Ai đi câu cá, hay người có quê quán ở vùng sông nước thì đều biết cái chài. Cho dù chưa bao giờ đi chài cá, cụ thể là sử dụng cái chài thì cũng đã từng thấy người khác chài cá ở sông rạch, ao hồ. Nói tóm lại, cái chài là dụng cụ để bắt cá mà từ địa phương gọi là chài cá, là một tấm lưới tròn, người ta viền chì theo chu vi hình tròn của miếng lưới để khi ném xuống nước, miếng lưới mau chìm, nhốt lũ cá trong chu vi miếng lưới, cá không chạy kịp thì vướng chài. Chài có dây cột để tóm miếng lưới ấy lại, những chú cá bị mắc kẹt trong lưới đành chịu số phận đã an bài.
Thuở nhỏ, tôi biết sử dụng cái chài để chài cá rô, cá sặc ngoài ruộng, nhưng quá lâu không sử dụng nên không còn khéo tay, quăng chài không tròn như cái nia được nữa; ngay đến chèo xuồng cũng quên tuốt, bây giờ cầm cây chèo ngày xưa, nhưng chèo xuồng không đi mà cứ quay vòng vòng… Nếu không có những lúc hoài niệm, nhìn lại mình, người ta cũng khó nhận ra sự thay đổi. Tôi chỉ thấy có hai việc đã biết thì trọn đời không quên, một là đạp xe đạp, hai là bơi lội. Đã biết lội thì bao năm không xuống nước, nhưng ngã xuống sông thì tự khắc biết lội vô bờ; đã biết đạp xe thì bao năm không đi xe đạp nhưng leo lên yên xe, sẽ đạp được sau vài loạng choạng…
Trở lại với cái chài, ba mươi năm trước, tôi mới đến Mỹ. Buồn khỏi nói luôn vì mới rời Sài gòn đông đúc, ra ngõ gặp bạn. Qua đây như đi tù ngoài đảo, sáng thứ bảy không phải đi làm nên rảnh rỗi, khổ nỗi là nhìn ra đường không thấy bóng người; nhìn qua hàng xóm đều nhà nhà im ỉm cửa đóng then cài, không một chút Động tĩnh chứ nói gì tới nghe được tiếng người trò chuyện ngoài ngõ, tiếng rao hàng rong trỗi dậy trước mặt trời mọc như ở Sài gòn… “bánh mì đây. Bánh mì mới ra lò, nóng giòn đây…” Chỉ cần bước ra cửa nhà đã mua được mấy ổ bánh mì nóng giòn, mới ra lò. Vào nhà chiên vài cái trứng là có bữa sáng ngon lành ở quê xưa.
Trong nỗi buồn mênh mông của người mới nhập cư mà quen biết được vài người đồng hương, nói tiếng Việt với nhau thì qúy hơn gì hết. Anh bạn trẻ làm chung biết rõ tâm lý người mới qua nên anh hẹn tôi cuối tuần. “Sáng thứ bảy, anh cứ lo dọn dẹp nhà cửa, rửa xe, giặt đồ, đi chợ, nấu ăn cho tuần tới… Nhưng chiều thứ bảy thì sang nhà em chơi, sẽ gặp gỡ đồng hương cho đỡ buồn.” Tôi mừng hơn được quà nên chiều thứ bảy, ghé mua thùng bia rồi xách tới nhà bạn. Đúng là gặp gỡ nhiều người Việt, dân ta ba miền nên người nói giọng Bắc, người nói giọng Trung, giọng Nam đủ hết. Cả đám, cả đời mới gặp nhau lần đầu nhưng như đã quen nhau từ kiếp nào, tình thân như có sẵn trong tâm can chỉ chờ dịp trào ra lai láng. Chúng tôi cùng nhau nướng thịt cho đám trẻ ăn, mọi người ăn; mấy trự đàn ông vừa nướng thịt, vừa uống bia, xem banh cà na trên tivi ngoài garage; các chị đàn bà xúm nhau nấu bún riêu, bún mộc trong bếp.
Nỗi buồn vơi đi nhiều nhưng thắc mắc không giảm khi người anh ruột của bạn tôi chở vợ con anh tới tham dự bữa tiệc cuối tuần. Anh đưa đến hai con vịt đông lạnh mua ở chợ Mỹ, rau mùi, ngò gai, đậu phộng rang, chanh ớt… đúng là gia vị để làm món tiết canh vịt như anh nói. Tôi để lòng thắc mắc là không thấy tiết vịt thì làm sao đánh tiết canh? Ngoài nhà hàng Việt cũng không thấy bán món tiết canh thì họ làm sao ra món tiết canh vịt ở Mỹ? Thôi thì cứ từ từ xem sao!
Anh ấy luộc hai con vịt, một con chặt ra đĩa, một con róc thịt bằm nhân tiết canh. Trộn rau răm, hành phi, ngò gai… ra những đĩa nhân tiết canh hấp dẫn, anh múc ra tô nước luộc vịt khá chuyên nghiệp vì không có mỡ, để nguội là đúng để đánh tiết canh, người bắc cha tôi gọi là nước dùng, người trong Nam gọi là nước lèo; tôi con nhà người bắc di cư nhưng sinh đẻ ở Sài gòn nên tôi gọi là nước luộc vịt. Ai nấy cười tôi nhưng chỉ là chuyện vui của dân ta ba miền hội tụ trong căn nhà nhỏ của người di dân trên xứ sở bao la Hoa kỳ này.
Một người đàn ông khen dĩa vịt chặt hấp dẫn quá, anh ta rón một miếng ăn thử, bị người anh của bạn tôi cự liền. “Ê, dĩa vịt luộc đó để cho đàn bà, trẻ nhỏ ăn cháo vịt. Bọn mình cũng một con nhưng băm nhân tiết canh, ông không được ăn phần của đàn bà, trẻ nhỏ…”
Tôi quá khó chịu với thắc mắc trong lòng là không thấy tiết vịt đâu hết thì lấy gì đánh tiết canh, phần tự hỏi tự trả lời là anh ấy mua vịt đông lạnh ở chợ Mỹ thì làm gì có tiết tươi để đánh tiết canh? Cuối cùng của tò mò là tôi chọn anh bạn có vẻ dễ tính, vui nhộn. Tôi hỏi anh, “Nhân tiết canh đã sẵn sàng, nước dùng đã nguội, nhưng tôi không thấy tiết thì làm sao đánh tiết canh?”
Anh nhìn tôi và cười bí hiểm, “Bên này… mặt trời lặn mới bán tiết vịt. Chút nữa tôi đi mua, anh đi theo tôi cho biết!”
Tôi kiên nhẫn chờ mặt trời khuất dạng. Thì ra anh bạn vui tính và có nụ cười bí hiểm của tôi là một tay trống của ban nhạc. Anh lái cái xe van Ford F 250 của Mỹ to đùng, nhưng tháo hết băng ghế bên trong để chở giàn trống, giàn loa, và cả giàn nhạc cụ của một ban nhạc để đi chơi nhạc cho đám cưới, tiệc tùng trong thành phố. Anh chở tôi đi mua tiết vịt về đánh tiết canh. Cả cái xe to lớn chỉ chừa băng trước ngồi được ba người nên có một người bạn nữa đi cùng. Lên xe mới biết người thứ ba là một tay chài, tay chài vô địch trong nhóm đồng hương tụ tập ở nhà bạn tôi. Anh quê ở Long An, không nhớ anh đã biết chài từ khi nào, chỉ biết trong nhóm bạn đồng hương này, không ai chài giỏi hơn anh.
Anh bạn là tay trống, lái xe một hồi đã lọt vào khuôn viên của trường cao đẳng trong thành phố. Nơi đây có công viên xinh đẹp, ao hồ cũng nhiều, cây cao bóng cả và những thảm cỏ xanh mát mắt… Trời đã chạng vạng nên vịt từng đàn tụ về những gốc cây lớn để qua đêm, những con vịt mập ú, đủng đà đủng đỉnh theo nhau về ổ rất vô tư, chúng không thèm tránh xe mà xe phải tránh chúng. Anh bạn lái xe Đột ngột dừng lại, anh bạn tay chài xuống xe không vội, anh mở cửa sau của cái xe van, và bắt chài gọn lẹ, chuyên nghiệp. Anh ném một chài vào đàn vịt, cái chài nhỏ nhanh chóng trở thành một bao lưới vịt, cả chục con. Anh ném lên thùng xe van rộng rinh, đóng cửa, và chúng tôi rời đi như một vụ bắt cóc chớp nhoáng. Đàn vịt có xao Động, nhưng một chút thôi, chúng bình thường lại như không có chuyện gì xảy ra, vài thành viên trong đàn vịt cả ngàn con bị bắt không đáng kể…
Về nhà, đếm trong thùng xe hơn mười con, người anh của bạn tôi chọn đi chọn lại rồi lấy hai con. Anh cắt tiết để lấy tiết đánh tiết canh, xác hai con vịt xấu số bị ném vô thùng rác luôn vì thịt chúng giai, ăn không ngon nên không lấy thịt, chỉ lấy hai cái mề vịt, gan vịt làm tiết canh.
Tổ lái chúng tôi có ba người, tiếp tục làm nhiệm vụ là đi thả đám vịt còn trong xe. Anh bạn là tay trống lười lái về trường cao đẳng cộng đồng vì hơi xa nhà, anh ghé cái công viên nhỏ của một xóm nhà ở cho gần, công viên có cái hồ nhỏ và thả đàn vịt. Chúng đủng đà đủng đỉnh như những người mới mua nhà, dắt nhau, theo nhau đến ngủ qua đêm ở gốc cây lớn. Sáng mai chúng lại bơi lội dưới cái hồ nhỏ hơn hồ ở trường cao đẳng nhưng cũng như bể bơi thiên nhiên, ngoài trời. Tôi nghĩ, ở Mỹ làm con vịt cũng sướng, chẳng phải lo nghĩ gì từ khi lập quốc, hồi khẻ mỏ chui ra khỏi quả trứng được mẹ ấp tới ngày có người Việt đến định cư mới bị xin tí huyết.
Lần đầu được ăn tiết canh vịt trên đất Mỹ thật ấn tượng, khó quên; không ngờ được ăn món ấy trên đất Mỹ nên không hiểu người Mỹ nghĩ gì khi biết người Việt ăn món tiết canh vịt với cách chế biến như trên, người Việt ăn tiết vịt sống!
Cho đến trời tối hẳn, người hàng xóm của bạn tôi mới đi làm về, anh ta còn mặc đồ cảnh sát trên người làm tôi hơi ái ngại với món tiết canh trên bàn nhậu, ngoài garage. Không thể ngờ được người đàn ông Mỹ trắng không vô nhà anh ta mà sang luôn nhà hàng xóm, anh chào mọi người, tay đón lon bia anh bạn chủ nhà của tôi trao cho viên cảnh sát. Anh khui lon bia và làm một hơi rất đúng điệu mùa hè Texas. Anh đón cái chén, đôi đũa của bạn tôi trao cho và làm bát tiết canh vịt tỉnh bơ như dân nhậu quê tôi. Rất bài bản từ lặt rau mùi cho vô chén, lá ngò gai, múc múc muỗng tiết canh; gắp miếng gan, miếng mề vịt để lên, rắc đậu phộng giã giập, vắt miếng chanh, chan chút nước mắm, gắp lát ớt… bài bản đến không ngờ. Anh ăn ngon lành và còn khen người anh của bạn tôi làm tiết canh chuyên nghiệp, lần nào cũng ngon như lần này.
Anh cảnh sát ngồi xuống bàn với chúng tôi, làm lon bia thứ hai… anh kể ra nghe càng không ngờ. Anh làm việc dưới downtown Dallas, người Việt dưới ấy cho anh ăn tiết canh là chuyện thường, anh gọi là VietNamese pizza. Anh biết tiết canh vịt có màu đỏ đậm, tiết canh dê có màu hồng, tiết cứng hơn nhưng không ngọt bằng tiết vịt. Anh từng ăn thịt chó, tiết canh chó luôn rồi! Hết nói nổi anh cảnh sát quá trời quá đất. Tôi hiểu qua cách trò chuyện của anh, anh tiếp xúc gần và thân mật với mọi sắc dân trong địa bàn anh chịu trách nhiệm nên trật tự trị an khu anh cai quản khá ổn định, chính những người dân là người cho anh biết những tổ chức tội phạm hay những người hành nghề bất chính đã và đang, rồi sẽ làm gì trong khu nhà… nhờ vậy anh hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn những đồng nghiệp của anh ở những khu vực khác.
Những người bạn hồi mới qua Mỹ tản mác theo thời gian vì mỗi người mỗi hoàn cảnh không giống nhau, nhưng chuyện hồi mới qua khó quên với lần đi chài vịt về làm tiết canh, khó quên anh cảnh sát tưởng anh về nhà nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, ai dè anh gọi vợ anh qua nhà hàng xóm nhậu cho vui. Vợ anh xách chai rượu đỏ qua nhậu thịt nướng , ăn cháo vịt chứ không dám ăn tiết canh, dù cô không hề sợ.
Thời gian trôi đi rất nhanh ở Mỹ. Tôi thường dẫn con đi câu cá vào những cuối tuần, ở những sông suối ao hồ gần nhà vì hai đứa nhỏ cũng thích câu. Nhưng việc học và khi lớn hơn, chúng không còn nhiều thì giờ đi câu nên tôi đi câu thường với bạn. Khổ nỗi đi câu sớm cho mát, mới có cá thì tiệm bán mồi câu lại chưa mở cửa. Chúng tôi đi câu từ hai, ba giờ sáng thì tiệm mồi tới năm giờ sáng mới mở cửa. Tôi mua cái chài (như mọi người đi câu) để tự mình chài mồi mà câu, không lệ thuộc giờ giấc của tiệm bán dù chẳng mấy đồng, nhưng chờ họ mở cửa để mua mồi rồi mới ra hồ thì mặt trời mọc, cá ra ngoài hết rồi. Nhưng quăng chài không bung như hồi nhỏ, nhớ lại đã bao năm xa ruộng xa đồng, móng chân không vàng phèn từ Độ mùa hè hết được về quê vì chiến cuộc ngày càng khốc liệt. Thoáng buồn như người nông dân đứng giữa thị thành xa lạ đến không nhận ra mình, người sông nước quên chài. Đành giao cái chài cho ông bạn câu người Đà nẵng, anh ấy chài giỏi và thậm chí là ghiền, thỉnh thoảng lại rủ tôi lái xe năm tiếng đồng hồ về tận Galveston để chài cá đối biển về chiên xù nhậu chơi, cuốn bánh tráng với rau sống thì ăn no bụng, hao bia khỏi nói.
Hè rồi, người bạn câu trẻ ở gần nhà đi Việt Nam nên nhờ tôi ghé nhà anh tưới nước dùm cho mấy cây bonsai. Cạnh nhà bạn tôi là nhà ông Ấn Độ, cũng là bạn câu; nhưng nhờ ông này không tin tưởng vì ông quên nhiều hơn nhớ. Tôi từng nghe bạn kể về việc chỉ ông Ấn Độ dùng chài, mấy lần đi câu chung, chính ông chài cá mồi cho tôi câu. Tôi tự tin là hôm nào tập lại vài lần thì mình cũng chài được như xưa, nhưng đi chung với người bạn trẻ tốt bụng nên anh cứ dành hết việc nặng, việc khó, chài thì thường ướt quần áo nên anh luôn dành chài cho tôi câu. Nói về ông Ấn Độ, hàng xóm của anh thì anh cho biết, “ông quỷ Ấn Độ này bây giờ chài giỏi rồi, ông ấy chài cả thỏ về nấu cà ri!”
Tôi nghe như chuyện tiếu lâm, không ngờ mục sở thị hôm đi làm tới trưa hết việc. Sếp bảo ai muốn về thì về nên tôi về, ghé nhà người bạn tưới bonsai dùm anh ta đang thăm gia đình bên Việt Nam. Gặp ông Ấn Độ ngồi ngoài gốc cây thông già ở bờ hồ với cây quạt mo phe phẩy như ông già quê bên quê tôi. Tôi nói ông vô nhà lấy chài, chài ít cá rô con dưới hồ, chiều đi câu catfish với tôi. Ông vui vẻ lắm, nói gì cũng ô-kê, làm liền. Không ngờ tôi đang tưới mấy cây bonsai nhà bạn tôi thì đúng y như bạn tôi từng kể về ông Ấn chài thỏ. Ông vào nhà lấy ít hạt ngũ cốc gì đó của Ấn Độ, ra rải gốc cây thông bên bờ hồ mát rượi. Tay ông lăm le cái chài như chực chờ đàn cá để chài, nhưng mắt ông không ở dưới hồ, cái hồ trước nhà là nơi câu cá của trẻ nhỏ. Mắt ông nhìn mười phương tám hướng xung quanh hồ, mọi nhà im ỉm cửa đóng then cài giữa trưa oi bức, không có xe qua lại ngoài đường, không có người hàng xóm nào tản bộ ra hồ. Ông bất ngờ xoay người tung một chài vào gốc cây thông, thể nào ông cũng tóm được ít nhất một con thỏ đang say mê ăn những hạt ông rải. Ông tóm luôn cái chài cho vào thùng nhựa 5 gallon thay vì đựng cá. Ông xách vào nhà và trở ra tiếp tục chài cá giả bộ vì ông chài thỏ mới là thật. Thỏ hoang nhiều lắm, chúng không lớn như thỏ nuôi và chúng màu nâu nhạt chứ không phải thỏ lông trắng. Ông Ấn chài một lát cũng vài con, đủ nồi cà ri thỏ thì ông mới chài cá rô con để đi câu catfish.
Ông làm tôi nhớ những người bạn chài vịt về làm tiết canh đã lâu không gặp, thỉnh thoảng gặp được người này thì thăm hỏi người kia ở chợ, nhà hàng, khu thương mại Việt Nam… Nhớ những ngày mới đặt chân lên nước Mỹ bao la mà không có những người đồng hương đến trước đón nhận nhiệt tình thì buồn chết đi được. Nhưng quả đúng là chúng ta đi mang theo quê hương, cả cái tốt lẫn những điều không nên làm ở xứ sở này như chài vịt về làm tiết canh. Nay thấy thêm ông Ấn Độ chài thỏ về nấu cà ri. Từng thấy mấy anh Mễ không khe (care) luật cấm vẫn bắt con amarillo là biểu tượng của tiểu bang Texas về làm món nhậu… Thử hỏi có đất nước nào dễ dãi với di dân hơn Mỹ, và có bao nhiêu người di dân thực sự biết ơn nước Mỹ đã dung chứa và dung thứ cho di dân toàn cầu hội tụ về đây, mấy anh châu Phi thì thằn lằn rắn ráo gì cũng cho vô nồi được hết. Người Phi Luật Tân, Thái Lan, Lào và Tàu cộng lại thích tuyết rơi, không để nhớ quê hương mà ra gầm cầu xa lộ bắt chim bồ câu về làm món nhậu. Bắt chim dễ như đi lượm củi vì chúng không sợ người, không thèm bay lên trời mà cứ ngoan ngoãn chui vô bao đựng của người bắt chúng. Nhưng thi thoảng một người di dân bị tống khứ về nước vì phạm pháp thì cộng đồng di dân nào cũng la ó om xòm lên. Cứ hô hoán cho chính quyền sở tại là kỳ thị, phân biệt đối xử. Xét cho cùng, mấy ai còn nhớ văn hoá phương đông với tôn chỉ: tiên trách kỷ hậu trách nhân. Mình đừng làm gì sai thì không ai trách mình cả. Đối với nước Mỹ, người di dân đã đến lúc nghĩ đến trả ơn hơn là quyền lợi được hưởng, nghĩ công bằng hơn về kỳ thị và phân biệt cũng là cách tự giải thoát định kiến cho mọi người.
Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét