14 thg 7, 2018

Hồn Hà Nội ở đâu? - Lê Học Lảnh Vân

Tình cờ đọc trên mạng một bài “hoài cổ”: Người Hà Nội đi đâu? (http://onggiaolang.com/nguoi-ha-noi-di-dau/). Tác giả bài viết tiếc nuối vì “nhận thấy phẩm chất đáng trân trọng và gìn giữ trong biểu tượng “người Hà Nội” từ nghìn xưa ngày càng thưa vắng”. Đâu nét hào hoa, thanh lịch, tử tế của mảnh đất “nghìn năm văn hiến” nói riêng và đất nước nói chung? Nhìn xã hội ngày càng xô bồ, tác giả cảm thán: “Người Hà Nội” sao có chốn dung thân!
Người Hà Nội xưa
Trong khi có cùng tâm sự với tác giả, tôi lại nhìn sự việc từ một góc độ khác.

Cuối thập niên 1980, người viết bài này đang sống ở Paris. Khoảng thời gian đó phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy từ Hà Nội thổi một luồng gió xôn xao vào sinh hoạt cộng đồng những người Việt xa xứ. Bộ phim được trình chiếu tại Nhà Việt Nam.

Trong buổi họp thân hữu sau buổi chiếu phim tại nhà một gia đình trí thức danh giá đã định cư tại Pháp trên 30 năm, một bạn người Việt mới qua gằn giọng phê phán người Hà Nội bây giờ. Dối trá, tham lam, thô bỉ... Sau buổi tiệc, bác gái chủ nhà trên 70 tuổi, tâm sự: “Người Hà Nội không như vậy đâu!”.

Chúng tôi quây quần quanh bà cụ:

- Người Hà Nội gốc không vậy, nhưng người Hà Nội hiện nay là vậy đó bác...

- Bác còn nhớ, khi gia đình bác mới di cư vào Nam, mọi việc đều lạ. Rồi cuộc sống dần qua, người Nam người Bắc gì cũng hòa hợp, rốt lại chỉ còn là người Việt Nam. Thời sự qua đi, cốt cách còn lại!

Một bậc cao niên gốc Nam đồng ý:

- Bác gốc Nam kỳ, mà bây giờ không biết mình là Nam hay Bắc nữa. Dòng văn hóa Hà Nội chảy vào Nam qua những đợt di cư đã là thành tố quan trọng của miền Nam rồi! Cái gen văn hóa Hà Nội nằm trong bộ gen chung của người Việt, khi được thể hiện ra ngoài, khi chìm khuất bên trong và lúc nào cũng ở đó.

Các lời nói đó gợi lại trong tôi những hình bóng, câu chuyện, tất cả hiện ra như một cuốn phim chiếu nhanh.

Đầu những năm 1960, tôi vào lớp 1. Trong năm năm tiểu học tôi có những người bạn nói giọng Nam kỳ, giọng Trung kỳ, giọng Bắc kỳ. Con nít mà, khi thân thì quàng vai bá cổ, khi giận thì đánh lộn mày Bắc, tao Nam! Lúc mua ly đá nhận thì cho tao mút với, cầm ổ bánh mì thịt thì cho tao cắn miếng... Vào lớp chấm chung bình mực, giờ ra chơi chụm đầu xem đá dế...

Năm 1967, tôi và một thằng bạn di cư cùng đậu vào lớp đệ thất (tức lớp 6) trường Petrus Ký. Nó nói, “mai mày tới nhà tao chơi nghe, má tao đãi chè sen”. Trời đất, tôi không dè, ba má nó ra mở cửa! Ông mặc âu phục, áo sơ mi dài tay bỏ trong quần tây, bà mặc áo dài trắng, bạn tôi đứng sau. Nó mừng rỡ, rồi hai đứa bước vào khép nép. Ba nó mời hai đứa vô phòng khách nói chuyện. Ông nói “cháu đã lớn rồi, từ rày về sau tới nhà phải vào ngồi trong phòng khách”. Ông khuyên hai đứa ráng học, đứa này giúp đứa kia. Ông dặn tánh xấu nhất là tánh ganh tị, hai đứa phải tránh. Ông lấy cây đàn treo trên tường đàn cho cái tai trâu không biết thẩm định của tôi nghe. Rồi hai ông bà cùng ăn cơm, nói chuyện với hai đứa. “Thức miền Nam con quen rồi, hai bác đãi bánh cuốn Thanh Trì. Từ bữa nay hai con đã là người lớn, tề chỉnh hơn, học hỏi điều hay lẽ phải, lắng nghe để mở mang. Dân chúng biết điều hay lẽ phải thì đất nước mới giàu mạnh. Nước mình nhỏ, chớ phân chia Nam Bắc. Nhớ nghe hai con”. Ngộ một điều là các đề tài coi rộng lớn như vậy mà tôi hấp thụ dễ dàng. Lời dặn của ông bà êm như mật rót vào tai, còn theo tôi tới bây giờ.

Lần lần sau đó, thấy tôi ham đọc sách, ông thường gọi tôi tới nhà bàn luận về tủ sách của ông. Ông có gần như trọn bộ Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, Phụ Nữ Tân Văn, Văn Hóa Ngày Nay, Tri Tân, Thanh Nghị... cùng các tiểu thuyết tiền chiến. Chiếc áo the thâm chứa đầy tri thức Đông Tây của Phạm Quỳnh, ngôi nhà văn chương Tự Lực với tinh thần xã hội Ánh Sáng, tình yêu đất nước tận tụy và khai phóng của nhóm Thanh Nghị với Hoàng Xuân Hãn... Không biết từ lúc nào, tôi bỗng thấy bài Trèo lên quán dốc là dân ca của mình, chỉ vài tiếng đàn dạo qua là không khí thoáng mùi quan họ. Bát phở Nguyễn Tuân chúm miệng để giữ ấm lâu, và người ta ăn một lần một bát nhỏ, để thưởng thức trọn vẹn hơi nóng và vị ngon của phở cho tới cọng bánh cuối cùng. Áo dài Lemur vừa trình bày nét nền nã quý phái, vừa tôn vinh nét tươi tắn thanh tân của người phụ nữ...

Một người bạn vong niên, một giáo sư đại học Pháp gốc Hà Nội, nói người Hà Nội kiêu căng, khi người. Nhưng một người lớn tuổi hàng chú bác trong gia tộc của ông lại là bài học lớn cho tôi về tính khiêm tốn lão thực! Ông cụ nhỏ to với tôi rằng người Hà Nội đích thực tự hào về tính thanh lịch và văn hiến, lại khuyên bảo con cháu không được hợm mình! Ông cũng là tấm gương về tình yêu và tinh thần dấn thân vì tổ quốc, đồng thời cũng từ tốn quan sát sự việc theo tinh thần mệnh trời rồi sẽ đến khi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Nghe nhiều người miền Nam nói gia đình Phạm Đình Chương và Phạm Duy khi vào Nam đóng góp nhiều cho nền âm nhạc địa phương. Các văn thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ... mang một phần văn chương đất Bắc vào Nam. Nghe nhiều người miền Nam nói những người Bắc di cư góp phần xây dựng miền Nam trù phú, không tin cứ quan sát sự phát triển có trật tự của vùng đất, thí dụ, từ Biên Hòa trở lên Đà Lạt. Khoa Văn trường Đại học Văn Khoa khó mà quên được các giáo sư Nghiêm Toản, Thanh Lãng, Nguyễn Bạt Tụy; khoa Luật khó mà quên các cái tên Vũ Văn Mão, Vũ Quốc Thúc... Có ngành học thuật, kỹ thuật nào của miền Nam không có sự đóng góp hay thành lập của những người gốc Hà Nội hay gốc vùng phụ cận Hà Nội? Trên nửa thiên niên kỷ trước, Nguyễn Hoàng và quân tướng chẳng phải mang hồn Thăng Long vào Nam mở cõi đó sao?

Vùng nào cũng có đặc sắc của vùng đó. Hà Nội, với tư cách Thăng Long, đã ngàn năm văn vật, cái hương thơm tinh túy thấm sâu mà bền, lan nhẹ mà xa ra cả ba miền tổ quốc.
Lê Học Lãnh Vân

(TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét