PB: Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam rời bỏ cuộc sống, để lại cho lịch sử và hậu thế một bài toán chưa lời giải. Cuộc đời và tác phẩm của ông không chỉ thu hút độc giả trong nước mà còn các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế. Cuộc phỏng vấn dưới đây phần nào hé mở cho chúng ta con người và văn nghiệp Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam dưới mắt các nhà nghiên cứu quốc tế.
Cuộc
phỏng vấn diễn ra qua trao đổi điện thư, kéo dài trong thời gian mươi
ngày cuối tháng Sáu, 2020, giữa nhà văn Nguyễn Tường Thiết từ Seattle,
bang Washington, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Maria Strasakova tại nước Cộng hòa
Tiệp.
Điểm đặc biệt của cuộc phỏng vấn này là : các câu hỏi được đặt ra bằng tiếng Việt và người được phỏng vấn trả lời bằng tiếng Anh. Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã dịch các câu trả lời sang tiếng Việt, nhưng vẫn giữ phần tiếng Anh ngay dưới.
Ảnh: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết và Tiến sĩ Maria Strasakova
Nguyễn Tường Thiết: Thưa cô Maria Strasakova, xin cô vui lòng cho độc giả của báo Diễn Đàn Thế Kỷ biết vài hàng về tiểu sử của cô.
Maria Strasakova: Trước
hết tôi xin thành thật cám ơn báo Diễn Đàn Thế Kỷ đã dành cho tôi cuộc
phỏng vấn này để đóng góp vào số đặc biệt tưởng niệm nhà văn Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam. Tôi lớn lên ở Việt Nam trong thập niên 1980 và Việt
Nam lúc nào cũng hiện diện trong gia đình tôi. Thật vậy, khi 18 tuổi,
tôi quyết định theo học về môn ngôn ngữ và xã hội học Việt Nam tại
trường đại học Charles University, Prague. Trong thời gian năm năm của
học trình, tôi đã theo học hai khoá mỗi khoá sáu tháng về Việt ngữ tại
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, tại Hà Nội vào năm
2000-2001. Trong khoảng 2003-2004 tôi dành một năm nghiên cứu các vấn đề
Đông Nam Á ở đại học Simon Fraser University, phân khoa Xã hội và Nhân
chủng học. Năm 2005 tôi tốt nghiệp đại học Charles University với luận
án: “Vị trí người Phụ nữ trong Xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến thế
kỷ 19” và cũng trong năm này tôi được chấp nhận tiếp tục học trình
tiến sĩ chuyên đề về Văn chương Việt Nam. Năm 2006, với Học bổng của
Pháp ở Paris, tôi dành ba tháng nghiên cứu trong Thư viện Quốc gia và
tham dự những khoá học về Việt Nam tại trường đại học University Denis
Diderot. Trong thời gian ở Paris, tôi quyết định chú tâm nghiên cứu về
nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Năm 2011 tôi trình luận án và khởi
sự dạy Việt ngữ tại trường Charles University, lịch sử và văn hóa Việt
Nam cũng như các vấn đề thời sự, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, tại phân
khoa nghiên cứu Á châu của trường đại học Metropolitan University
Prague. Từ năm 2017 tôi khởi sự hợp tác với phân khoa nghiên cứu Á châu
tại đại học Palacky University ở Olomouc, nơi đó tôi đã thiết lập và mở
ban nghiên cứu về Việt Nam. Năm 2019 đã có những sinh viên đầu tiên ghi
danh vào Chương trình Cử nhân.
Nguyễn Tường Thiết: Là
một người ngoại quốc lý do nào đã khiến cô học tiếng Việt, nghiên cứu
về văn hoá và lịch sử của nước Việt Nam và viết về những công trình
nghiên cứu ấy ?
Maria Strasakova: Như tôi đã đề cập, Việt Nam dường như luôn luôn hiện diện trong gia đình chúng tôi. Cha tôi, trong khi làm việc tại Toà Đại sứ Tiệp đã học tiếng Việt cùng với gia đình ở Hà Nội từ năm 1982 đến năm 1986. Vì vậy mà tôi đã ở Việt Nam trong những ngày thơ ấu. Khi chúng tôi trở về Tiệp, chúng tôi đã mang theo “Việt Nam”. Không phải chỉ là mang theo những kỷ vật (như sách vở, tranh sơn mài, bình sứ, ảnh chụp) mà còn mang theo những kỷ niệm tuyệt vời về một xứ sở đẹp đẽ và một dân tình tử tế (mặc dù trong tình trạng đất nuớc còn nghèo khó trong đầu thập niên 1980). Chính những kỷ niệm đầy quyến rũ này đã khiến tôi chọn học tiếng Việt tại trường đại học Charles và tiếp tục nghiên cứu Việt Nam trong suốt 20 năm sau đó.
Nguyễn Tường Thiết: Cô đã sống
trong bối cảnh nước Tiệp Khắc và Việt Nam cùng phát triển các mặt văn
hoá, trong đó có văn học, theo đường lối xã hội chủ nghĩa, vậy vì cơ
duyên nào cô đã chọn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm đề tài cho luận án
Tiến sĩ của cô, thay vì một nhà văn của chế độ cộng sản Việt Nam ?
Maria Strasakova: Ông đã nói rất đúng là có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia Tiệp Khắc và Việt Nam trong thời gian từ thập niên 1950 đến thập niên 1990 và xã hội chủ nghĩa là nền tảng của sự hợp tác đó. Trong thời gian này nhiều tác giả của chủ nghĩa hiện thực xã hội được dịch sang tiếng Tiệp. Đáng kể phải nói là tác giả Nguyễn Đình Thi với cuốn tiểu thuyết Vỡ Bờ, những truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan, những truyện của Tô Hoài v... v... Tuy nhiên, những tác giả của thời Tiền chiến lại không được đề cập tới nhiều. Tôi rất thích thú khám phá ra Nhất Linh Nguyễn Tường Tam với những tờ báo và tiểu thuyết của ông. Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy những người bạn Việt Nam ở nước Cộng hoà Séc (Czech Republic) chưa hề nghe nói đến tác giả này, cũng như là hai tờ báo Phong Hoá và Ngày Nay cùng những cuốn tiểu thuyết của ông. Vì vậy mà tôi quyết định viết về tác giả này để bù vào khoảng trống trong việc nghiên cứu văn học của nước Cộng hoà Séc.
Nguyễn Tường Thiết: Xin cô cho biết hành trình thực hiện luận án này.
Maria Strasakova: Năm 2006 ở Paris với học bổng của trường Université de Denis Diderot tôi quyết định chú tâm nghiên cứu về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Tôi tìm đọc trong thư viện hầu hết những tiểu thuyết và truyện ngắn của tác giả này. Tôi cũng thu thập tối đa những dữ liệu phân tích văn chương nhắm vào tác giả này cũng như nhóm Tự Lực Văn Đoàn của ông; đồng thời tôi tìm trên mạng đọc hồi ký của bạn bè và thân nhân tác giả để dựng lại cuộc đời ông. Công việc này rất khó khăn bởi vì hồi đó tôi vừa phải dậy học vừa làm việc tại trường đại học Charles và năm 2009 tôi bắt đầu làm việc toàn thời gian tại Metropolitan University Prague. Do đó phải mất tới năm năm tôi mới hoàn tất luận án. Nhưng đó cũng là một công trình đầy thích thú, bởi vì xuyên qua cuộc đời của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, tôi biết được nhiều về lịch sử cũng như sự chuyển mình về văn hoá, xã hội của nước Việt Nam trong thế kỷ 20. Thời gian này, tôi cũng là đồng tác giả của hai cuốn sách viết về Việt Nam bằng tiếng Tiệp (Lịch sử Việt Nam (2008) và Từ Điển Văn Chương Việt Nam (2011); việc nghiên cứu Nhất Linh Nguyễn Tường Tam của tôi quả đã giúp rất nhiều cho sự hình thành hai cuốn sách này.
Nguyễn Tường Thiết: Đã
có rất nhiều tác giả nghiên cứu và viết sách về nhân vật Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam từ hơn nửa thế kỷ qua, cô có nghĩ rằng luận án của cô
đã nêu lên vài điểm khám phá mới mà các tác giả khác không đề cập?
Maria Strasakova: Vâng,
ông nói rất đúng, quả là có rất nhiều tác giả phân tích về Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam. Tuy nhiên những phân tích này không toàn diện mà chỉ
chú trọng về cuộc đời ông hoặc về văn chương ông. Trong khi viết luận
án, tôi có hai tham vọng, thứ nhất, tôi muốn nhìn toàn diện Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam với một cái nhìn phức tạp hơn, đào sâu vào đời tư của
ông, về văn nghiệp của ông, và cả về những hoạt động chính trị của ông
nữa. Đặc biệt là những hoạt động chính trị này đã bị bỏ qua không nói
tới, hoặc là bị diễn dịch sai lạc, và tôi cho rằng đề tài này cần được
khai triển thêm. Tham vọng thứ hai của tôi là muốn thấu hiểu những tư
tưởng của ông xuyên qua văn nghiệp cũng như những cuốn tiểu thuyết của
ông. Trong văn học Việt Nam Nhất Linh Nguyễn Tường Tam luôn luôn được
trình bầy như một người nhiệt thành cổ vũ cho chủ nghĩa cá nhân triệt
để. Tuy nhiên, trong luận án của tôi, tôi biện luận rằng Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam đã phát huy và ủng hộ những giá trị Khổng giáo, mặc dù
là có thể ông đã đả kích chúng. Tôi cho rằng, về nhiều phương diện, ông
là một người quân tử chân chính theo quan niệm Khổng giáo, người sẵn
sàng giúp đỡ kẻ khác thực hiện ước muốn của họ. Ông cũng là người có
tinh thần quốc gia chân chính, luôn luôn mong ước những điều tốt đẹp
nhất xẩy ra cho xứ sở và cho dân tộc ông.
Nguyễn Tường Thiết: Cô có ý định xuất bản hoặc phổ biến luận án này của cô hay không?
Maria Strasakova: Tôi
muốn xuất bản luận án này, nhưng trước hết tôi muốn cập nhật hoá và bổ
túc thêm một số tìm hiểu mới trong phòng lưu trữ ở Aix-en-Provence. Tôi
đã phổ biến nhiều tìm hiểu của tôi về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cho độc
giả Tiệp khi tôi cập nhật hoá cuốn sách Lịch sử Việt Nam (2018). Tôi
cũng nói tới Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cùng những hoạt động của ông cho
độc giả người Tiệp biết trong cuốn sách Tự Điển của Những Tác giả Việt
Nam (2011). Tôi cũng đang thực hiện một cuốn sách chuyên khảo về sự phát
triển của văn học Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, trong đó có nhiều
trang dành cho Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và nhóm văn của ông. Tuy
nhiên, cũng thế, cuốn sách này sẽ được xuất bản bằng tiếng Tiệp.
Nguyễn Tường Thiết: Xin
cô cho biết những dự án và công việc cô sẽ thực hiện trong tương lai
liên quan đến việc nghiên cứu của cô về các vấn đề Việt Nam.
Maria Strasakova: Hiện
giờ tôi tạm ngừng việc nghiên cứu. Sau 20 năm tìm hiểu về Việt Nam bây
giờ tôi cảm thấy cần thiết nhìn lại đường hướng sự nghiên cứu cũng như
nghề nghiệp của mình sẽ phát triển như thế nào. Tôi có một vài dự tính
trong đầu, nhưng tôi cần thời gian để phân tích sự khả thi của những dự
tính đó.
Nguyễn Tường Thiết: Xin cảm ơn cô Maria Strasakova đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này. Tôi cũng xin được thay mặt tất cả những độc giả của báo Diễn Đàn Thế Kỷ cảm ơn cô đã cho biết tiểu sử cũng như những công trình nghiên cứu của cô, một người ngoại quốc đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm sức học tiếng Việt, nghiên cứu và quảng bá văn hoá Việt Nam trên thế giới, chắc hẳn sẽ khiến rất nhiều độc giả Việt Nam vừa cảm động vừa hãnh diện.
(Bài và ảnh do tác giả Nguyễn Tường Thiết cung cấp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét