(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)
Quán ăn Triều Tiên trên đường Lê Quý Đôn quận 3.
Khoảng mươi lăm cô gái Triều Tiên trong độ tuổi
hai mươi. Trắng trẻo, cao ráo, không quá xinh cũng không có ai xấu, hẳn
các cô đã được tuyển lựa và huấn luyện rất kỹ trước khi xuất ngoại, làm
công việc tiếp xúc với nhiều người nước ngoài như hiện tại.
Các cô vừa phục vụ bàn vừa là ca sĩ trong vài
tiết mục: đơn/hợp ca, chơi đàn dân tộc, chơi nhạc mới, múa… Món ăn giống
với quán Hàn Quốc nhưng khẩu vị có khác. Buổi tối ấy, thực khách hầu
hết là người Hàn Quốc, chỉ vài bàn là người nước khác.
Cô gái phục vụ bàn tôi khá trẻ. Hỏi chuyện, cô
nói cô hăm hai tuổi, đã làm ở Việt Nam ba năm. Hỏi học tiếng Việt lúc
nào, cô đáp sang Việt Nam mới học…
Cô rất nhiệt tình mời đàn ông mua “Rượu sâm bổ
dương, giá sáu triệu bớt còn bốn triệu” (Tiền rượu “ngoài luồng” này sẽ
không được ghi vào biên lai). Không thấy cô mời phụ nữ mua thứ gì cả…
Hỏi có định lấy chồng Việt không, cô đáp: “Bình
Nhưỡng- Hà Nội là anh em, lấy nhau được. Nhưng chồng Việt Nam có một vợ
và nhiều bồ, còn chồng Triều Tiên thì chỉ có một vợ”. Vậy là sao: cô
đang khen hay chê đàn ông Việt?
Khi mời chụp hình chung cô đồng ý ngay, nhưng lại gọi
thêm một cô bạn nữa, chẳng rõ có phải vì quy định không được chụp ảnh
riêng với khách hay không.
Trên màn hình ti vi đang phát đi phát lại lễ
duyệt binh ở Triều Tiên với các đội hình vuông vức, rầm rập, răm rắp như
rô-bô, với Kim Jong-un miệng luôn mỉm cười…
Tôi nhớ tới một chương trình mình đã xem trên kênh Discovery hay National Geographic gì đó, về Triều Tiên.
Nhiều bệnh nhân sau mổ mắt thành công được tập
trung để quay phim trong một căn phòng, có lẽ là một hội trường. Sau khi
các bác sĩ/y tá gỡ miếng bông băng khỏi mắt, các bệnh nhân không gỡ hẳn
nó ra mà cứ để lủng lẳng trên mặt, chạy lên phía sân khấu, nơi có đặt
ảnh Kim Jong-il, quỳ lạy như tế sao và thống thiết la to những lời biết
ơn. Có người hung hăng hơn, hùng hổ gào thét đòi trừng trị đế quốc Mỹ
xâm lược…
Cảm giác của tôi lúc đó thật kỳ lạ. Hình ảnh hàng
trăm người lủ khủ bông băng dơ trên mặt, cùng làm những động tác giống
hệt như nhau, cùng cúc cung quỳ lạy và hô to những khẩu hiệu giống hệt
nhau… có gì đó thật đáng sợ.
Tôi cũng nhớ bộ phim tài liệu khác trên một trong
hai kênh ti vi ấy, về lần gặp gỡ đầu của người dân Triều Tiên hai miền
sau sáu mươi năm chia cách… Hầu hết họ đều đã rất già, trên dưới tám
mươi, và sau hơn nửa thế kỷ bị chia lìa với quê hương, bản quán, gia
đình, ngập tràn nước mắt đã đổ ra trong ngày gặp gỡ có thể là duy
nhứt/cuối cùng trong đời họ…
Trong lòng mỗi người Triều Tiên đều canh cánh nỗi
đau nỗi lo rồi sẽ chết mà không thể một lần nhìn thấy lại người ruột
thịt. Những cái ôm run rẩy, những gương mặt nhàu nát khổ đau, những cặp
mắt đã mờ đục sau hơn nửa thế kỷ ngóng trông tuyệt vọng, những bộ quần
áo mới tinh có lẽ được nhà nước cho mượn không vừa với kích cỡ… Ôi những
gương mặt người dân Triều Tiên sao mà đau thương.
Bên bờ sông Kim Cương, nhiều người dân Triều Tiên
đặt những mâm cúng nhỏ với một ít bánh trái đơn sơ, quỳ xuống bái vọng
về quê, nơi cha mẹ họ đã chết mà họ không thể chịu tang, hay đau ốm mà
họ không thể chăm sóc…
Nhìn cảnh tượng người dân hai miền Triều Tiên
khóc như tan chảy thành nước mắt khi gặp nhau cũng như khi chia tay, tôi
thấy dường như người Việt Nam còn may mắn hơn họ. Đất nước Việt đã
không còn chia cắt, người dân Việt đã được tự do gặp nhau, bởi súng đạn
đã im tiếng mấy mươi năm rồi…
Tôi cũng nhớ lần đi thăm Hàn Quốc, khi đứng ở
công viên Imjingak trong khu phi quân sự DMZ, và qua ống kính tầm xa
nhìn sang đất Triểu Tiên, cái được thấy chỉ là màu xanh đồng ruộng, màu
xanh dòng sông và màu xanh đồi núi, giống với bất cứ nơi nào trên trái
đất, vậy mà Bắc Triều Tiên vẫn luôn là một thế giới lạ kỳ đầy bí ẩn đối
với phần còn lại của nhân loại.
Trên những chuyến xe đi dọc theo chiều dài Hàn
Quốc, tôi đã buồn nẫu người khi lại nhìn thấy vô số lô cốt, kẽm gai, xe
tăng và quân phục ở khắp nơi. Hình ảnh môt miền nam Việt Nam thời chiến
lại hiện ra trong từng giây từng phút làm tôi nghẹn thở. Máu người Việt
đã chảy quá nhiều trong cuộc chiến tranh kéo dài từ 1954 tới 1975, và
tôi kinh sợ tất cả mọi cuộc chiến tranh dù ở bất cứ đâu…
Việc thủ đô Seoul nằm quá gần biên giới, nên có
thể bị tấn công bất cứ lúc nào, là điều mà chính phủ Hàn Quốc đang rất
lo ngại. Bởi vì, cuộc chiến liên Triều bắt đầu từ ngày 25 tháng 6 năm
1950, khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên từ miền bắc tấn công Đại
Hàn Dân quốc ở miền nam. Chiến tranh đã bùng nổ với quy mô lớn sau khi
lực lượng của Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ đứng đầu và chí nguyện quân của
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng nhảy vào can thiệp.
Sau ba năm đổ máu, một thỏa hiệp ngừng bắn đã
được ký kết vào ngày 27 tháng 7 năm 1953, tuy nhiên trên thực tế, hai
miền vẫn tiếp tục trong tình trạng chiến tranh nên vẫn có thể tấn công
nhau bất cứ lúc nào mà không cần tuyên chiến.
Ở công viên Imjingak, giữa một rừng những mảnh
vải đủ màu sắc giăng đầy trên kẽm gai mà người dân Triều Tiên viết lên
những nguyện ước dành cho gia đình và đất nước họ, tôi cũng đã gởi lên
đó những suy nghĩ của mình: “Cầu mong sẽ không còn dân tộc nào trên thế
giới bị đày ải bởi chiến tranh và thù hận như Việt Nam và Triều Tiên
phải chịu đựng”.
Khi gặp những nhà văn Hàn Quốc từng có mặt trong
đoàn quân Rồng Xanh (nổi tiếng bởi những cuộc tàn sát dân thường Việt
Nam), thấy việc làm đầu tiên của họ là quỳ xuống xin lỗi về những gì mà
binh lính Đại Hàn từng gây ra ở miền Trung Việt Nam, tôi lại buồn rơi
nước mắt. Cuộc chiến ấy không chỉ khiến người Việt Nam chết chóc, khổ
đau, mà còn khiến người dân nhiều nước khác cũng vĩnh viễn mang trong
tâm khảm những vết thương khủng khiếp…
Những cô gái Triều Tiên đang có mặt trên đất Sài
Gòn, chẳng rõ gia đình các em đang sống thế nào? Cha mẹ, anh chị em,
chồng con các em liệu có được hưởng những quyền lợi khi người thân xuất
ngoại? Cuộc sống các em có vui hơn so với khi đang ở trên đất nước mình?
Các em có hay biết Hàn Quốc đang là một trong
những nước làm ra những sản phẩm uy tín, dù là hàng điện tử, xe ô tô,
tác phẩm điện ảnh, và ngay cả ẩm thực truyền thống…? Họ có biết nước
“Việt Nam anh em” đang cực kỳ khó khăn với núi rừng/sông biển/đất đai…
đang bị hủy hoại, và người dân Việt đang lao đao khốn đốn với bao gánh
nặng vật chất-tinh thần, cho dù chiến tranh đã chấm dứt hơn bốn mươi
năm?
Những cô gái Triều Tiên này, thế hệ thứ năm kể từ
cuộc chiến tranh “Kháng Mỹ Viện Triều” mà Trung cộng rêu rao (giống như
Trung cộng từng chủ trương “Đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng”). Họ
có biết đích xác những gì về chính quê hương họ, những sự thật kinh
hoàng mà phần còn lại của thế giới đều tỏ tường?
Họ có biết thật ra dân tộc Triều Tiên vẫn may mắn
còn một nửa nước không rơi vào vòng kiềm tỏa của Trung cộng, nên mới có
một Hàn Quốc thành công cả về kinh tế lẫn văn hóa. Trong khi đó, dù đã
có bốn mươi hai năm hậu chiến, Việt Nam lại đang tan hoang bởi sự có mặt
khắp nơi của hàng hóa, văn hóa và các cách thức/công thức made in
china, một thảm họa còn đáng sợ hơn cả bệnh dịch.
Mong rằng ngày nào đó, đất nước Triều Tiên của
các em rồi sẽ hết ngăn chia, bởi cách thức mà Cộng hòa Liên bang Đức đã
làm với Cộng hòa Dân chủ Đức, chớ không phải bằng tên lửa tầm trung tầm
xa như Bắc Triều Tiên vẫn đang mỗi ngày đe dọa…
Mặc quốc phục và chơi đàn dân tộc của Triều Tiên
Các em hát nhạc Việt Nam: Ước gì, Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…
Múa …
Và chơi nhạc mới…
Ở công viên Imjingak trong khu phi quân sự DMZ,
trước hàng rào kẽm gai giăng đầy các mảnh vải người dân Triều Tiên gởi
nguyện ước lên trời…
“Cầu mong sẽ không còn dân tộc nào trên thế giới
bị đày ải bởi chiến tranh và thù hận như Việt Nam và Triều Tiên phải
chịu đựng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét