Joseph-Samuel Farinet là tên tội phạm bị truy nã, nhưng với người dân Valais thì đó là một người hùng.
Khi chiếc tàu hỏa đi qua Rhone Valley ở miền nam Thụy Sỹ, mọi thứ
trông đơn giản. Những ruộng nho nằm trên các triền dốc, nhiều loại cây
ăn quả phủ kín thung lũng, từ táo, tới lê và đặc biệt là mơ, thứ khiến
vùng này trở nên nổi tiếng với rượu Abricotine.Người dân tổng Valais của Thụy Sỹ tự hào về các sản phẩm địa phương. Và có lẽ cũng không ngạc nhiên gì khi giờ đây họ còn có cả cách thức rất riêng để mua bán các sản phẩm đó.
Hồi tháng Năm 2017, một nhóm dân địa phương Valais đã tung ra một loại tiền tệ mới chỉ sử dụng trong khu vực. Tờ tiền giấy có giá trị tương đương như đồng france Thụy Sỹ, tức loại tiền tệ chính thức của nước này, nhưng chỉ sử dụng được tại các cơ sở kinh doanh ở Valais đồng ý tham gia. Cho đến nay, đã có hơn 150 nhà hàng, nghệ nhân, các quầy hàng ở các trang trại và các cơ sở sản xuất rượu vang đồng ý lưu thông loại tiền mới này.
Đây là sáng kiến địa phương và được dân địa phương tán thưởng. Mục đích là nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương, và nó đã được đặt cái tên mang ý nghĩa với người địa phương: Farinet.
Farinet là cái tên phổ biến ở các thị trấn tại Valais: đó là một nhà hàng tại Crans-Montana, một quán rượu ở Champery, và một quán bar phục vụ khách trượt tuyết tại Verbier, nơi mà khách hàng thường vẫn mặc nguyên bộ đồ trượt tuyết leo lên bàn nhảy nhót.
Du khách có thể không nhận ra tầm quan trọng của nó, nhưng cư dân địa phương thì biết rằng mọi địa điểm chơi đêm nổi tiếng này đều được gọi theo tên của Joseph-Samuel Farinet, người có lẽ cũng vô cùng hào hứng nhảy nhót trên bàn.
Là một người có sức hấp dẫn mạnh mẽ và rất láu cá, cũng là người say mê rượu vang, ham đàn bà và là một kẻ tội phạm đào tẩu, Farinet chuyên làm tiền giả, khét tiếng hồi thế kỷ 19, tuy thật ra thì các huyền thoại quanh ông có lẽ được mô tả sinh động, hấp dẫn hơn so với thực tế.
Sau khi bỏ trốn khỏi quê nhà Italy, nơi ông bị truy nã về tội làm tiền giả, Farinet tới Valais vào năm 1869 và một lần nữa lại bắt tay vào việc làm tiền giả, đặc biệt là các đồng 20 centime có từ 1850.
Với dân nghèo địa phương, ông rất hào phóng tặng họ những đồng tiền giả. Đổi lại, ông được cho thực ăn, nơi ẩn náu và được bảo vệ khỏi bị giới chức săn đuổi.
Việc làm tiền giả không chỉ giúp ông trốn tránh được trong nhiều năm, mà còn giải phóng người dân địa phương khỏi các khoản nợ, và do vậy về sau ông còn được gọi là “Robin Hood của vùng Alps”.
Năm 1880, ở tuổi 35, Farinet cuối cùng bị cảnh sát vây bắt tại một hẻm núi ở phía trên ngôi làng Saillon có từ thời Trung Cổ, nơi ông bị ngã, hoặc nhảy xuống, hoặc cũng có thể là bị giết chết, cái chết bí hiểm càng làm ly kỳ thêm cuộc đời ông.
“Tại Valais, ai cũng biết câu chuyện này,” David Crettenand, một thành viên có chân trong ủy ban tạo ra đồng tiền Farinet nói.
Crettenand thừa nhận rằng việc đặt tên loại tiền tệ theo tên của một người làm tiền giả khét tiếng có thể tạo những hiểu lầm, và có thể có người coi đó là đồng tiền giả, nhưng ông không mấy bận tâm về chuyện đó.
Ông cảm thấy điều quan trọng hơn cả là cái tên được gắn với loại tiền tệ dó: nó được bắt rễ trong vùng, tạo thành sự kết nối giữa các cư dân địa phương với nhau, và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đó cũng là cái tên mà người dân ở đây cảm thấy hãnh diện, điều được thể hiện khá rõ rệt khi tôi tới Saillon, nơi mà vận may của Farinet chấm hết, và cũng là nơi ông được chôn cất.
Câu chuyện huyền thoại được trưng bày tại Bảo tàng Tiền giả của làng, nơi để một bản sao phán quyết tòa án với nội dung kết tội người làm tiền giả nổi tiếng, và một trong những đồng tiền xu mà ông làm giả.
Câu chuyện về ông cũng được kể trong cuốn tiểu thuyết ra hồi 1932, Farinet ou la Fausse Monnaie của tác giả người Thụy Sỹ Charles-Ferdinand Ramuz, và trong bộ phim ra hồi 1938, Farinet ou l’Or dans la Montagne, với nội dung lãng mạn hóa, mô tả Farinet như một người hùng yêu tự do trong mắt người dân.
Năm 1980, danh tiếng về sự hào phóng của Farinet đã tạo cảm hứng cho một nhóm người hâm mộ ông, những người tự xưng là ‘Những người bạn của Farinet’, trong đó có diễn viên người Pháp Jean-Louis Barrault, người thủ vai kẻ làm tiền giả trong bộ phim, để nhóm trồng một ruộng nho nhỏ xíu phía trên Saillon, đặt tên là ruộng nho Farinet.
Với chỉ có ba gốc nho, nó được đăng ký là ruộng nho bé nhất thế giới. Bất chấp quy mô nhỏ bé về mặt thực địa, nó khá lớn mạnh về mặt tinh thần. Nó đã được trao tặng cho Đức Đạt Lai Lạt ma vào năm 2000, và toàn bộ các khoản thu từ doanh số bán hàng khiêm tốn từ đó đều được dùng để giúp đỡ các trẻ em thiệt thòi. Bản thân ruộng nho đã trở thành một điểm hành hương cho những tinh thần yêu tự do, một nơi được coi là nhằm mục đích tự do, tình yêu, hòa bình, và sống cuộc đời tốt đẹp, những giá trị mà Farinet đại diện.
Qua năm tháng, du khách đến thăm và để lại những thông điệp, gồm cả những mẩu tin của quan chức địa phương và của những tên tuổi nổi tiếng. Những mẩu giấy bay phất phơ trong gió suốt dọc con được dẫn tới những gốc nho.
“Thà đạp xe đi câu cá còn hơn lái chiếc Mercedes đi làm,” một mẩu giấy viết. “Nếu bạn nhìn cuộc đời với lăng kính màu hồng, thì cuộc đời sẽ có màu hồng,” một mẩu khác viết.
Một kẻ nổi loạn từ bên ngoài tới trở thành một người hùng địa phương. Kẻ chuyên làm tiền giả nay được đặt tên cho một loại tiền tệ hợp pháp. Hẳn là Farinet đang bật cười dưới mồ.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét