27 thg 12, 2017

Lối sống, tên gọi mới của giáo dục đạo đức ở bậc tiểu học

Lê Phú Khải

(Bài phát biểu ở Hội thảo “Hành trình 8 năm của Nhóm Cánh Buồm” ngày 16/12/2017)

Xưa kia, một người mẹ dắt con đến nhà thầy để xin học, thường mở đầu: Ăn mày thầy dăm chữ để cháu làm người...

Vậy là, từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, ông bà xem mục đích cao nhất cao nhất của giáo dục là học-để-làm-người, để lớn lên đứa trẻ biết cư xử với cộng đồng như một con người có giáo dục, về đạo lý làm người.

Cái đạo-lý-làm-người ấy, được gia cố hàng ngàn năm ở nước ta, nó có tên gọi là Đạo đức. Do ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, khái niệm đạo đức bao gồm: đạo vua tôi, đạo cha con, đạo chồng vợ. Đức bao gồm: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thường được gọi là: Tam cương ngũ thường.

Thật là trớ trêu, hai đứa bạn đi học với nhau, một đứa trượt chân ngã xuống suối, đứa kia có đủ cả năm đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Nhưng không dám nhảy xuống suối cứu bạn!

Vì thế, Cụ Hồ trong 5 điều dạy thiếu niên nhi đồng, có một điều là: ... thật thà, dũng cảm! Không có dũng, người ta không dám làm việc nghĩa; không có dũng, không dám xả thân cứu bạn; không có dũng, Nhóm Cánh Buồm không dám soạn sách giáo khoa!

Thế giới đang thay đổi như vũ bão. Thế kỷ 21 chúng ta đang sống đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được gọi tắt là cách mạng 4.0. Làm chủ một đống tài sản khổng lồ, nhưng loài người đang đứng trước hiểm họa khủng khiếp: Trái đất đang nóng dần lên, dẫn đến nước biển đang dâng cao, không khí bị ô nhiễm nặng nề ở nhiều nơi trên trái đất, nạn khủng bố gia tăng, di dân ồ ạt, mâu thuẫn tôn giáo sắc tộc không giảm, Bắc Triều Tiên đang phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bất chấp sự cảnh báo của phần còn lại của thế giới, tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội vừa bị ca sỹ Mai Khôi giương biểu ngữ đòi: “Đái vào Trump”.

Chúng ta giáo dục cho trẻ em đạo đức gì đây trong cái thế giới đang quay cuồng đảo điên này?

“Lối sống đồng thuận”, đó là nguyên lý đạo đức đã được Nhóm Cánh Buồm trịnh trọng triển khai thành từng bài học trong 5 tập sách giáo khoa: Lối sống 1, 2, 3, 4, 5 cho bậc tiểu học sau 8 năm lao động nghiêm túc.

Trong lời nói đầu: “Cùng bạn đọc sách”, nhóm biên soạn Cánh Buồm “Mong bạn dùng sách chú ý thực hiện đường lối không theo lối giảng giải mà chỉ tổ chức việc tự học của trẻ em”. Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập nhóm Cánh Buồm cho rằng: Tất cả các lời khuyên đều vô nghĩa, hãy để các em tự tìm ra lối sống!

Vẫn theo nhóm Cánh Buồm, thì một lối sống mới của trẻ em được hình thành theo một trục chính là năng lực sống đồng thuận. Thông qua trẻ em, chúng ta mới có thể thay đổi xã hội trong tương lai.

Bài học đầu tiên của sách Lối sống 1 là: Em đã lớn!

Hàng loạt vấn đề đặt ra cho các em là khái niệm thế nào là đã lớn? Các em thảo luận, lựa chọn, các em tự triển lãm để cho thấy các em đã lớn! Để đi đến kết luận là nhìn từ bề ngoài thì các em đã lớn... khi được bế từ nhà hộ sinh ra... Cho đến lúc vào lớp 1.

Nhưng “lớn” thực sự thì còn những gì nữa? Ta có thể thấy điều đó qua lần lượt 5 tập sách Lối sống cho cấp tiểu học của Cánh Buồm theo các chủ đề: Cá nhân, cộng đồng, gia đình, Tổ Quốc, nhân loại.

Ngay từ lớp 1, các em đã phải sống và hành động trong tư cách một cá nhân độc lập. Tự lập từ sáng sớm khi ngủ dậy cho tới lúc tắt đèn đi ngủ. Nguyên lý đồng thuận xuyên suốt 5 tập sách, có nội dung là cùng lao động, tôn trọng những giá trị của nhau và cùng tháo ngòi xung đột. Lối sống đồng thuận đó được thể hiện thành năng lực sống hàng ngày, thành hành vi trong đời sống thực.

Tôi cho rằng, Đồng thuận từ một lớp học mà nhóm Cánh Buồm nêu lên, còn mang cả đặc điểm và yêu cầu lớn lao của thời đại chúng ta, khi con người đã chế tạo ra cả một kho vũ khí hạt nhân đủ để tiêu diệt sạch sành sanh sự sống trên hành tinh này! Tôi cảm ơn nhóm Cánh Buồm về tư tưởng sống đồng thuận, và cũng hy vọng các bạn trong khán phòng sang trọng này đồng thuận với tôi.

Đọc bộ sách Lối sống, tôi rất cảm động với một chi tiết sau:

Ở trang 36 của sách Lối sống cho các em lớp 1, trước khi ăn trưa ở trường, cô giáo đề nghị các em mời nhau cùng ăn cơm bằng câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy; Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần!”. Thật giản dị, nhưng thật là vĩ đại! Nếu tất cả chúng ta trước khi ăn đều mời nhau như thế thì nạn tham nhũng lãng phí đang tàn phá đất nước ta sẽ bị... đẩy lùi!

Từ lớp 1, con người cần có lối sống tiết kiệm. Môi trường sẽ bị hủy hoại nếu các chính phủ cứ tiếp tục bịp bợm dân chúng bằng chỉ số tăng trưởng GDP làm thước đo cho sự phát triển của đất nước (!).

Cuộc sống hạnh phúc vật chất và tinh thần của nhân dân mới là chỉ tiêu đích thực của sự phát triển đất nước. Sống khiêm nhường với trời đất mới còn trời đất để mà sống.

Mảnh đất chúng ta đang sống hôm nay là đất mượn của các thế hệ mai sau. Vì thế, phải trả lại cho chúng đất đai phì nhiêu và bầu trời trong sạch. Vì thế mà Cánh Buồm chủ trương tổ chức cho các em lối sống khiêm nhường mới mong có tương lai tươi sáng.

Chúc các bạn có tương lai tươi sáng.

Hà Nội 16/12/2017

clip_image002

Nhà giáo Phạm Toàn chủ trì Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Ấm

clip_image004

Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu trong Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Ấm

clip_image006

Nhà báo Lê Phú Khải đọc tham luận trong Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Ấm

L. P. K.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét