Luật Khoa tạp chí lược dịch từ bài báo Forever Foreign
của hai tác giả Michelle Vachon and Chhorn Phearun đăng trên tờ
Cambodia Daily ngày 1/9/2017, vài ngày trước khi nhật báo này bị đóng cửa vì lý do chính trị.
***
Căn nhà của Tri Ngan Ros là một chiếc
thuyền trên dòng sông Mekong. Sinh tại Tỉnh Kompong Chhnang trong thời
kỳ Hoàng thân Norodom Sihanouk trị vì, người ngư dân 60 tuổi này vốn
không thể nhớ nổi cha mình đã bắt đầu sinh sống tại Cambodia từ khi nào.
Cả đời ông chỉ biết có nơi này là quê
nhà. Ông Ros có bốn người con và chín người cháu, tất cả đều sinh trưởng
tại Cambodia. Vậy mà ông lại chia sẻ, “Tôi thậm chí không có cả một tấm
thẻ căn cước của Cambodia. Tôi đã ở đây cả đời, và gia đình tôi đã có
ba thế hệ sống tại mảnh đất này. Thế nhưng, tôi vẫn chỉ là một kẻ di
dân.”
Có gần 1.000 hộ gia đình gốc Việt Nam
hiện đang sinh sống tại ngôi làng nổi trên sông cùng với gia đình Tri
Ngan Ros. Nhưng ông cho biết, rất ít hộ có thẻ căn cước. Họ đều vướng
trong cái thế kẹt của thủ tục pháp lý: sinh ra ở Cambodia, nhưng lại bị
xem là những kẻ ngoại lai.
Gốc rễ của tình trạng mang đầy tính
tranh cãi về những người di dân này vốn kéo dài suốt lịch sử của
Cambodia. Và hậu quả của nó tiếp tục định nghĩa cho thân phận của nhiều
con người, cũng như quy chụp lên hàng bao thế hệ vẫn đang chui rúc trên
một vùng pháp lý chẳng biết trách nhiệm thuộc về ai.
Bị xã hội gọi một cách nhạo báng là
“yuon”, các chính trị gia thì phỉ báng một cách đầy ác ý, và hệ thống
giáo dục thì đã bỏ mặc họ, những con người này chính là các chú dê tế
thần béo mập trong mọi bộ phận của xã hội Cambodia từ trước đến nay.
Lần giở lại vài trang lịch sử
Cambodia, thì mối quan hệ với Việt Nam luôn được xem là tâm điểm, hoặc
là bối cảnh của những giai đoạn nhất định.
Hãy bắt đầu từ thành phố Paris năm 1991.
Vào thời điểm đó, các hoạt động thương thảo đang diễn ra để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định
Paris vào ngày 23/10/1991, chấm dứt cuộc chiến ở Cambodia. Bác sĩ
Richard Rechtman, một người Pháp đi dự một buổi cơm tối tại Paris khi ấy
đã kể lại câu chuyện sau.
Sự kiện đó được tổ chức cho những phe
phái khác nhau, chính là những nhóm trong suốt thập niên 1980 đã chiến
đấu chống lại chính phủ Cambodia đương thời – sau khi lực lượng này đã
lật đổ quân Khmer Đỏ với sự trợ giúp của quân đội Việt Nam năm 1979.
Thế nhưng, suốt cả buổi tiệc, không một
ai được phép nhắc nhở gì đến “Việt Nam”, bác sĩ Rechtman nhớ lại. Đến
mức khi có nghệ sĩ muốn trình diễn một bài hát tiếng Việt, thì tất cả
những người có mặt bắt buộc cô ta phải lập tức từ bỏ ý định ấy đi.
Với cái nhìn của một bác sĩ tâm lý điều
trị, ông Rechtman không hề thấy ngạc nhiên về điều này: “Con người luôn
cảm thấy thoải mái hơn nếu họ chọn kẻ thù hoàn toàn từ những người ngoại
bang”.
“Trong khung cảnh mọi người đều thân
thiện với nhau tại buổi tiệc ấy,” bác sĩ Rechtman kể tiếp, “thì một
người phụ nữ ngồi cùng bàn lại chia sẻ với tôi rằng, trong thời kỳ Khmer
Đỏ nắm quyền, đã có rất nhiều người thân của bà bị sát hại.
Và ngay tại lúc này, ở cái bàn tiệc kế
bên, một trong những kẻ phải chịu trách nhiệm về những cái chết ấy đang
ngồi ngay bên cạnh chúng tôi.
Điều này có nghĩa là, ngay cả khi một
người Cambodia biết rất rõ kẻ thù của mình là ai, thì họ vẫn thà chọn
người Việt Nam làm tâm điểm để hứng chịu tất cả các vấn đề ung nhọt tại
xứ sở của mình”, bác sĩ Rechtman nhận định.
Liên tục trong những năm sau đó, lòng
thù ghét người Việt Nam đã trở thành một phương pháp giải tỏa nỗi oán
hận của người Cambodia đối với những gì mà Khmer Đỏ đã gây ra. Và họ đã
làm điều này mà không hề nghĩ rằng mình đang sử dụng người Việt Nam như
là vật tế thần, bác sĩ Rechtman chia sẻ thêm. Đến cuối cùng, Việt Nam và
Cambodia vốn có quá nhiều xung đột xuyên suốt lịch sử.
Ngay cả sau khi Hiệp định Hòa bình được
ký kết, chấm dứt hai thập kỷ chiến tranh và xung đột ở Cambodia, thì
những người có tổ tiên, gốc gác là người Việt Nam tại đây vẫn là nạn
nhân của mối oán hận chệch hướng này.
Cơn cuồng nộ của đám đông đã là mồi lửa
cho những hành vi bạo lực, mà không có gì để nghi ngờ là những kẻ thủ ác
xem đó là cách mà họ báo thù.
Như trong năm 1998, đã có vài người gốc
Việt bị những đám đông treo cổ ngay ở thủ đô Phnom Penh, sau khi có
những tin đồn thất thiệt là họ đã đầu độc thực phẩm và nguồn nước của
thành phố.
Chỉ hai năm trước đây thôi, một người
đàn ông gốc Việt, Nguyen Yaing Ngoc, sau khi bị thương trong một tai nạn
giao thông đã bị một nhóm người giết chết bên vệ đường. Phó công an
xã tại địa phương đã kể lại rằng, có người đã gào lên “Bọn ‘Yuon’ muốn
gây chuyện với ngươi Khmer” ngay trước khi vụ tấn công xảy ra.
Ngay cả các chính trị gia ở đây cũng không có hành vi thù hiềm gì khi bày tỏ quan điểm về những xung đột này.
Sam Rainsy, cựu Chủ tịch đảng đối lập
CNRP hiện đang sống lưu vong, xưa nay vẫn nổi tiếng bởi những lời lẽ tấn
công hiểm ác chống lại Việt Nam và người Việt sinh sống ở Cambodia.
Trong một lá thư gửi đến nhật báo The
Cambodia Daily ngày 28/10/2013, Rainsy đã phản đối việc ông đã bị chụp
cho cái mũ là người đóng gông cùm lên cổ những người Việt sống ở
Cambodia.
Sau đó, ông ta lập luận rằng, dân số của
người tị nạn Việt Nam có thể sẽ vượt xa người Khmer trong thời gian sắp
tới nếu việc cưỡng chiếm đất đai của các công ty Việt Nam vẫn tiếp
diễn. Đây là kiểu hùng biện mà Rainsy luôn lập đi lập lại ở các buổi tụ
tập và gặp gỡ những người ủng hộ sự nghiệp chính trị của ông ta.
Khi được đề nghị đưa ra một lời phát
biểu cho chính bài báo này, ông Rainsy đã viết thư phúc đáp cho chúng
tôi, và nêu rõ ông là người có lòng tôn trọng tuyệt đối các giá trị nhân
quyền. Thế nhưng, ông ta cũng viết thêm, “nói như thế, không có nghĩa
là điều này có thể ngăn cản tôi tố giác vô số những yếu tố của chính
sách bành trướng và bá chủ của Cộng sản Việt Nam đối với Cambodia”.
Một trong những lời đồn đãi khiến cho
rất nhiều người dân Cambodia ngán ngẩm, đó là họ nghe nói từ thập niên
1980 đến nay, đã có hằng triệu người Việt Nam chuyển đến sinh sống ở đất
nước này.
Theo Patrick Heuveline, một nhà Xã hội
học người Pháp chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học, thì con số người Việt
định cư ở Cambodia trong thực tế là gần 400.000. Có khoảng 200.000
người Cambodia gốc Việt đã trốn chạy khỏi đây trong những năm của thập
niên 1970, và có từ 150.000 đến 200.000 người đã tái định cư ở Cambodia.
Con số này được lấy từ một phân tích
chuyên sâu được thực hiện năm 1996 bởi Luật gia Jennifer Berman, một
người Mỹ nghiên cứu về quy trình thẩm định quốc tịch ở Cambodia.
“Quốc tịch là một đề tài gây tranh cãi ở
một đất nước mà trong vòng 50 năm vừa qua, hầu như là bị cai trị bởi
các quốc gia khác nhau. Từ người Pháp – sau khi Hiệp định Bảo hộ được ký
kết – đến người Việt Nam trong thập niên 1980. Họ cũng từng bị người
Nhật Bản chiếm đóng một vài tháng trong Thế chiến Thứ hai, và được quản
lý bởi Liên Hiệp Quốc trước khi cuộc tổng tuyển cử năm 1993 được tiến
hành”. Đó là những gì bà Berman đã viết trong nghiên cứu của mình.
“Sự cai trị liên tục của ngoại bang đã
sản sinh ra một nhân sinh quan – đặc biệt là ở những người gốc Khmer –
mang tính bài trừ người có gốc gác khác tham gia vào những sự vụ nội bộ
của quốc gia – gần như là một nỗi lo lắng đầy hoang tưởng về sự có mặt
và ý đồ của những nhóm sắc tộc thiểu số, phi bản địa ở Cambodia.
Chính cái tâm lý đầy nghi kị – vốn ăn
sâu bén rễ vào xã hội, luật pháp, và các thiết chế nhà nước – đã hiện
nguyên hình ngày hôm nay trong dáng vẻ của sự kỳ thị sắc tộc rất rõ nét ở
Cambodia.”
Những thời kỳ đau thương trong lịch sử trải dài của mối quan hệ Việt Nam – Cambodia đang được giảng dạy cho học sinh tại đây.
Vào thế kỷ thứ 17, một vị vua người Cambodia đã cưới một cô công chúa Việt Nam, theo lời kể của nhà Sử học Pháp – Alain Forest.
Một trong những hòa ước mà cuộc hôn nhân
chính trị này mang lại cho Việt Nam, đó là dọc vùng đồng bằng Mekong,
người Việt được thiết lập các trạm hải quan. Điều này đã khiến cho một
số rất đông người Việt đã di dân đến vùng Kampuchea Krom ngày nay, đến
mức họ qua mặt dân số người Cambodia để chiếm lĩnh toàn bộ vùng đất ấy.
Vài thập kỷ sau đó, một vị hoàng thân
người Cambodia cướp ngôi và cải sang Đạo Islam. Những kẻ chống đối ông
này đã tìm kiếm sự hậu thuẫn của Việt Nam để giành lại vương quyền.
“Mô hình này được lặp đi lặp lại mỗi khi
triều đại thay đổi. Những kẻ muốn đối kháng luôn tìm sự ủng hộ từ Xiêm
La (Siam) – Thailand ngày nay – hoặc Việt Nam”, ông Forest nhận định.
Nội loạn quốc gia đã khiến cho hai láng giềng hùng mạnh có thể can thiệp vào nền chính trị của Cambodia.
Cũng theo ông Forest, hai nước láng
giềng này có ý đồ hoàn toàn khác nhau. Việt Nam dòm ngó vào đất đai của
Cambodia. Trong khi đó, người Xiêm thì muốn biến người Cambodia thành nô
lệ như họ đã từng làm sau khi chiếm được phía Bắc của nước này.
Giai đoạn này là một thời kỳ kinh hoàng
đối với người dân Cambodia, ông Forest cho biết thêm. Và nó chỉ chấm dứt
khi Vua Ang Duong đề nghị người Pháp hãy tìm cách ngăn cản hai nước
láng giềng của Cambodia. Đó cũng là lý do vì sao Vua Norodom đã ký Hòa
ước Bảo hộ 1863. Tại thời điểm ấy, dân số Cambodia đã giảm xuống chỉ còn
900.000 người và biên giới của họ không qua khỏi Tỉnh Kompong Thom.
Giáo sư Sử học Keo Duong của Đại học
Hoàng gia Phnom Penh đã viết trong một tài liệu nghiên cứu về sắc dân
Việt Nam ở Cambodia vào năm ngoái rằng, trong khoảng thời gian Hoàng
thân Norodom Sihanouk trị vì – thập niên 1950 và 1960 – những người gốc
Việt hoàn toàn không được xem là người Cambodia cho dù họ đã sinh ra tại
đây đi chăng nữa.
Một ngoại lệ duy nhất là những người gốc
Việt ở Kampuchea Krom. Ở đó, những người gốc Việt được phép trở thành
công dân nếu họ nói được tiếng Khmer và đã trải qua một thời gian sinh
sống lâu năm tại tỉnh này.
Tuy nhiên, những người mà ông Duong
phỏng vấn thì hầu như không biết gì về quy định trên. Họ chỉ biết là bản
thân phải trả một khoảng tiền hằng năm cho phí di dân với các định mức
quá khổ cho những gia đình ngư dân.
Trở lại lịch sử chính trị của Cambodia.
Khi Hoàng thân Norodom Sihanouk thất cử
trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3/1970, Lon Nol trở thành người đứng
đầu chính phủ. Một trong những việc Lon Nol làm đầu tiên, là trục xuất
tất cả người gốc Việt ra khỏi Cambodia, nếu không, họ sẽ bị giết.
Chính sách của Lon Nol đã dẫn đến những cuộc thảm sát hàng loạt người Việt Nam
Theo lời kể của Cha xứ Francois
Ponchaud, một người đã làm việc cùng các giáo dân Việt Nam ở một số làng
Công giáo, thì “thanh niên và đàn ông từ 15 tuổi trở lên đã bị bắt giữ,
và họ bị ép phải xuống những chiếc xà-lan đã cập sẵn bến để đi về phía
Nam.
Sau khi đi được khoảng 30 cây số, các
quân nhân sẽ trói quặt tay những người này ở sau lưng họ, xâu họ lại
thành từng nhóm 10 người, rồi bắn chết”, Cha Ponchaud kể.
“Xác người cứ thế mà rơi thẳng vào dòng nước”.
Sau khi biết được tin tức trên, chính
quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó – dù đang là đồng minh cùng Mỹ và
Cambodia trong cuộc nội chiến với miền Bắc Việt Nam – đã tổ chức cho hơn
200.000 người gốc Việt di tản khỏi Cambodia. Rất nhiều người trong số
đó sinh ra ở Cambodia và chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam.
Sau khi nội chiến ở Cambodia leo thang
dữ dội hơn, chính phủ Lon Nol đã trưng bày băng rôn với hình ảnh người
miền Bắc Việt Nam là kẻ thù mà không hề đả động gì đến việc, đây vốn là
một cuộc nội chiến của những phe nhóm Cambodia khác nhau.
Khi Khmer Đỏ chiếm được chính quyền vào
tháng 4/1975, người Việt Nam lại trở thành kẻ thù cần bị tiêu diệt, mặc
kệ là chính lực lượng vũ trang Bắc Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh quân
đội của Khmer Đỏ những năm 1972-1973.
Sử gia người Pháp Henri Locard đã giải thích trong sách của ông – Cuốn sổ tay đỏ của Pol Pot, những câu châm ngôn của Angkar
– rằng một số khẩu hiệu của Khmer Đỏ khi ấy mang đầy vẻ bài xích nhắm
vào người Việt Nam, như “Đập chết bọn Việt Nam! Đập cho tới khi lưng bọn
nó gãy mới thôi!” Hay, “Chúng ta hãy tấn công và đập tan bọn sâu mọt
Việt Nam một cách tàn nhẫn nhất!”
Những cuộc tấn công của Khmer Đỏ đến các
làng mạc người Việt Nam dọc biên giới Việt – Cam cũng chính là nguyên
nhân chính phủ Việt Nam quyết định phải lật đổ Pol Pol, với sự trợ giúp
của những quân sĩ Cambodia bỏ trốn và tị nạn ở Việt Nam khi đó.
Sau khi đánh thắng Khmer Đỏ, phản ứng của các quốc gia Tây phương đã khiến Việt Nam sửng sốt.
Đó là nhận xét của phóng viên Hoa Kỳ Elizabeth Becker.
“Tôi không nghĩ là phần lịch sử này đã
được ghi lại một cách toàn vẹn: Việt Nam đã từng mong đợi rằng, mình sẽ
được hoan hô khi tiêu diệt Khmer Đỏ. Và họ đã rất sốc với thái độ khi ấy
(của phương Tây – ND). Việt Nam đã trông chờ cả thế giới tuyên dương
‘Hoan hô Việt Nam đã dẹp tan chế độ kinh hoàng Khmer Đỏ’. Họ hoàn toàn
không chuẩn bị tâm lý cho thái độ thù nghịch đến từ cộng đồng quốc tế
sau đó.”
Trong thập niên 1980, bà Becker cho
rằng, “đó thật là một sự tra tấn tinh thần khi cả thế giới chỉ trích
Việt Nam vì họ đã chấm dứt tội ác diệt chủng và xóa sổ Khmer Đỏ … Nếu
quý vị muốn nổi giận, hãy nổi giận với Hoa Kỳ vì họ đã ủng hộ Khmer Đỏ
suốt cả những năm 1980. Nếu quý vị muốn nổi giận, hãy nổi giận với cả
cộng đồng Tây phương vì họ đã từ chối giúp đỡ để Cambodia có thể hồi
sinh.
Thay vì ra tay cứu trợ, Hoa Kỳ, Châu Âu,
và toàn bộ Tây phương lẫn ASEAN lại đưa ra các biện pháp chế tài khắc
nghiệt và từ chối cho nguồn viện trợ được nhập vào Cambodia.
Quân đội Việt Nam nên rút sớm hơn, đó là
điều không cần phải hỏi .. Tuy nhiên, chỉ mang một mình Việt Nam ra để
chỉ trích cho tất cả các vấn đề (ở Cambodia – ND) thì thật là quá kỳ
quặc”, bà Becker nhận xét.
Câu chuyện biên giới giữa hai nước vẫn là một vấn đề.
Kể từ lúc chính phủ Việt Nam quyết định
tiếp tục để quân đội của mình đóng tại Cambodia cho đến năm 1989, các
đảng phái đối lập trong nhiều năm qua đã chỉ trích đảng cầm quyền –
đảng Nhân dân Cambodia (Cambodian People’s Party – CPP) – là có liên đới
với Việt Nam.
Và, bởi vì mối quan hệ trải dài nhiều
thập niên giữa Hà Nội và các lãnh đạo đảng CPP, đảng đối lập CNRP vẫn
cảm thấy Việt Nam đã được phép cướp đi hàng chục khu đất dọc biên giới
trong sự im lặng, không phản đối của CPP.
“Chúng ta không thể phủ nhận có những
vấn đề về biên giới đang tồn tại giữa hai nước. Và là những nước láng
giềng với nhau, … nếu đảng CNRP nắm chính quyền, thì giải pháp đối ngoại
sẽ là phi bạo lực, hòa bình và đối thoại. Chúng tôi sẽ kêu gọi và tìm
kiếm giải pháp cùng nhau … thậm chí là sẽ sử dụng công pháp và tòa án
quốc tế nếu không tìm ra giải pháp bằng đàm phán song phương”.
Đó là phát biểu của Phó chủ tịch đảng CNRP Mu Sochua vào tuần trước.
Tuy nói thế, ông Sochua còn thêm rằng,
“bất kỳ hình thức phân biệt chủng tộc nào đều không thể được biện bạch,
và đảng CNRP lên án các hành vi đó … Chúng tôi đã tìm ra những phương
pháp giải quyết trong nội bộ của đảng, và chúng tôi cũng kêu gọi những
giải pháp đối ngoại phi bạo lực”.
Tư cách pháp nhân của những người di dân gốc Việt tại Cambodia hiện nay.Ngày nay, người thiểu số gốc Việt là những người buôn bán nhỏ hoặc là các thương buôn. Họ sống trên những ngôi làng nổi, như ông Tri Ngan Ros ở đầu bài, và kiếm ăn bằng nghề đánh bắt cá. Đó là cách kiếm sống tốt nhất mà họ biết.
Những người không được công nhận là
người di dân hợp pháp (legal immigrants) sẽ không thể xin được giấy khai
sinh cho con cái mình. Mà không có giấy khai sinh, trẻ em sẽ không thể
đi học ở các trường công. Đó là những gì mà Phó Giám đốc điều hành tổ
chức Quyền của Người thiểu số (Minority Rights Organization) – Nou Va –
đã chia sẻ với chúng tôi.
“Những người đến từ một đất nước khác,
và bị chính quyền cho là không đủ điều kiện để có tư cách pháp nhân đang
phải sống với một tư cách không rõ ràng. Họ đang sống ở đất nước này mà
không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp gì”.
Thế nhưng, rất nhiều người đang sinh
sống ở các ngôi làng nổi của Tỉnh Kompong Chhnang vốn sinh ra ở
Cambodia, ông Va cho biết. “Luật quốc tịch có nhắc đến là con cái của
những người nước ngoài sinh sống hợp pháp ở Cambodia sẽ được có quốc
tịch. Vậy thì câu hỏi được đặt ra ở đây chính là, ‘hợp pháp’ có nghĩa là
gì? Đó là một câu hỏi lớn”.
“Những người này quá nghèo để có thể cho con cái đi học”, ông nói thêm.
Rồi từ những người cha mẹ không biết
tiếng Khmer, con cái họ cũng chỉ nói tiếng Việt, là ngôn ngữ được sử
dụng tại những ngôi làng nổi này.
“Làm sao họ có thể giao tiếp bằng tiếng
Khmer, ngôn ngữ của đất nước mà họ đang sống? Làm thế nào mà họ có thể
cạnh tranh tìm việc làm trong tương lai, và làm thế nào để họ có được
công việc tốt? Không có khả năng ngôn ngữ Khmer, họ không có cách nào
thoát được cuộc sống phụ thuộc vào những cộng đồng người Việt, và cũng
không thể đóng góp gì cho sự phát triển của Cambodia”, ông Nou Va chia
sẻ.
“Cambodia không phải là một quốc
gia được khai phá chỉ bởi người Khmer, mà còn có các sắc dân từ nhiều
nguồn gốc khác nhau như người Cham, người Trung Hoa, người bản địa, và
người Việt Nam, v.v. Rất nhiều người từ các chủng tộc và nguồn gốc khác
nhau, đã cùng chung tay tạo dựng ra đất nước này”, ông nói thêm.
Tương lai của những đứa trẻ gốc Việt dựa
hoàn toàn vào việc phải có một định nghĩa pháp lý rõ ràng cho từ “hợp
pháp”, để xác định tư cách pháp nhân của bố mẹ chúng.
Khi được hỏi về vấn đề này, Eng
Chandara, Giám đốc điều hành Cục quản lý chứng nhận khai sinh, hôn nhân,
và chứng tử của Bộ Nội vụ, đã giải thích rằng, “người nước ngoài sống ở
Cambodia – nếu có giấy tờ thị thực (visa) hợp lệ – có thể nhận được
giấy khai sinh. Nhưng các giấy khai sinh kiểu này sẽ được đăng ký là của
người ngoại quốc, chứ không phải là người Cambodia”.
Một người cư trú mà không có giấy tờ thị
thực, là một di dân bất hợp pháp, ông Chandra chỉ ra. Hầu hết người gốc
Việt sinh sống ở những ngôi làng nổi tại Tỉnh Kompong Chhnang là những
người di dân bất hợp pháp.
“Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn
đề này: chúng tôi cũng đâu muốn những đứa trẻ sinh ra mà không có tư
cách pháp nhân”, ông nói thêm.
Tìm cách xóa bỏ kỳ thị chủng tộc qua việc thay đổi sử dụng các từ ngữ mang tính miệt thị
Trong những năm vừa qua, cựu lãnh đạo
đảng đối lập CNRP Sam Rainsy đã liên tục tự biện hộ cho việc sử dụng từ
“yuon” để miêu tả những người gốc Việt. Ông ta cho rằng, từ này chỉ đơn
giản có nghĩa là Việt Nam hoặc người Việt Nam trong tiếng Khmer.
Từ điển phát hành năm 1967 của vị tăng
sư và học giả đáng kính Chuon Nath đã định nghĩa từ “yuon” là dùng để
chỉ những người sinh sống ở ba vùng Tam Kỳ (Tonkin, Annam, và
Cochinchina) của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ này có vẻ đã bị biến dạng
và mang một ý nghĩa tiêu cực vào những năm 1980, khi Việt Nam bắt đầu
giám thị tiền thân của đảng CPP khi đó trong việc quản lý đất nước
Cambodia.
Theo ông Tim Frewer, một học giả về Nhân
– Địa lý học (human-geography) người Úc đã nghiên cứu về Cambodia hơn
một thập niên, chính nhu cầu muốn phân biệt rõ ràng người Khmer và người
Việt Nam đã xới lên một vấn đề rất quan trọng.
“Điểm khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc
và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đó là cái sau cho rằng, có một vấn đề
cốt lõi đối với một chủng tộc nhất định, và vì vậy, cần phải gạt bỏ
chủng tộc đó ra khỏi định nghĩa thế nào là người Cambodia”.
“Thế nên, nó không chỉ là việc không thích người Việt Nam bởi vì những phẫn nộ chính trị hay các tranh chấp trong lịch sử.
Mà vấn đề ở đây là có những người rao
truyền rằng, người Việt Nam không có chỗ ở đây. Không cần biết là họ từ
đâu đến, nhưng ở Cambodia, thì không có nơi nào trong quốc gia này dành
cho họ, và họ cần phải bị loại trừ.
Và chỉ khi loại trừ toàn bộ người Việt
thì – chúng ta – người Cambodia – mới có thể tìm lại chính mình. Đây
hoàn toàn là vấn đề dồn ép những người gốc Việt, và biến họ trở thành
một mối đe doạ cho chủ nghĩa dân tộc tính Cambodia”, ông Frewer chia sẻ.
Thế những thanh niên độ tuổi 20-30 ở
Cambodia thì lại nghĩ gì về những thái độ nói trên, vốn có xuất xứ từ
trước khi họ chào đời?
“Đối với thế hệ trẻ, họ không muốn chiến
tranh, nhưng họ cũng không muốn mất thêm lãnh thổ ở biên giới một lần
nữa”. Đó là chia sẻ của Tim Malay, Chủ tịch Mạng lưới Tuổi trẻ Cambodia
(Cambodian Youth Network), và là một người đang theo học chương trình
thạc sĩ.
“Mọi người đều muốn hòa bình và phát triển … Thế nên, là những người của thế hệ trẻ, chúng tôi muốn tìm ra một giải pháp mới”.
Người trẻ ở Cambodia đang đặt hy vọng
vào chính quyền được đắc cử năm 2018 sắp tới sẽ giải quyết những vấn đề
này bằng con đường pháp lý, anh Malay cho biết. Và những người nước
ngoài nào muốn chọn Cambodia làm quê hương cũng sẽ có được tiếng nói của
mình.
Còn theo Bill Herod, một người đã sống ở
Cambodia hơn 30 năm, thì “hầu như tất cả người Cambodia đều có những
cảm xúc tiêu cực đối với Việt Nam và người Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ
là một thứ cảm giác chung chung mà thôi. Còn trong quan hệ giữa người
với người, thì nó hầu như không tồn tại”.
Ông Herod đã đến làm việc của một nhân
viên cứu trợ vào những năm 80, và hiện nay đang sinh sống ở Tỉnh
Mondolkiri. Ông có bạn là người Việt lẫn người Khmer.
“Tôi có rất nhiều bạn bè, cả người
Cambodia lẫn người Việt Nam. Và khi tôi hỏi họ về vấn đề này, thì họ sẽ
nói rất nhiều thứ tồi tệ về người Việt. Nhưng nếu tôi lại hỏi, ‘thế anh
này hay cô kia thì thế nào?’ thì họ sẽ trả lời, ‘À, thì anh biết rồi
đấy, những người đó thì lại rất tử tế. Tôi thích họ.”
Đối với việc sử dụng từ “yuon”, ông
Herod cho rằng, “Tôi thì đương nhiên không dùng từ ấy khi trò chuyện …
Nhưng tôi lại không cho là nó có ý miệt thị đến mức mà chúng ta thường
nghĩ. Tôi cũng đã nghe nhiều người Việt dùng từ ấy nữa kìa.”
Nhưng ông nói thêm, “tôi vẫn hy vọng là từ ‘yuon’ sẽ biến mất, và chúng ta chỉ dùng từ người Việt để nói về người Việt”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét