2 thg 12, 2017

Hay là có đổ nát ở đâu đấy - truyện Ngắn của Nguyễn Thanh Hiện (Từ Văn Việt)



Nếu tự nhiên lên tiếng với con người về cách thế tồn tại về những tai ương hay loan báo những tín hiệu tốt lành là chuyện có thật thì tôi phải viết lại lịch sử của loài chim trăm con, trăm con không phải là số lượng, mà là tiếng hót, trăm con khó cột, tiếng hót của một loài chim vùng sông Tượng núi Tượng qua diễn giải trần gian trong câu chuyện [lâu đời] về ông Cả Lựu sáng cỡi ngựa đi tối cỡi ngựa về, câu chuyện như một phần đời sống của tổ tiên người làng tôi, trải dưới chân dãy núi nơi như chuyện gì cũng có thể xảy ra, trong những năm tháng mù tăm, đẹp, nhưng có quá nhiều bất trắc, kẻ đời sau, buổi sớm tinh sương thức dậy, nghe chim trăm con kêu, không thể không nghĩ ngợi, cuộc chuyển ngữ như làm cho thế giới loãng ra, lưu chảy, khi vật thể nói, giọng nói, và ý nghĩa, nói là chảy đi những âm thanh và khái niệm, cũng có thể là chảy đi im lặng và những khái niệm về im lặng [như khi đá nói hay khi một cuộc tình nói] và luôn được tiếp nhận và thuật lại [nếu có] trong tư thế đa phương, kẻ tiếp nhận có thể nói giọng khác đi, tiếng hót của chim được nói lại bằng cách của con người, trăm con khó cột là cách nói khác của con người, ý nghĩa có thễ đã bị mất đi, tâm trạng của chim có thể đã hoàn toàn mất hút vào khoảng đa thanh sắc của vũ trụ trời đất, ngôn ngữ là cuộc chơi phong lưu và nguy hiểm nhất của hiện tồn, cho nên thi ca luôn là cuộc chuyện trò bất tận, nói mãi về thế giới, không hết, cho nên ngộ nhận và hận thù, trăm con khó cột cũng chỉ là cách nói khu hẹp nơi nửa góc trần gian là ngôi làng tôi heo hút, buổi sớm tinh sương nghe chim trăm con kêu trên dãy núi phía nam làng [núi Tượng] không thể không nghĩ về một người, trong nghĩ ngợi của hết thảy các thế hệ người làng tôi, ông Cả Lựu sáng cỡi ngựa đi tối cỡi ngựa về, có một hôm, tối ông Cả Lựu không cỡi ngựa về làng, ở lại trong núi, và chết thành chim, con chim trăm con… các xứ Cò Đen(?) Kẻ Dã (?) phủ Qui Nhơn thì sản xuất ngựa, ngựa sinh trong hang núi thành đàn hằng trăm nghìn con, có con cao tới hai thước rưỡi và ba thước trở lên, người địa phương tập dạy cho chở thồ hàng hóa sang Phú Yên, cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa cũng cỡi ngựa là thường [trích Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, quyển VI, nói về sản vật phong tục xứ Thuận Quảng] có thể khi ông Đôn được chúa Trịnh đề bạt làm quan Tham thị quân vụ đất Thuận Quảng, lúc ngồi ghế quan ở Phú Xuân, nghe câu chuyện kể về phủ Qui Nhơn của một kẻ thuộc hạ nào đó [làng tôi, thời ông Đôn làm quan ở Phú Xuân, là thuộc phủ Qui Nhơn, đất Thuận Quảng] ông liền cất bút chép và Phủ Biên Tạp Lục, ngựa của ông Cả Lựu, theo truyền thuyết của làng, cũng nuôi trong các hang đá ở núi Tượng, cũng hằng trăm hàng ngàn con, nhưng không phải để thồ hàng hóa đi Phú Yên hay để cho đàn bà cỡi đi chợ, có thể, một thuộc hạ nào đó của ông Đôn đã kể cho ông nghe truyền thuyết về ông Cả Lựu ở phủ Qui Nhơn, nhưng những chi tiết gây bất lợi cho chính quyền họ Trịnh lúc bây giờ ông Đôn đã không chép vào Phủ Biên Tạp Lục, truyền thuyết đại khái như vầy: Đất Rừng Trên bỗng thức dậy với tiếng ngựa hí, và tiếng ca hát của con người, ngựa nuôi hàng trăm hàng ngàn con trong các hang đá ở rừng núi Tượng, ông Cả Lựu sáng cỡi ngựa đi, tối cỡi ngựa về, người Rừng Trên đi chăn ngựa với ông Cả Lựu mỗi ngày một đông, ta nói với những người anh em, ngựa là chiến mã và người chăn ngựa là chiến binh, ta và những người anh em một ngày nào đó sẽ nghe thấy được tiếng con chim núi hót vui hơn, ông Cả Lưu nói, ban ngày, lũ ngựa đi ăn cỏ trong núi, những người chăn ngựa đi làm cung tên, đêm, lũ ngựa ngủ rất ít vì phải cùng con người tập bắn cung, tập xông trận, vào một đêm cuối tháng, trời tối mịt mùng, ông Cả Lựu đọc bài thơ nguyệt tận rồi múa gươm với những người anh em chăn ngựa, bài thơ có đoạn: trăng trốn vào tuế nguyệt/ bỗng mặt trời hiện giữa vòng tay những người chăn ngựa, vào khoảng nửa đêm thì lũ người hung bạo tràn vào rừng núi Tượng, huyết chiến đã xảy ra, nhưng cuối cùng hết thảy những người chăn ngựa và hết thảy lũ ngựa đã bị giết chết, ông Cả Lựu cũng bị giết chết hóa thành chim trăm con, lịch sử đã lui về phía cũ, nhưng mỗi lần nhắc chuyện cũ, ánh mắt người làng tôi lại sáng lên, có vẻ niềm mơ ước của quá khứ vẫn còn nguyên trong lòng người làng tôi, tổ tiên người làng tôi đã chết [đến hằng chục hằng trăm] cho một ngày thấy được tiếng con chim núi hót hay hơn, mơ ước không thành, lại nghe con chim núi hót bưồn hơn, trăm con khó cột, niềm luyến tiếc lũ ngựa, hay luyến tiếc giấc mơ không thành…
Sáng nay tôi nghe tiếng hót của chim trăm con có vẻ gì rất khác, những trăm năm qua, đối với người làng tôi, tiếng chim trăm con như thể một thứ sấm ngôn, nghe để đoán sự cát hung của làng, ta cũng thấy hơi khác, ông Tám Chửng nói, tôi đã phải đến nhà ông Tám Chửng để nghe ý kiến của người từng mang tiếng là tác giả những câu chuyện kể và những bài đồng dao về cuộc sống ba chìm bảy nổi của làng tôi, lũ trẻ chăn bò ở làng tôi ngày nào cũng ê a hát những bài hát của ông, nhưng chưa bao giờ ông chịu thừa nhận với người làng rằng mình đã làm ra những thứ ấy, có vẻ như có gì đấy rất hệ trọng đang xảy ra, chú Tám, tôi nói, ông Tám Chửng nhìn tôi: hay là có đổ nát ở đâu đấy, tiếng chim nghe như đang nghẽn lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét