Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 11/09/2017
Hàng ngày, ngày nào cũng vậy, cái bài hát quốc ca, tung hô vạn tuế cách mạng, đại lãnh tụ
con trời của Bắc Hàn cứ lanh lảnh chói tai vọng ra, ngang qua những cánh đồng
lúa xanh rì, bao quanh làng Taesung.Tiếng loa ra rã từ bên đất Bắc, tuyên truyền
suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày này lớn không thể chịu được, đến nổi
nhà cửa trong làng phải xây thêm lớp tường dày nữa để ngăn bớt đi một phần nào.
Quả thật, đây là một thực tế nhức nhối mà người dân làng Taesung, một
cái làng nhỏ nằm không xa cửa ngỏ Bắc Hàn bao nhiêu, phải chịu đựng, vì không
còn cách nào khác. Được biết tới tên gọi
là “làng tự do”, cái làng duy nhất trên vùng đất dài khoảng 300 cây số và rộng
độ không hơn 5 cây số nằm dọc theo vùng phi quân sự, nơi chia đôi hai miền nam
bắc, bên này đất Đại Hàn. Chỗ gần nhất cách đất bắc chừng bảy tám trăm thước,
lúc nào cũng bao trùm bầu không khí chiến tranh lạnh, nhất là trong tháng rồi,
Bình Nhưỡng đe dọa bắn bốn hỏa tiển liên lục địa tấn công đảo Guam của Hoa kỳ
và sau lần thử nghiệm bom nguyên tử thứ sáu.
Cho Young – sook, người chủ cái nhà hàng, là một trong 197 người sống ở
làng Taesung, bà đến đây lập nghiệp 38 năm trước, sau khi kết hôn với một người
đàn ông, dân của làng, đó là phương cách duy nhất, cho phép, theo luật lệ của
chính phủ Đại Hàn, bất cứ ai muốn đến cái làng bất bình thường và cái cộng đồng
khép kín Taesung này. Theo bà Cho, hiện tại bà cũng thấy có nhiều điều tiêu cực
ở làng, ví dụ, ban đêm, dân làng phải đóng cửa lại, không để rộng mở như trước kia.
Trận chiến tuyên truyền giữa hai bên Bắc Nam xem ra không có chiều hướng
giảm đi, thêm vào việc phát thanh từ phía bắc, đã nhiều năm qua hai bên còn
thách thức nhau về chuyện kích thước của trụ cờ hai bên biên giới, Bắc hàn hiện
thời dựng lên trụ cờ cao 165 thước, một trong những trụ cờ cao nhất thế giới.
Trụ cờ này đặt tại làng Kijong, một cái làng của Bắc hàn nằm sát hàng rào vùng phi
quân sự, người dân làng Taesung cho biết, đôi khi họ thấy người ta đi lại bên
đó nhưng không chắc là thường dân hay binh lính, Đại Hàn cũng cho phát ra những
chương trình phát thanh tuyên truyền đời sống sung túc tự do của miền nam nhưng
không phát ra từ làng Taesung và không mở âm thanh lớn như Bắc hàn.
Taesung là một cái làng nông nghiệp, yên bình, chuyên trồng lúa từ nhiều
thế hệ qua, nhưng kể từ năm 1953, sau khi có sự chia đôi hai miền, người dân ở
đây buộc phải sống với sự lo âu hiện rõ trên mặt ngày qua ngày. Nông dân cần có
sự bảo vệ của quân lính Đại Hàn mỗi khi ra đồng, chỉ cần lỡ một hai bước chân
là đã lọt qua biên giới phía bên kia, con rạch nhỏ giữa hai bên cánh đồng là những
gì được gọi là cái mốc của đường phân chia ranh giới thật sự. Dân trong làng phải
tuân theo lệnh giới nghiêm mỗi đêm, và có thể bị quân lính đến nhà khám hỏi, họ
phải đi ngang qua các trạm kiểm soát mỗi khi đi ra hay đi vào làng, hàng ngày
có hai chuyến xe buýt tới để dân làng đi mua bán hay có việc cần. Trong thời gian
qua, có hai người dân làng Taesung đã bị quân lính Bắc hàn bắt cóc, năm 1997, một
bà mẹ và đứa con trai bị bắt cóc lúc đi hái bắp ngoài đồng nhưng được thả ra
năm ngày sau đó, và năm 1975, một người làm ruộng thuê 20 tuổi cũng bị bắt cóc,
nhưng phía nhà cầm quyền Bình Nhưỡng bảo rằng, anh này tình nguyện vượt qua
biên giới họ, hiện chưa giao trả cho
Đại hàn.
Đại hàn.
Đổi lại những lo lắng, bất an, dân làng cũng hưởng được nhiều lợi ích,
điều đặc biệt ở đây là, làng Taesung đặt dưới sự cái quản của LHQ, không phải
chính quyền Đại Hàn, dân làng không cần phải đóng thuế các loại và miễn thi hành
nghĩa vụ quân sự. Gặp gở báo chí, được hỏi tới, vài người đồng ý cho chụp ảnh
thu hình nhưng số khác thì không muốn, vì họ e ngại là những gì họ nói ra đều
có thể sẽ gây cho Bắc hàn hiểu lần, suy diễn lệch lạc, không tốt cho họ. Bên
ngoài nhà hàng của bà Cho, cái mà người ta không được quên và phải biết tới
luôn là, căn hầm trốn bom, ở đó lúc nào cũng có dự trử sẳn sàng, mặt nạ chống
hơi ngạt và vật liệu đồ dùng cho mục đích khẩn cấp, dân làng thực tập trốn bom
thường xuyên, tuy vậy, nhúng vai một cách thản nhiên bà Cho cho biết, bà sẽ
không bao giờ nghĩ tới chuyện rời bỏ làng Taesung. Khác với một số làng xã
khác, ở đây cũng có nhiều người trẻ ở, con nít cũng không thiếu, cảm giác gần
gũi nhau, đó là lý do tại sao bà Cho thích nơi này, vã lại chính đời sống bà
cũng khá tốt đẹp.
Dân làng cũng hảnh diện không kém về trường học của họ, mười hai cô thầy
giáo cho 35 học sinh, có máy vi tính mới nhất, mọi thứ đầy đủ hơn một số trường
tiểu học và mẫu giáo trung bình ở Đại hàn. Hàng chữ tiếng Anh, DMZ được viết
khác đi, với ý nghĩa mà họ thích “Dream Making Zone” trước cổng trường thay vì
“De -militarized Zone”. Đám học trò mặt mày hớn hở, hồng hào, quần áo sạch trơn
đủ màu đủ kiểu, quây quầng bên nhau cắt dán hình ảnh hoa lá, thú vật, nói cười
luôn miệng, khi hỏi các em có sợ khi ở quá gần đất Bắc hàn không, đứa thì trả lời
có, đứa trả lời không.
Jin young – jin, ông hiệu trưởng của trường Taesung cho biết, hiện tại
thầy cô giáo ở đây không còn xem người dân Bắc hàn là bọn quỷ ma nữa, họ mong
muốn có sự đoàn kết và tái thống nhất hai miền trong tương lai gần. Các em học
sinh ở đây, tuy nhỏ, nhưng sự hiểu biết của bọn nó rất đáng kể về đất nước này,
một trong những nơi có tình huống nguy hiểm nhất trên thế giới nhưng xem ra nó
không ảnh hưởng gì cho lắm với hy vọng và ước muốn tương lai. Trên tường của lớp
học, một tấm giấy cứng lớn, vẽ lên những gì mà các em muốn trở thành khi lớn
lên, cái được chọn nhiều nhất là, cầu thủ môn khúc côn cầu, kế sau đó là cầu thủ
bóng tròn, y tá, kỹ sư, chỉ một em duy nhất trong số này chọn quân nhân là ước
mơ đời mình.
Từ phía ngoài đồng xa, theo chiều gió trưa,
tiếng loa phóng thanh với giọng nói như búa bổ, đanh thép và lạnh lùng, từ bên
kia biên giới phía bắc, một lần nữa vang dội về, đám học trò ngước lên, nhìn ra
ngoài khung cửa sổ lớp, lắc đầu, rồi tụm nhau cúi xuống tiếp tục làm bài như cũ,
xem ra đối với người dân ở cái làng có tên Taesung, chuyện đó là chuyện quá
quen và là những chuyện vẫn vậy như từ đó tới giờ.
Thuyên Huy
Monday 11.09.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét