14 thg 12, 2017

Trung Quốc điên đảo vì game ảo (daikynguyen.com)


Vòng chung kết League of Legends 2017 được tổ chức vào 4/11. (Ảnh:Reuters)

Sự bùng nổ của game online đã được phơi bày tại Bắc Kinh vào tháng 11 tại vòng chung kết League of Legends, với một giải thưởng trị giá hơn 4 triệu USD, theo Reuters.
Theo báo cáo mới nhất từ Newzoo, doanh thu về game năm nay của Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới với con số ước tính 27,5 tỷ USD. Năm 2016, Trung Quốc có số lượng game thủ hơn 560 triệu người. 
Các thành phố trên khắp đất nước đang tìm kiếm nguồn thu nhập cho sự phát triển nhanh chóng của thị trường này. Thậm chí một số trường đại học bắt đầu cung cấp các bằng cấp về thể thao điện tử, chuyển từ chơi thể thao truyền thống chuyên nghiệp sang dạy trò chơi thể thao điện tử và thiết kế đồ họa trò chơi điện tử, theo Reuters.
Reuters cho biết lần đầu tiên trò chơi thể thao điện tử sẽ có mặt tại Thế vận hội châu Á năm 2022 tại Hàng Châu.
Trung Quốc tăng về số lượng game thủ và thiết bị chơi game mới một cách chóng mặt. (Ảnh: Chinajoy)

Vào tháng 5, công ty Tencent được phép xây dựng một trường đại học trò chơi thể thao điện tử và một sân vận động cho các sự kiện game. Các thành phố khác, như Zhongxian ở Trùng Khánh, cũng đang xây dựng cơ sở để kiếm lợi từ sự bùng nổ trò chơi thể thao điện tử.
Ông Han Li, Giám đốc Hiệp hội Thể thao điện tử của Wuhu, cho biết thành phố đã thảo luận về các ý tưởng bao gồm nhà hàng, quán bar và rạp chiếu phim, công viên có chủ đề thể thao điện tử.
Trong khi nhiều bậc phụ huynh và dư luận xã hội lo lắng, các công ty công nghệ hay phát triển game lại nhìn thấy tiềm năng kinh doanh từ trò chơi này.
Mẹ của Tiểu Tân đang đứng xem con mình phát sóng trực tiếp buổi chơi game. (Ảnh: Nownews)

Liu Xuefeng là sinh viên năm nhất của tỉnh Anhui, đã nộp đơn xin học chương trình chơi game ở phía tây thành phố Thành Đô mặc dù phải đối mặt với những trở ngại từ cha mẹ.
Liu nói: “Tôi rất quan tâm đến chương trình này, và họ không thể ngăn cản tôi, vì vậy cuối cùng họ phải tránh né”. 
Trên trang mạng xã hội Weibo, hình ảnh các thanh thiếu niên gãy tay, gãy chân đang bó bột hay phải cắm truyền nước trong các quán game được chia sẻ thường xuyên. Có cả cặp vợ chồng vừa mới cưới đã rủ nhau ra quán game đánh cặp.

Tháng 11/2015, truyền thông Trung Quốc xôn xao với việc một cô gái mất tích hơn 10 năm bất ngờ được tìm thấy trong quán internet. Trong khi người nhà cho rằng cô đã chết, Xiao 24 tuổi, ở tỉnh Chiết Giang dành cả ngày ngồi chơi game online và ngủ luôn tại những nơi này trong hơn 10 năm!
Các quán game tại Trung Quốc có thể phục vụ hàng trăm người cùng lúc

Nhưng không phải ai cũng được tìm thấy còn sống sau khi vào quán chơi game. Gần như năm nào Trung Quốc cũng ghi nhận một vài trường hợp game thủ đột tử trong quán internet sau khi chơi game nhiều giờ. Nguyên nhân chủ yếu do kiệt sức, bị nhiễm lạnh, đau tim hoặc bị giật do hở điện.
Cuối năm 2014, tại Vân Nam, game thủ có tên Tiểu Phổ đã qua đời vì kiệt sức tại quán game. Gia đình nạn nhân đòi bồi thường 5 tỷ đồng nhưng phía quán game chối bỏ trách nhiệm. Tháng 4 năm nay, một game thủ tại Vũ Hán đã bị điện giật chết trong khi cắm sạc điện thoại ngoài quán internet.
Theo Sina, để được tăng level trong một trò chơi trên điện thoại di động, một người đàn ông 29 tuổi ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã chơi liên tục trong 2 ngày.

Nhiều người không chỉ chơi game tại nhà hay trong các quán xá mà chơi trực tiếp tại văn phòng làm việc.
“Tôi đã học rất chăm chỉ ở cấp 2 để thi vào được một trường cấp 3 tốt. Rồi tôi lại học chăm chỉ để có thể vào được một trường đại học tốt. Bây giờ tôi chỉ muốn thư giãn thôi”, trang Bloomberg dẫn lời Tony Wang, một nhân viên văn phòng thường xuyên chơi game ở chỗ làm mỗi khi có thời gian rảnh. Đôi khi Tony tưởng tượng người đồng nghiệp khó tính của mình là một trong những mục tiêu cần phải đánh trên màn hình.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã buộc các công ty phát triển game phải áp đặt các biện pháp “chống nghiện” bằng nhiều cách như hạn chế giờ chơi, giới hạn độ tuổi game thủ với mục đích bảo vệ tầng lớp thanh thiếu niên trước các tác hại không mong muốn, song đều thất bại.
Y tá đang cho cậu bé Yin Yu Tao, 14 tuổi uống phần thuốc của mình. Chi phí một tháng điều trị ở trung tâm cai nghiện game là khoảng 500 đô la một tháng, gấp hai lần lương lao động trung bình ở khu vực thành thị, Trung Quốc.

Giới truyền thông nước này cũng không ngại phê phán và chỉ trích nặng nề về vấn đề nghiện game online trong giới trẻ. Trang Sina Tech từng dẫn nghiên cứu của hãng phân tích thị trường Eguan và công ty game Giant Interactive chỉ ra, ước tính có khoảng 100 triệu game thủ gặp phải các dấu hiệu của tổn thương não như mất tự chủ, phụ thuộc quá nhiều vào game.
Một cậu bé trải qua việc quét điện tâm đồ não để đo các hoạt động của não bộ tại trại cai nghiện game.

Các trại cai nghiện máy tính, game online đang mọc lên khắp các tỉnh thành. Hầu hết chúng đều được xây dựng theo mô hình doanh trại quân đội, với sự cách ly hoàn toàn bệnh nhân với các thiết bị điện tử và kỷ luật thép để ép buộc thực hiện các hoạt động thể chất hằng ngày. Mới đây cũng chính quyền nước này cũng cho phép các trường học phối hợp với các trung tâm cai nghiện để quản lý và chữa trị cho các học sinh, sinh viên có biểu hiện nghiện game.
Một trung tâm cai nghiện internet tại Bắc Kinh.
Năm nay, Tencent đã hạn chế thời gian trẻ em có thể chơi trò chơi “Honor of Kings” nổi tiếng sau khi bùng phát cơn nghiện chơi game của trẻ. Nhưng tháng 11 vừa qua, hãng cho biết sẽ đưa game bán chạy nhất “Playerunknown’s Battleground” lên thị trường Trung Quốc, nhưng sẽ điều chỉnh game phù hợp với yêu cầu của chính quyền Trung Quốc để vượt qua kiểm duyệt, theo Reuters.
Ông David Ng, người đứng đầu Super Generation Investment, sở hữu đội thể thao điện tử của EDG nói: “Đôi khi chúng tôi có hàng ngàn lá thư đăng ký trong hộp thư của chúng tôi để tham gia vào nhóm của chúng tôi trong một ngày.”
An Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét