31 thg 12, 2017

Sống sao để tránh ung thư

BS Trịnh Ngọc Huy, MD
Inline images 1Nói đến bệnh ung thư ai cũng sợ cầu mong là đừng bao giờ bị cả. Với bệnh ung thư thì chỉ muốn thực hành câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ðiều nay dễ hiểu vì bệnh nhân bị bệnh ung thư có cảm tưởng như bị án tử hình vì có bệnh chữa không được. Bệnh nhân có thể chết trong thời gian ngắn. Có ung thư chữa được nhưng có thể bị lại sau đó hoặc không chết nhưng làm đau đớn lây lất qua ngày tháng.
Mỗi năm trên 7 triệu người trên thế giới và nửa triệu người ở Hoa Kỳ chết vì bệnh ung thư. Tuy nhiên nhiều bệnh ung thư có thể tránh ngừa được. Ngừa và phòng bệnh có thể làm giảm tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư. Tầm soát ung thư trước khi triệu chứng bệnh phát ra cũng có thể giúp cho việc chữa bệnh được hiệu quả vì bệnh còn trong tình trạng phôi thai.

Ung thư là gì?
Ung thư là căn bệnh gọi chung cho các bệnh mà tế bào sinh trưởng mọc lẹ bất thường không tự kiểm soát được và tế bào ung thư có khả năng sinh sản ăn lan qua các bộ phận khác.
Ung thư là tế bào của bộ phận cơ thể thí dụ như tế bào óc, tế bào phổi, tế bào gan hay ruột bị biến dạng ở di thể (DNA) nên tăng trưởng không bình thường mọc quá mau quá lẹ, không tự hủy diệt được như tế bào bình thường khi hết chu kỳ hoạt động. Các tế bào ung thư mọc quá lẹ tiêu diệt các tế bào bình thường trong cùng bộ phận, tế bào ung thư tăng trưởng và kết hợp làm hủy hoại bộ phận cơ thể và mọc lan ra các bộ phận chung quanh. Tế bào ung thư cũng có thể theo đường hạch tuyến (lymph nodes) và đường máu (vascular circulation) và mọc ra ở các bộ phận khác ở xa. Thí dụ như ung thư ruột thường chạy qua gan.

Tại sao tế bào bị biến dạng thành ung thư?
Cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi hàng trăm tỷ tế bào (cells). Các tế bào này chứa được di thể DNA mà kiểm soát sự sinh trưởng cũng như chu kỳ sống của tế bào. Mỗi tế bào của bộ phận cơ thể có một chu kỳ sống. Hết chu kỳ thì tế bào chết đi và thay thế bởi tế bào mới sẽ sinh ra. Tế bào mới được cấu tạo bởi “sao bản” lại từ di thể (DNA) của tế bào cũ trước khi tự hủy diệt cho nên nếu tế bào mới có di thể bị hư hại hay biến dạng trong lúc “sao bản” thì tế bào này có thể biến thành tế bào ung thư. Tế bào ung thư này sẽ tiếp tục sinh ra các tế bào ung thư mới và xâm lấn các tế bào bình thường ở cùng bộ phận cơ thể khi tế bào ung thư chiếm hết bộ phận thì bộ phận hoàn toàn bị hư hỏng và tiêu hủy. Thêm vào đó tế bào ung thư còn lan ra các bộ phận khác khiến cho cơ thể bị suy kiệt và chết. Ung thư mất một thời gian nhiều khi cả năm để tăng trưởng và lớn lên một khi ung thư to để mà tạo ra triệu chứng thì thường là có cả 100 triệu hoặc tỷ tế bào ung thư rồi. Sự sinh trưởng của tế bào được kiểm soát bởi di thể. Nếu di thể bị hư hại và biến đổi thì tế bào sẽ biến dạng và tăng trưởng bất thường.
Các chất hủy hoại (mutagens) trong môi trường sinh sống như một số hóa chất, chất phóng xạ, nhiễm trùng (như bị siêu vi viêm gan B, và C) có thể làm cho di thể tế bào bị biến dạng, bị hư mất đi sự tự kiểm soát tự hủy diệt. Ngược lại, cũng có những chất kích thích (mitogen) làm tế bào mọc lẹ hơn bình thường làm tế bào bị biến dạng thành ung thư. Một số di truyền cũng ảnh hưởng ít nhiều trong yếu tố gây ung thư. Hệ thống kháng thể (immune system) là hệ thống phòng thủ của cơ thể có nhiệm vụ kiểm soát và tiêu diệt các tế bào biến dạng ung thư này. Tuy nhiên hệ thống kháng thể này của các bệnh nhân bị ung thư có thể bị yếu đi không được hoàn hảo nên không tiêu diệt được các tế bào ung thư bất thường. Hoặc tế bào ung thư có khả năng lẩn tránh được hệ thống phòng thủ này.
Y khoa đã tiến bộ khá nhiều trong việc điều trị các bệnh ung thư nhưng chỉ khả quan chứ không hoàn toàn nhất là khi bệnh được khám phá quá trễ…

Các ung thư đứng hàng đầu về tử vong:
Ung thư phổi, ung thư ruột, vú và nhiếp hộ tuyến là những bệnh ung thư dẫn hàng đầu theo thứ tự về số tử vong mỗi năm. Tuy nhiên cho người Việt ở Hoa Kỳ thì ung thư nhiều nhất ở phái nam là ung thư phổi, ung thư gan và ung thư ruột. Khác với dân bản xứ Hoa Kỳ là ung thư phổi, ruột và niệu tuyến. Theo thứ tự cho phái nữ thì người Việt và người Mỹ giống nhau thì ung thư đứng hàng đầu là ung thư vú, ruột và phổi.
Các yếu tố chính có thể ảnh hưởng và gây ra bệnh ung thư là di truyền, tuổi và môi trường sinh sống (environmental factors). Di thể là căn bản của truyền giống từ đời này qua đời khác từ ông bà qua cha mẹ xuống đến con cái. Nếu dòng họ có di thể bị ung thư thì những người trong gia đình dòng họ có thể bị di thể ung thư gây ra bệnh ung thư. Một số bệnh ung thư di truyền như ung thư vú, ung thư ruột. Tuổi là một yếu tố rất quan trọng của bệnh ung thư, càng lớn tuổi thì càng dễ bị ung thư. Ðiều này dễ hiểu vì càng lớn tuổi thì các tế bào và di thể dễ bị hư hỏng, dễ biến chứng cũng như xe cũ thì dễ hư hỏng do máy bị hao mòn. Ðó cũng là quy luật đào thải của tạo hóa.
Môi trường sinh sống ảnh hưởng ít nhiều đến bệnh ung thư. Một số yếu tố trong đời sống đã được y khoa xác định làm tăng nguy cơ bệnh ung thư – thuốc lá, mập, dinh dưỡng xấu, thiếu hoạt động, nhiễm trùng sinh lý, môi trường ô nhiễm.

Thuốc lá dẫn đầu gây ung thư phổi. Thuốc lá là chất độc tố nguy hại nhất mà loài người đã tìm ra. Thuốc lá giết 5 triệu người mỗi năm. 30% lý do chết là vì các bệnh ung thư từ thuốc lá gây ra Thuốc lá tạo ra các biến chứng bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh phôỉ và khí quản… Thí dụ thuốc lá làm tăng tỷ lệ ung thư 10-20 lần cho những người hút thuốc so với nguời không hút. Các ung thư liên quan do thuốc lá như bệnh ung thư phổi, thực quản, bọng đái, ung thư máu, miệng, mũi, yết hầu, thực quản, tuỵ tạng, gan, bao tử, thận, ruột già, bọng đái, tử cung. Abestos (chất được dùng để lợp nhà giảm nhiệt, hiện nay không được dùng), chất hơi radon, than cũng gây ra ung thư phổi.
Ra nắng quá nhiều có thể làm bị ung thư da. Mỗi năm hơn một triệu người bị ung thư da. Tia cực tím trong nắng làm hư gene (di thể da) biến dạng đưa đến ung thư và làm suy yếu hệ thống kháng thể tự sửa và hủy diệt các tế bào mọc bất thường.

Dinh dưỡng – nghiên cứu y khoa không có chứng minh chắc chắn nhưng có chiều hướng là thức ăn mỡ làm tăng tỷ lệ bị ung thư ruột và ung thư vú. Thức ăn mỡ làm tăng tỷ lệ nguy cơ ung thư niệu tuyến (prostate cancer). Thịt đỏ gồm thịt bò, heo, cừu có thể làm tăng tỷ lệ bệnh ung thư ruột già và hậu môn. Nhiều nghiên cứu đề nghị trái cây và rau xanh có thể làm giảm ung thư ruột già mặc dầu sự liên hệ không được chặt chẽ cho lắm. Một số nghiên cứu cho thấy thức ăn có nhiều chất xơ (fiber) có thể làm giảm nguy cơ bị bướu và ung thư ruột già. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã đuợc làm về các loại thuốc bổ khác nhau. Tuy nhiên hiện nay các nghiên cứu khoa học vẫn chưa kết luận được hoàn toàn là các thuốc bổ có thể làm giảm các bệnh ung thư như trong quảng cáo của các nhà thương mại là thuốc bổ giúp ngừa ung thư. Một số nghiên cứu đề nghị vitamin D và Calcium có “chiều hướng” là giảm nguy cơ bị bệnh ung thư ruột, niệu tuyến và ung thư vú. Folate có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc có thể giúp làm giảm ung thư vú, ung thư ruột già… Rượu bia làm tăng rủi ro bị ung thư ruột già, vú, miệng, thực quản, gan một khi gan bị chai vì rượu.
Bệnh nhiễm trùng – khoảng 17% các bệnh ung thư trên thế giới là do các bệnh nhiễm trùng. Các virus làm tế bào cơ thể biến dạng và làm yếu hệ thống miễn nhiễm chống ung thư. Human papilomavirus (HPV) gây ra ung thư cổ tử cung và các ung thư bộ phận sinh dục. Virus B và C dẫn hàng đầu về nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan. Virus HIV (AIDS) gây ra ung thư Kaposi sarcoma và ung thư hạch (lymphoma). Virus HTLV 1 gây ra nhiễm ung thư máu. Epstein Barr Virus (EBV) gây ra ung thư ung thư hạch và Burkitt’s lymphoma. Và dĩ nhiên là vi trùng Helicobacter Pylori mà người Việt chúng ta bị rất nhiều gây ra bệnh ung thư bao tử. Vi trùng Helicobacter Pylori truyền nhiễm qua đường ăn uống trong khi đa số các virus kia đa số lây qua đường máu (chích ma túy, xâm mình, châm cứu với kim nhiễm trùng) và đường sinh dục. Thuốc chủng ngừa siêu vi B và HPV giúp ngừa bị nhiễm hai siêu vi này.
Thiếu hoạt động- Nghiên cứu cho thấy năng hoạt động giúp giảm tỷ lệ ung thư vú và ruột già. Nặng ký và mập sẽ dễ bị ung thư ruột già, vú, tử cung, niệu tuyến, gan và túi mật. Một nghiên cứu dịch tễ học (Epidemiology) cho rằng bệnh mập ở Hoa Kỳ gây ra 14% chết vì bệnh ung thư cho đàn ông và 20% cho phái nữ.
Bí quyết làm giảm tỷ lệ nguy cơ bị ung thư :
Có những yếu tố mà mình không thể thay đổi được như bị di truyền qua di thể (DNA) của cha mẹ- “Cha truyền con dính” trốn không được. Tuổi tác cũng không thay đổi được. Mình có thể khai bớt tuổi để trốn lính nhưng tuổi thật trời cho thì không bớt đi được và càng lớn tuổi thì càng dễ bị ung thư. Chúng ta không thể đi ngược thời gian hoặc ca mỗi ngày bài “Ðường xa ướt mưa” của nhạc sĩ Ðức Huy, “xin cho thời gian đứng yên lắng đọng” để đươc trẻ mãi không già.
Tuy nhiên có một số yếu tố nằm trong phạm vi chúng ta có thể kiểm soát hay thay đổi được để làm giúp giảm tỷ lệ rủi ro bị ung thư.
Không nên hút thuốc lá nếu chưa hút; bỏ hút thuốc lá nếu đã lỡ hút. Tránh uống rượu bia nhiều mỗi ngày vì rượu bia làm sưng gan, chai gan và ung thư gan. Tránh chơi bời sinh lý bậy bạ vì có thể bị nhiễm bệnh sinh lý như bệnh AIDS, và siêu vi HIV, HPV, B và C. Không chích cần sa ma tuý vì cũng dễ bị nhiễm các vi khuẩn trên. Tránh đừng để bị mập mà phải giữ trọng lượng cân bình cho cơ thể vì mập gây ra bệnh ung thư vú, ruột; năng hoạt động và tập thể thao cũng giúp giảm tỷ lệ ung thư. Tránh tắm nắng hay ra nắng quá nhiều mà không che đậy cơ thể kỹ càng vì dễ bị ung thư da (melanoma). Tránh đừng ra nắng nhất là khoảng từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Nên đội mũ, đeo kiếng và mặc quần áo kín đáo để bớt tránh da bị nắng nhiều. Nếu thích mặc tiết kiệm vải thì nên ở chỗ tối, tránh ngoài nắng làm cháy da mình, cháy… mắt người.

Nên ăn thức ăn như rau xanh, trái cây và thức ăn có chất xơ, giảm thịt đỏ và thức ăn béo mỡ.
Ðiều cần nhấn mạnh là sự thay đổi này phải càng sớm càng tốt vì cần một thời gian cả chục năm thì sự thay đổi mới giúp làm thuyên giảm của tác hại trên cơ thể không thể một sớm một chiều mà được. Thí dụ như bệnh nhân bị ung thư phổi khai đã ngưng thuốc lá rồi, nhưng chỉ mới ngưng được một tháng khi bắt đầu ho ra máu, một triệu chứng của ung thư phổi. Ngưng thuốc lá lúc này vẫn tốt hơn là tiếp tục hút thuốc nhưng đã là quá trễ.

Vì ung thư ruột, vú có yếu tố di truyền cho nên nếu người thân trong gia đình như cha mẹ anh em bị bệnh ung thư trên thì nên đi tham khảo với bác sĩ để khám định kỳ sớm hơn. Cần khám tổng quát hàng năm khi tuổi trên 40.
Đi khám định kỳ tầm soát ung thư vú, tử cung, niệu tuyến và ung thư ruột theo lịch trình và khuyến cáo của bác sĩ.
Thử máu và chụp hình truy tầm ung thư gan nếu bị siêu vi gan B và C.
BS Trịnh Ngọc Huy, MD
San Jose, California


(Từ Cảnh chuyển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét