Pháp khai trường bằng nhạc cổ điển. Tại Anh Quốc, con đi học muộn hay
vắng mặt không lý do, bố mẹ bị phạt tiền. Ba Lan quay trở lại với nền
giáo dục thời cộng sản. Và tại Nhật Bản, mùa khai giảng là thời điểm tỷ
lệ học sinh tự tử cao.
Tháng 9 đến mùa tựu trường lại về. Sân trường lại ngập tràn tiếng
cười trẻ thơ, thay cho tiếng ve sầu kêu râm ran suốt hai tháng hè. Nếu
như tại Việt Nam, tiếng trống giòn giã vang lên báo hiệu năm học mới,
thì nước Pháp năm nay không như mọi năm, học sinh tựu trường trong tiếng
nhạc dập dìu.Theo sáng kiến mới của tân bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer, các cô cậu học sinh tại các trường tiểu học, cấp hai hay cấp ba được các đội kèn đồng, dàn đồng ca hay các nhóm nhạc công nhỏ đón tiếp trong ngày đầu nhập học. Mục đích là nhằm phát triển toàn diện các giá trị văn hóa, đặc biệt là âm nhạc.
Tại một trường mẫu giáo ở Romainville, một xã ngoại ô, đông bắc Paris, các em nhỏ và phụ huynh được một nhóm gồm 4 nhạc công tiếp đón bằng những bản nhạc của Mozart hay một vài bài hát xướng dân gian. Trả lời phỏng vấn phóng viên đài RFI Pháp ngữ, cô hiệu trưởng tại đây đánh giá cao ý tưởng mới này : « Tôi nghĩ đây là một sáng kiến tuyệt vời, một biểu tượng đẹp, nhất là ở bậc mẫu giáo. Điều này làm cho ngày tựu trường thêm đáng nhớ».
Âm nhạc vui tươi khiến trẻ thêm phấn khởi mà phụ huynh cũng cảm thấy hài lòng. Một bà mẹ tâm sự : « Tôi nghĩ đây là một cách tốt để xoa dịu, trấn an trẻ nhỏ, làm cho chúng cảm thấy thoải mái hơn trước khi vào học. Rất tuyệt ! » Và đương nhiên, tựu trường trong tiếng nhạc du dương sẽ dịu bớt những tiếng khóc « xé lòng » của trẻ thơ vào lúc phải tạm rời xa bố mẹ !
Anh Quốc : Con nghỉ học, bố mẹ bị phạt tiền
Nếu muốn học trò có kỷ luật, nên chăng trước hết cũng phải « uốn nắn » kỷ luật với các bậc phụ huynh ? Tại Anh Quốc, để hạn chế việc đi học muộn và vắng mặt không có lý do, nhiều trường học quyết định đánh vào « hầu bao » của bố mẹ : Trừng phạt những ca vi phạm bằng cách phạt tiền. Một quy định khiến nhiều bố mẹ cảm thấy bất bình.
Thông tín viên RFI, Marie Billon tại Luân Đôn tường thuật:
« Nhà nước tước đoạt các quyền của bậc phụ huynh. Ông Jon Platt cho là như vậy. Hồi năm 2015, ông bố này đã đưa cô con gái đang học tiểu học đến Disney World ở Florida trong năm học. Chính quyền địa phương ban đầu đã phạt ông 60 bảng Anh, theo mức quy định và sau đó số tiền phạt này tăng gấp đôi vì ông từ chối nộp.
Cô con gái của ông đi học đều đặn, với thời gian có mặt ở trường là 92% và như vậy, có thể nói, cô bé đã đi học đều đặn, thường xuyên theo như luật định. Thế nhưng Tòa Án Tối Cao ra phán quyết rằng không phải gia đình mà là trường học định nghĩa thế nào là đi học đều đặn.
Do vậy, Jon Platt đã thua kiện và vụ việc được các cơ quan truyền thông nói đến rất nhiều, bởi vì ông không phải là người duy nhất tranh thủ đi du lịch giá rẻ trong năm học, thậm chí có lúc giá rẻ chỉ còn một nửa.
Trong năm 2015, hơn 19 ngàn phụ huynh học sinh đã bị phạt. 77% trong số này phải lao động công ích và thậm chí có 8 trường hợp bị kết án tù, theo luật định tối đa là 3 tháng.
Cơ chế phạt này hoạt động tốt đến nỗi nhiều phụ huynh phải nộp phạt nếu con cái đi học muộn, với mức phạt là 60 bảng Anh đi kèm với lời cảnh báo có thể phải ra tòa. Trong trường hợp này, trường học tự định nghĩa thế nào là đi học muộn.
Chính phủ ủng hộ sáng kiến này nhưng các bậc phụ huynh thì bị sốc. Sở dĩ con cái họ đi học không đúng giờ, đó là bởi vì không còn chỗ trong các trường học gần nhà hoặc không nhận thêm một đứa trẻ trong cùng gia đình. Chính vì thế, các bậc phụ huynh phải chạy ngược chạy xuôi tìm trường ở xa hơn. Đó là chưa kể nạn tắc đường.
Giờ đây, các bậc phụ huynh có nguy cơ hứng chịu một hình phạt mới, 80 bảng Anh, nếu như họ đỗ xe trước cửa trường mà xe vẫn nổ máy để dắt con vào trường hoặc lúc đợi đón con, vì gây ô nhiễm… »
Ba Lan : Trở về với nền giáo dục cộng sản ?
Tại Ba Lan, học sinh, giáo viên và phụ huynh nhập học trong trạng thái « sửng sốt » và « hốt hoảng » cứ ngỡ đang trở về thời kỳ chế độ cộng sản. Kể từ đầu năm nay, chính phủ áp dụng một chương trình cải cách giáo dục mới.
Theo đó, Ba Lan sẽ trở lại với hệ thống 8 năm tiểu học và 4 năm cấp 3, thay vì là 6 năm tiểu học, 3 năm cấp II và 3 năm cấp III, có từ năm 1999 đến nay. Hệ quả là các trường tiểu học năm nay có nguy cơ bị quá tải vì phải đón lại một lượng lớn học sinh đã lên cấp 2. Học sinh 7 tuổi sẽ học cùng trường với những em thiếu niên 14 tuổi. Chi phí tổ chức sắp xếp cho việc đón tiếp học sinh theo chương trình cải cách tăng vọt theo.
Đây chỉ là một phần của chương trình cải cách học đường rộng lớn của chính phủ Ba Lan do phe bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc cầm quyền thực hiện.
Từ Vacxava, thông tín viên RFI Damien Simonart cho biết tiếp :
« Những cải cách này nằm trong chuỗi những cam kết do đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS) đưa ra kể từ khi lên nắm quyền. Sau tư pháp, truyền thông, môi trường, phe bảo thủ giờ tấn công vào lĩnh vực giáo dục, với mong muốn đào tạo ra những thế hệ trẻ Ba Lan yêu nước có tầm nhìn chủ nghĩa dân tộc của thế giới.
Chính vì thế mà Lech Walesa, nhà sáng lập nghiệp đoàn Đoàn Kết, người hùng chống chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan mà đảng Luật Pháp và Công Lý căm ghét đã bị biến mất khỏi chương trình học đường. Đổi lại, học sinh 10 tuổi sẽ được nghe giảng về những binh sĩ bị nguyền rủa, một phong trào kháng chiến Ba Lan trong những năm 1950 chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Thay vì đọc Harry Potter, các em thiếu niên sẽ phải đọc toàn tập Ngài Thadée, của nhà thơ Ba Lan nổi tiếng – Adam Mickiewicz, bao gồm 12 chương lớn được viết bằng thơ. Tương tự trong môn sinh học, thuyết tiến hóa bị rút khỏi giáo trình dành chỗ cho giờ học tôn giáo… ».
Điều đáng nói là cả Thầy lẫn Trò khám phá nội dung chương trình giáo dục cùng một lúc. Đương nhiên món quà « bất ngờ » này của bộ Giáo dục Ba Lan dành cho giáo viên và học sinh đã không được đánh giá cao. Nghiệp đoàn ngành giáo dục kêu gọi một ngày đình công. Các bậc phụ huynh sẽ đến biểu tình trước trụ sở bộ Giáo dục. Bởi vì, tuy gọi là cải cách, nhưng những gì được đưa ra chẳng khác gì mấy so với nội dung đào tạo giáo dục mà Ba Lan đã biết đến cách nay 20 năm.
Nhật Bản : Tựu trường song hành với « tự tử »
Tháng Chín đến, giới chuyên gia tâm lý và các bậc phụ huynh tại Nhật Bản lại phập phồng lo âu. Bởi vì, mùa tựu trường cũng là thời điểm có tỷ lệ học sinh tự tử tăng cao.
Vào mùa khai giảng, bố mẹ được khuyến cáo là không nên ép buộc con nhập học nếu chúng cảm thấy quá căng thẳng. Thậm chí giờ có nhiều tổ chức tư nhân giúp đỡ các bậc phụ huynh thăm dò những dấu hiệu lo âu khác biệt ở trẻ.
Theo thống kê, trong năm qua có khoảng 500 trẻ em và thiếu niên tự tử. Rất nhiều em trong số này đã chọn đầu tháng 9, thời điểm tựu trường để hành động. Vì sao như thế ? Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo giải thích :
« Cơ quan SOS Trẻ Em của bộ Giáo dục đưa ra nhiều giải thích khả dĩ : cảm giác bất an, thiếu sự quan tâm của bố mẹ và áp lực muốn con học hành thành đạt ở trường của bố mẹ …, một hệ thống giáo dục cứng ngắc và xu thời.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có « đại dịch tự tử » nào ở những trẻ dưới 20 tuổi. Nếu như người ta ghi nhận có 500 trẻ em trong số 22 000 vụ tự tử, đủ mọi thế hệ tổng cộng trong năm 2016, thì con số này cũng chưa hẳn là cao. Thậm chí có xu hướng đình lại.
Thế nhưng, số vụ bạo hành học đường tại Nhật Bản là khá cao. Hơn 70 000 vụ trong năm qua. Nhưng giới truyền thông lại tường thuật rất ít so với các vụ học sinh cấp II tự tử. Năm 2012, giới truyền thông có nói nhiều về vụ một học sinh 13 tuổi đã bị tống tiền, bị ép đi ăn cắp trong các cửa hàng, rồi giả vờ tự tử và để các bạn học giả làm đám tang, cho đến ngày cậu học sinh này quyết định từ bỏ cuộc sống.
Giờ đây, các trường học đấu tranh chống nạn bạo hành. Một đường dây nóng đã được thành lập, nhưng trong vụ cậu học sinh 13 tuổi, nhà trường lại tìm cách dập tắt vụ việc ».
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét