2 thg 6, 2024

Chữ nghiã làng văn Kỳ 1/6/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

***

Bụt

Đức Phật Tổ cho rằng đạo của người là đạo tỉnh thức.

"Tỉnh thức" nói theo tiếng Magadhi là Budn (tức Bụt). 

 Cao lầu ỏ Hội An

 Cao lầu ở Hội An là do hồi truớc các quán thường don thức ăn trên lầu cao để chủ tàu vừa ngồi ăn vừa trông chừng hàng hoá dưới tàu của mình đang neo đậu trên bến.

Tư ăn lầu cao mới có món ăn…cao lầu.

 Nâu sồng

 Sồng là một loại cây dùng vỏ nấu thành màu đỏ sẫm dùng để nhuộm vải, thường nhuộm sồng trước, sau đó mới nhuộm nâu.

Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Bởi yêu đơn phương nên chàng cũng tưởng tượng ra viễn cảnh “khắp xóm làng cùng ra xem, người ta cầu chúc chú rễ mới cùng cô dâu sống đến bạc đầu”. Ở đây, giọng điệu bài hát xôn xao lạ kỳ. Nhưng mà khi chàng về “thì em đã rời nơi ấy, để cho quán hàng lạnh lẽo”. Giọng chuyển sang nuối tiếc. Chàng trai chỉ còn ngậm ngùi lời tỏ tình muộn màng “Ơi hỡi nàng ơi, biết cho lòng anh, đã bao năm trước, anh đã yêu nàng”.

 Chẳng biết cô hàng nước về nơi nào, trời có xanh trong mắt em cười? Cô có biết ở làng mình năm xưa, có anh chàng đã từng bộc bạch “Tôi còn có mỗi cây đàn, tôi đem bán nốt tôi theo cô hàng chè xanh” hay không.

Chỉ biết người ở lại, nghiêng ngóng mãi một đời không thôi.

(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)

 Sư và vãi

Nguyễn Hòe đi với bạn vào chơi một chùa, được sư cụ tiếp đãi ân cần, thì mấy ông bạn quý lại quay ra báng bổ nhà chùa.

Sư cụ bực mình ra câu đối:
Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ

Nguyễn Hòe cực chẳng đã phải đối bằng diễu cợt để cứu vãn thể diện chung:
Trên sư dưới vãi, ngảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)

 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 Cùng là những người viết sống cùng thời với nhau nhưng tôi ít thân với Vũ Hoàng Chương vì lý do, sự chênh lệch giữa hai thế hệ, thế hệ làm thầy và thế hệ làm trò. Trong giới văn nghệ văn học miền Nam, có tục lệ trong giao thiệp hàng ngày không phân biệt tuổi tác. Trong một phiên họp của hội Văn Bút miền Nam, Nhất Linh dặn người cháu Duy Lam: “Chúng ta bác cháu ở nhà thôi nghe...”. Vậy thì vào thời gian trước tháng 4, 1975 sự giao thiệp giữa “anh (hay chàng) Vũ Hoàng Chương”, nhà thơ trước lãng mạn sau cổ kính và một nhà văn trẻ (tôi), một viên “đá lăn trầm” (nói như T.C. Sơn) của thế hệ chiến tranh, chỉ có thể sơ sài thôi, không đến nỗi nhạt như nước lã, nhưng cũng chẳng đậm đà hơn nước lèo.

Trong một chuyến lên thăm nuôi ở trại cải tạo tập trung trên rừng miền Nam, bà vợ Tú Xương của tôi mang lên một tờ tạp chí Văn Nghệ thành phố Hà Nội do thân nhân của nàng, hơi hốt hoảng, mang từ ngoài Bắc vào tặng, kèm câu nói: “Như thế này chắc anh ấy quét trại cải tạo quá...”. Bài thứ nhất trong tạp chí ấy do công thần miền Bắc Chế Lan Viên viết hạ bệ văn học miền Nam, đến phần dẫn chứng, Chế Lan Viên đưa ra bốn người tiêu biểu: Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam và Thế Uyên.

 Doãn Quốc Sĩ. Sau 5 năm bị giam ở Pleiku, ông được tha về để bị bắt lại, tha ra bắt lại nhiều lần, sau cùng mới được tới Mỹ đoàn tụ với con trai ở Houston. Những người thích văn ông và con người chất phác giản dị của ông mới tổ chức một buổi vinh danh sách/con người nhân dịp ông 84 tuổi. Trong bài văn của Chế Lan Viên có đoạn ghép Doãn Quốc Sĩ thêm tội bất hiếu vì bố vợ là Tú Mỡ chết mà không chịu đến đưa đám.

Khi gặp lại nhau, tôi hỏi về kết án này, Doãn Quốc Sĩ cười hồn nhiên: “Tôi đang bị nhốt, ở đó mà đi đâu... Họ thế đấy.”

(Nàng Tố của Vũ Hoàng Chương – Thế Uyên)

Thiền

 Ý như thiên thủ thiền thiên cổ
Mà vẫn long lanh cái chính mình

 Những nhà văn miền Nam trước năm 1975

bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn

 So sánh giữa truyện ngắn và truyện dài, ngoài sự khác biệt mà ai cũng có thể nhận thấy ngay là truyện dài thì… dài và truyện ngắn thì… ngắn, các tác giả còn đưa ra những nhận xét khác.

 Nguyễn Xuân Hoàng khẳng định: “Truyện ngắn phải là một truyện ngắn, không phải là một đoạn nào đó trong một truyện dài.” Thanh Nam cụ thể hơn khi cho rằng truyện ngắn “không thể là một thứ truyện dài rút gọn hoặc một thứ lấy ra từ những đoạn rời của một truyện dài.” Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh thêm: “Truyện ngắn là một thứ truyện không phải bị rút ngắn từ một truyện đáng lẽ phải dài và ngược lại cũng không thể, muốn trở thành một truyện dài, cứ viết kéo dài hay triển khai thêm.” Mặt khác, theo Nguyễn Thụy Long: “Truyện dài và truyện ngắn thuộc hai lãnh vực khác hẳn nhau. Mỗi loại có nghệ thuật riêng của nó.”

Dương Nghiễm Mậu và Nguyễn Tất Nhiên đều cho rằng một truyện ngắn không bao giờ là trích đoạn của một truyện dài thành công. Trong lúc đó, Du Tử Lê đưa ra một hình ảnh cụ thể khi so sánh truyện dài và truyện ngắn. Theo ông, nếu xem truyện dài là toàn thể một khuôn mặt, thì “truyện ngắn là cái phần tiêu biểu nhất của khuôn mặt đó.”

Thanh Tâm Tuyền phát biểu dứt khoát và cô đọng: “Truyện ngắn là truyện không thể nào viết dài.” Mặc dù cách nói của nhà thơ này có vẻ như “huề vốn,” nhưng nó lại nói lên yếu tính của truyện ngắn. Một truyện ngắn hay đúng nghĩa phải là một truyện ngắn mà tác giả có muốn viết dài hơn cũng không được. Ngắn, nhưng là một chỉnh thể: không thể thêm, không thể bớt.

Khác với cách nhìn có phần đơn giản như thế, Doãn Quốc Sỹ đưa ra một hình ảnh tương đối chi li hơn và… khó khăn hơn. Theo ông: “Trong truyện ngắn không có sự kiện chi tiết tràn bờ, dư thừa. Tất cả đều như những nhát búa đập chính xác lên đầu chiếc cọc để cọc đóng sâu và chắc xuống lòng đất. (…) Những tình tiết thiết yếu, ngắn gọn liên tiếp tới với tác dụng soi sáng và đẩy nhanh, đẩy mạnh tới đoạn kết. Cái bé nhưng bé hạt tiêu ở truyện ngắn là người viết phải có được cái nhìn thật sắc bén xuyên thẳng tới lõi sự vật, đạt thấu tới bản thể của tâm tình. Ở truyện ngắn hễ xuất quân là phải tốc chiến tốc thắng. Hoặc thất bại.”

(Trần Doãn Nho)

Phố Phái - 1

Tôi quen Bùi Xuân Phái từ hồi còn làm báo, tờ "Văn hóa" ra khổ to có tranh Bùi Xuân Phái. Hà Nội bị chiếm đóng lại, Phái vẽ phố - phố Hàng Thiếc, lòng phố nghênh ngang. Tranh đề năm 1952 Hà Nội, tên ký của họa sĩ còn dài dòng cả tên cả họ cả chữ đệm. Và Phái càng vẽ phố. Phái ta ít vẽ phố mới có những "mái buồn nghe sấu rụng" (thơ Chính Hữu). Cũng như mọi người vẽ phong cảnh, ngoài chuyện vẽ phố, Phái cũng vẽ bờ cát sông, bãi cát biển, đường làng, đường rừng. Vẽ chân dung, vẽ hoa Tết, vẽ con Ngựa nếu âm lịch là năm Ngọ và con Dê năm Mùi, vân vân.

Vẽ chèo, cô nữ phường chèo, những bộ áo dài màu tươi dân tộc của chèo, và cả cái hậu trường y phục chèo; nhưng ngắm cho cùng, thì cả cái gian áo hậu trường chèo ấy cũng chỉ là những ngóc ngách để ra trò, những con hẻm những lối ngõ. Gì thì gì, Phái vẫn trở về với phố của mình. Cho đến trưởng nam của họa sĩ Phái cũng vẽ phố Hà Nội đến nỗi có nhà báo đã đùa: "Chả biết bức nào là của bố, chẳng rõ tranh nào là của con" . Thế là tranh gia truyền à. Bút pháp gia pháp ấy là nghề nhà à". 

(Nguyễn Tuân - Hà Nội 1983)

 Tiểu sử:Nguyễn Tuân sinh ngày 10.7.1910 tại làng Mọc, Hà Ðông.Mất ngày 28.7.1987 tại Hà Nội.

Tác phẩm: Cái ấm đất, Chém treo ngành, Chùa đàn, Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, v…v…

 Thiền

Cỏ hoa nở đóa thiện hiền
Non xanh nước tĩnh an thiền đã lâu

 Phố Phái - 2


Tranh Bùi Xuân Phái cho ta thấy mặt nhà, phố cũ và những mái những góc phố cũ. Những đầu hồi, những cái dấu, những cửa lùa, những mái chồng diêm. Nhưng theo lời một số bậc già Hà Nội kể lại cho vãn sinh này, thì thấu qua mặt tiền phố Phái, ta hình dung ra biết bao cái bên trong của lòng nhà Hà Nội xưa. Cứ hiển hiện ra sân trong có giếng thơi, những tấm cửa bức bàn, các gác lửng, những tấm cửa đảng, và lan can gác tẩu mã của những ngôi nhà ăn thông từ phố mặt nhà trước ra tới cổng hậu ở phố nhà sau. Chao ôi, phố cũ Hà Nội nó là như vậy.


Nhớ về Hà Nội xưa từ thuở còn mang danh là Thăng Long, ta đều cùng biết với nhau rằng Hà Nội có phường có phố từ các nhà Lý Trần và từ nhà Trần, đã "Hà Nội 36 phố phường" . Vào cái thuở ban đầu ấy của một cố đô, nhà cửa Kinh kỳ chỉ có đất trát, đất nung (gạch). Loại tường kiên cố và nhà kẻ sang, thì vôi vữa có thêm giấy bổi giấy moi (giấy bản dành cho sách vở) muối mỏ muối biển, và mật mía.

Đến Tây sang mới thòi ra cái anh xi măng. Có lẽ trong những nếp thành cũ kiểu Vô băng (Vauban) của cái ông "vua cõng rắn cắn gà nhà" Gia Long đó, đã có pha xi măng Phú Lãng Sa rồi. 
"Thế những ngôi nhà những mảng nhà những phố Bùi Xuân Phái vẽ kia, đã có pha xi măng chưa?". Phải nói rằng tranh của Phái có mặt cả ở những gian lộng gió xóm nghèo. 

(Nguyễn Tuân - Hà Nội 1983)

 Thiền

Ta về ngồi lại tình hư ảo
Hư ảo không còn chỉ có ta

Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

 Hữu Loan, dù gặp mặt ngay đây, cầm bàn tay ấm áp giữa lòng tay, ông vẫn là một huyền hoặc, với tôi. Như một truyện kể xa lơ, từ thưở tôi còn trẻ thơ, thời chiến tranh Việt-Pháp. Chín tuổi, tôi học thổi sáo, đàn mân-đô-lin từ người anh ruột, học ghi-ta với anh Hàn Vĩ, về sau tập kết ra bắc anh là một phó khoa tại Nhạc viện Hà Nội. Theo các anh chị đánh đàn ca hát, tôi ngây thơ mê muội, nhỏ nhoi như con tằm trong nong nia, lẫn lộn với lá dâu xanh. Nhưng thuở ấy tôi đã nghe, chỉ biết nghe, chưa đủ hiểu để cảm bài thơ Màu Tím Hoa Sim của ông.

Thời ấy, những năm đầu khởi chiến chống Pháp[1946-1949] mọi thứ còn hoang mộng. Cả thảy một tình yêu nước nồng nàn, toàn dân một tình cảm ngây thơ. Sinh hoạt xã hội, ý thức hệ đối kháng, chưa từng cay nghiệt như những tháng ngày nội chiến về sau. Thuở ấy, ảnh hưởng một nền văn hóa cũ hãy còn. Văn thơ, là Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo của Tự Lực văn đoàn, là Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… âm nhạc với Thiên Thai, Suối mơ, Giọt mưa thu, Trăng mờ bên suối. Cách sống văn hoa lãng mạn của một lối sống trí thức tiểu tư sản hãy còn in đậm. Những cụm từ ngày nay đã trở nên sáo mòn cũ rích, nhưng buổi ấy là những “thanh âm” gợi cảm, gây mê cho bao thanh niên nam nữ trên đường trường chinh, những “Chiều biên khu, trấn thủ lưu đồn, sương biên thùy, chinh phu, chiến bào, sơn khê…”

Thấp thoáng dưới ánh trăng những Dư âm, Nụ cười sơn cước. Tiếng hát Sông Lô. Cung đàn xưa, Làng tôi… Những thơ, Tây tiến, Đôi bờ… Và, đã có Màu tím hoa sim.

Quê tôi, nơi tôi chào đời, làng Văn An, những đồi nương thuở ấy hãy còn man mác rừng nối rừng sim. Hữu Loan, tác giả Màu Tím Hoa Sim, đã bồng bềnh hình bóng, đã vang động rất xa tình thơ trong tôi. Một sưởi ấm xanh lơ. Bây giờ ông đang trước mặt. Với ly cà phê đen, bữa nay tôi có cái để mà nhớ lại, có cái để được ngắm nhìn. Hữu Loan, Ông từ đâu tới.

 Cung Tích Biền)

 Thiền

 Mênh mông quá biển trời lồng lộng gió
Một mình tôi ngày hai buổi đi về

 Chém treo ngành

 Ngay khi Bát Lê còn tập luyện tại vườn chuối, sự diễn tả đã đủ thể hiện sự phũ phàng tàn bạo của tội ác:

“Bát Lê lại tiến thêm ba bước đến ngang tầm cây chuối hàng đầu dẫy bên trái, Bát Lê thuận đà thanh quất, lại chém xuống đấy một nhát thứ hai. Một thân cây thứ hai gục xuống nữa như một thân hình người quì, chịu tội. Thế rồi vừa hát vừa chém bên trái, vừa chém bên phải, Bát Lê đã hát hết mười bốn câu, và đánh gục mười bốn cây chuối”

 Để tăng phần hồi hộp, rùng rợn Nguyễn Tuân đã tả cảnh rất trịnh trọng, cảnh tĩnh cũng như hoạt cảnh.

“Trước nhà rạp người ta đã chôn sẵn mười hai cái cọc tre bị vồ gỗ đập mạnh xuống toét cả đầu. Trời chiều có một vẻ dữ dội. Mặt đất thì sáng hơn nền trời. Nền trời vẩn những đám mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình quái lạ. Những bức tranh mây chó mầu thẫm hạ thấp thêm và đè nặng xuống pháp trường oi bức và sáng gắt.
Mọi người chờ đợi một cái gì”.

Tác giả đã vô cùng khéo léo tả chân kỹ kưỡng sự chuẩn bị cho cuộc hành quyết để che mắt bọn kiểm duyệt, bọn thám tử thực dân, ông đã thành công trong sự tố cáo tội ác man rợ của bọn chúng như sau:

“Lũ tử tù bị trói giật cánh khuỷu, quì gối trên mặt đất, khom khom lưng, xếp theo hai hàng chênh chếch nhau, chầu mặt vào rạp. Những người giữ phần việc ở bãi đoạn đầu đang bóp hông, nắn xương cổ và tuốt cho mềm sống lưng lũ tử tù. Họ cần om thế nào cho tội nhân lúc quì phải để được gót chân đúng vào cái mẩu xương cụt nơi hậu môn. Như thế tử tù sẽ phải rướn mình lên mà nhận lấy lưỡi đao thả mạnh xuống cái cổ căng thẳng. Họ lạnh người dần dần. Sinh khí chừng như đã thoát hết khỏi người họ.

(Đọc “Chém treo ngành” của Nguyễn Tuân – Trọng Đạt)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bia độc hơn rượu…

Bằng chứng trên thế giới chỉ có

"mộ bia" mà không có "mộ rượu”.

 Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 1

Hay là đoạn tả con gà tía sau đây:
Con gà này đúng là linh kê. Đã lâu lắm ngoài con ô nhà này, hôm nay tôi mới gặp được một con gà quý tướng. Các bác xem: con tía này thuộc loại tầm đại, lực lưỡng hơn con ô tầm trung. Nó nặng hơn con ô ít nhất 4 lạng, cao hơn sáu phân. Đầu nó nhỏ, theo xuôi với cần cổ. Mỏ ngắn và chắc, hàm lại rộng, mổ vào đối phương cứ là dứt từng miếng thịt. Gò má cao, da mỏng, đỏ tươi. Mi mỏng, mắt sâu, con ngươi nhỏ, quầng mắt lầm cát. Ức nhỏ, mình dài, phao câu lớn. Lông nó mượt và chặt lông, nếu ngã xuống nước chỉ cần lắc mình vài cái là khô liền. Đôi chân con tía này mới thực tuyệt. Đùi dài hơn cẳng, kheo treo, bắp cơ nổi rắn như tảng đá. Ống chân đã có vẩy phủ địa, lại thêm vẩy liên giáp thành nội ở ngang tầm cựa. Bàn chân vuông vức, ngón chúa dài và bóng láng...


Đọc những đoạn ấy, cứ tưởng tác giả cố ý phô diễn những kiến thức “kê học” của mình, té ra không phải. Ông nói về gà nhưng thực ra là để nói về người, về “triết lý nhân sinh” hẳn hoi đấy. Đoạn này chính là để chuẩn bị cho một tư tưởng huyền diệu về sự thắng bại của bất cứ cuộc chiến nào mà tác giả sẽ nói đến ở phần sau. Con người vốn là cha đẻ của các loại chiến tranh. Từ mấy nghìn năm nay, nhân loại chẳng đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra bao nhiêu thứ vũ khí, binh pháp, trận đồ... cốt tiêu diệt nhau cho thật nhiều, thật nhanh, thật gọn... đó sao?

Đạo gà chọi kia nào có kém gì. Đọc cả một đoạn triết lý về gà, nhắm mắt lại, mở mắt ra thấy té ra toàn nói về đạo... con người cả. Cái lối dương đông kích tây như thế này, những người viết văn lương thiện thỉnh thoảng cũng chẳng ngại ngùng gì mà không sử dụng đến.

(Phạm Lưu Vũ)

Thiền

Trần gian mỏng mộng vô thường
Đường xa mỏi mệt tôi thường nhịn tôi

 Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 2

Tôi vừa nói những đoạn đàm đạo về “kê học” giữa hai nhân vật cụ Huy và Cường trong truyện cực kì thú vị. Nhưng là thú vị về chính những kiến thức “kê học” ấy thôi. Còn xét riêng về cách viết đối thoại thì có chỗ hơi gợn đấy. Tôi đã đọc một số tác phẩm khác của Vũ Ngọc Tiến. Hơi tiếc một điều là ông hình như chưa được “khéo” lắm trong lúc viết các đoạn đối thoại. Văn đối thoại của ông hơi bị thiếu tự nhiên. Đối thoại trong truyện là bản ghi âm khẩu ngữ của những nhân vật, giống như chuyện xảy ra ngoài đời, ngoài chợ... Thế thì nó phải có biến hóa, chưa kể còn phải xây dựng tính cách nhân vật thông qua giọng điệu, cách nói... Người viết văn chẳng lẽ lại như đạo diễn phân phối lời thoại cho các diễn viên lồng tiếng của mình? Vũ Ngọc Tiến thỉnh thoảng rơi vào trường hợp này. Ông nghĩ sẵn nội dung rồi “gắn” các nội dung ấy vào mồm các nhân vật, để các nhân vật tuôn ra cho đến khi nào... xong thì thôi. Thỉnh thoảng cũng có dừng lại để biến hoá chút đỉnh (ví dụ cụ Huy xin Cường rót cho hớp rượu “rồi ta bàn tiếp”...), song chừng đó là chưa đủ “liều lượng”. Thế là “vai” thì thao thao bất tuyệt (như nhân vật cụ Huy trong truyện), “vai” thì chỉ làm phụ họa, đưa đẩy (ví dụ nhân vật Cường)...

Tất cả những công phu “kê học” kể trên của tác giả nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến giữa hai con “linh kê”. Song thực chất là cuộc chiến của tư tưởng, của đạo lý, cân não giữa hai phe “chủ” của chúng. Một bên là cụ Huy - một hiền sĩ, triết gia “kê học” và Cường. Đó là phe “đá” vì đạo. Một bên là Mão Sếch và đám lâu la của hắn. Đó là phe “đá” vì tiền.

Song bất luận chủ của chúng là ai, thì hai kẻ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường ấy cũng đều là “linh kê”, đều là những anh hùng cả. Và anh hùng cũng có lúc sa cơ, “anh hùng bất kiến minh quân”. Cái triết lý “quý vật tầm quý nhân chứ quý nhân không tầm quý vật” được triển khai cao độ ở thiên truyện này. Con gà tía mà cụ Huy hết lời thán phục ở cái tướng “linh kê” kinh điển của nó, bị gã Mão Sếch vừa mua vừa cướp giật từ tay cụ giáo Hợi đất Kinh bắc - một “minh quân” đích thực của nó chính là một anh hùng gặp bước sa cơ. Đọc đến câu nói của cụ Huy: “Tôi đã nghe trong tiếng gáy hùng dũng oai phong của gà tía ở đoạn ngân cuối cùng ẩn chứa một nỗi u hoài...” làm cho tôi rợn cả người. Viết về con vật mà đến mức như thế, tưởng trên đời không dễ gặp được nhiều tác giả như vậy.

(Phạm Lưu Vũ)

Thiền

Bao giờ gặp lại người thương nhớ
Cởi áo hoàng hao lấm bụi đường

Nhà văn Nguyên Ngọc như tôi từng biết - 1

Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã gặp anh Nguyên Ngọc tại Sài Gòn khi anh đến gặp anh Nguyễn Trọng Oánh đi. Tôi chào anh Nguyên Ngọc. Anh chỉ gật đầu, không nói gì. Anh Oánh giới thiệu tôi với anh Ngọc, anh chỉ nói vậy à. Tôi không có cảm tình với anh Nguyên Ngọc ngay từ buổi gặp đầu tiên ấy !

Sau đó, ít năm, lúc tôi đang thơ thẩn trong sân “Văn Nghệ quân đội” số 4- Lý Nam đế Hà Nội thì gặp anh Nguyên Ngọc và ba bốn ông toàn đi ủng từ xe hơi vào. Biết là anh Nguyên Ngọc. Tôi chào rõ ro : Chào anh Ngọc và các anh !

Không ai trả lời tôi. Anh Nguyên Ngọc từ khu Năm Đà Nẵng ra Hà Nội để làm nghe nói rất lớn, nghe đâu anh sẽ vào trung ương. Anh đâu thèm để ý đến ai trong ngôi nhà số 4 này. Lê Lựu, Triệu Bôn, Trần Mạnh Hảo…thấy anh cứ một phép, liệu mà biến đi…

 Rồi đại hội đảng diễn ra, anh Ngọc trượt trung ương. Mặt anh có vẻ hạ xuống thấp hơn một chút. Anh đã bỏ ủng, chơi tí dép cao su, bình dị trông như một nhà tu khắc kỷ của đảng. Nghe nói vợ anh Ngọc cũng nguyên tắc lắm, lên giường hay vào toilet vẫn giữ lập trường cứng đờ của đảng. Một lần hai bạn Thao Trường ( Nguyễn Khắc Trường ) và Hoàng Minh Tường rủ tôi vào bệnh viện thăm anh Nguyên Ngọc. Thấy Trần Mạnh Hảo, anh Ngọc phản pháo liền :

– Này cậu Hảo, nghe con gái tôi nói trong bài viết nào đó, cậu bảo “Đất nước đứng lên” của tôi là thể ký phải không ?

– Phải, thưa anh !

– Sao cậu ngu thế, nó là tiểu thuyết, tiểu thuyết biết chưa?

– Anh viết truyện người thật việc thật về vợ chồng anh hùng Núp dân tộc Ba-na đánh pháp, lần đầu xuất bản năm 1956 chả ghi là truyện ký hay sao?

– Nhưng cuốn của tôi là tiểu thuyết!

– Nó là ký, là ký, là ký ông Quảng Nam hay cãi ạ! Tuocghenhev đại văn hào Nga chỉ với “Bút ký người đi săn” mà ngay cả Dotxtoyevxki và L. Tolstoy cũng phải coi là bậc thầy. Ở ta Nguyễn Tuân thành văn hào số một vì tùy bút, vì thể ký biết chưa hỡi ông vua cãi!

Tôi đứng lên bỏ về!

(Trần Mạnh Hảo)

Thiền

Thế sự thăng trầm bao tục lụy
Phong trần rũ áo nhẹ thinh không

Nhà văn Nguyên Ngọc như tôi từng biết - 2

Bẵng đi một thời gian, Nguyên Ngọc về làm báo “Văn Nghệ”. Hóa ra ông vua cãi này có thiên tài làm báo. Nguyên Ngọc trong vài ba tháng đã làm tờ “Văn Nghệ” của Hội nhà văn thành một sự kiện văn học. Báo bán chạy như tôm tươi. Chưa bao giờ từ ngày ra đời, báo Văn Nghệ lại huy hoàng, lại được công chúng mê tơi.

Hàng loại tác giả tài danh ra đời khi anh Nguyên Ngọc làm tổng biên tập tờ báo : Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phùng Gia Lộc, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Dương Hướng…

Đặc biệt, nhờ anh Nguyên Ngọc, chúng ta mới đọc được ba tác phẩm tiểu thuyết lớn của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), “Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma) và Dương Hướng ( Bến không chồng) và ba cuốn này đã làm vinh quang cho giải thường thường niên của Hội nhà văn Việt Nam, trong khi Hữu Thỉnh chỉ làm ô nhục giải thưởng này bằng hầu hết các tập thơ “Tân con cóc” bậy bạ!

Ô hay, con người ta ai cũng có thời của nó! Cái thời vinh quang đổi mới văn học, công lớn đề dẫn văn học, công lớn làm báo Văn Nghệ sinh ra nhiều cây bút tài danh của Nguyên Ngọc đã đi qua; nhưng tên ông còn mãi, xứng danh là : tượng đài đổi mới văn học của dân tộc và đất nước!
Tôi bắt đầu kính trọng Nguyên Ngọc sau khi ông làm tờ Văn Nghệ thành huyền thoại, thành thời đại hoàng kim nháy mắt của lịch sử đã hóa thành muôn đời của tiếc nuối : “Chao ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”? Nguyên Ngọc, với thành công và thất bại, ông đã để tên vào lịch sử dân tộc như một dấu son của thời văn học muốn trở mình vật vã đau đớn đòi được làm chính mình mà không phải làm kiếp đày tớ chính trị của một thời sai lầm và áp bức!

(Trần Mạnh Hảo)

 Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 1

Nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, nhà văn tướng quân Trần Độ trưởng ban Văn hoá Văn nghệ của Đại hội Đảng lần VI, tổng bí thư là ông Nguyễn Văn Linh; người đẫ giúp tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố những câu đáng ghi vào lịch sử văn nghệ: “cởi trói cho văn nghệ sĩ” “các văn nghệ sĩ hãy tự cứu lấy mình” “không bẻ cong ngòi bút” “dũng cảm trình bày sự thật” ..v..v...

Trong cái không khĩ cởi mở ấy của Nghị quyết 5/BCT về văn học nghệ thuật, nhà văn Trần Độ có đến gặp Tố Hữu và hỏi ông về thái độ đối với anh em "Nhân Văn - Giai Phẩm" bây giờ. Nhà thơ Tố Hữu với giọng trọ trẹ xứ Huế đã nói:

- Rất tiếc! Rất tiếc! Hồi ấy tôi đã không tiêu diệt hết chúng nó đi.

 

Trên đường về ông Trần Độ rẽ vào thăm ông Hoàng Cầm, kể lại câu chuyện trên. Ông Hoàng Cầm đến nay còn sống, yếu lắm rồi, hiện ở số nhà 43 phố Lý Quốc Sư. Ai có thắc mắc, xin đến đấy hỏi, kẻo rồi ông Hoàng Cầm đi mất, lại thành tam sao thất bản.

(Sự thật ở đâu? – Hoàng Tiến)

Thiền

 Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp hay không
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống thật lòng với nhau

 Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 2

Ông Tố Hữu là người ngồi ở ngôi cao trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng, với văn nghệ thì ông là thủ lĩnh, không có gì phải bàn cãi. Về thơ ông cũng vậy “Thì treo giải nhất chịu nhường cho ai ” như một nhà thơ lão làng đã viết. Câu thơ “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam- Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng ” theo phân tích của nhà thơ nọ là hai câu thơ mẫu mực vừa kinh điển vừa hiện đại. Ai dám cãi hoa mơ không trắng vườn cam không vàng.

 Tôi (Xuân Sách) đã một lần bị một đồng chí chính trị viên dưới đơn vị gửi thư lên Tổng cục chính trị phê phán là đi nói chuyện thơ cho bộ đội mà chỉ trích lục thơ Chế Lan Viên chứ không trích thơ Tố Hữu. Bài thi văn trung học và đại học năm nào mà chẳng có đề về thơ Tố Hữu, nó đã trở thành quen thuộc như sổ gạo của từng nhà. Tôi cũng biết vào những năm Nhân văn Giai phẩm có một nhà thơ bộ đội viết bài phê bình thơ Tố Hữu có câu: “Thơ Tố Hữu như cốc siro pha loãng…”. Như thế thì nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” là phải. Cũng chẳng biết kêu ai, chẳng ai nói cho biết mình phạm tội gì.

Tôi cũng nghe kể hồi còn trên chiến khu Việt Bắc một lần Tố Hữu định đọc thơ cho Văn Cao nghe, nhưng ông Văn Cao gạt đi: “Thơ cậu như vè có gì mà đọc”.

(Chuyện làng văn: Tố Hữu - Xuân Sách)

 Thiền

Gió ngát rừng hương trăng nở hoa
Trời cao lồng lộng mấy yên hà
Một mình ngồi lai bên sông vắng
Mặc khách giang hồ lặng lẽ qua.

 Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 3

 Một lần nhà văn Đặng Thái Mai gọi tôi đến nhà riêng. Cụ bảo tôi đọc bài thơ về Tố Hữu cho cụ nghe. Thấy tôi chần chừ cụ bảo:

- Cậu sợ tôi phản cậu hay sao ?

- Thưa bác, cháu đâu dám nghĩ về bác như thế có điều cháu nghe lời ông Hàn Phi rằng vua là con rồng có thể gần thậm chí có thể cưỡi lên mình nhưng tuyệt đối không được sờ vào cái vuốt dưới cằm. Cháu muốn giữ cái đầu để hoàn thành tập thơ đã.

- Thế là phải, nhưng đọc riêng cho tôi nghe thôi.

 

Tôi lại múa mép :

- Đạo trí giả của những người như bác có cái hay trong bụng không thể không truyền cho người khác, cho phép cháu khoe một chút, bài này hay:

Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta

Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việc Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường hoa ở đây

 Chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ. Cụ gác cằm lên đầu gối nghe xong cười khùng khục mắng yêu tôi: “Thằng tiểu quỷ”.

(Chuyện làng văn: Tố Hữu - Xuân Sách)

 Thiền

 Một sớm nắng mai hồng
Ta về thăm viên không
Đá dựng vài trăm tượng
Cõi thiên tâm mênh mông

Tản mạn về tiếng Việt


Gần đến Tết mà lòng buồn rười rượi. Không buồn sao được, thời gian trôi đã xa lắm rồi. Mà bức màn ký ức buồn thảm vẫn phủ lên tâm khảm bao người xa quê. Những vần thơ của Nguyễn Du gợn lên trong ký ức, câu được câu mất...
Buồn trông cửa bể chiều hôm.

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Mây trôi man mác biết là về đâu.

Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu.

Chân mây mặt nước một màu xanh xanh...


Những
thấp thoáng, xa xa, rầu rầu, xanh xanh, man mác... những điệp ngữ, điệp âm khiến lòng người thưởng lãm cũng buồn man mác, buồn vô hạn...

 

(Minh Võ)

Xóc đĩa

Thực ra từ hồi trước năm 1945, tôi chỉ biết vài thứ cờ bạc ở làng tôi. Miền Bắc hồi đó chỉ có xóc đĩa hay còn gọi là “lắc đĩa”. Ngay trong nhà tôi, cứ vào dịp Tết hoặc ngày giỗ ông nội tôi, thường tổ chức một canh xóc đĩa gồm nhiều vị “chức sắc” trong huyện đến chơi, đôi khi có cả các vị ở huyện khác thân quen với gia chủ cũng tới ngồi sòng. Có khi lên đến 50-60 người. Canh xóc đĩa này được coi là khá lớn, giấy “bạc con công” như bươm bướm.

Thường là chừng hơn chục cái chiếu hoa cạp điều được trải dài trong dãy nhà khách khá lớn của nhà tô ithắp sáng trưng bởi mấy cái đèn “măng sông” và đèn đất. Canh bạc bắt đầu ngay từ chiều cho tới sáng hôm sau. Nhà tôi chỉ lập sòng mỗi năm một lần.

(Văn Quang)

Văn hóa…ẩm thực

 Lòng lợn Chợ Sặt, Hố Nai

 Trong số này Kẻ Sặt, nằm ngay ngã ba xa lộ, là khu vực sầm uất nhất, không phải sau khi đã có xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa mà từ trước đó. Kẻ Sặt nguyên là một làng lớn (sau trở thành thị trấn) ở tỉnh Hải Dương,, sau khi di dư vào Nam, trong khi đa số người dân Hố Nai phá rừng làm rẫy thì người Kẻ Sặt lo buôn bán, chỉ hai năm sau (1958) đã thiết lập Chợ Kẻ Sặt, gọi tắt là Chợ Sặt.

Cái quán lòng heo nổi tiếng ở Chợ Sặt ấy thậm chí cái tên cũng chẳng có, chỉ có một tấm biển dựng trước cửa với mấy chữ “Tiết canh – Lòng lợn – Cháo lòng”.

(Thiên Lôi miệt dưới)

Hát ả đào và phở ở…Sài Gòn

 Người ta cho rằng nó chỉ mới xuất hiện ở Sài Gòn vào những năm 1951-1952, cùng một thời gian với hai nhà hát ả đào, một ở xóm Monceau và một ở xóm Đại Đồng.

Cả hai thứ ấy đều rất xa lạ với người Sài Gòn thuở đó. Kiếm được một quan viên biết cầm trống chầu không phải chuyện dễ. Cho nên họ chỉ cầm cự được một hai năm rồi dẹp tiệm, mặc dù họ đã biến nó thành một hình thức như ”kem sờ” ở Bờ Hồ (Hà Nội) vào những năm 30 hoặc như ”bia ôm” của Sài Gòn hôm nay.

 Và phở cũng chịu chung một số phận với nó. Người ta chỉ thích hủ tíu, hoành thánh, bánh xếp nước… Chỉ có độc một tiệm phở được gọi là ”Phở Tuyệc”, nằm trên đường Turc (thuộc khu vực đường Tự Do) là kiên trì bám trụ.
Phải đợi tới sau năm 1954, phở mới thực sự thực hiện một bước nhảy vọt từ Bắc vào Nam. Phở khởi đầu sự bành trướng của nó vào giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 60. Có cả một dãy phố phở nằm trên hai con đường Pasteur và Hiền Vương.
(Phở Sài Gòn xưa và nay)

Thành ngữ tục ngữ…sai

 Chó treo mèo đậy 

Ý nói thức ăn phải đậy điệm, kẻo chó mèo sục vào.

 

Đó chỉ là phần ngọn, cách dùng. Nghĩa đen là: Con chó to khoẻ, đánh mùi rất tốt, nên dù đậy kín nó vẫn có thể ủi đổ nồi, bật vung lên để ăn vụng. Tuy nhiên chó không leo trèo được, nên cách đề phòng tốt nhất là treo cao.

Ngược lại, mèo nhỏ yếu, đánh hơi kém chỉ cần đậy lại là chắc chắn, bằng không treo cao thì mèo vẫn có thể leo trèo tới.

(Hoàng Tuấn Công)

Phụ bản

Hẳn nhiều người từng đọc bộ truyện tranh The Adventures of Tintin của họa sĩ truyện tranh người Bỉ, Georges Rémi, tên Hergé.

   


Vào ngày 03/03/1983, họa sĩ Georges Remi qua đời tại Bỉ, hưởng thọ 75 tuổi. Ông nổi tiếng trên toàn thế giới với nghệ danh Hergé, tác giả của bộ truyện Tintin. Bốn thập niên sau ngày ông từ trần, các nhân vật hình thành dưới ngòi bút của Hergé vẫn mê hoặc hàng triệu độc giả ở mọi lứa tuổi. 24 tác phẩm kể lại ''Các cuộc phiêu lưu của Tintin'', nay thuộc vào hàng kinh điển trong làng truyện tranh thế giới.

 (nguồn Tổng hợp)

Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Sự thật Bến Tre có bị thiêu huỷ không? Sáu tuần sau bài của Peter Arnett, William Touchy của tờ Los Angeles Times viết:

“Chỉ có 25% chứ không phải 80% thị xã bị tiêu huỷ, như tin đã đưa trước đây, vì cuộc tấn công của Việt Cộng, vì pháo của quân lực VNCH và bom của không lực Mỹ sau đó. Và toán cố vấn Mỹ đã nghi ngờ câu tường thuật (của Peter Arnet) được viết tại Bến Tre. ‘Nó quá súc tích và khéo léo để có thể là câu viết ngay tại chỗ,’ một cố vấn Mỹ nói, ‘Nghe nó sai làm sao đó.’”

Peter Arnett.  Nguồn: pbs.org

 Peter Arnett đã từ chối không cho Braestrup biết viên Thiếu tá ở Bến Tre là ai viện cớ ông ta còn tại ngũ. Đến nay câu chuyện Bến Tre vẫn là như thế. Braestrup qua đời từ năm 1997. Đã 73 tuổi, Arnett sẽ tiếp tục giữ im lặng đến khi nào? Vì ngày nay ông không thể viện cớ “Thiếu tá Bến Tre” vẫn còn phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ nữa. Hy vọng ký giả nổi tiếng của AP, người lãnh giải Pulitzer 1966, người phỏng vấn Bin Laden 1997 sẽ không để trường báo chí của Viện Kỹ thuật miền Nam New Zealand mang tên một người quỵt nợ lịch sử.

Còn rất nhiều những sai lầm và thiếu sót của giới truyền thông về Tết Mậu Thân và cuộc chiến Việt Nam mà câu chuyện “tiêu huỷ Bến Tre” chỉ là một.

Sự thật Mậu Thân là quân đội VNCH và đồng minh đã thành công bảo vệ miền Nam Việt Nam, tiêu diệt lực lượng cán binh cộng sản nằm vùng – không thể gượng dậy là một lực lượng quân sự tham chiến như trước – sau đó quân đội chính quy Bắc Việt phải trực tiếp thay thế ở chiến trường và họ cũng đã phải đợi 4 năm sau mới mở được một cuộc tấn công lớn khác vào mùa hè 1972.

Dù đã không thành công trên chính trường và trong cuộc vận động với thế giới, dù bị báo chí, truyền hình Mỹ đã thông tin thiếu sót, thiên vị và bất lợi nhưng quân đội VNCH và đồng minh chắc chắn đã thắng ở chiến trường Mậu Thân. Đây là điều đã được minh xác trong các tài liệu quân sử của nhiều học giả nước ngoài nhưng cũng cần được xác định trong lịch sử Việt Nam, đối với nhân dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

 Những bất cập trong cách thông tin của giới truyền thông Mỹ năm 1968 không chỉ gây ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam trong biến cố Mậu Thân mà đã góp phần không ít vào kết quả cuộc chiến, tình hình chính trị, xu hướng phản đối Mỹ tham chiến tại Việt Nam dẫn đến sự sụp đổ của vào tháng 4, 1975.

(Trần Giao Thủy)

 Đèn Cù

 Trong lần đi thăm khu gang thép Thái Nguyên, “Sau bữa cơm trưa, thấy Cụ quần áo cánh nâu đi vòng ra sau dẫy nhà tranh đến rặng chuối thay hàng rào, tôi đi theo… Thấy tôi gần như ở ngay bên, cụ quay ngoắt lại hỏi, điếu thuốc khẽ lật bật ở môi: ‘Người ta đái cũng theo à?’ - ‘Không ạ, cháu…!’ ‘Thế đứng sát vào người ta nhòm gì?’” Rồi Trần Đĩnh kể tiếp, “Chiều ấy, khoảng bốn giờ về tới chủ tịch phủ, tha thẩn ở sân chờ lấy xe đạp … bất thần chợt nhớ đến Xuân, cô con gái nuôi của bác. Hỏi mấy người đứng tuổi nom có vẻ quen từ trên rừng. A, cô Xuân ấy hả? Lấy chồng rồi. Chồng lái xe. Nhưng chết rồi… bị ô tô đè…”

 Người thứ hai mà Trần Đĩnh có lòng cảm mến là Trường Chinh. Năm 1962 Trường Chinh đã nhờ Trần Đĩnh viết hồi ký, nhắc lại từ những ngày đi họp ở Pắc Bó năm 1941, với ý định dùng quá khứ vinh quang “phất một ngọn cờ tập hợp” phe mình. Nhưng sau tập hồi ký không dùng đến vì Trường Chinh biết mình đã thua phe cánh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ rồi.

Nhiều người cũng muốn nhờ viết, vì Trần Đĩnh nổi tiếng khi viết hồi ký cho nhiều người khác. Anh kể chuyện một lần năm 1960 Trần Đĩnh gặp Vũ Kỳ (thư ký riêng của Hồ Chí Minh): “Vũ Kỳ bảo tôi sẽ cộng tác với anh viết hồi ký về bác ‘khi bác hai năm mươi.’ Viết xong bản tiểu sử chính thức, tôi (Trần Đĩnh) gửi lên cho cụ một bản để duyệt. Cụ chữa từng trang. Có những đoạn viết ra ngoài lề: Xem lại? Hỏi lại? Bản thảo này tôi giữ.” Sau đó sách in ra, “Mừng tiểu sử chính thức đầu tiên của Hồ chủ tịch ra đời, Tố Hữu khao một bữa thịt chó thịnh soạn tại nhà” (Tố Hữu được nhuận bút 200 đồng vì có công kiểm duyệt, người viết chỉ được 400 đồng; còn “Huy Tưởng, Hoài Thanh chả [được] tẹo nào).

 (Ngô Nhân Dụng)

 Ngoài sáng tác, Trần Đĩnh còn là một dịch giả với những tác phẩm như: Linh Sơn của Cao Hành Kiện

Ngầm của Murakami Haruki.

Trần Đĩnh mất ngày 12-5-2022 tại Sài Gòn, thọ 93 tuổi

 Bài bây…

 Bài bây trong Kiều, câu 973:

Lão kia giở bài bây, đừng giở trò liều lĩnh, vô sỉ ra

(chỉ Mã Giám Sinh)

 Đào Duy Anh/Từ điển truyện Kiều. Bài trong chữ Hán là bày.

Bài bây kéo  dài một sự việc, một vụ án (trang 54, tự điển Lê Văn Đức). Bài bây là xử cách cù nhầy, cách lần khân theo tự điển Khai Trí Tiến Đức.

 Nhưng trong mấy câu ca dao dưới đây thì bài bây lại không có những nghĩa trên:

Bao giờ cho đến tháng hai

Con gái làm cỏ, con trai be bờ

Gái thì kể phú ngâm thơ

Trai thì be bờ kể chuyện bài bây

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)

Những chiếc xe mì của quá khứ

Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.

Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.

Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.

 Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.

 (Đỗ Duy Ngọc)

 

Tác giả: Nhà văn, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc thổ quán ở Huế, sinh năm 1950 tại Đà Nẵng, hiện đang sống Sài Gòn.

Tác phẩm: Thầy tôi: Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Vĩnh biệt Họa sĩ Bé Ký, Họa sĩ Đinh Cường, Bước không qua số phận, Những chiếc xe mì của quá khứ, v…v…

***

 Phụ đính I

 40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn.

Tổng hợp từ nhiều nguồn)

 


Lê Đình Điểu
(1939-1999)


Nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Lê Đình Điểu, người bạn lớn của nhiều sinh hoạt văn hóa, giáo dục, truyền thông Việt Nam từ hơn 40 năm qua.

Ông sinh năm 1939 tại Ngọc Hà, ngoại thành Hà Nội. Ông làm thơ, viết văn từ thời niên thiếu với bút hiệu Y Dịch. Năm 1967, ông tốt nghiệp khóa Báo Chí học tại Viện Báo Chí Quốc Tế ở Kuala Lumpur, Mã Lai. Sau đó, ông làm đặc phái viên Việt Tấn Xã.

 Từ 1975 đến 1981 ông bị đi tù cải tạo. Năm 1985 gia đình ông qua Mỹ, và ông làm chủ bút nhật báo Người Việt, đến năm 1988 thì trở thành Tổng Giám Đốc Công Ty Người Việt. Năm 1991 ông là chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21.

Gặp chứng bệnh nan y, ông đã từ trần ngày 24-5-1999.

***

Phụ đính II

 Chùa Bà Đanh

Chùa của thần linh Chàm được họ mang theo thờ cúng trên kinh đô nước Việt là "chùa" Bà Ðanh. Ðây rõ ràng là một "chùa" thờ thần Po Yan Dari. Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần.

Tên Bà Banh là ý "phô phang" là nói về cây gậy (hẳn bằng đá ở chùa này). Xét các tượng còn đến bây giờ, ta phải tiếc là đã mất đi pho tượng đặc biệt này.

 

Bia 1699 còn lại sau lần phá dỡ năm 1907 chỉ rõ tên nôm của chùa là Bà Ðanh Tự, còn tên Hán Việt là Châu Lâm Tự, tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nộị, Vì để tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên sau này Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê.

Vào thời đó, viện Châu Lâm được dùng làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh. Đầu thế kỷ XIX, chùa trở nên hoang phế,

(Thần, người và đất Việt - Tạ Chí Ðại Trường)


 

Xem Lại : CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 15/5/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét