9 thg 5, 2024

TIẾT 3 – ĐẠO, BÀI 1 - Tác giả: ITÔ JINSAI (*)- Diển Đàn Khai Phóng

 Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Điều 1

Đạo giống như con đường (lộ), là phương tiện để con người“qua lại” (vãng lai, lưu thông). Do đó, âm và dương thay nhau lưu chuyển gọi là đạo trời (thiên đạo). Cương và nhu cần nhau (tương tu) gọi là đạo của đất (địa đạo). Nhân và nghĩa “được thực hiện chung” (hoặc “đi chung nhau”hoặc “gộp cả hai lại”)(tương hành) gọi là đạo của con người hoặc đạo làm người (nhân đạo). Đạo của tất cả các thứ này đều lấy nghĩa là “qua lại” (a).

Đạo lại giống như “con đường” hoặc “hành trình” (nên đi để đến mục đích đã được xem xét, nghiên cứu của những người đi trước) (đồ途) (b) (ở đây tạm gọi tắt là “con đường đã quy định”). Nếu đi theo “con đường đã quy định” thì đi đến nơi được, nếu không đi theo thì không đến nơi được. Các câu nói sau là trường hợp này: “Tại sao không đi bằng đạo này?” (1(Luận Ngữ); “Đạo là thứ không thể xa rời trong giây lát” (2) (sách Trung Dung). Tôi nghĩ rằng các thí dụ trên được dùng với nghĩa nếu đi theo “con đường đã quy định” thì có thể đi được. Chỉ cần đi theo “con đường đã quy định” là đủ để “qua lại”. Do đó, không được không đi theo con đường đã quy định này. Mặc dù đạo có 2 nghĩa (qua lại và con đường đã quy định) nhưng thật ra chỉ là một lý lẽ (lý). (Nghĩa là, muốn đi đến đích phải đi bằng con đường đã quy định).

Đạo cũng có thể dùng để nói “việc làm, hành động của con người” (cách xử thế, cách sống) (c). Thí dụ như “đạo của Nghiêu Thuấn” (3) và “đạo của 3 người (Bá Di, Y Doãn, Liễu Hạ Huệ) khác nhau” (4) (sách Mạnh Tử) v.v…là trường hợp này.

Đạo cũng có thể dùng để chỉ “phương pháp”. Thí dụ như “đạo của sách Đại Học” và “Sanh vào thời nay nhưng trở về đạo của ngày xưa” (5) (Trung Dung). Tuy nhiên tất cả đều mượn ý nghĩa “thông hành” (đi qua) của đạo. Do đó từ đạo của trời, đạo của đất, đạo của con người cho đến các đạo nhỏ dị đoan, và các kỹ năng nghệ thuật đều có thể dùng từ đạo.

Trần Thuần trong Bắc Khê Tự Nghĩa giải thích “Kinh Dịch giảng “Nhất âm nhất dương gọi là đạo”. Khổng tử căn cứ vào lời này để luận về của căn nguyên của tạo hóa. Phần lớn khi thánh nhân giảng về đạo và người, thường hay giảng về việc của con người. Tuy nhiên, chỉ dùng một lời này, tức là khi ca ngợi kinh Dịch, để giải thích căn nguyên lai lịch (của đạo)”. Theo ngu ý của tôi, thì không phải vậy. Nói “trời và người mỗi thứ có một đạo” (thiên nhân nhất đạo) thì đúng nhưng nói “chữ đạo (của nhất âm nhất dương) là căn nguyên lai lịch (của đạo con người hoặc của đạo của vạn vật)” (đạo tự lai lịch căn nguyên) thì không đúng.

Lời của kinh Dịch là giảng về đạo của trời. Các lời như “Đạo là tuân theo tính” (6) (Trung Dung), “Đặt chí vào đạo” (7) (Luận Ngữ), “Có thể cùng đi chung đạo” (8) (Luận Ngữ), “Đạo ở bên cạnh mình” (9) (Mạnh Tử) đều cùng một loại, là nội dung giải thích về đạo của con người.

Thuyết Quái Truyện của kinh Dịch rõ ràng giải thích “Âm và dương lập đạo của trời, nhu và cương lập đạo của đất, nhân và nghĩa lập đạo của con người” (10). Không được trộn lẫn các thứ đạo này (đạo trời đất và đạo làm người) làm một. Việc không thể lấy âm và dương nói là đạo của con người giống như việc không thể lấy nhân và nghĩa mà nói là đạo của trời. Nếu như lấy chữ đạo làm căn nguyên lai lịch (của đạo con người hoặc đạo của vạn vật) thì tức là lấy âm và dương làm đạo của con người. Phần lớn nội dung mà gọi là đạo của thánh nhân tất cả đều nói về đạo của con người. Đối với đạo trời, phu tử rất hiếm đề cập đến, đó là lý do mà Tử Cống nói không thể nghe đạo của trời từ phu tử (11) (Luận Ngữ).

Nguyễn Sơn Hùng, Viết xong ngày 20/1/2024

Ghi chú

(1) “Hà mạc do tư đạo dã? 何莫由斯道也” (Bài 15 chương 6 Ung Dã, Luận Ngữ)

(2) “Đạo dã giả bất khả tu du ly dã道也者不可須臾離也” (Chương 1, Trung Dung). Sách Lễ Ký cũng viết: “Con người không thể rời lễ nhạc được chốc lát” (Lễ nhạc bất khả tư tu khử thân 禮樂不可斯須去身).

(3) “Nghiêu Thuấn chi đạo” (Bài 2 chương 4 Công Tôn Sửu hạ, Bài 1 chương 7 Ly Lâu thượng, Bài 7 chương 9 Vạn Chương hạ, Bài 2 chương 12 Cáo Tử hạ) (Mạnh Tử)

(4) “Tam tử giả bất đồng đạo” (Bài 6 chương 12 Cáo Tử hạ, Mạnh Tử)

(5) “Sinh hồ kim chi thế nhi phản cổ chi đạo生乎今之世而反古之道”(Chương 28, Trung Dung).

(6) “Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo” (Chương 1, Trung Dung)

(7) “Tử viết: “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (Bài 6 chương 7 Thuật Nhi, Luận Ngữ)

(8) “Tử viết: “Khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo; khả dữ thích đạo, vị khả dữ lập; khả dữ lập, vị khả dữ quyền.”(Bài 29 chương 9 Tử Hãn, Luận Ngữ)

(9) “Mạnh Tử viết: “Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn; sự tại dị, nhi cầu chư nan. Nhân nhân thân kỳ thân, trưởng kỳ trưởng, nhi thiên hạ bình.” (Bài 11 chương 7 Ly Lâu thượng, Mạnh Tử)

(10) “ Lập thiên chi đạo viết âm dự dương, lập địa chi đạo, viết nhu dự cương, lập nhân chi đạo, viết nhân dự nghĩa” (Chương 2, Thuyết Quái Truyện) (立天之道、曰陰与陽、立地之道、曰柔与剛、立人之道、曰仁与義)

(11) “Phu tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã, phu tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã.” (Bài 12 chương 5 Công Dã Tràng, Luận Ngữ).

Tham khảo thêm

(1) Khác biệt giữa “đạo” và “đồ”

Về sự khác biệt nghĩa giữa “đạo” và “đồ”, người dịch đã tra thử nhiều từ điển tiếng Việt và tiếng Nhật và trên Internet tiếng Nhật nhưng không có tài liệu nào giải thích có thể thỏa mãn. Có tài liệu tiếng Nhật giải thích như sau:

– “Đạo” là nơi để con người và xe cộ….qua lại, là việc làm mà con người nên gìn giữ.

– “Lộ” là con đường rộng lớn hơn “đạo”.

– “Đồ” là giữa đường đi đến mục đích, là cách thực hiện, cách làm.

Thiều Chửu giải thích “đạo” là con đường cái thẳng; “đồ” là “đường lối”.

(2) “Nghiêu Thuấn chi đạo” (Bài 2 chương 4 Công Tôn Sửu hạ, Mạnh Tử)

Mạnh tử định đi triều kiến vua Tề nhưng sứ giả của vua đến truyền đạt rằng vua bị cảm nên không tốt để đi ra ngoài. Nếu Mạnh tử đến triều đình thì vua cố gắng đến triều đình gặp ông. Mạnh tử nghe vậy biết rằng vua mượn cớ giả bệnh để kêu ông đến nên trả lời ông cũng mắc bệnh không đến triều đình được.

Hôm sau khi Mạnh tử định đi dự đám táng của dòng họ Đông Quách, Công Tôn Sửu mới nói “Hôm qua thầy nói bệnh từ chối không đến triều đình, hôm nay lại đi dự đám tang, liệu có kỳ không?”. Mạnh tử đáp “Hôm qua bệnh, không đi được. Hôm nay đã khỏi, phải đi thôi”. Sau đó vua cử sứ giả và ngự y đến thăm Mạnh tử. Mạnh Trọng Tử, người giữ nhà, nói với sứ giả “Hôm qua mắc bệnh không đến triều đình được, hôm nay tiên sinh đã khỏi nên đã đi đến triều đình, không biết đã đến nơi chưa”. Sau đó Trọng Tử cho người đi báo cho Mạnh tử biết. Mạnh tử biết xong vì không muốn đến triều đình nên phải đi đến nhà của dòng họ Cảnh Sửu và ở trọ lại đó.

Cảnh tử nói với Mạnh tử “Bên trong thì có quan hệ cha con, bên ngoài thì có quan hệ quân thần. Hai thứ này là đạo đức quan trọng nhất của đạo làm người. Việc chính yếu của quan hệ cha con là ân, chính yếu của quân thần là kính. Tôi thấy vua Tề kính tiên sinh nhưng tôi không thấy tiên sinh kính vua”.

Mạnh tử nói “Sao ông lại nói thế! Không phải người nước Tề không đem nhân nghĩa nói cho vua Tề nghe sao. Chẳng lẽ vì vậy mà cho rằng nhân nghĩakhông tốt đẹp sao? Nhưng trong lòng của người Tề bảo rằng “Vị vua này không đủ để nói nhân nghĩa với ông. Không phải như vậy sao?” Nếu như vậy, phải nói không gì bất kính với vua bằng. Còn đối với tôi, nếu không phải là đạo của Nghiêu Thuấn (tức đạo nhân nghĩa) thì không nói trước vua. Do đó, đối với việc kính vua, không có người nước Tề nào bằng tôi.”

(3) “Tam tử giả bất đồng đạo” (Bài 6 chương 12 Cáo Tử hạ, Mạnh Tử)

Phần liên quan “Tam tử giả bất đồng đạo” như sau. Thuần Vu Khôn, người ăn nói giỏi của nước Tề nói với Mạnh tử:

“Người cho rằng danh dự và thành tích công lao là việc quan trọng nhất thì sẽ hoạt động vì người đời. Trái lại người nghĩ 2 thứ này không quan trọng nhất thì nghĩ đến việc tu dưỡng bản thân. Tiên sinh là một trong tam khanh mà danh dự và thành tích công lao không tăng lên, trên không không thể làm cho vua đúng, dưới lại không thể cứu giúp dân, lại định rời bỏ nước Tề, người có đức nhân vốn là mẫu người như vậy sao?”

Mạnh tử trả lời:

“Vui vẻ với chức vụ thấp, và không đem tài năng của mình phục vụ người ngu là Bá Di. Năm lần phục vụ vua Thành Thang (vua tốt) của nhà Ân và 5 lần phục vụ vua Kiệt (vua xấu) của nhà Hạ để cứu dân là Y Doãn. Vua xấu cũng không oán ghét, được bổ nhiệm chức vụ thấp kém cũng không từ chối, chi biết hài hòa với mọi người là Liễu Hạ Huệ. Cách làm của 3 người này khác nhau nhưng quy lại chỉ là một.”

Thuần Vu Khôn hỏi “Một đó là gì?”

Mạnh tử đáp “Đó là nhân. Người có tư cách quân tử cũng giống như 3 người này, chỉ lấy nhân làm mục tiêu nhưng hành động, cách làm không cần phải giống nhau”.

(4) Nghĩa của “đạo” trong từ điển tiếng Việt

Trong các từ điển tiếng Việt, Từ Điển Hán Nôm trên Internet giới thiệu đầy đủ hơn các từ điển khác. Trong 16 nghĩa của Từ điển này ở đây chỉ ghi lại những nghĩa có liên quan đến bài viết: 1) Đường, dòng. 2) Cái lẽ nhất định ai cũng phải noi theo. 3) Phương pháp, phương hướng, cách. 4) Chân lý. 5) Nghề, kỹ xảo.

Nguyễn Sơn Hùng, 10/2/2024


Nhận xét

Về nội dung nguyên tác

(Để làm rõ ràng nội dung nhận xét dưới đây nói về phần nào trong bài viết, người dịch đã ghi chú trong bài viết bằng (a), (b), (c)….)

(a) Theo người dịch nghĩ rằng nghĩa “qua lại” của “thiên đạo”, “địa đạo” và “nhân đạo” mà Jinsai giải thích cần phải hiểu là “qua lại suôn sẻ, thuận lợi và lâu dài vĩnh viễn” chớ không phải chỉ “qua lại” vài lần thì không thể gọi là đạo, cần nên ý thức rõ điều này.

(b) Theo giải thích của của Jinsai trong bài viết và nghĩa “đường lối” của “đồ” theo Thiều Chửu, người dịch tạm thời hiểu rằng “đồ” là “hành trình để đi đến mục đích mà người trước đã đi đến mục đích đề xuất cho người sau đó”. Nói cụ thể dễ hiểu hơn, nếu “đạo” là “chân lý” thì “đồ” là “tiêu chuẩn”, “mẫu mực” để đạt đến. Nếu “đạo” là mục tiêu để đi đến thì “đồ” là sách hướng dẫn (guidebook) để đi đến mục tiêu.

(c) Hai thí dụ Jinsai trích dẫn cho trường hợp “đạo” có ý nghĩa “việc làm, hành động của con người” (nguyên văn: nhân chi sở hành人之所行) đều là từ sách Mạnh Tử và lời của Mạnh tử. Tuy nhiên, theo ý nghĩa cụ thể người dịch giới thiệu trong “Tham khảo thêm”, chúng ta chúng ta có thể thấy nghĩa của “đạo” cho trường hợp “đạo của Nghiêu Thuấn” chính là nghĩa đầu tiên vì Cảnh tử đang đề cập về “đạo làm người” và Mạnh tử cũng đang nói về “nhân nghĩa”. Tuy nhiên đối với ý nghĩa cụ thể mà Mạnh tử muốn nói thì nên hiểu là “chính sách” hoặc “đường lối” nhân nghĩa của Nghiêu Thuấn. Trường hợp của Y Doãn hoặc Liễu Hạ Huệ, thay vì nói “hành động của con người” nên nói là “đường lối” hoặc “cách xử thế” thì hợp lý hơn.

Có thể có ý kiến cho rằng nghĩa của “đạo” trong trường hợp này là “phương pháp”. Về thực chất nội dung có thể nói như thế nhưng thiết nghĩ phạm vi đối tượng của từ “phương pháp” hạn hẹp hơn từ “đường lối”. “Đường lối” hàm chứa ý nghĩa “phương châm, chủ trương để tuyển chọn phương pháp, cách làm”. Thí dụ, cách xử thế có nhiều loại nhưng cách xử thế của 3 nhân vật nói trên không giống nhau. Do đó, người dịch tạm đặt ý nghĩa “đạo” cho trường hợp này là “đường lối”.

Tổng hợp

(1) Nội dung của Jinsai viết về nghĩa của đạo trong Điều 1 trên có thể phân loại và tóm tắt như sau:

– Nghĩa 1: “qua lại” (chân lý hoặc quy luật tự nhiên). Đối với đạo làm người (nhân đạo), đạo là việc đối đãi qua lại giữa người và người, hoặc người và vật. Việc “qua lại giữa người và người” là việc ai cũng hiểu nhưng tại sao lại “giữa người và vật”. Bởi vì ngoài người khác, chúng ta có thể sống được là nhờ động vật, thực vật và môi trường tốt. Để duy trì cuộc sống con người được hạnh phúc lâu dài cho đến đời con cháu về sau, chúng ta cần phải đối đãi những thứ này cho hợp lý đó là đạo của con người đối với vật. Vào thời đại ngày nay, ý nghĩa điều này rõ rệt hơn thời đại của thánh nhân ngày xưa.

Đối với việc “âm và dương thay nhau lưu chuyển” hoặc “cương nhu cần nhau”, người dịch nghĩ rằng phải chăng nên nói là hiện tượng của trời đất thích hợp hơn gọi là đạocủa trời của đất. Đồng thời nghĩ rằng thay vì dùng từ “qua lại (vãng lai)” nên hiểu là “tuần hoàn” thì thích hợp hơn khi so sánh khoảng thời gian sống ngắn ngủi của đời người với sự trường tồn vô tận của trời đất. Tuy nhiên nên lưu ý rằng nếu so với thời gian tồn tại lâu dài của vũ trụ thì những hiện tượng “tuần hoàn” của trời đất không còn là “tuần hoàn” mà có thể là diễn biến một chiều không bao giờ trở lại.

“Đạo của trời đất” nên dùng để chỉ “quy luật tự nhiên”. Do đó, việc “âm và dương thay nhau lưu chuyển” hoặc “cương nhu giúp lẫn nhau” chỉ là những hiện tượng của vô số hiện tượng tự nhiên có trong vũ trụ, chịu chi phối của “đạo của trời đất” hay cách nói ngày nay là của “quy luật tự nhiên” chứ các hiện tượng này không phải là “đạo của trời đất” hoặc “quy luật tự nhiên”.

Nên lưu ý hàm ý quan trọng của “qua lại” là: (1) Hai chiều giữa bản thân mình và đối tượng, không phải chỉ có 1 chiều nghĩa là bản thân mình đối với đối tượng; (2) Lập đi, lập lại nhiều lần, không phải 1 hoặc 2 lần rồi chấm dứt; (3) Sự điều hòa hoặc hài hòa (harmony) của cả đôi bên thì sự việc qua lại mới tốt đẹp lâu dài để tiếp tục qua lại; (4) Hành động, thực tiễn, không phải là lý thuyết. Lý 理 (lý lẽ, căn cứ) dùng cho trường hợp lý thuyết.

Từ ngữ thỏa mãn tất cả các hàm ý nói trên của “qua lại”, người dịch nghĩ rằng có lẽ là từ ngữ “chân lý” hoặc “quy luật tự nhiên”. Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều bị chi phối theo quy luật tự nhiên, đó cũng là chân lý.

– Nghĩa 2: “mẫu mực hoặc tiêu chuẩn”. Thật ra người dịch chưa hiểu được ý muốn nói của Jinsai khi ông dùng từ ngữ “đồ” để nói ý nghĩa này. Như đã trình bày ở Nhận xét (c), ở đây tạm xếp loại nghĩa của trường họp này là “mẫu mực hoặc tiêu chuẩn”.

Do đó cái mà Nho học gọi “đạo thánh hiền” chính là mẫu mực hay tiêu chuẩn mà thánh hiền nghĩ rằng sống theo đó thì con người sống được hòa bình và hạnh phúc. Các sách đạo đức là các sách hướng dẫn thực hiện đạo thánh hiền. Các Nho gia thường có khuynh hướng cho rằng đạo thánh hiền là đạo trời đất, là quy luật tự nhiên Nhưng thật ra không phải như vậy. Chính Jinsai cũng nói đạo làm người và đạo trời đất không phải là một.

Nên nhớ có nhiều tiêu chuẩn được đề xướng để hướng dẫn con người sống hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Chúng ta có thể chọn thứ thích hợp với bản thân nhưng thiết nghĩ nên chọn như thế nào để bản thân mình thấy hạnh phúc nhưng không làm phiền hoặc gây tai hại đến người khác hoặc con cháu của mình về sau. Không nhất thiết phải chỉ chọn một thứ mà có kết hợp nhiều thứ cho những trường hợp hoặc giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của mình.

– Nghĩa 3: “đường lối”. Nói cụ thể hơn là cách sống, cách xử thế hoặc phương sách trong cuộc sống, quản lý tổ chức, trong chính trị v.v….

– Nghĩa 4: “phương pháp”. Jinsai giải thích ý nghĩa của “đạo” trong trường hợp này cho cả 2 lĩnh vực: kỹ năng, nghệ thuật, và học thuật. Nhưng người dịch thiết nghĩ nghĩa “phương pháp” của đạo chỉ nên dùng để chỉ các trường hợp của kỹ năng hoặc nghệ thuật như trà đạo, hoa đạo…còn đối với “đạo” của sách Đại Học thì nên hiểu là “học thuyết” thích hợp hơn. Do đó ở đây thêm nghĩa thứ 5 như dưới đây.

– Nghĩa 5: “học thuyết”. Người dịch xin được phép giới hạn từ “học thuyết” ở đây trong lĩnh vực học thuật hoặc triết học, không bao gồm lĩnh vực tôn giáo bởi vì người dịch chưa có khả năng tìm hiểu. Do lý do này người dịch dùng từ Nho học, Phật học….trừ khi dịch phải theo đúng nguyên bản. Thí dụ: học thuyết của Khổng Mạnh, Tống Nho, Lão tử, Trang tử, Đại học, Trung Dung….

Tóm lại, từ “đạo” có 5 nghĩa chính: 1) Chân lý hoặc quy luật tự nhiên, 2) Tiêu chuẩn hoặc sách hướng dẫn, 3) Đường lối (Cách xử thể, chính sách…) 4) Phương pháp thực hiện, 5) Học thuyết

(2) Trong Khổng Học Đăng cụ Sào Nam Phan Bội Châu có một đoạn viết về ý nghĩa của “đạo” rất đáng ghi nhớ nên xin trích dẫn ở đây để giới thiệu đến quý độc giả. Trong mục “Kinh nhất chương nguyên văn” của Chương II. Dịch Riêng Tuyển (Toàn) Pho Sách Đại Học của Khổng Học Đăng Trung Thiên, cụ viết như sau:

““Đại học” là gì? Là học cho đến lúc triệt thượng triệt hạ, thành kỷ, thành nhân; từ thân mà (đến?) gia, từ gia mà quốc, quốc mà thiên hạ, qui nạp vào ở trong đại học. Đã hiểu được nghĩa chữ đại học như thế, bây giờ mới phải tìm cho ra đường lối làm sao mới đến được đại học (大學之道). Vậy nên mở pho sách Đại Học thời thấy bốn chữ “đại học chi đạo” ở đầu cùng. Chữ “đạo” nghĩa là đường lối, lại nghĩa là chân lý, cũng nghĩa là phương pháp; đủ ba nghĩa ấy mới hết được nghĩa chữ “đạo”. Tìm cho ra đường lối đến đại học, nhận cho ra chân lý của đại học, làm cho đúng phương pháp của đại học, như thế là đúng nghĩa câu “đại học chi đạo”.

(Tô đậm và gạch dưới do người dịch)

Quả thật cụ Sào Nam bao giờ cũng nhất quán với tư tưởng “học để hành”, thật đáng để chúng ta ghi nhớ và suy ngẫm!

Nguyễn Sơn Hùng


Mời Xem :

TIẾT 9 – TÂM TỨ ĐOAN (Diển Đàn Khai Phóng )  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét