Người Himba ở Namibia có thể quan sát chi tiết rất nhỏ và phớt lờ những thứ gây xao nhãng tốt hơn người ở nơi khác – và kết quả nghiên cứu này có thể phản ánh đời sống hiện đại đang thay đổi tâm trí và khả năng của ta ở rất nhiều phương diện.
Nằm dưới thung lũng xanh cỏ ở miền tây bắc Namibia, Opuwo trông giống như một di tích đổ nát trong thời kỳ lịch sử thuộc địa. Với dân số chỉ 12.000 người, thị trấn này nhỏ đến nỗi chỉ cần chưa tới một phút để lái xe từ tấm biển chỉ đường bên này thị trấn đến các làng nhỏ ở bên kia. Dọc đường, bạn sẽ thấy một loạt các văn phòng hành chính, vài ngôi trường, một bệnh viện, vài siêu thị và cây xăng.
Tuy nhiên, với nhiều người sống trong thung lũng bao quanh, thị trấn nhỏ này là nơi đầu tiên có hơi hướng của thế giới hiện đại. Là trung tâm của vùng Kunene, Opuwo là quê hương của người Himbia, một nhóm người bán du mục dành nhiều thời gian để chăn nuôi gia súc.
Rất lâu sau khi dân cư ở các bộ tộc thiểu số bắt đầu di chuyển về sống ở thành phố lớn khắp nơi trên thế giới, người Himba vẫn hầu như tránh giao tiếp với văn hóa hiện đại, lặng lẽ tiếp tục đời sống truyền thống. Nhưng điều đó đang chậm chạp thay đổi, khi thế hệ trẻ hơn bị hấp dẫn và kéo về Opuwo, nơi họ sẽ thấy xe hơi, nhà gạch và lần đầu tiên trong đời thấy chữ viết.
Tâm trí con người thích nghi ra sao với tất cả những điều mới lạ và kích thích mới mẻ đó?
Thông qua nghiên cứu những người như người Himba, vào chặng đầu hành trình họ bước vào thế giới hiện đại, các nhà khoa học giờ đây hi vọng hiểu cách thế giới hiện đại có thể biến đổi toàn bộ tâm trí của con người. Cho tới nay kết quả rất đáng kinh ngạc, ghi nhận lại sự thay đổi ấn tượng trong sự tập trung và chú ý đến hình ảnh. Có vẻ như người Himba không nhìn thế giới giống như toàn bộ chúng ta.
Chỉ dấu đầu tiên đề cập đến quá trình hiện đại hóa có thể thay đổi tầm nhìn của con người từng được nhà nhân học WHR Rivers đưa ra từ thời Victoria. Ông là người khám phá ra quần đảo Torres Strait, giữa Châu Úc và Papua New Guinea vào đầu thế kỷ 20. Khi gặp người bản địa, ông đề nghị họ tham gia nhiều bài kiểm tra giác quan, gồm cả hội chứng dưới đây, có tên gọi ảo giác Muller-Lyer. Hãy nhìn vào hai dòng kẻ bên tay trái, và bạn có thể tự thử làm theo.
Trong thực tế, các dòng kẻ trên có độ dài chính xác bằng nhau, nhưng nếu bạn hỏi mọi người ước lượng độ dài, đa số người phương Tây cho rằng dòng kẻ bên dưới (với đuôi mũi tên chĩa ra ngoài) dài hơn dòng kẻ bên trên khoảng 20%.
Tuy nhiên, trong hành trình đến Torres Strait, Rivers nhận thấy người bản địa lại cho ra kết quả chính xác hơn nhiều – có vẻ như là họ không nhạy cảm lắm với ảo giác. Nhà nhân chủng học sau đó đã lặp lại cùng thí nghiệm với người Toda ở miền Nam Ấn Độ, tìm ra chính xác hiệu ứng giống hệt, và có kết quả giống với nhiều xã hội tiền hiện đại sau này, bao gồm cả với người San trên Sa mạc Kalahari.
Đó là phát hiện đáng kinh ngạc, cho thấy thậm chí ngay cả khía cạnh cơ bản nhất trong nhận thức của con người – vốn thường được cho là cứng nhắc trong não – lại được định hình bởi văn hóa và môi trường xung quanh.
Một giả thiết được đưa ra nhằm giải thích cho chuyện này, đó là kết quả ảo giác đến từ thực tế là người hiện đại dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn, với rất nhiều “góc thợ mộc”.
Nếu các góc dọc theo viền sự vật ở bên ngoài, một sự vật thường ở xa chúng ta hơn, giống như bức tường nằm ở phía xa trong căn phòng, trong khi đó nếu góc hướng vào trong, thì nó thường gần ta hơn, như cái cạnh bàn ở gần ta hơn. Não học cách tiếp thu nhận thức này rất nhanh, giúp ta ước lượng khoảng cách, nhưng trong trường hợp ảo giác, quá trình tiếp thu của não đã gặp phải điểm lùi. Giống như một ống kính bất thường, bộ não hiện đại và đô thị của ta bóp méo hình ảnh khi chạm vào võng mạc, phóng lớn một số phần của cảnh quan lên và thu hẹp một số vùng lại.Tuy nhiên, những nghiên cứu so sánh các nền văn hóa khác nhau lại khá ít và có thời gian cách xa nhau. Như tôi vừa tìm ra một bài viết khác trong loạt bài The Human Planet của BBC Future, hầu hết các nghiên cứu tâm lý có xu hướng thử nghiệm trên những người tham gia là người Châu Âu, có học thức, sống trong môi trường công nghiệp, giàu có, dân chủ, sử dụng các thí nghiệm trên sinh viên đại học ở Hoa Kỳ để đại diện cho cả nhân loại.
Nhưng Jules Davidoff tại Đại học Goldsmith ở London, Anh Quốc, đã chống lại xu thế này, và nghiên cứu của ông về người Himba cho thấy những bằng chứng ấn tượng rằng có nhiều hơn các yếu tố ngoài “góc thợ mộc” sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của ta.
Ở nhiều phương diện, người Himba có cách sống hoàn toàn ngược lại với xã hội hiện đại và đô thị chúng ta. Người chăn gia súc sống thành nhóm nhỏ trong các lều bằng gỗ, xung quanh ngọn lửa linh thiêng được cho là có liên hệ tâm linh với tổ tiên của họ, và công việc hàng ngày xoay quanh việc chăm sóc bầy gia súc, cừu và dê, được nhốt trong một khu chuồng gọi là “kraal”. Các ngôi làng đều sống theo kiểu bán du mục, di chuyển theo mùa để tìm đồng cỏ mới cho bầy gia súc. Với người phương Tây, người Himba nổi tiếng nhất vì vẻ bề ngoài ấn tượng của họ, vì họ dùng đất thổ hoàng trét lên làn da và mái tóc.
Nhóm nghiên cứu của Davidoff cẩn trọng và nhạy cảm với cách sống của người Himba. Họ phải xin phép trưởng làng trước khi làm các thí nghiệm, và cơ bản là tiến hành các thử nghiệm bên ngoài chuồng gia súc; ông nói chỉ có một lần ông được họ mời vào thăm bên trong. “Khu lều thực sự giống như Thời Đồ Đá – nó rất ấn tượng,” ông cho biết. “Không hề có bất cứ vật phẩm gì của người phương Tây trong xã hội của họ,” ông nói. Dù sống trong hoàn cảnh chỉ có những thứ cơ bản, nhưng nói chung họ khỏe mạnh và ăn uống tốt. “Thực sự trông họ không có vẻ mong muốn nhiều thứ – cuộc sống khá dễ chịu theo rất nhiều cách.”
Ban đầu, Davidoff khá quan ngại về cách mọi người có thể phản ứng với máy tính xách tay và các thiết bị điện tử vốn rất quan trọng trong nhiều giai đoạn nghiên cứu của ông; một đồng nghiệp cho ông biết người Himba thậm chí còn không biết bút và giấy, nói gì đến máy tính. Nhưng ông không cần quá lo lắng, họ có vẻ thích nghi với công nghệ mà không chút ngần ngại. Và vì thế, với sự cho phép của trưởng làng và được một phiên dịch giúp đỡ, ông dần dần thăm dò cách người dân ở đây nhìn thế giới.
Rất nhiều trong số các thí nghiệm ban đầu của ông xoáy vào ảo giác Ebbinghaus.
Người phương Tây có xu hướng nhìn hình tròn ở giữa trong bức tranh thứ nhất và cho rằng nó nhỏ hơn hình tròn ở giữa trong bức tranh thứ hai. Trong thực tế chúng có cùng kích cỡ. Và cũng như Rivers nhìn thấy trong thí nghiệm với ảo giác Muller-Lyer, nhóm nghiên cứu của Davidoff nhận thấy người Himba truyền thống ít bị tác động bởi xung quanh hơn so với chúng ta sống trong xã hội hiện đại.
Hội chứng này có vẻ như thể hiện một định kiến cơ bản về khả năng “xử lý địa phương” – họ tập trung vào các chi tiết nhỏ hơn (vòng tròn trung tâm) và phớt lờ bối cảnh (những vòng tròn xung quanh) bẻ cong ý thức của bạn. Để thí nghiệm hiện tượng này sâu hơn, ông đề nghị họ so sánh những hình ảnh trừu tượng được làm từ các hình nhỏ hơn – ví dụ như một hình vuông ghép từ nhiều hình chữ thập, hoặc một hình chữ thập ghép từ nhiều hình vuông. (Bạn có thể xem vài ví dụ tại đây. Khi xem xét sự giống nhau giữa các hình ảnh này, người Himba có xu hướng phán đoán dựa trên các chi tiết nhỏ hơn, thay vì là hình ảnh toàn thể – một lần nữa lại cho thấy thiên hướng “khu biệt” trên các chi tiết nhỏ.
Càng đáng kinh ngạc hơn, những thí nghiệm về sau cho thấy sự tập trung tăng cường này có vẻ như còn thể hiện ở khả năng tập trung chú ý và phớt lờ các yếu tố gây xao nhãng: chẳng hạn, khi họ được yêu cầu nhanh chóng tìm ra các hình dạng trong một mạng lưới, họ ít bị xao nhãng vì chuyển động của các vật thể khác trên màn hình. Trong thực tế, họ có vẻ là nhóm người có khả năng tập trung cao hơn bất cứ nhóm nào trong các nghiên cứu trước đó.
Davidoff nhấn mạnh rằng truyền thống của người Himba rất linh hoạt: Họ có thể dễ dàng thấy được “bức tranh lớn” khi được khuyến khích xem xét. Thậm chí như vậy, khả năng của họ khi tập trung vào các chi tiết nhỏ cũng phải xoay sở nhiều.
Một cách giải thích cho khả năng tập trung đáng kinh ngạc của họ đến từ công việc chăm sóc gia súc. Xác định dấu hiệu của mỗi chú bò có lẽ là công việc cần thiết trong đời sống hàng ngày – và tập quán này có lẽ đã tập luyện cho mắt nhìn khả năng tập trung và chú ý vốn rất thiếu vắng trong tất cả xã hội hiện đại. “Tôi nghĩ rằng khả năng đó đến từ đời sống truyền thống của họ – khả năng tập trung,” Davidoff nhận định.
Nhưng cũng có thể rằng đời sống hiện đại khiến chúng ta dễ bị xao nhãng bởi cảnh quan xung quanh ta hơn. Và chính vì thế vùng Opuwo thật thú vị, vì những thế hệ trẻ hơn đã chậm rãi di cư về sống ở những ngôi làng nhỏ bên lề thị trấn. Như nhà nhân chủng học David P Crandall viết trong quyển sách “Nơi tồn tại những cây cổ thụ đáng kinh ngạc”: “Sự rực rỡ và sức hút của ánh sáng thành phố, ngay cả với những thị trấn nhỏ đèn mờ nhạt và loe hoe như ở Opuwo, cũng gợi ra sự tò mò đầy bí ẩn, một sự mới mẻ thành thị chưa từng có trong thế giới của họ,” ông nói. “Đó là sự tiên phong thay đổi trong toàn khu vực… một giao lộ của nhiều thế giới.”
Để khám phá xem sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng ra sao tới tâm lý người Himba, nhóm nghiên cứu của Davidoff so sánh với người di cư Himbia chuyển đến thị trấn nhỏ, với những người vẫn còn sống theo kiểu truyền thống. Đúng như họ dự đoán, người Himba đã sống nhiều năm ở Opuwo ít tập trung vào các chi tiết nhỏ hơn (khiến họ dễ bị tác động bởi ảo giác Ebbinghaus hơn chẳng hạn) so với những người sống ở nông thôn.
Nhưng bạn không cần phải sống cả đời trong thị trấn cả đời để bị ảnh hưởng, nhóm nghiên cứu nhận thấy thậm chí những chuyến đi ngắn ngày tới Opuwo cũng có vẻ đã để lại tác động lâu dài lên nhận thức của người dân, khiến họ ít tập trung hơn vào sự khác biệt trong các chi tiết nhỏ (và chú ý nhiều hơn đến hình dáng tổng quan của sự vật) khi so sánh hai sự vật hình học chẳng hạn.
Tác động lớn hơn rất nhiều với người sống trong thị trấn – nhưng tác động này cũng hiện diện ở những người Himba chỉ ghé thăm thị trấn vài lần. “Đây có vẻ như là dạng hiệu ứng liều lượng – bạn càng ở thị trấn lâu, hiệu ứng càng rõ nét,” Davidoff nói.
Như Davidoff chỉ ra, môi trường đô thị ở thung lũng Kunene thì lộn xộn, nhiều thứ hơn, có nhiều vật thể đòi ta phải chú ý hơn. Chẳng hạn như để qua đường, mắt bạn phải di chuyển từ đèn giao thông đến nhiều xe hơi đang chuyển động và những người đi bộ khác đang đi về phía bạn. Chúng ta phải chú ý tới một khoảng không gian rộng hơn.
Vì thế sẽ có sự căng thẳng của đời sống đô thị, so với đời sống yên bình nơi đàn gia súc.
Như Crandall mô tả trong quyển “Nơi tồn tại những cây cổ thụ đáng kinh ngạc”: “Mặc dù người lạ ban đầu có thể chỉ nghe thấy sự im lặng, nhịp điệu của tiếng trống ngoài xa, tiếng líu ríu chuyện trò, những viên đá va vào nhau, tiếng kêu be be và tiếng ụm bò của đàn gia súc, tiếng gió thổi qua, tiếng chim ríu rít, tiếng kêu lách cách của côn trùng, tiếng bước chân, tiếng vỗ tay tạo thành dòng âm thanh liền mạch và quen thuộc.”
Sự hối hả và nhộn nhịp của thành thị, ngược lại, có thể đẩy bạn vào tình trạng cảnh giác cao độ, và sự căng thẳng này khiến hệ thống quan sát của bạn mở rộng vùng quan sát của nó hơn, vì nó cảnh giác quan sát mối đe dọa.
Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là giả thiết – và chúng thú vị khi đặt trong bối cảnh cùng các nghiên cứu khác khi khám phá các nền văn hóa ngoài phương Tây.
Chẳng hạn nhà tâm lý học Richard Nisbett tại Đại học Michigan đã có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy tầm mắt của con người có thể bị ảnh hưởng bởi đời sống xã hội của ta: con người sống trong các xã hội có liên kết với nhau và tập thể như Nhật Bản và Trung Quốc có xu hướng tập trung vào bối cảnh của tình trạng xã hội hơn – và họ có xu hướng chú ý hơn đến phần nền của bức tranh, họ có cái nhìn “toàn diện” hơn và ít “phân tích” hơn.
“Nếu bạn chú ý đến thế giới xã hội, vô tình bạn sẽ chú ý đến thế giới vật chất hơn, vì thế cuối cùng bạn sẽ chú ý đến những thứ mà người có óc phân tích thường không chú ý,” Nisbett cho biết.
Người Himba có vẻ đang sống trong một cộng đồng gắn bó, giàu truyền thống gắn kết toàn bộ nhóm người – vì thế họ có vẻ như là trường hợp ngoại lệ, không tuân theo quy luật này.
Nhưng Nisbett cũng cho thấy nghề nghiệp của con người cũng tạo ra khác biệt, thậm chí trong cùng nền văn hóa: như những người chăn gia súc ở Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng ít nhìn toàn diện hơn nông dân hay người đánh cá, có lẽ vì nó đem lại sự tập trung cao độ hơn hướng vào cá nhân và ít sự phối hợp giữa các thành viên trong nhóm hơn.
Một thí nghiệm gần hơn với đời sống xã hội và việc làm của người Himba, so với những người dân tộc thiểu số khác, sẽ giúp xác định ra các yếu tố khác nhau định hình cách họ nhìn thế giới.
Davidoff cũng chỉ ra rằng chúng ta nên cẩn trọng với các báo cáo về sự khác biệt nhận thức trong cộng đồng các tộc người thiểu số. Chẳng hạn, ông từng xem một số bài báo tranh luận rằng những người ở thời tiền hiện đại cảm thấy bối rối trước hình ảnh – không hiểu được những hình ảnh 2D về thế giới xung quanh họ.
Trong thực tế, người Himba hoàn toàn ngược lại: họ sẽ thường hỏi ông và nhóm nghiên cứu đem cho họ hình ảnh khi nhóm quay lại. “Họ nhận ra những người khác trong nhóm rất nhanh,” ông nói. “Tôi chắc chắn rằng chẳng có khó khăn nào trong thực tế về hình ảnh.” Niềm yêu thích ảnh selfie đẹp, có vẻ như có thể vượt qua mọi ranh giới văn hóa.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét