2 thg 12, 2017

HAI NỮ THI SĨ ĐỜI ĐƯỜNG: Trần Ngọc Lan và Đỗ Thu Nương - Đỗ Chiêu Đức

   A. KÝ PHU của Trần Ngọc Lan.

1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ :

     寄夫                           KÝ PHU
               陳玉蘭                        Trần Ngọc Lan
夫戍邊關妾在吳,     Phu thú biên quan thiếp tại Ngô,
西風吹妾妾憂夫。     Tây phong xuy thiếp thiếp ưu phu.
一行書信千行淚,     Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ,
寒到君邊衣到無?      Hàn đáo quân biên y đáo vô ?
                    
Inline image
           
CHÚ THÍCH :
    * Thú : Đi lính xa. Thú Biên Quan : là Đi lính đóng đồn ở ngoài biên ải.
    * Ngô : Đất Ngô, nước Ngô xưa, chỉ một dãy của tỉnh Giang Tô ngày nay.
    * Tây Phong : là Gió tây, chỉ Gió mùa thu hiu hắt.

NGHĨA BÀI THƠ :
                             GỞI CHỒNG
         Chồng đi lính xa tận ngoài biên ải, còn thiếp thì ở lại đất Ngô của xứ Giang Nam. Khi gió tây thổi đến thiếp lại càng lo lắng cho chồng, nên viết thư thăm hỏi, mỗi một hàng thư là cả một ngàn hàng lệ nhỏ, chỉ lo sợ rằng khi cái lạnh của mùa đông ập đến bên chàng thì không biết chiếc áo ngự hàn của thiếp gởi đã đến kịp lúc bên chàng chưa ?
         Tình cảm thật da diết thiết tha. Toàn bài thơ là những tiểu đối khéo léo nêu bật nỗi lòng của người chinh phụ vọng phu : Chàng  phải đi ngoài biên ải xa xôi, còn thiếp thì được ở lại quê nhà. Khi gió tây thổi, thiếp thấy lạnh, nên lại lo cho chàng. Một hàng thơ viết cho chàng là cả ngàn hàng lệ của thiếp đã nhỏ ra. Cuối cùng, là cái lo đáng lo nhất : Khi cái lạnh đến bên chàng thì áo của thiếp gởi có đến kịp lúc hay không ?
         Cả bài thơ bốn câu, câu nào cũng nêu lên tình ý của một CHÀNG một THIẾP, nhưng không phải là "Tình chàng Ý thiếp ai sầu hơn ai" nữa, mà là sự ưu tư lo lắng khoắc khoải của người cô phụ hết dạ thương chồng đang xông pha ngoài biên ải ! Hai điệp từ PHU, ba điệp từ THIẾP càng làm cho bài thơ tha thiết và gần gũi với người  đọc hơn, nhất là câu : " Tây phong xuy thiếp thiếp ưu phu " vừa chơn chất vừa thật thà dễ đi vào lòng người. Câu " Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ " càng nhấn mạnh thêm sự thương cảm xót xa của người chinh phụ trông chồng.
      
         Trần Ngọc Lan là nữ thi sĩ đời Đường, không rõ năm sanh năm mất, bà là thê tử của thi nhân Vương Giá 王驾. Giá đậu tiến sĩ năm Đại Thuận nguyên niên 大顺元年, làm quan đến chưc Lễ Bộ Viên Ngoại Lang, mà ta đã biết ông qua bài Xuân Tình 春晴 với 2 câu thơ bất hũ :

         蜂蝶紛紛過牆去,   Phong điệp phân phân quá tường khứ,
         卻疑春色在邻家 .    Khước nghi xuân sắc tại lân gia.  

 ... mà nhà thơ Tiến Chiến Jean. Leiba đã phỏng dịch rất hay là :
                      Tơi bời ong bướm bay qua ngỏ,
                      Những tưởng màu xuân ở xóm ngoài !    

DIỄN NÔM :
                  Thiếp ở quê nhà chàng lính thú,
                  Nhớ chàng gió lạnh nói sao vừa.
                  Một hàng thơ viết ngàn hàng lệ,
                  Lạnh đến bên chàng áo đến chưa ?
   Lục bát :
                  Chàng biên tái, thiếp quê nhà,
             Gió tây thổi thiếp thiết tha nhớ chàng.
                  Một hàng thư, lệ ngàn hàng,
             Áo len thiếp gởi kịp chàng mặc chăng ?! 
                   
Inline image
   Bản viết tay 2011
                   
      B. KIM LŨ Y của Đỗ Thu Nương.

1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ :

     金縷衣                 KIM LŨ Y
        杜秋娘                   Đỗ Thu Nương
勸君莫惜金縷衣,    Khuyến quân mạc tích kim lũ y,
勸君惜取少年時.    Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì.
花開堪折直須折,    Hoa khai kham chiết trực tu chiết,
莫待無花空折枝!    Mạc đãi vô hoa không chiết chi !          
Inline image

2. Chú thích :
    * Kim Lũ Y : là áo được dệt bằng những sợi tơ vàng óng. Ý chỉ quần áo hoa lệ đẹp đẽ.
    * Tích : là Tiếc, là thương, là xót, là Tiếc rẻ.
    * Kham : là Nên, là Được, là Đúng lúc.
    * Trực : là Ngay, là Thẳng, là Tức khắc.
    * Đãi : là Đợi, là Lần lừa.

3. Nghĩa bài thơ :
                              ÁO TƠ VÀNG
         Khuyên chàng đừng tiếc rẻ những chiếc áo tơ lụa vàng qúi giá, mà hãy nên tiếc nuối lấy tuổi thanh xuân của mình. Cũng như khi hoa đang nở đẹp thì hãy kịp lúc mà bẻ lấy ngay, đừng để cho đến khi hoa rụng rồi thì chỉ bẻ được cái cành không mà thôi !
         Khéo mà ví von khuyên nhủ những chàng công tử phong lưu chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, mà không biết tranh thủ lấy tuổi thanh xuân của mình để trao dồi kiến thức, cố gắng học hành để mong có ngày tiến thủ, lập chữ công danh ... Cứ mãi miết ăn chơi trác táng ở lầu xanh, ở các nơi trà đình tửu điếm, để đến khi ăn năn thì đã qúa muộn màng

Inline image
 
3. Tác giả :
        ĐỖ THU NƯƠNG 杜秋娘 ( cuối Thế kỷ 8 ) tên thật là Đỗ Thu, người đất Kim Lăng đời Đường. Bà là một ca kỹ múa giỏi hát hay và giỏi cả thi ca, 15 tuổi đã  được Tiết Độ Sứ Lý Kỹ 李錡 mua về làm tì thiếp. Sau Lý Kỹ tạo phản thất bại, bà bị biếm vào cung. Khi Đường Mục Tông 唐穆宗 (821-826) lên ngôi, phong bà làm Phó Mẫu là giáo tập ở trong cung nuôi dạy Thái Tử. Mục Tông mất, Thái tử bị phế, bà bị thải về quê. Khi Đỗ Mục đi ngang qua Kim Lăng, trông thấy hoàn cảnh của bà vừa già vừa nghèo khổ, ông đã làm bài Đỗ Thu Nương Thi 杜秋娘詩 để kể lại thân thế của bà.

4. Diễn Nôm :
                    Khuyên chàng chớ tiếc áo tơ vàng,
                    Hãy tiếc tuổi xuân chớ để tàn.
                    Hoa nở đúng kỳ tua bẻ lấy,
                    Đừng đợi cành không bẻ muộn màng !
    Lục bát :
                        Tiếc chi chiếc áo chỉ vàng,
                Khuyên chàng trân trọng tuổi đang xuân thì.
                        Hoa đang độ, hãy bẻ đi,
                  Đợi khi hoa rụng bẻ gì cành không ?! 
                                
Inline image

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét