Tâm trạng đôi lúc đi xuống là một chuyện rất đỗi bình thường nhưng khi bạn bị đè nén bởi những nỗi buồn không thể nguôi ngoai hoặc sự tuyệt vọng thì đây là lúc nên vực dậy bản thân.
Chứng trầm cảm đôi khi được nhắc đến ở các biểu hiện rất đỗi bình thường trong đời sống hằng ngày. Có thể bạn buồn rầu vì chương trình truyền hình yêu thích của mình đã kết thúc, hoặc chán nản vì chiếc điện thoại yêu quý đã hỏng. Nhưng thực chất, trầm cảm là một tình trạng đáng quan ngại hơn thế rất nhiều lần. Người đang chống chọi với căn bệnh này bị ảnh hưởng sâu sắc từ thể xác lẫn tinh thần. Hơn nữa, trầm cảm thường được phát triển theo các giai đoạn. Cho nên, chúng ta khó có thể nhận biết được liệu mình có đang phải chịu đựng một căn bệnh tâm lí nguy hiểm, hay chỉ đơn thuần đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn mà thôi.
Bạn có thể vô tình bỏ qua khi thấy tâm trạng ai đó bỗng dưng xấu đi bất thường, nghĩ rằng cảm giác kiệt sức của họ chỉ là một dấu hiệu của sự căng thẳng. Sự thật là, từ những dấu hiệu nho nhỏ hay những triệu chứng rõ ràng hơn, nếu để ý kĩ càng, chúng ta có thể tìm cho bạn bè hoặc chính bản thân mình sự trợ giúp khoa học nhất.
Cảm giác sợ hãi tràn ngập thường chỉ là biểu hiện của rối loạn lo âu nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
1. Không thể tập trung
Liên tục quên deadline, quên đón con? Cảm thấy tâm trí như một bức ảnh nhạt nhoà? Sự bối rối làm bạn chẳng thể đưa ra quyết định và chọn lựa? Những suy nghĩ buồn bã cùng sự trống rỗng khiến bạn như ngã vào màn sương mù dày đặc không tìm ra lối đi để rồi gây ảnh hưởng đến công việc, trí nhớ và kĩ năng ra quyết định. Sự kém tập trung sẽ gây ra những quyết định sai lầm hoặc là tiền đề cho những hành vi nguy hiểm, không thể kiểm soát.
2. Mất kiểm soát trong việc ăn uống
Khi não bộ bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực, bạn có thể quên ăn, mất đi hứng thú trong việc ăn uống hoặc ngược lại, khiến bạn luôn cảm thấy đói và ăn nhiều một cách bất thường.
3. Cảm thấy hoảng sợ và lo lắng
Cảm giác sợ hãi tràn ngập thường chỉ là biểu hiện của rối loạn lo âu nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Không chỉ là nỗi lo sợ thông thường, đó là sự hoảng sợ và ám ảnh liên tục, các triệu chứng thể chất thường gặp là tim đập nhanh, ra mồ hôi nhiều, những vấn đề về giấc ngủ.
Biên tập viên Live Happy cho rằng chúng ta thường không đủ tinh tế để nhận biết được dấu hiệu trầm cảm của bản thân và những người xung quanh.
4. Trốn tránh các hoạt động xã hội
Theo Linda Lewaniak, Giám đốc dịch vụ của Integrated Services at Eating Recovery Center Insight, khi một người bình thường đã ít nói và hay xấu hổ bỗng nhiên trở nên im lặng hơn hoặc hoàn toàn rút lui khỏi cộng đồng, rất có thể họ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lí nào đó hoặc chỉ đơn giản là họ cảm thấy nhút nhát hơn bình thường. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp đây là triệu chứng của trầm cảm. Sẽ không tốn quá nhiều thời gian và công sức để cùng ngồi lại ở nơi họ cảm thấy thoải mái nhất, cho họ biết rằng bạn luôn sẵn sàng ở đây nếu họ cần giúp đỡ.
5. Mệt mỏi kéo dài
Nếu bạn hoàn toàn kiệt sức, dù cho sau một giấc ngủ đúng chuẩn khoa học từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ, bạn cần kiểm tra lại tình trạng tâm lí của mình.
Biên tập viên Live Happy cho rằng chúng ta thường không đủ tinh tế để nhận biết được dấu hiệu trầm cảm của bản thân và những người xung quanh. Ví dụ như khi họ đột nhiên cảm thấy chỉ muốn ở nhà, đưa ra một vài lời giải thích như cơ thể mệt mỏi, liên quan đến căng thẳng và kiệt sức. Nếu bạn cảm thấy nó có tiềm năng trở thành chứng trầm cảm, bạn nên kiểm tra kĩ hoặc nhờ các chuyên gia tâm lí trong trường hợp cần thiết.
Ngủ nhiều hơn là một cách mà những người trầm cảm trốn tránh nỗi buồn.
6. Rối loạn giấc ngủ
Ngủ nhiều hơn là một cách mà những người trầm cảm trốn tránh nỗi buồn. Giấc ngủ trở thành nơi để họ ẩn náu mình khỏi sự tuyệt vọng. Ngược lại, cũng có một số người bị trầm cảm thường thấy bồn chồn, ngủ không sâu giấc hoặc thậm chí là mất ngủ. Họ bị trói buộc bởi sự ám ảnh, những lời đồn thổi và khó lòng ngủ đủ giấc. Rối loạn giấc ngủ không chỉ là lời cảnh báo cho căn bệnh này mà còn có thể khiến nó trầm trọng hơn. Khi bạn không ngủ đủ giấc, đồng hồ sinh học sẽ bị đảo lộn, bạn sẽ càng mệt mỏi và kém tập trung hơn.
7. Thường xuyên đối mặt với những cơn đau không có nguyên nhân
Không một loại thuốc nào có thể cứu bạn khỏi những cơn đau do trầm cảm. Đau dạ dày , đau đầu, đau cổ, lưng hay thậm chí là nôn. Khi nội tâm ẩn chứa quá nhiều nỗi buồn thì những cơn đau vô căn cũng là một cách để "vết thương" nội tâm bộc lộ ra ngoài. Tất nhiên, không phải mọi sự cơn đau nhức đều là triệu trứng trầm cảm nhưng nếu bạn đang gặp phải chứng đau mãn tính, không có nguyên nhân và không có hướng giải quyết, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra vì đó cũng có thể là dấu hiệu trầm cảm.
8. Xúc động mạnh bởi những điều nhỏ nhặt
Những người trầm cảm thường dễ bị kích động hơn. Đây là một dấu hiệu thường bị bỏ qua. Bạn sẽ dễ dàng nổi nóng, cáu giận, to tiếng với những người xung quanh dù sự việc thực sự chẳng hề nghiêm trọng. Khi mắc những căn bệnh về thể xác, chúng ta thường dễ tức giận và kích thích. Điều tương tự xảy ra khi mắc những bệnh về tinh thần, về tâm lí.
Trầm cảm khiến bạn mất đi khả năng tìm kiếm niềm vui từ những trải nghiệm.
9. Không còn thích những điều từng khiến mình hạnh phúc
Từng tận hưởng những phút "thả ga" tại những shop thời trang hay nhà hàng yêu thích cùng bạn bè nhưng thời gian gần đây, bạn lại luôn lẩn tránh những cuộc vui ấy. Bạn đã từng rất trông đợi một buổi dạo chơi ban đêm nhưng giờ thì bạn chẳng còn bận tâm nữa. Không còn hứng thú với những điều bạn từng thích bởi nó không còn làm bạn vui nữa, khiến bạn tự cô lập chính mình cũng là một dấu hiệu của trầm cảm. Căn bệnh này làm bạn mất đi khả năng tìm kiếm niềm vui từ những trải nghiệm, ngăn bạn làm những việc giúp tâm trạng tươi sáng hơn.
10. Thường suy nghĩ về cái chết
Liên tục có những suy nghĩ chấm dứt cuộc sống, tự hỏi gia đình và bạn bè sẽ thế nào nếu bạn ra đi, cân nhắc các cách để thực hiện điều này hoặc thậm chí dù chỉ là những suy nghĩ chung chung về cái chết đều là những gợi ý rõ ràng cho thấy bạn thực sự cần được giúp đỡ. Những suy nghĩ này trực tiếp đe doạ cuộc sống của bạn. Hãy đi tìm sự trợ giúp nếu như khoảng thời gian gần đây, bạn thường xuyên trải qua cảm giác này, ngay cả khi bạn chẳng có thêm một dấu hiệu nào khác của trầm cảm.
Bạn tự cô lập chính mình cũng là một dấu hiệu của trầm cảm.
Phòng tránh bệnh trầm cảm như thế nào?
Một số chuyên gia đưa ra lời khuyên về điều chỉnh lối sống và dinh dưỡng như sau:
Tăng khẩu phần ăn có omega-3: Nghiên cứu cho thấy thiếu omega-3 có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, nhất là ở phụ nữ sau sinh. Bạn có thể tìm omega-3 trong thực phẩm như cá hồi, sardine, cá cơm hay dầu nhuyễn thể.
Tập thể dục: Tập thể dục giúp làm giảm chứng trầm cảm, điều này cũng rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Thiền định, khí công: Nghiên cứu cho thấy những môn thập này giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp giảm stress , phục hồi tổn thương não bộ và dễ dàng vượt qua các cảm giác sợ đau…
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B2: Vitamin B2 giúp giảm nguy cơ trầm cảm, bạn có thể tìm thấy trong các loại nấm, rau bina, trứng, thịt bò…
Yếu tố cuối cùng và được xem là quan trọng nhất chính là sự kết nối và chia sẻ tinh thần với các thành viên trong gia đình và môi trường xung quanh. Hãy mở lòng, dang tay đón nhận và đồng cảm, bạn sẽ thấy mọi bất hạnh trở nên nhỏ bé.
Nếu bạn hoặc người thân yêu của mình đang chiến đấu với chứng trầm cảm , hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất ở trong cuộc chiến này. Bạn xứng đáng nhận được mọi trợ giúp dưới nhiều hình thức khác nhau cùng với sự điều trị tốt nhất từ các chuyên gia tâm lí.
(Từ Thoibao.today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét