8 thg 6, 2024

Ngăn chặn nạn thù ghét bằng ngôn ngữ và văn hoá – phỏng vấn cộng đồng (TC.Da Màu )

                                 STOP HATE
                    The Powerful Mixed Media Painting by Allan Linder

Trần C. Trí: Xin kính chào thầy Nguyễn Văn Khoa. Tạp chí Da Màu và chúng tôi rất vui được thầy nhận lời cùng chúng tôi thực hiện buổi nói chuyện hôm nay về chủ đề Stop The Hate, trong khuôn khổ tài trợ của Thư Viện Tiểu Bang California. Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu thầy Nguyễn Văn Khoa, một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở Orange County, California. Thầy Khoa hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Liên Hiệp các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại (Union of Overseas Vietnamese Language Schools) và là thành viên Hội Đồng Quản Trị của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt (The Vietnamese Historical and Cultural Performing Arts Foundation).

Nguyễn Văn Khoa: Vâng! Xin chào giáo sư Trần Chấn Trí. Chúng tôi rất cám ơn ông đã dành cho tôi một buổi nói chuyện liên quan tới chủ đề Ngăn Chặn Nạn Thù Ghét, vấn đề mà mọi người đều quan tâm đến, và chúng ta cũng phải làm thế nào để làm việc ngăn chặn này được hữu hiệu, hầu góp phần vào sự ổn định của xã hội.

Trần C. Trí: Sau đây chúng tôi xin được phép đặt câu hỏi đầu tiên cho thầy Nguyễn Văn Khoa. Thưa thầy, thầy có suy nghĩ gì về sự kỳ thị giữa người này với người khác trong xã hội nói chung, và theo thầy nhận xét, sự kỳ thị về mặt nào là rõ ràng nhất trong môi trường sống và làm việc của thầy từ trước đến giờ?

Nguyễn Văn Khoa: Thực ra, kỳ thị là một từ ngữ nói đến sự phân biệt đảng phái, giai cấp, giàu nghèo, giới tính, nam nữ, đồng tính, chuyển giới, già trẻ, bệnh tật, hoặc về văn hóa, nguồn gốc, di dân hay tị nạn, v.v. nhưng theo tôi thì việc phân biệt chủng tộc là nguyên nhân gây ra sự kỳ thị phổ biến hơn cả. Tôi nhớ là trong điều thứ Bảy của đạo luật Dân Quyền năm 1964, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng nhân viên dựa vào các yếu tố chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hay nguồn gốc quốc gia.

 Trần C. Trí: Vâng, chúng tôi cũng đồng ý với thầy Khoa là có rất nhiều hình thức kỳ thị, mà nổi bật nhất là kỳ thị chủng tộc. Chúng ta là những người tỵ nạn Việt Nam trên xứ sở Hoa Kỳ nên có thể thấy rõ điều đó hơn ai hết. Thật ra, định nghĩa của khái niệm “kỳ thị” rất đơn giản: “Thị” là “thấy”, “kỳ” là “lạ”. Khi chúng ta thấy một người nào hay một điều gì lạ thì thường có một cảm xúc hay suy nghĩ nào đó. Cảm xúc hay suy nghĩ đó chỉ là do phản ứng tự nhiên của con người.

Tuy nhiên, vấn đề là những cảm xúc hay suy nghĩ đó có dẫn đến đâu hay chăng, đó mới là chuyện đáng nói. Nói khác đi, kỳ thị có thể là một quan điểm hay một thái độ, nhưng nhiều khi quan điểm hay thái độ đó lại được thể hiện qua lời nói hoặc hành động và thậm chí có thể trở thành hành động thù nghịch.

Theo thầy Khoa, vì sao một số cá nhân lại chọn sự thù nghịch để bày tỏ sự kỳ thị của mình như vậy?

Nguyễn Văn Khoa: Đúng như vậy. Khi đến có chủ kiến cao độ đến độ bộc phát thành ra thái độ hay biểu lộ qua hành động như lời nói cử chỉ, hay thông qua các phương tiện truyền thông xã hội… và tác động vào người nhận được, dẫn đến hành động thù nghịch. Tôi nghĩ, những điều này xảy ra là do giáo dục trong gia đình hay cũng do tính khí cá nhân, hoặc do ảnh hưởng từ bạn bè nơi học đường, nơi làm việc hay trong cộng đồng. Tùy theo người tiếp nhận đó thuộc thành phần nào, sống ở trong môi trường nào, nhiều hay ít thì sẽ nhận lấy những quan điểm kỳ thị ấy rồi biến chúng thành những hành động tương ứng. Đây là một vấn đề khá phức tạp. Nhiều phản ứng thường có tính cách tâm lý như là niềm kiêu hãnh, hoặc ngược lại là mặc cảm tự ti thấp kém, đó là những mầm mống đưa đến hành động thù nghịch.

Trần C. Trí: Dạ, cũng xin thưa với quý vị là thầy Khoa và chúng tôi đã cùng hoạt động với nhau trên hai mươi năm trong lãnh vực giáo dục Việt ngữ và văn hóa cộng đồng. Nói rõ hơn là chúng tôi góp phần huấn luyện các thầy cô giáo dạy tiếng Việt thiện nguyện ở hàng trăm trung tâm Việt ngữ trong nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Dĩ nhiên trong khi hoạt động như vậy, chúng ta sẽ có những va chạm và kinh nghiệm có liên quan đến việc kỳ thị và nạn thù ghét.

Như vậy, xin được phép hỏi thầy Nguyễn Văn Khoa, về mặt cá nhân thì thầy có những đề nghị nào về việc mỗi chúng ta trong cộng đồng có thể thực hiện để đối phó với nạn thù ghét vì kỳ thị về bất cứ vấn đề nào, hay nói rộng hơn về mặt tổ chức của Liên Hiệp các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại?

Nguyễn Văn Khoa: Trong cương vị của một tổ chức giáo dục, chúng ta có thể góp phần cung cấp tin tức về nạn thù ghét để cộng đồng hiểu rõ hơn về các sinh hoạt chung của bạn bè, gia đình, học đường và xã hội. Đó là điều cần thiết để mọi người có ý thức về giá trị dân chủ tự do và sự sống hài hòa với nhau, phát triển và trao đổi với nhau những nét văn hóa đẹp của mọi sắc dân và nỗ lực đóng góp cho các sinh hoạt văn hóa ngoài xã hội.

Quan trọng hơn cả là biết chấp nhận sự cá biệt như một khu vườn hoa lá muôn sắc muôn hương, góp phần cho cộng đồng xã hội thêm đa dạng. Chỗ nào trên thế giới có những đặc điểm phù hợp với cá nhân sẽ là nơi mà ai cũng muốn chọn để sinh sống. Mỗi người trong cộng đồng của mình sẽ góp phần gìn giữ cái hay, cái đẹp chung quanh, đó cũng là một cách  góp phần đẩy lùi lòng thù ghét trong những người có hành động không chính đáng.

Liên Hiệp các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại có nhiều hoạt động mà tôi nghĩ chính là những cách gián tiếp góp phần ngăn ngặn nạn thù ghét. Một trong những hoạt động đó là đưa ngôn ngữ Việt vào trong các học khu giáo dục công lập để giúp các em học sinh hiểu được ngôn ngữ văn hóa, bên cạnh nhiều thứ tiếng của các cộng đồng khác. Khi các em hiểu được một số ngôn ngữ và văn hóa của những cộng đồng bạn thì các em sẽ tự tin hơn, thông cảm với nhau, cùng sống và sinh hoạt với nhau trong tinh thần tương thân tương ái.

Sách giáo khoa và những tài liệu giảng dạy của Liên Hiệp các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại, sánh vai cùng những bộ sách giáo khoa khác, là những môi trường rất thích hợp để truyền tải ngôn ngữ và văn hoá, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng đa sắc tộc, tránh được những hậu quả tệ hại của nạn kỳ thị như chúng ta đang bàn luận ở đây.

Thật vậy, xiển dương sự thông cảm giữa các cộng đồng sắc tộc về mặt ngôn ngữ và văn hoá, theo tôi, là một phương tiện thiết thực để đưa đến cứu cánh. Cứu cánh đó chính là sự đề cao lòng khoan dung và chấp nhận nhau, là phương cách đẹp nhất và hữu hiệu nhất trong việc đẩy lùi thù ghét vì kỳ thị.

Trần C. Trí: Một lần nữa, xin cám ơn thầy Nguyễn Văn Khoa đã dành thì giờ quý báu để cùng chúng tôi nói lên suy nghĩ và những điều muốn làm để góp phần vào việc ngăn chặn nạn thù ghét đang diễn ra trong cuộc sống ngày nay. Kính chúc thầy luôn được vui khoẻ để tiếp tục phục vụ cộng đồng.

Trần C. Trí thực hiện
5 – 2024


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét