Năm nay 2018 đi dọc Trường Sơn tham quan các danh thắng dọc miền Trung, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), thủ đô Hà Nội và Vịnh Hạ Long… Tour đi về bằng ô tô do Mai Sương Travel, Củ Chi, TPHCM phục vụ; 12 ngày, 11 đêm từ 15/6/18 đến 26/6/2018; đường dài khứ hồi trên 4000km; số hội viên đóng góp tham gia 44 HV và thân nhân; chi phí 8.250.000đ/ suất.
Kể sao cho hết những niềm vui tràn đầy trong chuyến đi ấy!
*Đoàn đã đi qua 22 tinh và thủ đô: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và về ghé Đalat Lâm Đồng
*Đất nước ta, phía Tây lưng dựa vào muôn ngàn đỉnh núi của dảy Trường Sơn như hình một con rồng kỳ vĩ che chở cho dân tộc Lạc Hồng anh hùng.
Phía Đông là những vịnh biển ngoạn mục thỉnh thoảng có vài con tàu cá nhấp nhô xa tít chân trời trong cảnh biển nắng nhuộm sóng gợn mênh mông.
*Dọc đường Bắc Nam Đoàn tham quan đã hưởng thức biết bao món ăn có hương vị mang bản sắc vùng miền.
*Đoàn có vào ngoạn những cảnh chùa nổi tiếng, những ngôi cổ tự hoành tráng trong không khí thiền tĩnh mịch.
*Ấn tượng nhất của Đoàn là hình ảnh của cố đô Hoa Lư và Vịnh Hạ Long:
Cố đô Hoa Lư:
Cố đô Hoa Lư là một kiến trúc hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo. Các triều vua đã sử dụng triệt để sự lợi hại của những dãy núi và hệ thống sông hào làm thành quách để xây dựng cung điện. Qua thời gian, thành nhân tạo chỉ còn là những dấu tích, thành thiên tạo là những vách núi vẫn còn tồn tại mãi.
Nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình, kinh đô Hoa Lư xưa (tức khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay) là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn thuộc sơ kỳ đồ đá cũ thuộc nền văn hóa Tràng An và nhiều hang động có di chỉ cư trú của con người các thời kỳ văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn và Đa Bút. Quần thể di sản thế giới Tràng An ở Hoa Lư còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước. Thời Hồng Bàng nơi đây thuộc bộ Quân Ninh. Thời An Dương Vương, vùng này thuộc bộ lạc Câu Lâu.
Từ thời thuộc Hán qua Tam Quốc đến thời Nam Bắc triều, vùng cố đô Hoa Lư thuộc huyện Câu Lậu, quận Giao Chỉ. Sang thời thuộc Đường, vùng này thuộc Trường châu.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt. Từ năm 968 đến năm 1009, có 6 vị vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ) thuộc 3 triều đại đóng đô tại đây. Thời kỳ này, Hoa Lư là nơi diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao giữa các triều đình nước Đại Cồ Việt với triều đình nhà Bắc Tống (Trung Quốc): thời Đinh 2 lần (năm 973, 975), thời Tiền Lê 10 lần (980, 985, 986, 987, 988, 990, 995, 996, 997, 1007[6]).
Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.(Năm nay là lể kỷ niệm 1050 năm cố đô Hoa Lư: 968-2018.)
HOA LƯ
Trần Đăng Khoa
Chiều mờ non nước cũ
Bóng kinh thành khói bay
Những vui buồn thế cuộc
Còn nhuốm vào cỏ cây
Ngẩng nhìn núi Mã Yên
Mây ngàn năm phủ trắng
Người xưa đang nói gì
Mà đất trời im lặng
Đường cỏ mờ hơi nắng
Mái tranh chìm chơi vơi
Vài tán cau mộc mạc
Thả hồn quê lên trời
Chợt nhớ Đinh Bộ Lĩnh
Chẳng thấy một nhành lau
Tôi cúi đầu kính cẩn
Vái mấy ngài chăn trâu…
*
Cổng vào Đền thờ Đinh Tiên Hoàng Đế
có ghi 4 chữ Hán:
Bắc môn tỏa thược 北 門 鎖 鑰
Cố đô Hoa Lư
Ngân Triều cảm đề
Sừng sững núi rồng ôm cố đô,
Hoa Lư gấm vóc khởi cơ đồ.
Đường hoàng quốc hiệu Đại Cồ Việt
“Tỏa thược Bắc môn” chữ chửa mờ (1)
*
Tóc bạc mây chiều đùn đỉnh núi,
Bờ lau gió giục phất muôn cờ.
Nước non trẻ Việt rèn chơi trận,
Mấy độ xe nghiêng vững cõi bờ.(2)
*
Ghi chú:
(1)Một cổng vảo Đền thờ Đinh Tiên Hoàng Đế có ghi 4 chữ “Bắc môn tỏa thược” 北 門 鎖 鑰 nghĩa là cửa Bắc là cái khóa và chìa khóa, cửa Bắc khóa lại, cửa Bắc trọng yếu, cửa bắc cảnh giác. Phải chăng 4 chữ đó là lời di huấn ngàn thu, khuyên hậu duệ đời sau hãy cảnh giác với kẻ thù ở phương Bắc…
Do giữ niêm luật nên phải đảo lại cho phù hợp như trên.
(2) Lấy ý câu ca dao:
Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng đâu chấu ngã ai dè xe nghiêng
***
Đến Thủ đô Hà Nội chúng tôi đi thăm Lăng Chủ Tịch HCM,nhà sàn, ao cá…thấy được nếp sống bình dị đáng kính của Người.
Tự hào thay Văn miếu Quốc tử giám, Bia đầu tiên được lập sau khoa thi nho học năm Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo thứ 3, là bia tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.
Không có thống kê chính thức số tiến sĩ được ghi trên các bia tiến sĩ này, các nguồn khác nhau cho biết trong khoảng thời gian từ 1442 về sau đã có từ 1.303 đến 1.323 tiến sĩ trong số này có 18 trạng nguyên, 21 bảng nhãn và 33 thám hoa. Trải qua các biến cố lịch sử, số bia bị hư mất nhiều lắm nay chỉ còn lại 82 bia.
Ảnh bia tiến sĩ đầu tiên được tôn tạo năm 1442
*
Đến chợ Đồng Xuân, một số lão niên uống trà Bắc, thưởng thức bánh đậu xanh và mua về làm quà cho bạn bè.
Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội. Chợ có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Năm 1890, chính quyền Pháp bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.
*
Rời Thủ đô Hà Nội xe chúng tôi bon bon ra Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long có từ xa xưa do những kiến tạo địa chất. Tuy nhiên, trong tâm thức của người Việt từ thời tiền sử với trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.
Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và nơi đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ.
*
Vịnh Hạ Long (vịnh nơi rồng đáp xuống) là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh.
Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong
diện tích khoảng 1.553 km²
bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có
diện tích 335 km²
quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.
Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể.
Không bao giờ quên bữa trưa trên du thuyền của đoàn quanh Vịnh Hạ Long, nam giới chúng tôi vùa thưởng thức các món cá, nhấm nháp ly bia Hà Nội khi thuyền nhẹ lướt lướt sóng êm đềm quanh các đảo đá.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hươngcó 5 bài thơ nổi tiếng về Vịnh Hạ Long, xin trích một bài:
Hải ốc trù
Hồ Xuân Hương
Bản chữ Hán, Ngân Triều soạn
海屋籌
蘭橈隨意漾中流
景比山陽更覺幽
生面獨開雲露骨
斷鼇爭崎客回頭
馮夷疊作擎天柱
龍女添為海屋籌
大帝始皇鞭未及
古留南甸鞏金甌
*
Phiên âm:
Lan nhiêu tùy ý dạng trung lưu
Cảnh tỉ sơn dương cánh giác u
Sinh diện độc khai vân lộ cốt
Đoạn ngao tranh kị khách hồi đầu
Bằng Di diệp tác kình thiên trụ
Long Nữ thiêm vi hải ốc trù
Đại Đế Thủy Hoàng tiên vị cập
Cổ lưu Nam điện củng kim âu
Chú giải:
Lan nhiêu 蘭 橈 = chèo lan, chèo nhẹ.
Đoạn ngao 斷 鼇 = chặt con rùa lớn để lấy chân làm cột chống trời. Theo thần thoại, khi vòm trời sụp xuống, Bà Nữ Oa chặt chân con rùa khổng lồ, để làm cột chống trời. Ờ văn cảnh nầy, tác giả minh họa các hòn đảo tròn và cao như cột đá, chẳng hạn Hòn Chiếc Đũa.
Bằng Di 馮 夷 =tên một Thủy thần, trong Nam Hoa kinh, trong thơ Tào Thực, được đặt ngang với Nữ Oa.
Long Nữ 龍女 =tên Nữ thần sống ở đáy bể, cai quản các loài thủy tộc ở các vực sâu, ở biển.
Thủy Hoàng 始皇 =Vua Tần, sau khi đánh chiếm lục quốc, đã đi kinh lý nhiều nơi. Về phương Nam, vừa mới đi đến vùng Cối Kê (Chiết Giang ngày nay) thì mất.
Câu 8 Câu thơ nầy tương tự với câu kết của Núi Chiếc Đũa ngoài cửa Thần Phù của Vua Lê Thánh Tông:
Tham khảo:
Vịnh núi chiếc đũa ngoài của Thần Phù
Cắm cõi Nam Minh nẻo thủa xưa
Đời Nghiêu nước cả ngập hay chưa
Nguồn tuôn xuống tanh tao sạch
Triều dẫy lên mặn ngọt ưa
Xóc xương kình tăm chẳng động,
Dò rốn bể sóng khôn lừa.
Trời dành còn để An Nam mượn.
Vạch chước bình Ngô mãi mới vừa.
Lê Thánh Tông
( Bài thơ của Vua Lê Thánh Tông này, theo Đường luật, nhưng lại có chen vào những câu lục ngôn, đặc điểm của thơ Đường luật vào thời Trần, Lê , thể hiện tinh thần độc lập tự cường của dân tộc, thoát ly hình thức Thơ Đường cổ điển của người Tàu. NT).
***
Nhất Uyên dịch nghĩa bài Hải Ốc trù:
Phe phẩy mái chèo, tùy thích cỡi thuyền rong chơi giữa duềnh.
Qua gần chân núi lại thấy cảnh càng vắng vẻ.
Mây thoáng qua, núi lộ mặt, thấy đá chơ vơ,
Những khối đá lèn dựng cao vút, khi đi ngang phía dưới,khách phải ngẩng (nghếch) trông.
Hoặc là Hải thần Bằng Di đã dựng cộ để chống trời nghiêng,
Hoặc là hải thần Long Nữ đã nối thêm cây nêu chỉ cung điện dưới bể của mình.
Ý chừng vua Tần Thủy Hoàng chưa từng đặt chân đến nơi nầy,
Vì Trời vốn dành nơi nầy cho nước Nam ta, vĩnh cửu cơ đồ.
*
(1)
Thơ của Gs Hoàng Xuân Hãn, bài Hải ốc trù:
Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan,
Sát núi càng hay cảnh lặng nhàn.
Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi,
Núi cao những ngóng đỉnh Toan Ngoan.
Bằng Di chống cột e trời đổ,
Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn.
Dấu ngựa Thủy Hoàng chưa đến đó ?
Trời dành để giữ đất người Nam.
Đột tử, Thủy Hoàng đi chẳng đến!/ Nước non Trời tặng đất Nam yêu.
Ảnh Vịnh Hạ Long, Google
*
(2)
Ngân Triều diễn thơ, bài Hải Ốc Trù:
Giữa duềnh ngắm cảnh lượn tay chèo,
Chân núi trông gần cảnh vắng teo.
Mặt núi quang mây lèn những đá,
Núi cao chót vót ngẩng đầu theo.
Chống trời có phải Bằng Di cột?
Biệt điện của mình, Long Nữ nêu?
Đột tử, Thủy Hoàng đi chẳng đến!
Hạ Long, Trời tặng nước Nam yêu.
(Trích Nhớ Bóng Trăng Xưa của Ngân Triều)
*****
Thắm thoát 12 ngày tham quan trôi qua nhanh như gió thoảng. Sau 2 ngày cuối quay về ghé ĐaLạt, chúng tôi trở về nhà với niềm vui và đầy ắp những kỷ niệm của đời mình. Hẹn năm tới 2019, Hội CGC Huyện Đức Hòa sẽ tham quan Lào và Myanmar
Ngân Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét