Năm ấy là mùa hè năm 1971. Cũng như mọi năm, các kỳ thi Tú Tài 1&2 đều được tổ chức ở Nha Trang, nên bọn sĩ tử chúng tôi phải khăn gói ra “kinh” ứng thí. Năm nay, cũng không ngoại lệ mà xem ra còn trắc trở hơn vì các hội đồng thi không đặt tại Nha Trang mà lại đặt ở vùng ngoại ô có tên là Diên Khánh, cách gọi khác là Thành. Đi tìm ra trường thi là điều lo lắng đầu tiên, rồi mỗi ngày đi đứng ra sao cho kịp giờ thi, nơi tạm trú… bao nỗi lo lắng hoang mang. Nhóm bạn thi của tôi gồm 4 người: Chị Bon, xem như chị cả; Bạch Ba đã có nhà bà ngoại; Bích Nga có nhà bà nội; tôi cũng có nhà bà con nhưng… ngại lắm. Rồi cũng chẳng thể có lựa chọn nào khác nên cả tôi và chị Bon phải đến ở nhờ nhà ông bà Giao mà tôi gọi đến chức ông.
Ngày đầu tiên, cả hai đến nhà trong sự ân cần của mọi người, tuy vẫn còn ké né lắm, lát sau, xuất hiện thêm một bạn nam nữa, người ở Phan Thiết, cũng ra tá túc để đi thi. Hoá ra, đều là sĩ tử. Hơn một giờ đồng hồ, đến giờ cơm. Cũng làm mày làm mặt tí, cả hai xuống phụ dọn bàn, chị Bon hỏi nhỏ:
-Nhà người Huế hở?
– Ừ, chính gốc luôn.
Cả hai cùng im lặng, suy tư, nhưng trên sắc mặt hiện rõ sự căng thẳng. Nhà có vẻ “yên lặng, tề chỉnh” quá, không giống như cách sinh hoạt bát nháo của bọn mình vốn đều là con nhà làm ăn, lam lũ.
Bàn ăn là một bàn dài, cũng đến hơn 3m, cảm giác dài thăm thẳm khi nhà chỉ có 5 người và 3 vị khách, chính là bọn sĩ tử chúng tôi. Món ăn ngay từ dưới bếp, tôi đã mắc cười rồi. Ôi, nhà người ta thật hào nhoáng, kiểu cách lại thanh tao, giờ tất cả được đặt lên bàn ăn thì mới thấy với mình là… đại hoạ. Cả nồi cơm chỉ lớn bằng cái tô đựng canh của nhà tôi, lại dùng cho cả tám người, trong đó tội nhất là anh chàng kia, đang sức trai. Cái chén xới cơm thì lại chỉ bằng cái chén đựng nước chấm ở nhà, cá kho được xếp có đầu có đuôi mỗi dĩa chỉ đúng 3 con, mà con cá chỉ hơn ngón tay trỏ, rau luộc cũng được xếp thật đẹp với 2 lớp rau, dài ngắn đều nhau, thật ngay ngắn, canh được đựng trong những cái tô mà nếu ở nhà, khi lười, hoặc giận dỗi ai là tôi đựng đủ bữa cho mình, ra ngồi một góc riêng, còn nước chấm thì cũng trong chén nhỏ hơn chén xới cơm… mỗi món đều dọn 3 phần, trải đều trên mặt bàn dài, tất cả đều là đồ kiểu, thật sang trọng, đẹp mắt, hấp dẫn theo đúng câu “nhà sạch thì mát, bát ‘đẹp’ ngon cơm” nhưng cơm ít quá so với sức trẻ bọn tôi.
Bữa cơm diễn ra trong yên lặng sau tiếng mời chào. Cả nhà sao, mình vậy, không nói chuyện, đũa không chạm chén, từ tốn mà ăn… mà không từ tốn sao được? Tôi ngồi kề nồi cơm, xới cơm mỗi chén chỉ lưng lưng là đã muốn vét nồi rồi. Hình như thói quen người ta ăn uống nhẹ nhàng, thanh tao, chẳng ai thêm cơm. Chỉ mỗi bạn nam kia rụt rè mãi rồi cũng đưa chén xới thêm, tôi đá nhẹ chân chị bạn dưới gầm bàn, kín đáo nghiêng chén cho chị thấy, cả hai lặng lẽ cười và thương bạn ấy quá. Trong cái chén, nguyên bộ xương cá nằm dài trong ấy. Bạn chẳng biết bỏ ở đâu? Có lẽ theo thói quen ở nhà, bạn ấy đã gắp nguyên con vào chén.
Sau bữa cơm non 30 ph, chờ cho mọi người trong nhà ngủ trưa, hai chị em ra vườn, vừa ngồi xuống chiếc xích đu, cả hai cùng một câu hỏi: Đói không? Ha… ha… Vậy là quyết định đi chợ thôi. Muốn rủ bạn nam kia, nhưng xui cho bạn ấy, nằm tận trên phòng khách, thôi, ráng chịu vậy. Vừa định đi, thì cô con gái gia chủ đi ra, tôi mời luôn cô ấy (theo vai vế tôi gọi bằng cô) cùng đi. Ra tới chợ, nhờ cô ấy dẫn đường, cả ba đến thẳng hàng đồ ăn và giờ thì đến lượt cô ấy ngỡ ngàng: hai chị em “thẳng tay sát phạt”, từ hàng bún đến hàng chè, trước khi ra về trên tay còn cầm thêm cái bánh mì ngọt kẹp kem có thêm vài hạt đậu phọng rang và sữa đặc, thơm lẫy lừng. Không quên mua thêm ít trái cây để mời “cả nhà tráng miệng”. Ngay trưa ấy, tôi mượn xe chở chị Bon xuống Diên Khánh để tìm trường thi, gặp lại nhóm bạn, tính toán cùng nhau và đi đến quyết định: sẽ tập trung ở nhà Bạch Ba vì bạn ấy cũng ngại đi một mình, đường xa và hơi khó đi, Bích Nga thì có anh em đưa đón, lại vui nữa, chứ thật tình mà nói, ở bên nhà ông bà ngại quá. Nhà quá nề nếp, lại là người dân đất Thần Kinh, bọn tôi khó hoà nhập lắm. Cả ngày mà thiếu cười không giỡn thì còn gì cuộc đời chứ? Vậy là tối đó, trước khi về nhà, cả hai lo dằn bụng trước, rồi cũng “nâng chén” mời mọc; sau đó, thưa thốt hẳn hoi cùng lời cảm ơn sâu sắc, mời cô Dương và cả cậu trai kia đi chơi tối, ăn chè từ giã. Khổ cái, anh chàng kia ngại hay cần mẫn không biết, cậu ta từ chối để ôn bài. Xì, làm như chỉ cậu ta đi thi… Kệ đi, tụi tôi vô tư, chẳng ảnh hưởng gì đến nhau.
Giờ thì tha hồ, ba người nhập một. Nhà ngoại Bạch Ba vốn bình dân, cô con gái cũng cùng trang lứa nên phát huy tối đa năng lực. Ba ngày thi cũng trôi qua nhanh chóng. Chiều cuối cùng, tâm trạng ai cũng phơi phới như trút xong gánh nặng ngàn cân. Lên xe từ Diên Khánh về Nha Trang trong niềm vui và hẹn hò “ngày mai, xuống lại Thành, vào thăm nội Bích Nga ở tận trong vườn xa, chiều về”. Ra đến quốc lộ chờ đón xe. Thấy có xe, thì lên xe. Hoá ra, bọn mình ra trễ hay sao ấy? Trên xe không có thí sinh, không ai, ngoài 3 gã trai cái mặt hí hất, mới nhìn đã thấy khó ưa. Mà thôi kệ họ, chỉ mươi km thôi mà. Một trực giác thật nhạy, tôi và chị Bon đưa mắt nhìn nhau. Xe chạy, lắc lư bọn tôi 4 đứa, thiếu gì chuyện để nói… chợt có một anh chàng lên tiếng:
– Nãy giờ mình cùng trên một chuyến xe, sao không làm quen nhau?
Yên lặng.
Vẫn giọng nói ban nãy tiếp tục:
– Hình như các cô vừa qua kỳ thi, có phần căng thẳng?
Chị Bon không nói, tôi không trả lời thì hai bạn kia còn lâu mới lên tiếng.
– Hay mình làm quen nhau đi. Nói chuyện vẫn vui hơn. Thi cử đã căng thẳng lắm rồi.
Tôi nghĩ thầm:
Hứ, tài lanh, còn nói giọng kẻ cả. Tôi nhìn chị Bon, phát tín hiệu. Bắt đầu căng thẳng rồi. Ừ, muốn vui sẽ tìm nguồn vui đây. Tôi nhủ thầm.
Người xưa đã nói “cái miệng hại cái thân”, một kiểm chứng nhỏ của hôm nay, cái anh chàng ba hoa nãy giờ lại cất tiếng:
– Nam nhi chi chí, tôi xin mạnh dạn tự giới thiệu trước với các cô, đây là anh Sang (người đang cầm lái), còn tôi tên Kiết…
Câu nói đang bỏ dở… thì cái nháy mắt được trao đổi nhanh, chị Bon tằng hắng cất cao giọng giới thiệu:
– Còn tui đây chính danh là “Bón”.
Ha…ha…trận cười lăn lóc nổ ra… chị rất tỉnh, quay sang nhìn tôi nói:
-Em tự giới thiệu luôn đi.
Tôi từ tốn thêm:
– Thật ngại quá. Đã vậy thì cũng xin thưa, tui tên “Lỵ”.
Ha…ha… cả hai phía cùng cười, nhưng bạn Kiết mặt mày đỏ lựng, vẻ đầy nghi hoặc, liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến khôi hài như vậy không?
Sau trận cười, tâm tình như cởi mở hơn hai phe cũng có vài câu chuyện đổi trao, gần đến nơi, tôi tỏ thiệt cho họ biết “trên đời không có gì là không thể nhưng cũng không phải tất cả đều có thể” nên: “tên Bon là thật mà tên Lỵ là đùa, rằng nếu có bệnh thì chỉ “kiết bón” là đủ chết rồi, đừng thêm kiết lỵ cùng lúc… Nhưng chuyện đời cũng lắm oái oăm, bài học tôi tự ngẫm cũng “đau” không kém. Vào đến phố, theo lẽ thường xe sẽ đưa về bến, đàng này, tài xế ân cần hỏi:
-Nhà các cô ở đâu? Ở chung hay nhiều chỗ, cứ báo số nhà, tên đường tôi đưa về luôn.
Trời ơi, thật hay đùa vậy trời? Nãy giờ có đá động gì đến tài xế đâu? Đừng đùa dai nghe. Nhìn lại “bác tài” thấy từ dáng vẻ đến sắc diện cả bọn bắt đầu ngơ ngác, bán tín bán nghi, khi ấy bạn Sang mới từ tốn lên tiếng:
– Các cô cứ chỉ đường đừng ngại. Nhân chuyến công tác, thấy các cô chờ xe nên mời đi cho vui, với lại cũng muốn giúp sĩ tử… mai kia tên chói bảng vàng thì đừng quên anh Kiết.
Ha…ha…, vui thật nhưng lần này tôi cười không nổi! Mà dẫu có cố cười thì cũng chỉ là cái nhếch môi méo mó…
Hoá ra, lúc nãy, khi đón xe về, cứ thấy xe dừng, hỏi đi, là cả bọn leo lên, không để ý là xe chở khách hay xe nhà, vậy là, cả bọn là người đi nhờ xe, là quá giang, là đang nhờ vả người ta, là đang mang ơn, vậy mà còn trêu ngươi, chọc ghẹo một cách lố lăng. Xuống xe, cả bọn cất lời cảm ơn. Lời thật nhất, chân thành nhất từ nãy đến giờ, riêng tôi sâu xa trong tâm hồn là một sự xấu hổ đến ngậm ngùi!
Thai Ly.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét