên TEDx.
Vì thế lần tới khi bạn cảm thấy bị thôi thúc phải mua sắm gì đó, hãy nghĩ về thứ gì đó khiến bạn cảm thấy hàm ơn; nếu điều đó không thành công, thay vì vậy hãy nghĩ đến việc mua cho người khác một món đồ gì đó.
Lợi ích lâu dài của những hành động đó có thể là bước tiến tốt hơn đến sự tự chủ.
“Bạn càng cảm thấy hàm ơn về cuộc sống hàng ngày nhiều hơn,” DeSteno cho biết, “thì bạn càng được chuẩn bị tốt hơn để kiểm soát và tránh khỏi cơn kích thích khi chúng trỗi dậy.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét