22 thg 9, 2017

FM974Miến Điện - Đông Hồi: Người Khổ Nạn Rohingya - Đường Về Miền Đất Hứa



Chuyện Thế Giới Trong Tuần

Thứ Hai 18/09/2017

    Sau nhiều ngày gồng gánh, bồng bế dắt dìu nhau, chân trần không giày không dép trên những con đường đất sình lầy, băng qua mấy cánh đồng mênh mông ngập nước, cuối cùng đoàn người chạy nạn vươt qua được tới gần đường biên giới đất Đông Hồi, khói từ các ngôi làng bị cháy do quân lính Miến Điện đốt vẫn còn quyện xám xịch một màu trên đầu dãy rừng cây mờ mờ xa ở phía sau lưng họ.

    Người còn khỏe cõng người yếu đuối trên lưng hay khiêng bằng đòn gánh tre chặt vội từ đâu đó, trong đó có một người thanh niên, quần áo rách bương, đầy bùn, mang hai em bé mới sinh trong cái giõ tre ướt sũng, ngồi chờ đêm xuống để vượt qua sông Naf, con sông chia đôi hai bên Miến Điện Đông Hồi, đây là đoạn nguy hiểm nhất của chuyến đi, khi phải lần mò tránh những trái mìn gài dọc theo đường biên giới và băng mình dưới lòng sông nước sâu cuồn cuộn chảy. Ở một chỗ khác, có người thử thời vận sống còn bằng cách trả tiền để có một chỗ ngồi hay đứng trên một cái ghe đánh cá cũ kỹ, ọp ẹp với giá 250 đô la, số tiền quá lớn so với ở một quốc gia mà lợi tức trung bình khoảng không hơn 1000 đô la một đầu người.

    Theo cơ quan tỵ nạn của LHQ ước lượng đã có khoảng 400 ngàn người tới được đất Đông Hồi từ ngày 25 tháng 8, họ, đàn ông, đàn bà, trẻ em, bao gồm cả em bé mới sinh, phụ nữ có thai và người già cả, là người sắc tộc thiểu số hồi giáo Rohingya từ Miến Điện, nhóm sắc tộc được miêu tả là nhóm người thiểu số bị áp bức tàn nhẩn nhất trên thế giới. Họ đang trên đường chạy trốn các vụ càn quét bạo động ở tỉnh Rakhine vì chiến dịch làm sạch của quân đội Miến sau khi toán loạn quân Rohingya tấn công một số đồn bót cảnh sát biên giới vào tháng 8 vừa qua, giết chết hơn chục cảnh sát viên Miến.

    Nước mắt ràn rụa, chị Noor Mahammad, vừa đến được Đông Hồi, sụt sùi “quân lính nổi lửa đốt nhà chị, bắt con gái và chồng dẫn đi mà không biết là hiện giờ ở đâu, không còn gì cả ở Rakhine, họ tàn phá mọi thứ hết rồi”. Một trong những người tỵ nạn này, thu lại hình ảnh kinh hoàng ở làng cũng như chuyến đi bằng điện thoại đi động, họ đưa cho báo chí ngoại quốc có mặt xem. Miến Điện, đa số dân theo Phật Giáo, đã phủ nhận quyền công dân của người sắc tộc hồi giáo Rohingya, xem họ là người dân Đông Hồi nhưng Đông Hồi thì từ khước cho họ có được quyền làm dân Đông Hồi và các quyền chính trị khác, cho nên, người Rohingya trong thực tế, họ là những người không có tổ quốc.

   Zeid Ra’ad al- Hussein, trưởng cơ quan nhân quyền LHQ, không ngần ngại nói rằng, tình hình ở Miến Điện hiện tại không khác gì “hành động diệt trừ sắc tộc”, Yanghee Lee, người làm báo cáo đặc biệt về nhân quyền của LHQ ước lượng có khoảng hơn 1000 người Rohingya bị giết trong vụ bạo động này. Về phía chính quyền Miến Điện, họ cho biết chiến dịch này chỉ nhắm vào quân khủng bố và nằng nặc nói rằng, quân đội sẽ hạn chế việc dùng sức mạnh để tránh thiệt hại cho thường dân vô tội, nhưng đối với hàng trăm ngàn người Rohingya chạy nạn, không ai không biết mục đích thật sự của chính quyền Miến. Mohammad Kabir, một người tỵ nạn Rohignya khác, tức tối cho biết “quân đội giết họ chỉ vì họ là người hồi giáo, họ muốn tàn phá vùng Rakhine Hồi giáo này, anh cũng như  các người khác không muốn trở về nhà cũ, mà nếu có về cũng sẽ bị quân Miến giết”.

    Loạn quân Rohingya được biết dưới tên ARSA “Quân Cứu Thế Arakan Rohingya”, vừa tuyên bố sẽ tạm ngưng các vụ tấn công quân chính quyền Miến cho tới ngày 9 tháng 10, để các cơ quan cứu trợ có thể làm công việc giúp đở người tỵ nạn an toàn và dễ dàng nhưng chính quyền Miến bác bỏ chuyện này, người phát ngôn nhân của bà Aung San Suu Kyi, ông Zaw Htay cho báo chí biết, chính quyền Miến không thương thuyết với quân khủng bố. Bà Suu Kyi, được giải Nobel hòa bình năm 1991, bị thế giới liên tục chỉ trích về sự im lặng và bất động của bà về sự việc xãy ra, trái ngược hoàn toàn với cái hình ảnh quán quân tranh đấu cho nhân quyền mà thế giới đã dành cho bà trước đây, tin mới nhất, cho biết bà Suu Kyi, hủy bỏ chuyến đi họp đại hội đồng thường niên LHQ.

    Chỉ nội trong một ngày của tuần rồi, 300 chiếc tàu tới vùng Cox’s Bazar, Đông Hồi, chở đầy ngập người tỵ nạn Rohingya nhưng phần lớn các chiếc tàu này đều quá cũ, mục nứt nhiều chỗ, không đủ tiêu chuẩn an toàn trước những đợt sóng biển cao, cho nên đã có một số chìm ngoài khơi, không đến được bờ, có khoảng 80 người chết đuối khi cố vượt băng qua sông, trong đó nhiều đàn bà và trẻ con, không ai đến nhận thi hài, theo lời một người lính biên phòng Đông Hồi, họ đã đi cứ đi,  từng cánh đồng này qua cánh đồng kia trong suốt 5 ngày đêm, đuối lã, không còn đủ sức mà nhận ra thân nhân họ hàng. Không biết bao nhiêu đã bị thương hay chết vì đạp trúng mìn đặt dọc theo đường biên giới trên đất Miến Điện, một người đàn ông tỵ nạn đã đưa cho phóng viên báo chí ngoại quốc xem bức hình anh ta cầm hai trái mìn chưa nổ trên tay.

    Tại một vài địa điểm dọc theo biên giới, hàng ngàn người tỵ nạn Rohingya nằm trong tình thế tiến thối lưỡng nan, quá sợ hãi không dám trở về nhưng bị quân lính Đông Hồi chặn ngang trước mặt. Đói khát, mệt lã, tàn sức tàn hơi, mắt lơ láu tưởng chừng như chết rồi, lẳng lặng nhờ vào sự cứu giúp của các tổ chức cứu trợ thế giới và các người hảo tâm địa phương để có được chút miếng ăn chút nước uống, nhưng sau khi hoàng hôn xuống, trời tối mịt mù đen, hàng ngàn người như con rắn dài, nhúc nhích trườn mình bắt đầu đi tiếp trong đêm, lúc này, người bạn duy nhất của họ, của người tỵ nạn Rohingya là màn đêm u tối.

    Họ đến Đông Hồi để tìm xem cái gọi là “tai ương nhân loại” là cái gì ở vùng Cox’s Bazar mà hơn 400 ngàn người sắc tộc Rohingya đang gánh chịu, các chuyên gia của những tổ chức cứu trợ thế giới cho biết, hai trại tỵ nạn khẩn cấp và nhiều trại dã chiến đã được dựng lên do LHQ quản trị, đã đầy chật người, buộc số mới đến phải tự dựng lều ở dọc theo lề đường, trong rừng hay bất cứ chỗ đất trống nào có thể làm chỗ tạm dung thân được. LHQ, Hội Hồng Thập Tự, Hội Cứu Nhi Đồng và một số tổ chức từ thiện khác đã vội vã đến nơi trong cố gắng phân phối thực phẩm, nước uống, thuốc men và dụng cụ dựng nhà ở cho những người mới đến sau, con số người này cứ càng giờ càng tăng lên không có dấu hiệu giảm bớt, đa số người tới Đông Hồi là đàn bà và trẻ nít, hỏi vì sao, họ cho biết chồng và con trai đã bị bắt đi mất hay bị giết chết. Một lần nữa cũng như những người khác nói, quân lính Miến Điện đốt cháy tất cả, theo lời tuyên bố của chính quyền, đã có 196 ngôi làng người Rohingya bị đốt cháy và tàn phá hoàn toàn, họ còn đánh đập thanh niên đàn ông cho tới chết như trường hợp chồng của bà Dildar Begum, tương lai của những người tỵ nạn Rohingya đến được Đông Hồi vẫn chưa có gì sáng sủa nhưng số phận người còn lại bên kia đất Miến xem ra đau đớn và khốn đốn hơn nhiều.

    Ở lại, nhiều dân làng đã chạy lên những ngọn đồi cao rậm cây rừng trốn lánh, người ta ước lượng khoảng 30 ngàn, đang trong hoàn cảnh muôn phần nguy hiểm, không nước không thức ăn, sự chọn lựa duy nhất là nằm chờ, lần theo con đường chạy nạn của người đi trước. Báo chí ngoại quốc nhận được cú điện thoại của anh Mohamed Raffique, người thanh niên 24 tuổi Rohingya, còn kẹt lại ở Rakhine, thất vọng cho biết, họ, những người khốn khổ còn ở lại, chắc chắn sẽ chết vì đói nay mai, cũng còn một số ít, không biết phải làm gì, đành dắt nhau lẩn trốn đâu đó trong làng, hy vọng là sự càn quét của quân lính Miến sẽ mau chấm dứt.

    Mohamed Raffique, khóc sụt sùi trong điện thoại “hiện giờ anh và nhóm dân làng còn kẹt lại đã đi đến một ngôi làng khác nhưng không biết khi nào quân lính sẽ nổ súng và nổi lửa đốt làng này, nhưng hy vọng là anh sẽ tạm an toàn ở lại đây chờ, chờ trời ban ơn cứu độ”.

   


Thuyên Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét