18 thg 6, 2024

Chữ nghĩa làng văn kỳ 15/6/2024 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

 

Chữ nghĩa làng văn

***

Diêm vương 閻王 

Diêm vương là vua của địa ngục, là thần chết. Nhưng diêm là gì?

Diêm là lối gọi tắt của từ “Diêm la”, mà Diêm la trong tiếng Hán phiên âm từ Yama trong tiếng Hindu, là vua của địa ngục.

Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Nguyễn Trương Quý, tác giả của nhiều tập tản văn về Hà Nội, trong một bài viết của mình từng kể lại cà phê vốn là thức uống dễ thấy ở Sài Gòn, nhưng sự có mặt của nó trong đời sống Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung chỉ nổi lên khi đường sắt Đông Dương khánh thành năm 1936, đi mất 40 giờ, nhanh hơn so với đường tàu biển đi cả tháng trời; khi ấy cà phê mới có được giá rẻ hơn và bán rộng rãi hơn. Cùng với sự tăng lên không ngừng của bộ phận công chức và trung lưu thành thị, không gian văn hóa cà phê dần trở thành một ý niệm quen thuộc; tuy nhiên nó vẫn còn mới mẻ, lạ lẫm với văn hóa làng xã tại các thôn quê. Từ cô hàng nước của Vũ Huyến (Vũ Minh) tới cô hàng cà phê của Canh Thân là cả một sự chuyển dịch văn hóa không ngừng mà ở đó mỗi đại diện được xem như một di chỉ văn hóa.

 (Nhạc sĩ Lê Văn Thương)

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919-2002) là một trong những nhạc sĩ thời tiền chiến. Tác phẩm tiêu biểu: Đêm đông, Trên sông Hương, Bình Trị Thiên khói lửa, v…v…

Khác với Nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996) với tác phẩm Thằng Cuội, Hòn Vọng Phu. Ông mất tại nhà riêng ở đường Bùi Viện (cùng với Lê Văn Trương), Sài Gòn.

Săng

 Săng : cây, gỗ

(săng là quan tài bằng gỗ)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Trong truyện Ỷ thiên đồ long kiếm của Kim Dung có câu nói để đời của Minh giáo chủ:

Đời chẳng có gì vui, chết chẳng có gì buồn”.

Sinh phần

Người xưa nói rằng:

"Nhất mệnh, nhì vận, tam âm công, tứ phong thổ, ngũ độc thư".

 Ý là số phận con người còn phụ thuộc vào mồ mả và phước đức ông bà, tổ tiên để lại, còn chuyện học hành, cố cho lắm mà không gặp thời vận thì cũng chỉ là tên cuồng nho, mọt sách mà thôi.

Vì vậy cac cụ ta xưa xây sẵn một sinh phần (huyệt mộ).

 Trần gian vốn là mộng

 Đường trần ta lại rong chơi
Vui thêm bước nữa buồn thôi trở về
(Hư Trúc)

 Phố Phái - 1


Một vài người bạn ở các đô ngoài về ăn Tết thấy các quán cà phê (quán cà phê Lâm Tóet) đều đây đó treo tranh thật (dĩ nhiên là có cả Phố Phái) đều gật gù: "Hữu ngạn Sông Hồng (ý nói Hà Nội) kém gì tả ngạn sông Xen (ý nói Paris)". Một vài khách tỏ ý thích tranh Bùi Xuân Phái nhưng có nhiều mái nhà hay góc phố không được giống với thực địa ở phố. Cũng lại trong số bạn hàng quen của quán, có người cả tiếng bênh họa sĩ: "Có thể có một số chi tiết không giống. Nhưng đây là người ta vẽ. Vẽ khác hoàn toàn chụp ảnh. Sáng tạo hội họa không có nghĩa là chụp ảnh, chộp ảnh kiểu phó nhòm tầm thường". 


Rồi chuyện cà phê tranh ảnh kéo sang chuyện như phố mới khu mới của Hà Nội mở mang thêm từ đây. Đúng, - có người lên giọng - xây dựng Hà Nội mới, không ai lại đi dập theo nhà cũ phố cũ (Tây thuộc địa ngày xưa gọi là quartier indigène - khu vực người bản địa, chật chội) . Nhưng nên nhớ rằng sau thế chiến hai, một số thành phố và thủ đô bị san bằng, nay xây dựng lại như cũ, từng phố từng nhà cất đúng lại như cũ. Mặt ngoài như cũ. 

(Nguyễn Tuân - Hà Nội 1983)

Tiểu sử:Nguyễn Tuân sinh ngày 10.7.1910 tại làng Mọc, Hà Ðông.Mất ngày 28.7.1987 tại Hà Nội.


(tranh Chóe – Nguyễn Hải Chí)

Tác phẩm: Cái ấm đất, Chém treo ngành, Chùa đàn, Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Ngọn đèn dầu lạc, tùy bút Nguyễn, v…v…

Trần gian vốn là mộng

 Ngày mai chẳng biết ra sao nữa
Mà có ra sao cũng chẳng sao

Phố Phái - 2

 

Tranh Bùi Xuân Phái nhất là phố cũ Hà Nội có một giai đoạn dùng những màu ấm nóng, nâu đốm nâu nhạt. 
Màu gạch tường kinh niên, màu ngói già, trăm năm mưa nắng. Gần đây tranh Bùi Xuân Phái, màu nhẹ nhõm. Nó chắc nịch cái màu đá, xanh xanh cái màu cựu thạch khí, lờn lợt cái màu tân thạch khí và thanh thoát cũng vô cùng. Phải chăng nét bút xuống tay càng già thì màu càng bay lên. 
Hà Nội xưa chưa có những tập san có tranh, phụ bản, bài khảo cứu về Hà Nội xưa (trước đây có tập kỷ yếu Amis du Vieux Huế). Thưởng thức tranh phố Phái, người Hà Nội - Hà Nội hiểu theo nghĩa thủ đô - người ở trong nước cũng như lênh đênh bốn biển, đều thèm những tập san về Hà Nội cả xưa cả giờ, kèm nhiều phiên bản tranh phố Phái.

 


Bùi Xuân Phái người Hà Nội, quê làng Kim Hoàng, Hà Đông. Sinh ngày 1.9.1921.

Năm 1941 vào trường Mỹ Thuật Đông Dương. Bắt đầu vẽ phố. Tham dự triển lãm Tokyo. 1946: Dạy trường Mỹ Thuật Việt Nam: Giai đoạn vẽ nhiều tranh bột màu trên báo cũ. Vẽ nhiều chân dung: Giải thưởng triển lãm Thủ đô (“Ô Quan Chưởng”, sơn dầu) 1984. Được mời qua Paris triển lãm, nhưng ngã bệnh nặng và mất ngày 24.6.1988 tại Hà Nội.

(Nguyễn Tuân - Hà Nội 1983)

Trần gian vốn là mộng

 Sống là khách qua đường
Chết là về cố hương
Trời đất là quán trọ
Bụi muôn đời xót thương

Chém treo ngành

Những người bị hành hình là dư đảng của giặc Bãi Sậy, bằng nghệ thuật tả chân đường gươm tuyệt diệu của tên đao phủ, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc ta/ cảnh giết người làm trò chơi tiêu khiển.

“Một tiếng loa. Một tiếng trống. Ba tiếng chiêng. Rứt mỗi hồi chiêng mớm, thì một tấm linh hồn lại lìa khỏi một thể xác. Tùng! Bi li! Bi li!. Bát Lê bắt đầu hoa không thanh quất mấy vòng. Rồi y hát những câu tẩy oan với hồn con tội. Trong nhà rạp, các quan chỉ nghe thấy cái âm lơ lờ rờn rợn, quan công sứ chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù múa hát đến đâu thì những cái đầu tội nhân bị quì kia chẻ gục đến đấy, những tia máu phun kêu phì phì, vọt cao lên nền trời chiều. Trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống.”

Nguyễn Tuân và Thạch Lam những nhà văn Việt Nam đầu tiên xử dụng lối mô tả tàn bạo y như Sholokhov trong tác phẩm Sông Don Thanh Bình (The Quiet Don) với những đường gươm bửa đôi đầu địch thủ, bằng những nét chấm phá tuyệt diệu tác giả đã tô điểm thêm bản cáo trạng tội ác của bọn sát nhân như sau.

“Bát Lê làm xong công việc, không nghỉ ngơi, chạy tuốt vào đứng trước nhà rạp. Bấy giờ quan Công Sứ mới nhìn kỹ. Y mặc áo dài trắng, một dải giây lưng điều thắt chẽn ngang bụng. Thấy trên quần áo trắng của y không một giọt máu phun tới, quan Công sứ gật gù hỏi quan tổng đốc để nhớ lấy tên họ một người đao phủ có lối chém treo ngành rất ngọt. Ngài thưởng cho Bát Lê mấy cọc bạc đồng bà lão.”

Tác giả đã ẩn mình vô cùng khéo léo dưới cách mô tả nghệ thuật hành hình.

“Lúc quan Lưu Trú cầm mũ áo từ về tòa sứ, quan Đổng lý Quân vụ còn ân cần buộc ông thông ngôn Nam Kỳ dịch cho đủ câu này.

- Bẩm quan lớn, chém treo nghành như thế này là phải lựa vào những lúc việc quân quốc thanh thản, số tử tù ít ít thôi. Vào những lúc nhộn nhạo quá, tử tù đông quá, thì ty chức đã có cách khác. Là chẻ đôi cây tre đực dài ra, cặp vào cổ tử tù xếp hàng và nối đuôi quì hướng về một chiều. Đại để nó cũng như là cái lối cặp gắp chả chim mà nướng ấy. Rồi Bát Lê sẽ cầm gươm mà róc ngang như người ta róc mắt mía.”

 (Đọc “Chém treo ngành” của Nguyễn Tuân – Trọng Đạt)

 Trần gian vốn là mộng

 Bỗng nhiên ta gặp lại ta
Bồng bềnh trong cái gọi là nhân gian
(Thái Thanh Nguyên)

Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

 Cùng một bàn. Những tách cà phê đã vơi. Sắp mời ông đi tiệc tùng buổi trưa đây. Nhưng cuộc trò chuyện càng lúc càng gần gũi hơn, dù ông chỉ lắng nghe, ít phát biểu. Ít cả nụ cười. Ông được đón tiếp nồng hậu. Bùi Giáng khinh bạc nhưng rất mực yêu mến những tài năng, từng rất mê đắm Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tản Đà.  Lúc này, Bùi Giáng nhìn Hữu Loan một cái nhìn trôi nổi, một ánh mắt có thể gọi là thơ dại, trong ngần như ánh trăng.

Thường khi ngồi uống rượu hay cà phê cùng anh em Bùi Giáng chỉ ngồi một lúc rồi đứng dậy đi nghêu ngao, ra đường chặn xe cộ, đùa chơi. Có khi biến mất luôn chẳng chào chia tay một ai. Hôm nay, Sáu Giáng ngồi rất lâu. Bùi Trung Niên Thy Sỹ một thời trẻ chăn dê nơi núi đồi Quảng Nam, là rất đắm đuối với “Lá hoa cồn”, cùng “Đồi sim trái chín”.

Trò chuyện với Hữu Loan, mến ông là một người hiểu biết về văn chương, học thuật. Dễ là chốn tri âm, tương phùng. Có thể do ông trưởng thành vào thời kỳ nước nhà còn lưu giữ những nền móng đạo lý, những thứ vốn văn hóa quý hiếm của giống nòi.

Gặp ông, ngoài những chia nhau nỗi oan giữa đời, còn là một điều khá thú vị, vì chúng tôi có một cái thói, rất “thoái trào” trong thời đại “cơm áo gạo tiền”, là lúc chung trà chén rượu cùng nhau, chỉ rặt bàn luận văn chương, triết học, âm nhạc nghệ thuật...

(Cung Tích Biền)

 Trần gian vốn là mộng

 Yêu ghét ta chẳng bận lòng
An nhiên tự tại thong dong bên đời

 Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh

Cuộc chiến chưa diễn ra thì cái lẽ thắng bại đã hiện ra rồi. Những quy luật tương xung tương hợp, luật nhân quả... may thay, vẫn ngự trị trên cõi đời này. Con gà tía ở với cụ giáo Hợi thì bách chiến bách thắng. Nhưng về tay Mão Sếch thì thậm chí biến thành con gà đạp mái. Vũ Ngọc Tiến đã đẩy cái ý tưởng này lên cao đến nỗi phải viện cả lẽ âm dương ra đây. Tôi lại xin trích câu nói của cụ Huy bàn về con gà tía khi nó ở trong tay Mão Sếch:

“Sự buồn nản của gà tía đã dồn xuống đôi chân có vẩy quý tướng rồi, bác chưa biết đấy thôi. Hai mặt âm dương của chân gà đã mất cân bằng, âm đang thịnh lên, dương bắt đầu suy...” Than ôi! Làm hèn đến cả bậc anh hùng lừng danh thì cái gã Mão Sếch kia và lũ lâu la của hắn thuộc loại người như thế nào? Sự thật còn sờ sờ ra đấy, những nhà văn như ông nào có muốn ẩn ý gì đâu? Tôi không bàn đến chi tiết cuộc chiến ấy nữa mặc dù tác giả đã tả rất kĩ, rất hay, kể cả những tay đá gà chuyên nghiệp đọc đến chắc cũng phải bái phục. Chỉ biết rằng tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc đến đoạn cụ giáo Hợi xô cửa chạy vào khóc con gà tía: “Ôi tía ơi! Tía ơi! Đường xa, xe kẹt, ta đến muộn, đã hại chết con rồi tía ơi là tía ơ... ơi...”

 Một anh hùng đã phải ôm hận nghìn thu. Hình ảnh lũ Mão Sếch kia lủi thủi ôm đầu, chuồn khỏi bãi chiến trường mây đen vần vũ... khiến tôi chợt nghĩ tới những “cái đầu lạnh” trong câu chuyện “Chù Mìn Phủ...” ở trên. Quả không phải là một cuộc đá gà nữa rồi...
Và đó mới thực sự là những tác phẩm văn học viết về chiến tranh, văn học chiến tranh của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.

(Phạm Lưu Vũ) (*)

 Tiểu sử (*) tên thật: Phạm Khắc Lưu, bút danh khác: Vũ Phong Lưu - Sinh năm 1957 tại  Nam Định

Tác phẩm: Bữa tiệc nhân sinh - Vai diễn cuối cùng - Chuyện Làng Kinh - Sự tích núi Mồ côi - Gã động kinh - Chính danh - Ngón tay Phật Tổ - Nhà hiền triết

 Trần gian vốn là mộng

Đi trong cõi mộng ta đừng mộng
Đứng giữa đất trời chẳng ngóng trông
Ngồi đây soi bóng mình qua lại
Nằm ngủ mơ màng nhớ tánh không

Những nhà văn miền Nam trước năm 1975

bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn - 1

Thảo Trường thì cho rằng: “Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng nên một vấn đề có khi…rất lớn.” Phát biểu nghe nhẹ nhàng, nhưng lại nặng ký! Bàn về tính cách của truyện ngắn, Bình Nguyên Lộc nhận xét rằng: “Truyện ngắn phải cô đọng, súc tích.

Có tác giả cho rằng truyện ngắn gần với thơ. Đó là “Một thể văn cô đọng gần như thơ,” theo Viên Linh; Võ Phiến, truyện ngắn là “thứ thơ tản văn và có it nhiều tình tiết”; và Nguyên Đông Ngạc thì khẳng định “Truyện ngắn gần giống như thơ Ðường ở nội dung.” Dương Nghiễm Mậu mở rộng hơn khái niệm này khi cho rằng: “Truyện ngắn gần với thơ, kề cận thân thiết với đời sống ấu thơ và những kỷ niệm của tác giả, nó như những bước đi đầu vừa ngỡ ngàng vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng, hoặc bất ngờ hung hãn như một nhát chém.”

 Bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn, theo kinh nghiệm riêng của mình, Túy Hồng thú nhận rằng viết một truyện ngắn cũng mất nhiều thì giờ, “có khi hai ba tháng chưa ra một truyện.” Nó “đòi hỏi nhiều công phu và hy sinh.” Vì sao? Vì bà “chú ý mạnh đến cách sử dụng từ ngữ và tâm lý nhân vật hơn là tìm cốt truyện và bố cục chuyện. Tôi chú ý thật nhiều đến đoạn kết

Trong lúc đó, Nguyễn Thị Hoàng có một cái nhìn tương đối khác. Theo bà: “Một truyện ngắn phải là một chuỗi liên tục của biểu tượng nào đó, nên phải được thoát ra, như một hơi thở không dứt. Vì vậy, khi viết, từ chữ đầu cho đến chữ cuối của một truyện ngắn, tôi thường không nghỉ viết một lần nào, mà chỉ một hơi liên miên cho đến khi xong.”

 Dù không nói rõ ra, nhưng ta thấy nhà văn này viết nhanh, viết ngay, viết cho xong để bắt kịp với cảm hứng tuôn trào của mình.

 (Trần Doãn Nho)

 Trần gian vốn là mộng

Ngày sau nếu không là tôi nữa
Sỏi đá vô tri chắc cũng buồn
(Đăng Học)

Những nhà văn miền Nam trước năm 1975

bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn - 2

 Trong nghệ thuật viết truyện ngắn, Cung Tích Biền tổng hợp hơn. Theo ông, “Mỗi truyện ngắn có một ‘định mệnh’ với người viết; đẩy ra một chân trời, hoạt họa một chân dung, bày tỏ một thế giới mới.” Trong hầu hết truyện ngắn của ông, có cái nhanh, đó là cốt truyện: “Nghĩ ra thật nhanh, thoáng vụt, chỉ như một trực giác”. Nhưng khi cầm bút viết thì tiến trình chậm lại, vì “cần trải đáy lòng, soi tìm những súc tích, thâm thúy, những vì sao lạ trong ngôn ngữ. Tôi thường nghĩ tới công việc một nhà điêu khắc. Trong thế giới văn chương, những truyện ngắn là những phiến ngà lấp lánh; đa thể và biến dịch từ mỗi người đọc.”

Các nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lê Tất Điều, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Sơn Nam, Thế Uyên và Trùng Dương thì quan niệm có phần dễ dãi hơn. Với Nguyễn Thị Thụy Vũ: “Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời.”  Với Lê Tất Điều: “Bắt gặp một ý tưởng, một mẩu đời sống tự nói lên đoạn trước đoạn sau của nó, một sự kiện đáng kể không đòi hỏi sự mô tả chính xác, thứ tự như một ký sự…tôi viết thành truyện ngắn.”

Sơn Nam đề cập đến cách viết nhập đề và kết thúc của truyện ngắn: “Nhập đề phải gọn và nhanhkết thúc đúng nơi, đúng lúc trong phạm vi năm ba hàng mà thôi.

Với Thế Uyên, truyện ngắn là một “khoảng ngắn của đời sống của cuộc đời.” Riêng Trùng Dương có một cái nhìn hơi khác. Theo bà, viết truyện ngắn phải có cái duyên dáng trong lối kể chuyện, “tựa như công việc của một họa sĩ hí họa tài ba.”

 (Trần Doãn Nho)

 Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 1

 Thụy Khuê: Thưa anh bài vở trong Nhân văn số 1, sửa soạn và thu thập như thế nào?

Hoàng Cầm: Số một thì mới đầu tôi cũng chưa định viết bài gì cả. Đầu tiên tôi thấy anh Lê Đạt có một bài thơ tên là Nhân câu chuyện mấy người tự tử. Tôi bảo: "Hãy giữ lấy bài thơ đó đã". Bài thơ dài và rất mới mẻ. Thế rồi cũng lại chính anh Đang gợi ý cho tôi, anh Đang bảo: "Cậu viết đi! Cậu viết một bài báo hay bài văn gì về Trần Dần, viết thế nào cũng được, nhưng phải có một bài về chuyện Trần Dần”. Trần Dần với Tử Phác vừa bị trong quân đội nó bắt giam. Thế rồi anh Trần Dần anh ấy mới cứa cổ tự tử, vì thế nó mới đánh động lên cấp lãnh đạo cao nhất là ông Phạm Văn Đồng rồi đến ông Nguyễn Chí Thanh. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Chí Thanh mới biết chuyện Trần Dần bị oan ức gì mà lại tự tử thế này, rồi ông ấy mới mua quà đem vào bệnh viện cho Trần Dần. Anh Trần Dần anh ấy tự tử trong một cái hầm, vì nó bắt giam anh ấy vào cái hầm có độ 4 mét vuông, 37 bậc đá. Thì ở đấy anh ấy mới bày ra cái trò tự tử, chứ thực sự anh ấy không tự tử, sau này tôi mới biết thế. Lúc bấy giờ tôi chả có tin tức gì, chỉ biết là anh ấy bị bắt đi, mà không biết là đi đâu, không thấy về nữa.

 

Thì chính anh Nguyễn Hữu Đang lại gợi ý cho tôi: "Cậu nên viết một bài về Trần Dần, vì nó đang là vấn đề sốt dẻo, mà là vấn đề lớn nhất trong những thắc mắc của văn nghệ sĩ trong lớp học 18 ngày. Việc Trần Dần và Tử Phác bị bắt làm xao động tất cả giới trí thức, văn nghệ sĩ lúc bấy giờ’.

 

 (Chân dung Nguyễn Hữu Đang theo Hoàng Cầm – Thụy Khuê)

 Trần gian vốn là mộng

 So với cái mênh mông của vũ trụ
Thì nỗi buồn hạt bụi có ra chi

 Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 2

 Thế là số một có bài thơ của Lê Đạt cũng đã hấp dẫn rồi, thêm tôi viết bài Trần Dần và một số bài khác nữa cũng đều nêu lên những cái thắc mắc trong lớp học 18 ngày ấy.

Khi báo ra thì quả nhiên nó gây tiếng động, như ông Nguyễn Tuân ông ấy nói - Hôm ấy đang ở cơ quan Hội văn nghệ, ông Nguyễn Tuân trải tờ Nhân văn số 1 ra, ông ấy chỉ vào bài Con người Trần Dần, nhưng ông ấy không nói về bài này, ông ấy bảo: "Bài này thì nó cũng nguy đấy, thế nhưng không hay bằng cái này"; tức là cái tranh họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần. Rất là giống, không những giống, nhưng mà nó lại đúng tính cách Trần Dần. Một tính cách rất kiên quyết, mạnh bạo, liều lĩnh, có thể cho là phá phách nữa. Cái sẹo mà anh Trần Dần cứa vào cổ thì Nguyễn Sáng đưa cái sẹo ấy lên thành nét nổi bật trong chân dung Trần Dần.

Cái bức  tranh ấy nó gây ra những suy nghĩ cho người đọc. Thì chính ông Nguyễn Tuân còn chỉ vào tranh bảo: "Cái này nó mới ghê này!"Thì đấy, tác giả viết, hoặc vẽ, nhưng cái chính là cái gợi ý của anh Nguyễn Hữu Đang.

 (Chân dung Nguyễn Hữu Đang theo Hoàng Cầm – Thụy Khuê)

 Trần gian vốn là mộng

Sống trong cõi mộng ta đừng mộng
Ở chốn vô thường ta vẫn thường

 Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 3

Còn một chuyện nữa là trước khi ra báo thì các anh em đã rậm rịch nói với nhau rồi, cho nên tin tức đều đến tai lãnh đạo cả. Thì lãnh đạo, tức là bộ chính trị, đã bố trí cho ông Võ Nguyên Giáp mời Nguyễn Hữu Đang lên nói chuyện, mời riêng đấy. Còn ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ cũng là bộ chính trị thì mời Lê Đạt và ông Lê Liêm lúc bấy giờ là Tổng cục phó tổng cục chính trị thì mời tôi.

 

Như vậy là ba ông ủy viên bộ chính trị gặp những người chủ chốt của Nhân văn, và nếu mà ba ông ấy thuyết phục được ba người đó đừng ra báo, thì thôi, coi như là yên ổn cả, không có chuyện gì. Ông Lê Liêm gặp tôi đến ba buổi tối trong nhà khách của quân đội, ông Giáp thì gặp anh Đang, ông Lê Đức Thọ gặp anh Lê Đạt, tất nhiên là để nói đến chuyện ra tờ báo, thì họ cũng lấy tình đồng chí, tình bạn bè, khuyên bảo, chứ không phải để ra lệnh gì. Ông Lê Liêm gặp tôi rất khiêm tốn, nói hết những cái: đảng có thể có những sai lầm này, sai lầm khác v.v.. trong việc lãnh đạo văn nghệ. Tự ông ấy nói ra để cho mình hiểu và yên tâm là đảng cũng biết đấy, để đảng sửa dần, để cho mình muốn nói cái gì về đảng trên tờ báo của mình thì mình rút đi, rút lui cái ý kiến trên báo ấy đi. Mục đích của những cuộc gặp đó là như thế.

 

Khổ một nỗi là lúc bấy giờ những thắc mắc của anh em văn nghệ nó ồn ã lắm. Mà nó nhiều cái sâu sắc lắm, nên anh Đang anh ấy kiên quyết là không, cứ phải ra báo, phải ra báo thì mới nói được. Anh Đang kiên quyết ra báo. Tôi thì ra cũng được mà không ra cũng được. Thế là trong nội bộ của mấy anh em hoạt động nhất trong báo Nhân Văn là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và tôi cùng thống nhất với nhau là cứ ra. Thế là ra được Nhân văn số 1.

Buổi nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm tạm ngưng ở đây. Xin thành thực cảm ơn hai nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt, lại một lần nữa cho chúng ta biết thêm những thông tin về chân dung Nguyễn Hữu Đang và về phong trào Nhân văn Giai phẩm.

 (Chân dung Nguyễn Hữu Đang theo Hoàng Cầm – Thụy Khuê)

 Trần gian vốn là mộng

Trần gian vốn là mộng
Thực hư cũng là mộng
Say mộng hay tỉnh mộng
Đều là mộng mà thôi
(Thanh Từ)

Võ Thị Hảo vầng trăng mồ côi

Võ Thị Hảo xuất hiện năm 1993 qua tập truyện ngắn Biển Cứu Rỗi. Tác phẩm đoạn tuyệt cuộc chiến đã qua và khai chiến với hòa bình hiện tại. Mười hai truyện ngắn với bút pháp chắc nịch, những nhân vật rờn rợn, điên người, trong không khí hậu chiến của một đất nước ham sống, sợ chết, một đất nước muốn vươn lên nhưng cứ rũ ra, gục xuống, ôm bụng cười sặc sụa, cười ằng ặc trong bàn tay đùa dai của tử thần chơi trò ú tim bóp cổ.

Võ thị Hảo thuộc thế hệ chối bỏ cổ tích, không tin "thần thoại chiến trường". Chị viết với niềm tin của chị về một xã hội tan chiến nhưng chưa tàn chiến.

 

Người đọc có thể tìm thấy trong văn phong Võ Thị Hảo cái tàn nhẫn, chất huyền thoại phảng phất cơn mưa Nguyễn Huy Thiệp, bóng mây Phạm Thị Hoài. Cay độc và ẩn dụ trở thành phong trào, thành phong cách thời đại, dấu ấn của thế hệ này. Ðúng thôi. Nhưng ở Võ Thị Hảo còn có một hơi hướm khác: Khó thấy tác giả nào "cười" nhiều như thế, mô tả cái cười kỹ càng như thế. Từ nụ cười hoá đá của người đàn ông tên Tiếu: "Ðôi mắt biểu lộ một nỗi đau khổ bất thường như đã đông cứng. Còn cái miệng thì trớ trêu làm sao, luôn mỉm một nụ cười bất biến [....] Nụ cười ấy giữa khuôn mặt ấy, thật là một nghịch lý, như là đang khóc với nỗi đau xé ruột mà có kẻ tàn ác nào đó cứ nhất định cù vào nách cho ta phải cười rũ ra mới thôi" (Người Gánh Nước Thuê, trang 89).

 (Thụy Khuê)

 Trần gian vốn là mộng

Ngày mai mơ mộng làm chi
Sẽ tàn sẽ mất còn gì nữa đâu

 Tản mạn về tiếng Việt

Trước hết xin bắt đầu bằng mấy điệp âm, điệp ngữ trong 6 câu Kiều ở kỳ trước.

Buồn trông cửa bể chiều hôm.

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Mây trôi man mác biết là về đâu.

Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu.

Chân mây mặt nước một màu xanh xanh...


Xa xa! Xa ngược lại gần. Nhưng ý xa lại thường hay đi với ý gần: Xa gần, gần xa. Gần trong gang tấc mà tựa xa ngàn trùng. Gắn liền với xa thường có một từ đi sau làm thay đổi ý nghĩa một cách tinh vi tế nhị; ta thấy có xa xôi, xa xăm, xa xưa, xa lắc, xa lắc xa lơ, xa tắp tít... Và cuối cùng là xa xa.

Điệp ngữ này cho ta một hình ảnh theo nghĩa tượng hình và đồng thời gợi nên một ý tượng thanh: Xa, nhưng không xa lắm, mà thành xa lắm. Người đọc hay người nghe mường tượng như cùng với hình ảnh và âm thanh này mình đi vào cõi mông muội, hư ảo, không biết gần hay xa, chỉ biết cảm thấy buồn buồn khôn tả.


Rầu rầu! Rầu thường đi sau buồn, buồn rầu, và trước rĩ: tầu rĩ (rầu rĩ, râu ria ra rậm rạp. Rờ râu, râu rụng, rờ rốn, rốn rung rinh). Nhưng khi lặp lại thành điệp ngữ rầu rầu thì hai từ này cho ta một cảm giác buồn man mác, buồn rười rượi. Buồn tê tái.

Xanh xanh! Xanh chỉ một màu trong “ngũ” sắc: xanh đỏ trắng tím vàng. Màu xanh có nhiều sắc độ. Do đó nó đi với rất nhiều từ khác để nói lên những sắc thái khác nhau. Chẳng hạn xanh lam (blue), xanh lục (green), xanh lè, xanh biếc, xanh dương, xanh lá cây, xanh da giời, xanh thẫm, xanh lạt và xanh xanh để nói lên độ nhạt nhất của xanh. Nghĩa là chỉ hơi hơi xanh mà thôi. Nhưng khi, trong thi văn, tác giả dùng điệp âm này thì nó gợi cho người đọc có cảm tưởng mình đang ở một trạng thái nhẹ nhàng, không rõ rệt, mông lung, huyền ảo, trong đó chân mây trên trời cao bao la, chạm tới mặt nước phẳng lặng của biển cả ở tắp tít đàng xa, khiến cả trời, mây, nước, đều một màu xanh :”thao thiêt(*)...

 

(Minh Võ)

 

(*) từ của Hồ Dzếnh (nguồn: Võ Phiến)

 Hồng diện đa dâm thủy

Bài thơ không có tựa đề nhưng rất trứ danh (xem Hòang Cầm khúc dưới) được ký giả tiền bối Đoàn Bá Ninh dịch ra tiếng Việt vào năm 1937 trong trại giam Thái Nguyên, Bắc Việt từ tiếng Hán:

Hồng diện đa dâm thủy

Mi trường hạ tố mao

Triết yêu chân đại huyệt

Trường túc bất chi lao

Hồng diện đa dâm thủy

Gặp tôi, nhà thơ Hoàng Cầm rất vui vì dạo này ông phải nằm một chỗ sau vụ tai nạn bị gẫy xương ống chân. Cầm tập thơ, ông mỉm cười nói: “Cậu có biết tại sao mình làm bài thơ Theo đuổi này không?” Trước thái độ ngơ ngác của tôi, ông nói tiếp: “Khi làm bài thơ này, mình có nghĩ đến một bài thơ xem tướng phụ nữ của Trung Quốc. Ðó là mấy câu thơ chữ Hán mô tả thế nào là tướng mạo của một người đàn bà đa tình:

Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường hộ tố mao
Chiết yêu chân cự huyệt
Trường túc bất tri lao.


Dịch
Mặt đỏ nước dâm nhiều
Mày dài lông kia nhiều
Lưng nhỏ đúng huyệt lớn
Chân dài không biết mệt

Bài thơ nghiêm chỉnh, không mang tính chất tục, vì chỉ là một bài dạy về nhân tướng học. Nhưng không hiểu có anh chàng nào (Đoàn Bá Ninh) đã dịch ra tiếng Việt, khiến mình rất thú vị, vì nó mang đậm chất dân gian, lại hình tượng hóa mấy câu thơ chữ Hán rất sinh động. Nghe cứ như là ca dao vậy:

 Văn hóa…ẩm thực

 Lòng lợn Chợ Sặt, Hố Nai

Một bộ lòng lợn đầy đủ gồm chín thứ, tám thuộc lục phủ ngũ tạng là tim, thận, gan, lá lách, dạ dày, cổ hũ, lòng non (ruột non), lòng già (ruột già), và một thuộc cơ quan truyền giống là tràng. (tràng là ruột). “Tràng”, dân quê miền Bắc gọi là “trường”, là dạ con và ống dẫn trứng của lợn cái. Lòng non để luộc, còn gọi là “dồi trường”, “phèo”, và lòng già để làm vỏ của “dồi”.

 Trong chín thứ nói trên, tim, thận, dạ dày, và tràng là bốn thứ đứng đầu. Nhưng tim và thận lại không phải hai món khoái khẩu nhất ít nhất cũng là với dân nhậu. Người viết tin rằng các cụ cho tim, thận đứng đầu chẳng qua chỉ vì quan niệm “ăn gì bổ nấy”, đặc biệt là thận, mà người Bắc gọi là cật, hoặc bồ dục (bầu dục).

 (Thiên Lôi miệt dưới)

 Vì sao “Dạ cổ hoài lang” ra đời?

 Vào một đêm tối trời cuối năm 1896, có 20 gia đình nông dân nghèo tại xóm Cái Cui, huyện Vàm Cỏ, Long An, vì không chịu nổi cảnh hà khắc của bọn quan lại địa phương nên đã xuống ghe xuôi về vùng Bạc Liêu lập nghiệp. Trong số đó có gia đình ông Cao Văn Giỏi, cha Cao Văn Lầu lúc ấy chưa tròn 5 tuổi (sinh 1892).

Khi đến vùng đất mới, ở tạm dưới mái chùa Vĩnh Phước An, ông Cao Văn Giỏi liền gửi Cao Văn Lầu vào chùa học chữ nho và học chữ Quốc ngữ. Việc học đang tấn tới nhưng đến lớp nhì ông đành chịu dở dang vì gia đình túng quẩn.Thấy vậy cha ông bèn gởi ông cho thầy giáo dạy đàn ở xóm Rạch Ông Bổn.

 

Nhờ siêng năng, sáng dạ nên Cao Văn Lầu mau chóng sử dụng thành thạo các nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống và trở thành nhạc sĩ nòng cốt trong ban nhạc của thầy. Nhờ có đờn ca tài tử mà danh tiếng ông Cao Văn Lầu mỗi lúc một vang xa.

 (Trích nguồn : Mekongculture/Thuan)

Phụ bản


Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của họa sĩ Hergé, kênh truyền hình đã đưa khách hâm mộ phóng viên Tintin đến xem cuộc triển lãm tương tác mang tựa đề ''Les Secrets du Moulinsart'' (Bí mật của lâu đài Moulinsart). Cảnh quang của lâu đài ''hư cấu'' này dựa theo một lâu đài tráng lệ có thật ở vùng thung lũng sông Loire, mang tên là Château de Cheverny.
Lối kiến trúc Cheverny có nhiều đường nét cổ điển, được tô diểm thêm với những pho tượng bán thân theo phong cách thời Phục hưng. Đi vào bên trong, lâu đài Cheverny từ thư viện, phòng khách cho đến phòng binh khí (trưng bày huy hiệu hiệp sĩ, gươm kiếm, áo giáp, lá chắn…) có một lối thiết kế tinh tế tài tình, sang trọng quý phái nhất trong số các lâu đài ở vùng thung lũng sông Loire. 

Trong số các yếu tố quan trọng gây dựng nên một bộ truyện huyền thoại, lâu đài Moulinsart gợi hứng từ lâu đài Cheverny lại chiếm một vị trí khá đặc biệt. Họa sĩ Hergé đã dùng cảnh quang bên ngoài của Château de Cheverny làm hình mẫu cho Moulinsart, lâu đài cổ kính trong truyện tranh Tintin, nơi thu hút hàng năm 400.000 người hâm mộ.

 Cuộc triển lãm thường trực qua công nghệ hiện đại muốn tạo nơi khách tham quan cái cảm giác họ đang ngụp lặn trong thế giới của Tintin : bậc cầu thang nơi thuyền trưởng Haddock bị té nhào, phòng làm việc của chàng phóng viên có chỏm tóc vàng, phòng thí nghiệm của giáo sư Tournesol, đoạn đường hầm cất giấu những bí mật của lâu đài, quang cảnh phòng ăn, nơi các nhân vật chính trong bộ truyện thường xuyên gặp nhau.

(nguồn Tổng hợp)

Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Huế – Mậu Thân

Thế giới có thể quên Mậu Thân 1968 nhưng không ai có thể xoá trang Mậu Thân 1968 trong lịch sử Việt Nam thế kỷ thứ 20. Nhiều người Việt Nam trẻ tuổi chưa biết đang tìm biết. Người Việt Nam đã biết lại càng không thể quên khi thủ phạm tay vấy máu đồng bào vẫn còn chưa trả lời trước toà án lương tâm và thế giới.

Vài điểm cần được nhắc lại về cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế.

Thứ nhất, những hình ảnh kinh hoàng của cuộc giết người hàng loạt trong tháng 2, 1968 tại Huế chưa khi nào xuất hiện trên màn hình TV tại Mỹ trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam người ta thích nhớ và hay nói về Mỹ Lai về Tướng Loan Bắn Bảy Lốp, về Bến Tre, về bé Kim Phúc ở Trảng bàng, v.v….

Đó là hội chứng “vô tình có lựa chọn” (selective inattention).

Thông tin trên báo chí về sự kiện này có nhiều cách nhìn khác nhau nhưng tựu chung không ai phủ nhận cuộc thảm sát Mậu Thân đã xẩy ra, và hàng ngàn người bị giết một cách thảm khốc.

Trong bài “Tet Offensive” (12) đăng trên the Vietnam Experience, Boston Publishing Company, tác giả John Colvin, nhà ngoại giao Anh, là Tổng lãnh sự tại Hà Nội trong những năm 1965-7, viết:

(12) Tet Offensive, John Colvin, The Vietnam Experience, Boston Publishing Company.

http://snipurl.com/21hr0 [www_vwam_com], February 15, 2008.

Xin quý vị cùng sống với những Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh (ối a) nó tít mù.Đèn Cù là Đèn Cù hỡi! Ới ơi ơi ời, Đèn ơi.

 

Ngô Nhân Dụng - Tháng Tám, 2014


Đập cổ kính ra…

 

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi

Câu này truyền ngôn được coi là của vua Tự Đức trong bài

Khóc Bằng Phi. Tuy nhiên trước đó, Trần Danh Án, vào thời Lê Mạt đã có hai câu tương tự:

Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh

Trùng phong khâm tử hộ dư hương

 (Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)

Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn

 

Nhiều khi tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao mình còn sống bình yên được đến ngày hôm nay, điều này chúng tôi từng nói với nhau, những người bạn đồng cảnh ngộ lúc trà dư tửu hậu. Muốn tìm hiểu phải ôn lại, nhớ lại tất cả những gì xảy ra cho mình từ sau ngày 30-4-1975, còn có thể trước nữa, nghĩa là trước ngày miền Nam bại trận với quân đội miền Bắc. Tôi không chối cãi một điều rằng tôi là người Bắc di cư 1954. Mặc dầu tôi không phải người di cư thực sự mà vào Nam trước di cư hai ba năm gì đó Tôi không đổi được giọng Bắc nên nhiều anh em bạn bè người Sài Gòn gọi tôi là Bắc kỳ di cư. Bắc kỳ di cư thì đã sao? Tôi chấp nhận. Cũng là người Việt Nam cả, tôi là người Bắc chuyển vùng. Đời sống nên dễ dãi như thế dễ chịu cho mình, cho người.

Trước năm 1975 ở Sài gòn tôi đã hoàn thành phần nào mộng ước của mình là được làm nhà báo, nhà văn. Tôi gặt hái được ít nhiều kết quả trong nghiệp báo cũng như nghiệp văn. Tôi chỉ nói thế thôi chứ không tự đánh giá mình bao giờ. Nhưng tôi hãnh diện vì nghề mình đã đeo đuổi đôi khi cuồng tín với nghiệp dĩ. Chúng tôi là người làm báo được hưởng quyền thứ tư. Nhưng phải đòi mãi có thể có chứ không bỗng dưng mà có được.

Tôi nhớ thuở làm báo trước năm 75. Những tờ báo đứng vững được, và đám người làm báo chúng tôi sát cánh cùng nhau để có tự do trong hành nghề không phải là dễ. Cũng rất gian nan. Những tờ báo bị tịch thu, bị đục trắng khi vừa ra khỏi nhà in. Những tờ báo bị đóng cửa rút giấy phép, ký giả bị bắt bớ, bị ám sát cũng đã có, không biết lừ phía nào. Nhà báo lêu bêu từ tòa soạn này sang tòa soạn khác nhiều lắm. Có năm tôi nhảy đến ba bốn tờ báo, cũng có thể năm sáu gì đó. Nhưng vẫn vui, vẫn sống, vẫn hành nghề được.

(Nguyễn Thụy Long)

tựa đề nguyên bản Giữa đêm trường

Tác giả:


Nguyễn Thụy Long: bút hiệu đầu tay: Lan Giao.

Sinh ngày 9.8.1938 tại Hà Nội.

Mất ngày 3.9. 2009 tại Gia Định

 

Tác phẩm:

Loan mắt nhung , Vác ngà Voi, Tay anh chị , Vết thù

Thưở mơ làm văn sĩ, Hồi ký viết trên gác bút

***

Phụ đính I

 

40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn

Tổng hợp từ nhiều nguồn)

 Nghiêm Xuân Hồng
(1920-2000)



Nghiêm Xuân Hồng sinh năm 1920 tại Hà Đông, Bắc Việt.
Năm 1953, hành nghề Luật Sư. Năm 1954, đất nước chia đôi, di cư vào Nam. Nguyên Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Saigon, Cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1965, thời Nguyễn Khánh.

Sáng lập viên nhóm Quan Điểm, Saigon.

Năm 1975, miền Nam Việt Nam mất, di cư sang Hoa Kỳ.

Trước năm 1975, viết sách về Chính Trị, Triết Học và Văn Chương. Sau năm 1975, chuyên đọc Kinh Đại Thừa, tịnh tu, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana và chùa Liên Hoa, Garden Grove, Cali.

 Tác phẩm
Lăng Kính Đại Thừa, 1982.

Tánh Không và Kinh Kim Cang, 1983.
Nguồn Thiền Như Huyễn, 1984.
Mật Tông và Kinh Đại Thừa, 1986.

Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 1, 2, 3 và 4, 1988

Ông mất ngày 07-5-2000 tại Orange County, California, Hoa Kỳ.

*


Mời Xem :

Chữ nghiã làng văn Kỳ 1/6/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét