25 thg 5, 2024

Nguyễn Xuân Thọ: Vi hành về miền Đông (Diển Đàn Thế Kỷ )

Mùa hè 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm bí mật vi hành ra miền Bắc, với tư cách là đi thăm cá nhân. Việc này được Hồ Chủ tịch và tướng Giáp ngầm chấp nhận, vì cả hai ông đều tôn trọng ông Diệm. Hai bên thỏa thuận sẽ không đón tiếp, không đưa tin, coi như không có chuyến đi này. Ông Diệm đi cùng hai vợ chồng ông Nhu và tài xế riêng. Trên đường ra Hà Nội họ ghé về Quảng Bình thăm quê. Ở Hà Nội, bà Nhu đã thỏa ước mơ được vào nhà hát lớn xem cải lương Bắc.

Công an Hà Nội được một phen khốn khổ. Một mặt phải lo bảo vệ cho đối phương mà không lộ diện, mặt khác không để cho dân chúng tiếp xúc với “địch”.

Chuyện tào lao. Đúng vậy, chỉ giả tưởng thôi. Điều không thể có ở xứ ta nhưng đã xảy ra ở nước Đức bị chia cắt trong chiến tranh lạnh. Chuyện thực 100%.

**

Sau khi cùng được thành lập năm 1949, nhà nước XHCN ở Đông Đức và Cộng hòa Liên Bang Đức ở miền Tây đều bị coi là hai khu vực chiếm đóng của Đồng minh nên không có chân trong Liên Hợp Quốc. Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển theo cách khác nhau, cả hai đều trở thành những nền kinh tế đáng kể, đều có vai trò quốc tế. Ngày 18.09.1973, hai nước cùng được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc. Ngay từ 1949 Tây Đức đã chủ trương thống nhất đất nước, tự gọi mình là “Nước Đức”. (Deutschland). Đông Đức thì đấu tranh đòi bên kia phải công nhận mình là nhà nước Đức thứ hai với cái tên Cộng hòa dân chủ Đức (DDR). Đó là mục tiêu “Chiến tranh lạnh” ở Đức.

Khi thủ tướng tây Đức Willy Brandt đưa ra “Chính sách phương Đông” (Ostpolitik) vào năm 1969 thì cuộc chiến này xảy ra dưới một hình thức mới, tuy ngày càng gay gắt. Tôi từng là nhân chứng trong cuộc đi thăm Đông Đức tháng 3.1970 của thủ tướng Tây Đức Willy Brand tại Erfurt [1], khi nhân dân Đông Đức bất chấp sự ngăn cản của công an, phá rào đến tung hô ông.

Tình báo Đông Đức đã thành công trong việc gài điệp viên Günter Guillaume vào chức thư ký cho Willy Brandt [2]. Sau khi Guilleaum bị phát hiện, ngày 24.4.1974 ông Brandt phải từ chức. Những người kế nhiệm ông là Helmut Schmidt và Helmut Kohl vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách phương Đông để tránh một cuộc chiến tranh nóng bằng vũ khí hạt nhân. 

Ngày 07.09.1987 chủ tịch Đông Đức Honecker đi thăm chính thức Tây Đức, được ông Kohl đón tiếp trọng thể với quốc ca, quốc kỳ của “Nhà nước công nông”. Đối với Honecker, đây là đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp của mình. Ông Honecker còn được về thăm làng cũ ở Neunkirchen. Mấy ông bà già bạn của bố ông vui vẻ bắt tay thằng bé hàng xóm ngày xưa, nay là nguyên thủ nước Đức khác.

Ông Honecker mời ông Kohl sang thăm Đông Đức. Ông Kohl nói là sẽ sắp xếp.

– Nhưng ông có cho phép ông bạn Ost của tôi, vốn là fan của đội bóng đá SC-Dresden sang xem một trận banh không? Ông Kohl vừa hỏi vừa nhìn sang người thư ký Friedhelm Ost ngồi bên cạnh. 

– Làm gì còn SC-Dresden nữa, giờ nó là Dynamo Dresden rồi. Tất nhiên ông ấy có thể sang thăm đội nhà của ổng chớ – Ông Honecker vui vẻ trả lời.

Ở Đông Đức, các đội bóng đá của công an đều lấy tên là Dynamo (Dynamo Dresden, Dynamo Berlin…) giống như Liên Xô. Các đội này rất mạnh vì họ tuyển chọn được nhiều cầu thủ giỏi, mà công an gọi thì ai chả thích. Thời đó trên là trời, dưới là công an. Còn STASI (An ninh quốc gia) thì trên cả trời.

– Ồ hay quá, thế thì ông cho vợ chồng tôi đi ké với ông Ost nhé? Chúng tôi chỉ đi thăm cá nhân thôi.

Câu chuyện tán gẫu này được lễ tân hai nước chuẩn bị kỹ càng. Ông Kohl được bí mật vi hành Đông Đức mà không có báo chí và mật vụ đi kèm. Phía Đông Đức lo vệ sỹ, nhưng không được lộ diện, không được can thiệp nếu không có nguy hiểm tính mạng cho ông Kohl. Đó là quả đắng mà Honecker chấp nhận để đạt được những viện trợ kinh tế từ ông Kohl.

Ngày 27.05.1988 là một ngày thứ sáu đẹp trời, nhưng là một cơn ác mộng cho anh em STASI. Ông Kohl cùng vợ, cậu con trai út, ông Friedhelm Ost và cố vấn chính trị Wolfang Bergdorf đi trên hai chiếc xe Mercedes thiết kế chống đạn, tiến đến cửa khẩu Wartha. Biên phòng Đông Đức đã chuẩn bị sẵn và mời hai chiếc xe này sang luồng đặc biệt để làm thủ tục hộ chiếu ưu tiên. Họ xin phép cho một xe dẫn đường, nhưng ông Kohl không đồng ý. Thế là hai chiếc xe Mercedes lên đường tiến vào Đông Đức, theo sau là vài chiếc xe hộ tống của STASI mặc thường phục.

Ông Honecker giữ lời hứa, giao cho thiếu tá STASI Brückner, đội trưởng đội vệ sỹ của mình lo vụ này với chỉ thị, không để xảy ra bất cứ sự cố nào. Vụ dân chúng đón chào Willy Brand 1970 còn ám ảnh họ. 

Sau ngày thống nhất nước Đức, ông Bernd Brückner trở thành một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực “Bodyguard”. Ông thành công trong việc mở trường chuyên dạy vệ sỹ. Giờ đây ông về hưu và chủ yếu lo việc tuyển mộ lao động từ Việt Nam sang Đức.[3]

Kể chuyện với báo chí, ông Brückner vẫn nhớ đến nhiều chi tiết trong chuyến vi hành đặc biệt này của ông Kohl. Tất nhiên Brückner lên kế hoạch cặn kẽ, gài 1000 mật vụ ở tất cả các khách sạn, sân vận động, nhà thờ và nhà hát mà ông Kohl sẽ đến. 

Ông Kohl biết vậy nên chủ động tránh những gì có thể tránh. Ông thay đổi lộ trình liên tục. Gặp chợ thì dừng lại thăm quầy hàng rau, gặp hàng kem thì vào mua kem ăn. Ông không ghé nhà thờ do STASI khuyên mà bất ngờ ghé nhà thờ lớn Erfurt khi đi bộ thăm nội thành. Sau khi nhận phòng khách sạn Bellevue Weimar, gia đình ông lập tức xuống phố đi dạo. Khi vào sân vận động xem Dynamo Dresden đấu với Jena, ông cũng bỏ phòng VIP, ra bên ngoài tranh thủ đi lại trò chuyện với các fan bóng đá. Tại nhà hát nhạc kich Dresden tối 28.5 cũng vậy. Đoàn ông Kohl được sắp xếp ngồi trong một lô bị bao quanh bởi các gia đình STASI. Mật vụ chiếm giữ mọi ngõ ngách của nhà hát. Vở nhạc kịch Tannhäuser của Wagner kéo dài 3 tiếng với 3 lần nghỉ giải lao khiến các chiến sỹ STASI lao đao. Vợ chồng ông Kohl tranh thủ cả ba lần ra hành lang nghỉ, chủ yếu là để gặp gỡ khán giả. Tất nhiên nhiều người bị bất ngờ không tin vào mắt mình.

Nhưng có một điều mà lúc đó chính ông Brückner, sỹ quan STASI phụ trách chuyên án “Kohl vi hành Đông Đức” cũng không hiểu nổi là làm sao một phụ nữ lại đột nhập được vào nhà hát để trao cho ông Kohl một bức thư cầu cứu.

Bác sỹ Johannes Hellinger [4] là nhà khoa học về chấn thương chỉnh hình, đồng thời là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Đông Đức vì những đòi hỏi về tự do học thuật và ngôn luận. Nhà của ông luôn bị STASI canh gác 24/7. Vậy mà làm sao vợ ông ta, bà Gertraut Hellinger lại lội cạn qua “Bánh canh Đức”, ra được khỏi nhà, rồi còn lọt hàng rào của hàng trăm sỹ quan STASI đội lốt khán giả để vào tận nhà hát gặp vợ chồng ông Kohl.

**

Việc ông Kohl muốn bí mật vi hành Đông Đức có nhiều lý do. Đầu tiên là ước vọng của bà Kohl, đệ nhất phu nhân Tây Đức. Bà sinh năm 1933 ở Berlin, lớn lên ở Leipzig. Năm 1945 hồng quân Liên Xô đánh chiếm Đông Đức và gây ra một tội ác chiến tranh vô cùng khủng khiếp. Bà Hannalore trở thành một trong số hàng trăm ngàn phụ nữ Đức bị hãm hiếp tập thể [5]. Sau đó cô gái 12 tuổi bị chúng ném qua cửa sổ vì tưởng cô đã chết. Mặc dù bị gãy nhiều đoạn xương nhưng may mắn cô sống lại và chạy thoát sang miền Tây. Từ đó nguyện vọng trở về thăm quê luôn day dứt bà. Khi Đông Tây bình thường hóa quan hệ, bà đã nhiều lần giục ông Kohl cho bà về thăm quê.

Ông Kohl cũng thích đi để tìm hiểu chế độ XHCN, nhưng không muốn tạo ra cái cớ để nâng cao uy tín phía bên kia. Việc ông sang đó khẳng định sự công nhận chế độ chính trị của họ hơn là việc ông đón họ bên này. Vì thế ông chần chừ trong việc nhận lời đi thăm chính thức. Hơn nữa ông chỉ muốn đi thăm mà không vướng các chương trình được cài đặt sẵn. Ông muốn vi hành âm thầm để thực sự tiếp xúc với nhân dân. 

Việc viên thư ký Friedhelm Ost là Fan của đội Dresden giúp ông chơi trò tháu cáy “Ngoại giao bóng đá” và không ngờ được ông Honecker chấp nhận ngay.

Năm 1987 kinh tế Đông Đức lâm vào thời kỳ nguy kịch. Chủ tịch Liên Xô Gorbachev phải cắt giảm khá nhiều viện trợ cho các nước Đông Âu để tự cứu mình. Lối thoát duy nhất của ông Honecker là tìm kiếm các hợp đồng kinh tế với Tây Đức. Vì vậy ông chủ động xin đi thăm Tây Đức mà không hỏi ý kiến Moskva. Khi sang đó ông được đón tiếp tử tế, được bố trí về thăm quê nhà nên cảm thấy thoải mái. Ông đã vui vẻ đồng ý chuyến đi không chính thức của ông Kohl mà không cần xin phép Gorbachev. Vì cần những nhân nhượng về kinh tế của đối phương nên ông cũng vui vẻ chấp nhận việc an ninh bên ông sẽ tự kiềm chế.

Kohl (phải) và Erich Honecker tại Văn phòng Thủ tướng Liên bang ở Bonn, 1987

Ông Kohl chưa nghĩ đến khả năng thống nhất đất nước, nhưng cũng tận dụng cơ hội này để xem phản ứng của dân chúng và cuộc sống bên kia. Ông đã khôn khéo rũ bỏ các địa điểm cần đến theo đề nghị của STASI về. Có nhà thờ đã chuẩn bị đón ông mà ông không đến, lại bất ngờ rẽ vào nhà thờ Erfurt trong khi đi bộ ở trung tâm thành phố. Ông linh mục nhận ra ông và những người đi cùng nên mở cửa cho ông vào khu chủng viện rồi đóng sập cánh cửa lại trước mặt các nhân viên STASI đi sau đó vài mét. Nhà thờ ở Đông Đức dù bị kiểm soát nhưng vẫn là nơi mà STASI kiềng nể, họ hàng cha mẹ họ đều là những người sùng đạo. 

Thế là ông Kohl thoải mái nói chuyện với giám mục và một số học sinh trường dòng. Nhiều học sinh chủng viện khác biết tin ông Kohl đến, nhưng không dám xuống.

Tại lâu đài của đại văn hào Goethe hàng chục sỹ quan STASI cải trang, lởn vởn xung quanh vì tin rằng ông Kohl sẽ đến. Cuối cùng họ chưng hửng. Ông Kohl không đến đó mà tìm những chỗ đông người để đi dạo và đến đâu cũng gây được sự chú ý. Nhiều người chạy đến nói chuyện, chụp ảnh hoặc xin chữ ký. Các sỹ quan an ninh Đông Đức không dám can thiệp để xua đuổi dân chúng. Họ sợ làm như vậy sẽ kích động, làm tình hình phức tạp hơn. Điều họ cần tránh là dân chúng ồ ạt kéo đến gặp ông Kohl đã không xảy ra. Tuy khó chịu bởi các cuộc tiếp xúc nhưng họ yên tâm. Ông Brückner, sỹ quan phụ trách vụ này thường xuyên báo cáo về Bộ An ninh quốc gia là “Mọi việc trong tầm kiểm soát”. Ông dấu nhẹm những vụ gặp gỡ của dân chúng với ông Kohl.

Những cuộc gặp gỡ dân chúng, tìm hiểu giá cả ngoài chợ, trong thành phố đã giúp ông thấy rõ hình ảnh của miền đông XHCN. Tuy nhiên ông không thỏa mãn vì chưa gặp được giới bất đồng chính kiến. Vào chiều thứ bảy 28.5 hãng thông tấn Tây Đức DPA đưa một tin ngắn là ông Kohl đang ở Dresden và sẽ đến xem Opera ở nhà hát nhạc kịch Semper. Đây là nhà hát nổi tiếng ở châu Âu từ thế kỷ 19 và suốt mấy chục năm XHCN vẫn là một nhà hát nhạc kịch hàng đầu. Do vậy việc một nguyên thủ quốc gia đến xem biểu diễn là chuyện bình thường.

Giáo sư Johannes Hellinger, giám đốc Viện chấn thương chỉnh hình thuộc viện hàn lâm y học Dresden là nhà khoa học đầu ngành thời đó ở châu Âu. Năm 1978 ông đã được chính phủ CHDC Đức cử sang Iraq chữa đệm cột sống cho Saddam Husein. So với nhiều đồng nghiệp khác, ông được hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi của chế độ.

Người chân chính chỉ có thể coi mình là trí thức, nếu không nhắm mắt trước các thực trạng của xã hội và giáo sư Hellinger đã sống theo nguyên tắc đó. Vì các phê phán của ông về vi phạm tự do tư tưởng và nhân quyền, từ năm 1983 ông bị cách chức và cấm hành nghề. Con trai cả của ông, một bác sỹ thú y, cũng mất việc. Cậu em bị đuổi khỏi trường đại học. Bà Gertraut, vợ ông cũng bị đuổi việc. [6]

Từ một gia đình danh giá, họ bỗng bị tước hết quyền sống trên quê hương. Lựa chọn duy nhất còn lại là sang miền Tây lập nghiệp cũng bị chặn đứng. Cả 32 lá đơn xin xuất ngoại định cư của họ đều bị từ chối. Ngôi nhà họ ở luôn bị STASI canh gác 24/7. 

Ở Đông Đức, không chỉ giới bất đồng chính kiến mới xem và nghe “đài địch”. Dân thường thì thưởng thức văn nghệ, đá bóng, người quan tâm chính trị thì theo dõi tin. Tối 28.5 đó bà Gertraut nghe được đoạn tin ngắn phát qua “Làn sóng Đức” (Deutsche Welle DW) rằng ông Kohl hiện đang đi thăm không chính thức Dresden và tối nay sẽ đến xem nhạc kịch ở nhà hát Semper. Bà chợt hiểu tại sao hai ngày qua lực lượng STASI bố trí trước nhà đông hẳn lên.

Trong suốt mấy chục năm chiến tranh lạnh chính phủ Tây Đức đã chi 3,5 tỷ DM để “mua tự do” [7] cho 33.750 tù chính trị Đông Đức. Đó là chưa kể 5 tỷ DM được dành để xin cho 250.000 công dân Đông Đức sang miền Tây sinh sống. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người phê phán chương trình này đã tháo ngòi cho phong trào đấu tranh dân chủ ở Đông Đức và khuyến khích STASI bắt bớ đàn áp để thu ngoại tệ. Nhưng đối với gia đình Hellinger thì đây là lối thoát duy nhất của họ.

Lập tức bà Gertraut Hellinger viết một lá thư tay gửi vợ chồng ông Kohl với dòng cuối cùng: “Hãy cứu chúng tôi!”. Rồi ông giáo sư lái chiếc xe Wartburg đi cửa trước, phóng vào thành phố. Trời tối nhá nhem nên các nhân viên STASI không biết ai ngồi trên xe và họ lập tức lên xe đuổi theo ông. Bà Gertraut lúc này mới ra khỏi nhà và đi bus rồi đổi tàu điện đến nhà hát. Lá thư hoặc sẽ đưa bà đến tự do hoặc sẽ vào nhà tù được dấu kín trước bụng, sau cái áo thun. Khi bà đến nhà hát thì đã muộn và buổi biểu diễn đã bắt đầu từ lâu. Bà lang thang đi quanh nhà hát, lo lắng. Bỗng một cánh cửa ngách mở ra và khoảng một tá thanh niên bước ra ngoài hút thuốc. Bà biết đó là các nhân viên STASI nên tiến đến gần hỏi: “Các cậu có điếu thuốc nào cho mình một điếu?” Một cậu vui vẻ mời bà một điếu Juwel. Mặc dù cả đời chưa bao giờ hút thuốc, bà cố hết sức hút và tán chuyện với đám thanh niên. Sau chầu thuốc cả bọn kéo nhau vào, kèm theo cả bà. Vì tất cả đều mặc thường phục nên ai cũng nghĩ bà là “quân ta”. Là dân thượng lưu bà thuộc nhà hát Semper như lòng bàn tay nên đi thẳng đến “lô hoàng thượng”. Vừa đi bà vừa nghĩ nếu bị lộ, bà sẽ vừa chạy vừa hét to “Tự do cho các con tôi”. 

Nhưng trời có mắt. Ông Kohl tranh thủ mọi lúc nghỉ để ra khỏi lô đi dạo trong hành lang. Hai số phận gặp nhau. Bà Hellinger nhận ra bà Kohl và chỉ kịp rút bức thư ra trao. Bà Kohl cũng nhanh trí đút bức thư vào trong áo….

Khi ông Kohl ra về, có mấy chục người đứng ngoài phố và tìm cách đưa cho ông những bức thư. Theo như ông tài xế thì có đến 40 bức thư được họ mang về Tây Đức. Số phận những người này thế nào thì không rõ, nhưng ba tháng sau gia đình giáo sư Hellinger được phép rời Đông Đức sang miền Tây.

Vợ chồng giáo sư Hellinger sau khi được xuất ngoại sang Tây Đức. Nguồn Focus.de

Sau chuyến đi này ông Kohl tính sẽ đi thăm chính thức Đông Đức. Còn ông Honecker thì nói với đại sứ Liên Xô tại CHDC Đức: Chuyến đi này là một thí nghiệm để ông Kohl thấy rằng quan tâm của dân Đông Đức về ông ta là con số không!

Một năm sau bức tường Berlin bị xóa sổ, khác hẳn với nhận định của của cả hai nhà chính trị lão luyện. Lịch sử luôn đi con đường của nó. Các chính khách, bằng cách này hay cách nọ chỉ khiến sự thay đổi đến sớm hay muộn hơn mà thôi.

Nguyễn Xuân Thọ 

https://diendantheky.net/nguyen-xuan-tho-vi-hanh

————-

[1] Sách Hai Quê Hương, trang 117 https://books.google.de/books?id=L9-0EAAAQBAJ

https://books.google.de/books?id=L9-0EAAAQBAJ

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/G%C3%BCnter_Guillaume

[3] https://de.wikipedia.org/wiki/Bernd_Br%C3%BCckner_(Personensch%C3%BCtzer)

[4] https://www.hellinger.net/vita-prof-dr-med-johannes-hellinger-2/

[5] Năm 1945 binh lính Xô viết đã hãm hiếp hàng trăm ngàn phụ nữ Đức ở các vùng họ chiếm đóng. Sự việc này bị bưng bít cho đến sau 1990 mới được công khai trên báo chí Đức và châu Âu

https://www.deutschlandfunkkultur.de/grausame-lebenserinnerungen-100.html

[6] https://www.focus.de/politik/deutschland/geheimsache-semperoper-wie-helmut-kohl-1988-eine-familie-aus-der-ddr-holte_id_9108928.html[7] https://en.wikipedia.org/wiki/Trading_of_East_German_political_prisoners

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét