Hy vọng có thể gửi tiền về thân nhân
Hình ảnh những người Việt bỏ xứ ra đi để tìm cho mình
một công việc nuôi thân và hy vọng có thể gửi tiền về thân nhân ở quê
nhà đã không còn là những hình ảnh xa lạ nơi xứ người.
Chúng tôi bắt gặp rất nhiều người Việt mưu sinh trên
con đường nhộn nhịp Khao San – Bangkok – Thái Lan. Họ đa số là những
người con của dãi đất miền Trung đầy nắng gió, vì cuộc mưu sinh mà rời
xa quê nhà. Xe hàng rong là người bạn duy nhất cùng dầm sương dãi nắng
với họ trong hàng chục năm qua.
Chị Trúc, 43 tuổi, quê Hà Tĩnh, qua Thái Lan hành nghề
bán hàng rong đã được hơn 10 năm. Công việc hàng ngày của chị là bán
trái sầu riêng ở khu phố Khao San. Chia sẻ về lý do chọn đất nước Thái
Lan mà không phải đất nước nào khác cho công cuộc mưu sinh kiếm sống
này. Chị cho biết:
Sang đây thì nhờ đất nước Thái, cũng làm việc bình thường. Công an thì có lúc họ hỏi nhưng họ không bắt, nếu gặp người tốt thì họ không lấy tiền, còn không thì họ phạt khoảng 1 đến 2 ngàn Bath (khoảng 700 đến 1,5 triệu Việt Nam).
– Chị Trúc
“Nói chung sang đây thì nhờ đất nước Thái, cũng làm việc bình thường. Công an thì có lúc họ hỏi nhưng họ không bắt, nếu gặp người tốt thì họ không lấy tiền, còn không thì họ phạt khoảng 1 đến 2 ngàn Bath (khoảng 700 đến 1,5 triệu Việt Nam). Trước đây tôi đi làm thuê làm mướn ở trong Nam (tức Sài Gòn), khi làm việc ở đó thì tôi cũng có gặp vài người đã đi Thái bán hàng. Rồi thì đi theo họ sang đây. Lúc đầu chỉ là là đi rửa chén bát cho mấy nhà hàng, rồi sau đó thì theo người Thái hỏi họ, rồi đi buôn đi bán, để kiếm đồng tiền gửi về quê lo cho con cái học hành. Lúc đầu thì phải 2-3 năm mới về được một lần. Nhưng bây giờ đã có hộ chiếu nên việc đi lại dễ dàng hơn, chị về ‘suốt’, cứ có công việc là chị lại về, rồi lại sang.”
Trả lời cho câu hỏi: “có khi nào chị nghĩ sẽ về Việt Nam kinh doanh hay làm gì đó?” chị cho biết:
“Không, chị phải bỏ ở Việt Nam thôi, vì phải sang đây để kiếm đồng tiền về cho đất nước mình, gia đình mình, để xây nhà xây cửa và lo cho con cái ăn học. Chứ không nghĩ gì hết, chỉ có biết ở đây để kiếm đồng tiền thôi.”
Ngoài các khoản lợi nhuận thu được, người bán hàng rong
ở khu phố này phải chung tiền cho giao thông, an ninh dọn dẹp trật tự,
người quản lý người nước ngoài.
Cuộc sống cứ thế trôi qua với chị. Một ngày chị bán 100kg sầu riêng, tiền lời khoảng 500 ngàn tiền ta (khoảng 700 Bath Thái):
“Bình thường thì cũng không khó khăn lắm. Đất Thái thì cũng dễ sống lắm. Từ trước đến giờ thì chưa thấy gặp khókhăn gì nhiều. Nhưng sắp tới thì chưa biết, bởi chưa biết cái luật cư trú mới ra sao cả.”
Chia sẻ về việc những người cùng hoàn cảnh bán hàng rong như chị ở Việt Nam:
“Chính quyền Thái họ đối xử tương đối tốt. Chị có coi trên mạng cảnh nhiều người bán hàng rong ở Việt Nam, thấy phức tạp hơn so với bên đây nhiều, bên này họ nói vậy thôi chứ họ bắt vào thôi rồi họ phạt ít trăm Bath thôi, chứ họ không thu giữ gì cả. Chứ không phải như bên mình đâu, chị coi trên mạng cảm thấy thương người bán hàng rong như chị lắm. Bên này cảm thấy thích hơn, tốt hơn.”
Nói về mong muốn của mình, chị Trúc thổ lộ:
“Mong muốn là ở đây kiếm đồng tiền thôi. Để sau này về già để ăn tiêu, cho con cái học hành chứ không nghĩ ở bên này đến già đâu.”
“Ở Thái họ sống tốt lắm. Họ sống thoại mái vô tư lắm, không phân biệt giàu nghèo. Không như bên mình, ở đây chị cảm thấy họ sống rất tốt. Nói thật là từ tiền xây nhà, xe cộ cho con cái ăn học chị đều kiếm được từ bên này hết.”
Gặp khó khăn về giấy tờ
Bởi thế cùng hoàn cảnh như chị Trúc, – chị Thương, quê
Nghệ An, tuy mới 22 tuổi nhưng chị đã có thâm niên 4 năm bán hàng rong ở
khu phố Khao San này, món hàng mà chị bán là xôi xoài và kèm dừa.
Công việc hàng ngày của chị Thương bắt đầu từ 15h chiều
đến 1h sáng khuya hôm sau mới về lại nhà. Nói về đất nước Thái, chị
Thương chia sẻ:
“Đất nước Thái Lan là một đất nước dễ làm ăn, với lại đi lại nó cũng tiện, từ đây mình về Việt Nam chỉ trong vòng 1 ngày thôi. Chi phí đi lại cũng rẻ, sang đây thì người Thái cũng tạo điều kiện cho mình làm ăn.”
Nói về việc cư trú, chị Thương cho biết:
Người Việt lao động bên này rất đông, cũng chính vì đồng tiền để nuôi gia đình ở quê nhà, họ mới phải sang đây để làm ăn bất hợp pháp, nên rất mong chính phủ Việt Nam mình phải nói chuyện với chính phủ Thái, để cho người Việt Nam minh làm việc một cách hợp pháp ở đây.
– Chị Thương
“Tôi dùng hộ chiếu, hàng tháng thì phải qua biên giới chỗ Campuchia để đóng dấu (vì luật Thái chỉ cho phép người VN nhập cư không quá 30 ngày mà không cần Visa). Chỉ có một tí khó khăn là việc chính trị của người Thái, lúc người này lên chức người kia lên chức, thì chính sách của họ cũng khác. Năm vừa rồi thì có đợt truy quét người lao động nước ngoài, nhưng bây giờ họ cho phép gia hạn thêm 6 tháng để người lao động có thể trở về nước để làm thủ tục giấy tờ hợp pháp. Nhiều người nước ngoài như Indonesia, Campuchia, Malaysia đã làm được giấy tờ. Còn người Việt Nam mình thì còn phải chờ chính phủ Việt Nam nói chuyện với chính phủ Thái xem thế nào. Có nhiều người có uy tin ở bên các hội người Việt, họ cũng có đệ trình lên, tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết.”
Khó khăn là vậy, nhưng họ vẫn không nãn chí, vẫn cố
gắng công cuộc mưu sinh trên đất khách quê người, họ đều phải gánh trên
vai những nhọc nhằn, những lo toan, có cả những giọt mồ hôi nước mắt và
buồn tủi.
Nói về mong muốn của mình, chị Thương cho biết:
“Người Việt lao động bên này rất đông, cũng chính vì đồng tiền để nuôi gia đình ở quê nhà, họ mới phải sang đây để làm ăn bất hợp pháp, nên rất mong chính phủ Việt Nam mình phải nói chuyện với chính phủ Thái, để cho người Việt Nam minh làm việc một cách hợp pháp ở đây.”
Thành phố đã lên đèn, con đường nhộn nhịp đông khách du
lịch qua lại. Những người phụ nữ Việt Nam vẫn miệt mài đứng sau xe hàng
rong tiếp tục công việc, tiếng rao chào đón khách qua lại.
Theo quan sát của chung tôi tại khu phố này, thì phần
lớn những mặt hàng mà người Việt ở đây bán, như xôi xoài, kem dừa, nước
trái cây, thì hầu như người Thái họ không bán. Bởi thế người Việt Nam
cũng dễ dàng bán những mặt hàng này mà không sợ người Thái báo cảnh sát.
Và đó cũng là cách mà họ nuôi thân và nuôi gia đình cho dụ cực nhóc
nhưng vẫn còn kiếm được miến ăn nơi đất khách, và có thể có được chút
tiền dành dụm gửi về nhà để nuôi người thân.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét